Chuyên mục
Quân sự Nga-2017: Điểm nhấn Syria và yếu huyệt phía Tây
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Quân sự Nga-2017: Điểm nhấn Syria và yếu huyệt phía Tây

Thứ bảy 23/12/2017 09:27 GMT + 7
Những sự kiện quân sự chính của Nga trên thế giới trong năm 2017 nổi bật là điểm nhấn ở Syria và việc NATO áp sát biên giới phía Tây Nga.

Năm 2017 đánh dấu bằng chiến thắng của quân đội Nga tại Syria và cuộc chinh phục mới tại các thị trường vũ khí nước ngoài. Trong khi đó, vùng biên giới phía tây của Nga cũng không bình lặng, khi NATO đưa quân đội tới các nước vùng Baltic, Ba Lan và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania, Ba Lan.

Thất bại của IS tại Syria với sự hỗ trợ của Không quân Nga

Các hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang Nga chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar Assad được triển khai từ ngày 30 tháng 9 năm 2015 và kéo dài trong hơn hai năm đã đi đến hồi kết.

Sau giai đoạn hoạt động tích cực, vào ngày 11 tháng 12 Tổng thống Nga Vladimir Putin khi tới thăm căn cứ không quân Nga Hmeymim (Syria) và ra lệnh rút phần lớn lực lương về nước.

Các mốc hoạt động của chiến dịch tại Syria đánh dấu bằng việc giải phóng Aleppo (tháng 12 năm 2016), hai lần giải phóng thành phố cổ Palmyra từ tay khủng bố IS (lần cuối và sau đó bảo vệ thành công vào tháng 3 năm 2017) và giải phóng thành phố Deir ez-Zor hồi mùa thu năm nay.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng, trong bảy tháng qua, không quân Nga đã tiêu diệt hơn 32.000 phiến quân, nhưng chiến dịch quân sự thành công cũng kèm theo các tổn thất. Theo thông tin chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, thiệt hại của các lực lượng vũ trang Nga đã vượt quá 30 người.

Sau khi hoàn thành chiến dịch và rút quân, Nga vẫn duy trì một lực lượng ở lại Syria để ngăn ngừa khủng bố IS trỗi dây, đồng thời duy trì hoạt động của hai căn cứ quân sự Nga là căn cứ không quân thường trực Hmeymim và căn cứ hậu cần hải quân Nga ở Tartus.

Tuy nhiên, mục đích chính mà Nga để lực lượng quân sự ở lại là để giúp chính quyền Syria bảo vệ các thành quả đã đạt được, chống việc Mỹ sẽ kiểm soát hoàn toàn không phận Syria và tấn công quân đội nước này để hỗ trợ cho các nhóm khủng bố và đối lập ôn hòa.


Cuộc chiến ở Syria và việc NATO áp sát biên giới phía Tây Nga là những sự kiện quân sự hàng đầu của Nga

Gây chấn động thị trường vũ khí sau chiến dịch thành công ở Syria

Chiến dịch quân sự kéo dài hai năm của Nga tại Syria với sự xuất hiện thành công của hàng loạt vũ khí mới hoàn toàn hoặc vừa được hiện đại hóa đã tạo ra mối quan tâm lớn trên thị trường vũ khí thế giới đối với vũ khí của Nga.

Nga đã chính thức công bố việc cung cấp cho Ai Cập các máy bay trực thăng trên tàu tàu chiến là Ka-52K "Katran", các gói cung cấp xe tăng T-90 cho Iraq, Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong năm qua, một nước Bắc Phi đã đặt mua hệ thống tên lửa chiến thuật "Iskander"; cùng với đó là hợp đồng vũ khí đầu tiên được ký với quốc gia Đông Nam Á là Philippines - nước cuối cùng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoài Brunei), chưa từng được trang bị vũ khí Liên Xô/Nga.

Năm 2017 cũng sẽ được ghi nhớ với hợp đồng mang tính đột phá cung cấp hệ thống phòng không S-400 "Triumph" cho các quốc gia được coi là “đồng minh then chốt” của Mỹ ở Trung Đông là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Các nước khác trong khu vực như Bahrain và Qatar cũng đã bày tò mối quân tâm lớn tới S-400.

Cuộc chiến chống khủng bố ở Syria không chỉ cho Nga có cơ hội hoàn thiện hệ thống chỉ huy tác chiến, kinh nghiệm chiến đấu ở nước ngoài mà còn là môi trường hoàn hảo để Nga thử nghiệm tính năng các vũ khí mới, tìm ra điểm yếu của những vũ khí cũ để nâng cấp, hiện đại hóa chúng phù hợp với điều kiện thực chiến.

Giới chuyên gia nhận định rằng, sau hơn 2 năm tham chiến ở Syria, ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ tiếp tục có bước tiến mới, giúp vũ khí Nga giành thêm những thắng lợi trên thị trường xuất khẩu thế giới.

