Chuyên mục
Cô giáo trẻ trở thành nữ chiến binh IS tàn bạo như thế nào?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cô giáo trẻ trở thành nữ chiến binh IS tàn bạo như thế nào?

Thứ ba 07/10/2014 13:20 GMT + 7
Cô gái trẻ 25 tuổi mở chiếc mạng che mặt màu đen (niqab), để lộ khuôn mặt hình trái tim và đôi mắt nâu thấm đẫm cảm giác tội lỗi và sự hoảng loạn sau khi vừa rời khỏi một lữ đoàn tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo (IS).

Khadija ngồi trò chuyện với phóng viên CNN trong khi vẫn trùm niqab.

Lạc lối

Cô gái tự gọi mình là Khadija nhưng đó không phải tên thật của cô. Lớn lên ở Syria, Khadija được học hành đầy đủ, lấy bằng đại học và trở thành một giáo viên tiểu học. Khadija mô tả, gia đình đã nuôi dạy cô “không quá bảo thủ”.

Khi cuộc nổi dậy ở Syria bắt đầu hơn 3 năm rưỡi trước, Khadija tham gia phong trào biểu tình ôn hòa của quần chúng chống lại Tổng thống Bashar al-Assad và “những ngày đó thật tuyệt vời”, Khadija nói.

Nhưng khi cuộc nổi dậy của Syria rơi vào hỗn loạn và bạo lực triền miên, Khadija nói rằng cô bắt đầu đánh mất linh hồn mình, con người mình.

Theo Khadija: “Mọi thứ quanh ta đều hỗn loạn. Quân đội Syria, chế độ này, bom mìn, các cuộc đụng độ, những người bị thương, các trạm y tế, máu… khiến bạn muốn tách mình ra và tìm một lối thoát”.

Cô gái trẻ nhấn mạnh: “Vấn đề của tôi là tôi đã tìm đến một con đường tồi tệ hơn”.

Dần bị cảm hóa

Khadija nhận thấy bản thân bị cuốn hút bởi tài thuyết phục của một người đàn ông Tunisia cô gặp qua mạng. Theo thời gian, cô dần tin lời anh ta và bước chân vào Nhà nước Hồi giáo (IS). Người đàn ông Tunisia đảm bảo với Khadija rằng, IS không giống như những gì mọi người nghĩ và nó cũng không phải một tổ chức khủng bố.

“Anh ta nói: “Chúng ta đi theo đạo Hồi chân chính. Nhưng hiện tại, chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh và cần phải làm chủ đất nước này nên buộc phải tàn nhẫn”, Khadija kể.

Người đàn ông còn nói với Khadija rằng, anh ta đang đến thành phố Raqqa của Syria và thậm chí họ có thể kết hôn.

“Tôi đã liên lạc với người em họ của mình và cô ấy nói: "Chị có thể tham gia Lữ đoàn Khansa'a (Lữ đoàn nữ binh cảnh sát của IS) với chúng em”. Cô ấy đang sống ở Raqqa cùng với chồng là một thành viên của Nhà nước Hồi giáo”, Khadija tâm sự.

Khadija đã thuyết phục gia đình cô chuyển đến Raqqa và nói rằng, ở đó sẽ dễ dàng hơn cho việc đăng ký học cho em trai cô và họ sẽ được họ hàng giúp đỡ.

Với sự trợ giúp của người em họ, Khadija được chào đón vào Lữ đoàn Khansa'a đáng sợ.

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo đang hoành hành khắp một vùng lãnh thổ thuộc Iraq và Syria. (Ảnh: Daily Mail).

Bên trong Lữ đoàn của IS

Lữ đoàn Khansa'a bao gồm khoảng 25 đến 30 thành viên toàn bộ là phụ nữ, được giao nhiệm vụ tuần tra trên đường phố Raqqa để đảm bảo phụ nữ ở đây sẽ tuân thủ quy định về trang phục của IS. Những phụ nữ vi phạm đều bị đánh bằng roi và người thực hiện hành động này là Umm Hamza.

Lần đầu tiên Khadija nhìn thấy Umm Hamza, cô rất sợ hãi. “Cô ấy không phải một phụ nữ bình thường. Cô ấy rất cao lớn, có một khẩu súng AK, một khẩu súng lục, 1 cây roi, 1 con dao găm và trùm niqab”, Khadija mô tả.

