Chuyên mục
Nhật ký Đặng Thùy Trâm và hành trình đến với nước Nga
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm và hành trình đến với nước Nga

Thứ sáu 27/07/2012 12:47 GMT + 7
Đặt chân xuống Nội Bài sau chuyến bay dài từ Matxcova, những thành viên trẻ tuổi của Câu lạc bộ may Thăng Long thu xếp lập tức để tới thăm gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Ngôi nhà nhỏ ấm cúng của bà Doãn Ngọc Trâm trên phố Đội Cấn đã thành địa chỉ quen thuộc của họ từ hơn một năm qua, mỗi dịp họ trở về Hà Nội. Đặt lên bàn thờ nữ bác sỹ anh hùng cuốn Nhật ký đã được dịch sang tiếng Nga, được in ấn công phu và trang trọng, những thành viên Câu lạc bộ, hầu hết đều sinh ra sau chiến tranh, thắp nén hương lòng thưa với người con gái “mãi mãi tuổi xuân” rằng, ấp ủ của họ cuối cùng cũng trở thành hiện thực…

            
      Bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm phát biểu trong buổi Lễ ra mắt sách

1. Minh mẫn và hoạt bát lạ kỳ so với tuổi 91, bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của Anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm tíu tít đón khách. Niềm vui lấp lánh trên gương mặt phúc hậu, lưu nhiều dấu ấn một thời nhan sắc, bà Doãn Ngọc Trâm nhắc đi nhắc lại, dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nga là ao ước từ lâu của bà và các con. Hình ảnh nước Nga in đậm trong những dòng chữ âu yếm của “chị Thùy”, cách gọi thân thương mà những cô em gái dành cho người chị cả của mình. Nước Nga bảng lảng qua hình bóng Suliko với khúc ca chị Thùy thường hát, cả khi ở Hà Nội thanh bình và ngay giữa chiến trường ầm oàng tiếng đạn bom gầm réo: “Bao nhiêu ngày tôi đi kiếm tìm quanh, Nơi nao người tôi yêu nấm mồ xanh, Lang thang tìm đâu thấy tôi đi cho đến bao giờ, Chín suối em hay chăng Sukiko”. Nước Nga thành một vùng ký ức vẹn nguyên, khó phai mờ trong tâm trí nhiều người Việt Nam. Và nước Nga, riêng của bà Doãn Ngọc Trâm còn là nỗi buồn mang tên số phận: Đấy là nơi người con trai duy nhất của bà, Quang, một lưu học sinh tài hoa đã học tập, sống những năm tháng tuổi trẻ đẹp đẽ của mình và ra đi mãi mãi vì bạo bệnh. Bà Doãn Ngọc Trâm cười hiền: Từ khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm được in, rồi nhiều nơi trên thế giới mua bản quyền xuất bản, gia đình bà vẫn băn khoăn và ngóng đợi, bao giờ di vật tinh thần vô giá của chị Thùy sẽ tới được với độc giả Nga?

Vốn là giảng viên khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng có hơn 20 năm sống và làm việc tại Nga. Nước Nga là phần không thể tách rời trong cuộc đời của nhà thơ đất Can Lộc, Hà Tĩnh. “Phải lòng” Nhật ký Đặng Thùy Trâm từ năm 2006, Nguyễn Huy Hoàng đã nhờ bạn mình, nhà thơ Vũ Quần Phương đưa tới thăm bà Doãn Ngọc Trâm. Chính ở những phút giây bịn rịn, ông nhà thơ tóc tai xóa trắng buột miệng: “Cháu sẽ dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nga”. Năm tháng qua đi, những ồn ã xô bồ của cuộc mưu sinh khốc liệt nơi xứ người khiến lời hứa của Nguyễn Huy Hoàng chỉ còn âm ỉ trong một góc thẳm sâu khuất nẻo của tâm hồn. Tất cả sẽ dễ bề chìm lấp, trôi theo dòng đời mỏi mệt, vô tình nếu không có một ngày của năm 2011, ở nước Nga lạnh giá, trong lần gặp gỡ giao lưu với các thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ may Thăng Long, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng hưng phấn trầm trồ một thông tin vừa cập nhật trên mạng: Bên Rumani người ta dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm và ra mắt rầm rộ lắm.