Cuộc tập trận khổng lồ "Phía Tây-2017" (Zapad-2017)

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc tập trận "Phía Tây-2017" diễn ra tại Belarus đã gây ra một cuộc chiến lớn trên các diễn đàn truyền thông.

Vào tháng 9, Nga và Belarus một lần nữa tổ chức cuộc tập trận chung "Phía Tây" có 12700 quân nhân tham gia. Hoạt động này đã dẫn tới cuộc chiến thông tin từ phía NATO: Dường như cuộc tập trận "che dấu việc xâm lược" vào 3 nước Baltic, bao gồm Litva, Latvia và Estonia; cùng với Ba Lan và Ukraine. Ngoài ra, Nga muốn giữ quân đội ở lại đồn trú tại Belarus sau khi kết thúc cuộc tập trận này.

Đáp trả những sự lo ngại của các nước phương Tây, Moscow và Minsk đã nhắc lại rằng, cuộc diễn tập hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, thao luyện khả năng chống lại quân khủng bố được nhận hỗ trợ từ nước ngoài. Cuộc diễn tập này được thực hiện theo kế hoạch đã định trước và mời cả các quan sát viên nước ngoài tham dự cuộc tập trận.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng, bất cứ cuộc tập trận quân sự nào cũng đều có đối tượng cụ thể, mục đích rõ ràng và tưởng định tác chiến nghiêm túc. Nga và Belarus không huy động hàng chục ngàn quân và hàng nghìn phương tiện chiến đấu hiện đại để chỉ “chống khủng bố” - lực lượng không có máy bay chiến đấu, phương tiện phòng không, tàu chiến…; nói tóm lại là yếu hơn mình rất nhiều.

Do đó, cuộc tập trận Zapad-2017 sẽ nhằm vào 2 mục đích chính: Thứ nhất là một cuộc thao luyện lớn của Nga và Belarus chống lại một cuộc chiến tiềm tàng của NATO vào lãnh thổ Belarus và sườn phía Tây của Nga; Thứ hai là đòn đánh tâm lý răn đe những ý tưởng tấn công Nga và cảnh cáo âm mưu bành trướng sang phía Đông của NATO.

Lực lượng NATO tại biên giới với Nga

Trong năm 2017, Washington đã hiện thực hóa những tuyên bố "diều hâu" mà nước này đã đưa ra ngay sau khi Crimea trở về với vào Nga tháng 3 năm 2014. Tại các nước Baltic và Ba Lan đã triển khai bốn tiểu đoàn NATO thuộc nhóm chiến thuật đa quốc gia với tổng số năm ngàn quân.

Tại Ba Lan và Đức bố trí thêm một lữ đoàn thiết giáp và một lữ đoàn Không quân của Lục quân Mỹ. Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn tích cực xúc tiến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (ABM) Mỹ ở Romania và Ba Lan - những hệ thống có thể được sử dụng làm bệ phóng tên lửa hành trình vào lãnh thổ Nga.

   
Cuộc tập trận "Phía Tây-2017" (Zapad-2017) đã khiến NATO vô cùng lo lắng

Do đó, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng, gần biên giới với Nga hiện nay, trên thực tế không chỉ có các lữ đoàn mà là cả các sư đoàn cơ giới quân đội Hoa Kỳ, có thể tập kết tại vị trí chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ từ căn cứ gần nhất của Mỹ ở châu Âu (Ramstein, Đức).

Ngoài ra, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga là Đại tướng Valery Gerasimov đã phát biểu trước các tùy viên quân sự nước ngoài cách đây không lâu là NATO đã tăng gấp đôi cường độ các hoạt động trinh sát trên không trên sườn biên giới phía đông của họ (tức phía Tây của Nga).

Từ khi khối quân sự Warszawa biến mất theo sự tan rã của Liên bang Xô viết, NATO đã mất đi đối thủ lớn nhất và duy nhất của mình. Thế nhưng khối này không những không giải tán mà còn tiếp tục phình ra, liên tục tiến về phía Đông, kết nạp thêm những nước thuộc Liên Xô cũ xung quanh Nga.

Ngoài ra, NATO còn lập thêm hàng chục căn cứ, cứ điểm quân sự, triển khai thêm nhiều trang bị hạng nặng ở các quốc gia Đông, Tây Âu và Baltic…, để xiết chặt vòng vây xung quanh Nga. Và có thể nhận định rằng, mức độ gây hấn của NATO trong năm 2017 đã tăng lên rất cao so với những năm trước.

Tàu phá băng đầu tiên sau 40 năm

Vào cuối tháng 11, hải quân Nga đã tổ chức lễ treo cờ trên tàu phá băng diesel-điện của dự án thế hệ mới 21.180 "Ilya Muromets" tại St Petersburg. Đây là con tàu được các thủy thủ chờ đợi đã lâu, bởi hải quân Nga đã không được trang bị con tàu phá băng như vậy trong hơn 40 năm qua.