Chỉ huy Lữ đoàn Khansa'a, Umm Hamza trấn an nỗi sợ hãi của Khadija. “Cô ta đến gần tôi và nói một câu mà tôi sẽ không bao giờ quên. Cô ta nói: “Chúng ta tàn nhẫn với những kẻ ngoại đạo, nhưng rất nhân từ với người của mình”.

Khadija được đào tạo lau chùi, tháo lắp và sử dụng vũ khí. Cô được trả 200 USD/tháng và được nhận khẩu phần lương thực.

Gia đình của Khadija nhận thấy cô đang trượt sâu vào con đường lầm lỡ nhưng không thể ngăn chặn con gái mình. Mẹ cô cũng từng cố gắng cảnh báo: “Hãy tỉnh ngộ đi con và hãy tự lo cho bản thân mình. Con đang bước đi nhưng con không biết mình đang đi đến đâu”.

Suy nghĩ thứ hai

Ban đầu, Khadija không để ý đến lời cảnh báo của mẹ và bị quyền lực quyến rũ. Nhưng cuối cùng, cô bắt đầu tự vấn bản thân và những nguyên tắc của Nhà nước Hồi giáo.

“Lúc đầu tôi hài lòng với công việc của mình và cảm thấy mình có quyền lực trên đường phố. Nhưng sau đó tôi bắt đầu sợ hãi, thậm chí tôi còn thấy sợ cả chính mình”, Khadija bày tỏ.

Cô gái trẻ suy nghĩ: “Tôi không phải người như vậy vì tôi có nền tảng giáo dục tốt. Điều gì đang xảy ra với tôi thế này? Suy nghĩ gì đã khiến tôi đến đây?” Và hình ảnh IS trong Khadija bắt đầu sụp đổ.

Lúc nào trong đầu cô cũng hiện ra hình ảnh một cậu bé 16 tuổi bị đóng đinh để hiếp dâm. “Điều tồi tệ nhất tôi nhìn thấy là một người đàn ông bị chặt đầu ngay trước mặt tôi”, Khadija nói.

Bạo lực với phụ nữ

Khadija cũng được chứng kiến những hành động bạo lực của IS với phụ nữ. Trong đó, 1 người đàn ông chuyên phụ trách tìm vợ cho các phiến quân IS chiến đấu ở cả trong và ngoài nước.

Khadija cho hay: “Ông ta là một trong những người xấu xa nhất. Các phiến quân chiến đấu ở nước ngoài rất tàn bạo với phụ nữ, ngay cả với người họ kết hôn. Có trường hợp, người vợ phải đi cấp cứu vì bị đánh đập và bạo lực tình dục”.

Khadija bắt đầu lo lắng về một tương lai không mong đợi. Người chỉ huy Lữ đoàn Khansa'a gây sức ép buộc cô phải kết hôn và cô quyết định rời khỏi Lữ đoàn tàn bạo này.

“Sau tất cả những gì tôi đã nhìn thấy và tất cả những lần tôi phải im lặng, tôi tự nói với bản thân mình: Như thế là đủ rồi. Và cuối cùng tôi quyết định ra đi”, Khadija bày tỏ.

Cô gái trẻ đã rời khỏi IS, vượt biên qua Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài ngày trước khi liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích, tiêu diệt các mục tiêu IS tại Syria, tuy nhiên, gia đình cô vẫn chưa rời khỏi nơi này.

Cuộc sống đằng sau IS

Khadija vẫn mặc niqab, không chỉ để che giấu danh tính của cô mà còn bởi vì cô đang phải tranh đấu để thích nghi lại với cuộc sống bên ngoài tổ chức khủng bố khét tiếng.

Khadija hối hận vì đã sống trong môi trường của những kẻ Hồi giáo cực đoan và giờ phải mất nhiều thời gian để thích ứng trong môi trường mới.

Khadija chia sẻ câu chuyện của mình với phóng viên của CNN bởi lý do: “Tôi không muốn thêm bất cứ ai bị chúng lừa”.

Cô gái trẻ muốn quay lại làm một cô gái “vui vẻ, yêu đời và luôn tươi cười, thích đi du lịch, đi bộ trên đường phố, nghe nhạc bằng tai nghe mà không cần quan tâm đến những gì người khác nghĩ”. Khadija nói: “Tôi muốn được như vậy một lần nữa”.

Thảo Nguyên (Theo CNN)
Nguồn: laodong.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.