Tất cả là sự sắp đặt của chữ duyên. Bà Doãn Ngọc Trâm khẳng định đấy là cái duyên. Chị Hiền Trâm, Kim Trâm cũng coi mọi chuyện ngẫu nhiên xích lại gần nhau như mối duyên trời được chính chị Thùy linh thiêng đẩy đưa ráp nối. Câu nói bâng quơ của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng khiến Ngô Viết Tuấn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ bồn chồn. Đưa Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang nước Nga, đến với người Nga, để nhân dân Nga biết về chị Thùy, một nữ bác sỹ Việt Nam bình dị trong cuộc chiến đã nằm sâu trong dĩ vãng là điều Tuấn nghĩ tới, ngay trong lần đầu tiên tự tay xếp cuốn sách đang nổi danh ở Việt Nam vào hành lý trong lần trở lại nước Nga năm 2005. Sau một đêm chập chờn trằn trọc, Tuấn bốc điện thoại gọi cho Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đỗ Quý Dương: “Anh em mình làm đi”, “Làm gì”, “Đưa Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang Nga”. Không do dự, Dương gật đầu tắp lự. Thêm phiếu biểu quyết của Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Cường, Câu lạc bộ may Thăng Long tại Matxcova đã đồng thuận đầu tư tài trợ dịch thuật và phát hành Nhật ký Đặng Thùy Trâm, chỉ cốt để bạn bè Nga hiểu thêm về con người Việt Nam. Ý định ban đầu của Ban chủ nhiệm là nhờ dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, một tên tuổi quen thuộc với người đọc trong nước qua các bản dịch đình đám như “Trở về Ê đen”, “Tiếng cười trong bóng tối”, “Sonechka”, “Pháo đài trắng” chuyển ngữ, nhưng sự nhiệt tâm của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng khiến mọi người đổi ý, ủy quyền cho ông lo khâu tổ chức xuất bản. 

Đã cưỡi trên lưng hổ là không thể tùy ý nhẩy xuống, lời hứa tâm linh với người đã khuất cũng không thể là chuyện nói chơi, từ khoảnh khắc nắm tay nhau đồng thanh hô quyết tâm, những người trẻ đang hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở Matxcova, những người thuộc thế hệ 7X chỉ biết đến chiến tranh qua sách báo, qua nỗi nhớ của lớp người đi trước đã xoay tròn trong chuỗi công việc tưởng không có điểm dừng. Liên tục những lần đáp máy bay về Việt Nam, tới gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm trình bày ý tưởng, thắp hương khấn nguyện trước vong linh người nữ anh hùng và nhận sự chấp thuận bằng văn bản của gia đình chị Thùy, cho tới buổi lễ ký kết thỏa thuận giữa Câu lạc bộ may Thăng Long với Giáo sư Tiến sỹ Sokolov của Viện nghiên cứu Phương Đông ở Matxcova, người được nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tín nhiệm mời chuyển ngữ, dưới sự chứng kiến của Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn và các quan chức sứ quán ngày 24-8-2011, nhiều lần các thành viên trong nhóm đinh ninh mình sẽ không vượt qua được hàng loạt trở ngại khó lường. Công việc riêng chưa hẳn đã xuôi chèo mát mái, ngày lại ngày phải đối diện với vô vàn áp lực của cảnh làm ăn đối chọi nơi cách xa Tổ quốc gần 10 nghìn cây sô, nhưng Đỗ Quý Dương cùng Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ luôn kiên định với tâm niệm: “Chúng tôi là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, được hưởng nền hòa bình tự do của dân tộc. Sau khi đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, chúng tôi rất cảm phục tâm hồn trong sáng, hết lòng vì Tổ quốc của chị. Anh em chúng tôi ngoài việc kinh doanh, cũng thường đọc sách và chia sẻ cho nhau những quyển sách hay. Khi đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, chúng tôi chợt nghĩ tại sao lại không giới thiệu cuốn sách cho bạn bè Nga”. Cuốn sách luôn là sự thôi thúc, ám ảnh, mang trong đó những mệnh lệnh không lời dẫn dụ các thành viên giúp họ, giữa những căng thẳng thất thần của công việc, những khoảnh khắc bẳn gắt cáu kỉnh, những thoáng chốc mái nóng dồn lên mặt trong muôn vàn va chạm lại qua hàng ngày, nhưng hễ có một người nhắc đến Nhật ký, nhắc đến chị Thùy là tất cả, cả những người chưa hề đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng tự dưng lắng lòng chùng xuống, khao khát một cảm giác sống chậm, thật chậm…

