Chuyên mục
Nộp lại hàng nghìn tỷ đồng, các 'ông trùm' trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ có được giảm án?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nộp lại hàng nghìn tỷ đồng, các 'ông trùm' trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ có được giảm án?

Chủ nhật 18/11/2018 18:49 GMT + 7
Liên quan đến vụ án đánh bạc nghìn tỷ đang được TAND tỉnh Phú Thọ xét xử, điều dư luận quan tâm là các 'ông trùm' trong đường dây này đã nộp lại số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, do phạm tội mà có, có được xem là khắc phục hậu quả để giảm án...

Những ngày gần đây, người dân cả nước đang rất quan tâm theo dõi vụ án đánh bạc nghìn tỷ được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử với 92 bị cáo, trong đó có ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát - bộ Công an); ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50), được cho là “bảo kê” cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ của Nguyễn Văn Dương, nguyên Chủ tịch HĐTV công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) và Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC online).

Các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ bị đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Phú Thọ.

Quá trình đưa vụ án ra xét xử, từ những bị cáo là con bạc, đến đại lý cấp 1, đại lý cấp 2, rồi mới đây nhất là “ông trùm” game online Phan Sào Nam đều thành khẩn khai báo và tự nguyện nộp gần như toàn bộ số tiền phạm tội do đánh bạc mà có, cụ thể là hơn 1.000 tỷ đồng cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, từ đây đã xuất hiện một vấn đề gây rất nhiều tranh cãi. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc các bị cáo trong vụ án này nộp lại số tiền do phạm tội mà có không được xem là khắc phục hậu quả. Mà đã không được xem là khắc phục hậu quả thì không được dùng làm căn cứ để xem xét giảm nhẹ. Bởi khách thể mà Bộ luật Hình sự bảo vệ trong trường hợp này là trật tự xã hội chứ không phải tài sản.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Luật sư Hoàng Tám Phi – công ty luật TNHH Tâm Anh (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, gần như khách thể của các tội Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền là xâm phạm tới trật tự xã hội chứ không phải xâm phạm tới khách thể là quyền sở hữu tài sản của một số tội phạm như Trộm cắp tài sản, Cướp tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Việc các bị cáo xâm phạm tới khách thể là trật tự xã hội trong vụ án này đã được nhìn thấy rõ ràng trong những ngày đưa vụ án ra xét xử vừa qua. Cụ thể gia đình nhiều bị cáo bị đảo lộn, tan cửa nát nhà, vợ chồng ly hôn, có bị cáo thì bị vợ bỏ đi đâu không biết, rồi sinh ra các vấn đề xã hội khác… Về nguyên tắc, bị can bị cáo xâm phạm tới khách thể gì thì phải khắc phục cái đó thì mới được xem là khắc phục hậu quả. Người nào trộm cắp, lừa đảo của người khác thì phải trả lại tài sản đã trộm cắp, lừa đảo. Người nào xâm phạm tới trật tự xã hội thì phải thiết lập lại trật tự thì mới là khắc phục hậu quả.

Vì vậy mới có quan điểm cho rằng, tiền bạc không phải là khách thể trong trường hợp này nên nó không được xem là khắc phục hậu quả. Khi đã không xem nó là khắc phục hậu quả thì nó không được xem là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1, Điều 46 BLHS năm 1999.

Luật sư. TS Hoàng Tám Phi đồng tình với ý kiến cho rằng, khách thể của các tội Rửa tiền, Tổ chức đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ… đã xâm phạm tới trật tự xã hội. “Hiểu theo nghĩa hẹp thì đúng là như thế. Nhưng nếu xem việc họ nộp lại tiền không phải là khắc phục hậu quả, theo quan điểm của tôi thì nó như là thấy cây mà không thấy rừng”, luật sư Phi nói.

Giải thích cho quan điểm của mình, luật sư Phi cho biết: Nhà nước thu được khoảng 3.000 tỷ đồng trong vụ án này và sẽ dùng tiền này tái đầu tư trở lại cho xã hội để củng cố, thiết lập, khắc phục lại trật tự xã hội, một phần hoặc khắc phục toàn bộ. Như vậy, xét đến cùng thì cũng chính là tiền giúp cho việc tái lập trật tự xã hội mà các bị cáo trong vụ án này gây ra.

Lý do thứ hai được luật sư Phi đưa ra là: Bản thân những tội phạm này, họ cũng không có đủ khả năng, công cụ để thiết lập lại trật tự xã hội mà phải do Nhà nước. Chính vì vậy họ chỉ biết nộp lại toàn bộ hơn 3.000 tỷ đồng tiền phạm tội mà có để Nhà nước sử dụng số tiền này làm công cụ tái thiết lại trật tự xã hội đã bị họ xâm hại trước đó.

“Vì vậy, theo quan điểm của tôi, cần phải xem việc các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ nộp lại số tiền do phạm tội mà có là tiền khắc phục hậu quả và coi đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo”, luật sư Phi nêu quan điểm.

TS. Luật sư Hoàng Tám Phi - công ty luật TNHH Tâm Anh (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Theo luật sư Phi, bản thân bản án có hai chức năng. Một là chức năng trừng phạt, thì việc TAND tỉnh Phú Thọ đang xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ chính là thực hiện chức năng này, “ai phạm tội đến đâu xử lý đến đó”. Chức năng thứ hai của bản án là phòng ngừa và giáo dục, mà theo quan điểm của luật sư Phi thì đây được xem là chức năng vô cùng quan trọng.

“Nếu sau khi bản án được tuyên và được thực thi thì sẽ rất nhiều người nhìn vào bản án đó để xem như một sự phòng ngừa, răn đe với chính mình. Còn trong trường hợp một bản án không công bằng giữa các bị can, bị cáo thì mọi người sẽ nhìn thấy ngay sự bất công ở đây, và không khỏi đặt ra câu hỏi vậy thì sao phải nộp lại trong khi người nộp lại cũng như không nộp lại”, luật sư Phi nêu vấn đề.

Pháp luật Việt Nam cũng vận dụng nhuần nhuyễn cả những truyền thống của cha ông để lại trong các quy định pháp luật như “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, mục đích khuyến khích con người ta khi lầm lỡ biết hối cải và tự nguyện khắc phục hậu quả mình đã gây ra. Nếu như người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả nhưng không công nhận trong bản án này thì vô hình trung là khuyến khích cho những đối tượng khác không phải nộp lại tài sản thu hồi bất chính do phạm tội mà có.

Vì vậy luật sư Phi cho rằng, những bản án như thế này sẽ mất đi chức năng thứ hai là răn đe, giáo dục, thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng của pháp luật và có thể tạo ra một tiền lệ xấu rằng cứ không phải là khách thể trực tiếp của tội phạm thì không phải nộp lại.

Cho đến bây giờ, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản nào quy định về việc khắc phục hậu quả với từng tội danh cụ thể. Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu luật pháp, nhiều kinh nghiệm, thâm niên trong quá trình công tác, giảng dạy về pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn tham gia các vụ án từ đơn giản đến phức tạp, TS. Luật sư Hoàng Tám Phi cho rằng, cần hiểu và nhìn nhận việc các bị can, bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính trong vụ án đánh bạc là giúp cho quá trình tái thiết lại trật tự xã hội theo nghĩa rộng. Vì suy cho cùng, đây cũng là việc người phạm tội khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.

Clip: Lời khai của bị cáo Phan Sào Nam tại phiên tòa sơ thẩm:

 

Tư Viễn
Nguồn: nguoiduatin.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.