Chuyên mục
Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Sa

Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Sa

Thứ năm 01/10/2020 14:09 GMT + 7

“Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn những hoạt động vi phạm tương tự”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. ẢNH: BNG

 

Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam


Chiều 1.10, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đặt câu hỏi với Người phát ngôn của Bộ về diễn biến mới nhất trên Biển Đông -  Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật lần thứ 3 trong năm ở Hoàng Sa.


Về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng Việt Nam nhấn mạnh: “Cần phải nhắc lại một lần nữa là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đầy đủ của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.


Theo bà Hằng, việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, gây phức tạp tình hình, trở ngại cho hòa bình và không có lợi cho quá trình đàm phán COC. Việc này, theo bà Hằng, cũng không góp phần vào việc duy trì một môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.


“Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn những hoạt động vi phạm tương tự”, bà Hằng nhấn mạnh.


Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế
Trong một diễn biến liên quan khác, được đề nghị nêu quan điểm về việc Anh - Pháp - Đức gửi công hàm chung lên Liên Hiệp Quốc về vấn đề Biển Đông, bà Hằng cho biết, lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau.


“Việt Nam cho rằng, các nước cùng chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở Biển Đông. Để thực hiện điều này, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, nghiêm túc, thiện chí quy định của Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UBNCLOS 1982) là thiết yếu", bà Hằng nói.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm đã nêu tại các tuyên bố ở Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, và tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 vừa qua rằng, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.


Với tinh thần đó, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cùng với các nước ASEAN, Việt Nam mong các nước, trong đó có các nước là đối tác của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác trên Biển Đông, và giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp đối thoại cũng như các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế, vì lợi ích chung của các nước và cộng đồng quốc tế. 


Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho biết nước này sẽ cố gắng hoàn tất lần gặp thứ 2 của đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC) trước khi chuyển giao vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc cho Myanmar, vậy quá trình đàm phán COC của ASEAN với Trung Quốc đến nay thế nào? Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, việc nối lại đàm phán COC sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 là ưu tiên của các nước ASEAN và Trung Quốc.


Chia sẻ ưu tiên này, Việt Nam mong muốn cùng các nước liên quan sớm nối lại đàm phán, tiến tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông chất lượng, toàn diện, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

 

Vũ Hân

Nguồn: thanhnien.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.