                   

Lễ ký thỏa thuận về việc dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nga diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, tháng 8-2011


2. Nhận ủy thác từ những bạn trẻ Việt Nam, muốn tạo sự tin cậy tuyệt đối cho bản dịch, GS-TS Sokolov mời thêm một người bạn chung của ông và nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng - TS Lê Văn Nhân - Chủ nhiệm khoa Tiếng Nga trường Đại học Hà Nội, lúc đó đang giảng dạy ở Vladivostok làm bạn đồng hành. Sokolov và Lê Văn Nhân chia đôi cuốn nhật ký, mỗi người một nửa cặm cụi với từng con chữ chứa đầy lửa của chị Thùy. Bản thảo hoàn thành, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đọc, cảm giác ngần ngại xâm lấn, ông tỉ mẩn nhờ thêm hai người bạn Nga, hai nữ nhà văn Nga đọc lại. Hai người đàn bà Nga lắc đầu: Đọc cuốn sách, y như của hai người viết, hai giọng điệu, một của người Nga ở vùng Kapkazo, một là người Nga Matxcova. Công việc lại tiếp tục, dịch ngược dịch xuôi, dịch cho tới khi nào những lưn tăn lấn cấn không còn. Bản thảo chuyển tiếp cho dịch giả Đoàn Tử Huyến hiệu đính, những con chữ được xoay vần nâng lên đặt xuống, cân nhắc gượng nhẹ. Bản tiếng Nga Nhật ký Đặng Thùy Trâm hoàn thành, chuyển cho Koleznhic Nicolai Nicolaevik, người đứng đầu hiệp hội cựu chiến binh Liên xô, Nga từng sang giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ chốt lại để viết lời giới thiệu. Bằng trái tim của một người Nga, một tính cách Nga, một cựu chiến binh am hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam, ông Koleznhic Nicolai Nicolaevik đã viết những dòng chữ đầy tha thiết, run rẩy, như cách dẫn dụ bạn đọc Nga chầm chậm đến với những ngày tháng đạn bom hủy diệt trong chuỗi ngày chiến trường ác liệt của bác sỹ Đặng Thùy Trâm: “Tâm hồn người phụ nữ - đó là tâm hồn dân tộc. Điều đó được minh chứng bởi bất kỳ ngôn ngữ của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới cũng tồn tại khái niệm thiêng liêng Mẹ - Tổ quốc. Những ý nghĩ và ước mơ thầm kín mà Thùy ghi lại trong nhật ký không phải để người ngoài đọc, nhưng trong chúng phản ánh tất cả những gì mà hàng triệu bạn đồng lứa với cô, cả những người ít hoặc nhiều tuổi hơn cô đã sống và mơ ước trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Tôi nghĩ rằng bất kỳ đồng bào yêu nước nào của cô cũng có thể ký tên dưới những dòng nhật ký đó. Những suy nghĩ thầm kín về cuộc đời, danh dự, lẽ công bằng, những cảm xúc được gửi gắm vào những trang giấy nhỏ của cuốn nhật ký sâu sắc và triết lý, nhưng cũng rất gần gũi, dễ hiểu đối với tất cả mọi người. Ở đó thể hiện lòng căm thù đối với chiến tranh xâm lược và kẻ thù, thể hiện nỗi buồn về những người ngã xuống, những trăn trở về mối tình tuyệt vọng, mối lo âu khi chia tay và cảm giác nhói đau của cuộc chia ly, nỗi buồn khi nhớ về cha mẹ và tuổi thơ êm đềm, mong muốn được trở về nhà, sự khát khao một tình yêu lớn lao và trong trắng, mơ ước lại có được hòa bình và tận hưởng hạnh phúc của cuộc sống yên lành sau chiến tranh, cái mà Thùy đã không may mắn được hưởng. Cuộc đời ngắn ngủi, tràn đầy những lo âu và trăn trở của Thùy thật đặc biệt. Như một ngôi sao băng, cô vụt qua bầu trời, bay cao, bằng ánh sáng kỳ diệu của mình soi sáng cuộc đời và số phận cả một thế hệ anh hùng, thế hệ đã chiến thắng kẻ thù hùng mạnh và bạo tàn, giành độc lập, tự do và thống nhất cho cả đất nước Việt Nam. Tôi tin rằng trái tim mỗi người đọc cuốn sách này sẽ dấy lên cảm xúc sẻ chia, đồng cảm tới những người đã yêu hơn hết thẩy Tổ quốc mình và sẵn sàng hi sinh trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, sẽ cảm thấy tự hào vì những con người quên mình như thế luôn có giữa chúng ta. Tổ quốc cần biết và nhớ tới những người anh hùng của mình”.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga, ngôn ngữ thứ 20 của cuốn sách với tựa đề giản dị: Nhật ký của nữ bác sỹ trong chiến tranh, ngôn ngữ thứ 20 của cuốn sách được giao quyền cho Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây in ấn và tổ chức lễ ra mắt tại Việt Nam. 3.500 bản sách được in ở Việt Nam để tiết kiệm chi phí, và đưa ngược tới nước Nga để tặng cho những người bạn Nga của Việt Nam, công chúng Nga và những người Nga quan tâm tới đất nước của vô vàn nhiều câu chuyện anh hùng. Hội Cựu chiến binh Nga, Quỹ Hòa bình Nga, Hội Hữu nghị Nga Việt, các trường phổ thông, các trung tâm giảng dạy tiếng Việt ở Matxcova, các công ty của Việt Nam có người Nga làm việc là những địa chỉ được ưu tiên đón nhận Nhật ký. Bà Doãn Ngọc Trâm đã thỏa nguyện, ba người em gái của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, chị Phương Trâm, Hiền Trâm, Kim Trâm đã coi các thành viên Câu lạc bộ may Thăng Long và nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng như người thân tình trong gia đình. Nhật ký Đặng Thùy Trâm chỉ là bước khởi đầu. Hướng về đất nước, làm được một điều gì đó cho đất nước vẫn là áp lực mà những người Việt Nam vì lý do sinh kế, tạo dựng sự nghiệp ở xa Tổ quốc luôn tự để thôi thúc, ràng buộc mình. Chiều muộn, trong phòng khách kề bên bàn thờ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm tại gia đình bà Doãn Ngọc Trâm, ông Hoàng Văn Vinh, một doanh nhân đất Nghi Xuân Hà Tĩnh đãng ăn nên làm ra tại Nga bày tỏ mong muốn: Tìm được người vượt qua được tầng ngữ nghĩa và vẻ đẹp từ ngữ bền bỉ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để dịch sang tiếng Nga, tiếp tục giới thiệu một kiệt tác của văn học Việt Nam tới nước Nga. Ông Vinh ôm ước vọng đó, vì đã được đọc Truyện Kiều bằng bản tiếng Pháp qua bản dịch kỳ tài của bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, và sẽ thiệt thòi biết bao nếu những người Nga vốn đồng điệu với tâm hồn Việt Nam lại chưa được thụ hưởng Truyện Kiều bằng tiếng mẹ đẻ của họ, nhất là khi đại thi hào Nguyễn Du lại gần như sống cùng thời với đại thi hào Puskin của nước Nga nhân hậu. 

Ngô Hương Sen


26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.