Tàu phá băng "Ilya Muromets" được thiết kế đặc biệt với trục lái tàu phá băng đặt bên ngoài thân tàu và có thể quay 360 độ, cho phép nó di chuyển theo bất kỳ hướng nào và nhanh chóng đổi hướng đi.

Hải quân Nga đã đề xuất yêu cầu đóng con tàu này với các mục đích sau: Phá băng đưa các đoàn tàu đi xuyên qua các lớp băng; tham gia nghiên cứu khoa học, khảo sát thủy văn; cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các tàu nổi hoặc tàu ngầm trong các tình huống khẩn cấp.

Sự xuất hiện tàu phá băng mới không chỉ là một hoạt động biên chế trang bị thông thường của hải quân Nga, mà nó còn là sự cụ thể hóa quyết tâm thực hiện chiến lược độc chiếm-khai phá Bắc cực của chính quyền Moscow, trước những cạp mắt nhòm ngó của các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc…

Ngoài con tàu phá băng thông thường này, Nga đã và sẽ đóng thêm các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, giúp nước này có thực lực tàu phá băng mạnh gấp hàng chục lần Mỹ và Trung Quốc cộng lại. Điều này còn cho phép Nga có thể độc quyền khai phá tuyến vận tải hàng hóa qua Bắc Băng Dương, rút ngắn rất nhiều hành trình so với các tuyến đường vòng hiện nay.

Đoàn tàu hỏa hạt nhân đi vào đường cụt

Trong chương trình phát triển vũ khí mới của nhà nước giai đoạn 2018-2027, Nga sẽ tập trung sản xuất xe tăng chủ lực thế hệ mới T-14 Armata, tiêm kích thế hệ năm Su-57 và máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới. Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng nước này còn tập trung sản xuất các loại đạn và tên lửa dẫn đường chính xác cao “đã chứng minh hiệu quả trong hoạt động chống khủng bố ở Syria”, cùng với các phương tiện quân sự tự động hóa.

Như vậy, dự án đoàn tàu hỏa hạt nhân - từng là một trong những dự án sáng sủa nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Xô viết và được NATO coi là một “bóng ma” nguy hiểm nhất, đã bị cất vào ngăn kéo.

"Barguzin" bề ngoài không thể phân biệt được với một đoàn tàu vận tải thông thường. Trong những toa tàu chứa ba tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, với 30 đầu đạn hạt nhân, mỗi chiếc công suất 550 kiloton. Ngoài ra còn có trạm chỉ huy, các hệ thống công nghệ và kỹ thuật, phương tiện thông tin liên lạc và thành viên đội tàu.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cũng không có kế hoạch hoàn toàn từ bỏ dự án này mà chỉ hoãn nó cho đến giai đoạn 10 năm kế tiếp, do hiện nay Nga đang khó khăn về kinh phí, trong khi kho vũ khí hạt nhân của họ cũng đang đầy ắp các loại tên lửa hạt nhân phóng từ trên mặt đất và từ dưới đáy biển.

   
Tàu khu trục tên lửa mang số hiệu 174 “Hợp Phì” của Trung Quốc trong đợt diễn tập ở biển Baltic tháng 7/2017

Nga và Trung Quốc lần đầu tiên tập trận ở Baltic

Tháng 7 năm 2017, quân đội Nga và Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận chung mang tên “Hợp lực trên biển-2017” (hay còn gọi là "Tương tác biển 2017", tức Naval Interaction 2017) ở Địa Trung Hải và Biển Baltic, sau đó các tàu Trung Quốc tham gia cuộc diễn hành hải quân vào cuối tháng 7 trên sông Neva.

Cuộc tập trận được tổ chức tại vùng biển xung quanh đó toàn là các quốc gia NATO như Đức, Ba Lan, Đan Mạch..., cùng với 3 quốc gia Baltic là Latvia, Litva và Estonia; nên được coi là “ao nhà” của Hạm đội 6 Mỹ và hải quân NATO, đã cho thấy 4 vấn đề lớn sau đây:

Vấn đề thứ nhất là, Nga-Trung đang thắt chặt quan hệ giữa hải quân 2 nước, trong bối cảnh 2 nước này đang bị Mỹ bao vây, cô lập.

Vấn đề thứ hai là Moscow và Bắc Kinh muốn nhắn nhủ với Mỹ rằng, Địa Trung Hải và Baltic không còn là “ao nhà” của NATO, giương oai thực lực của 2 trong 3 cường quốc hải quân hàng đầu thế giới, gửi tín hiệu cảnh cáo tới "những cái đầu nóng" muốn gây sự với 2 nước này.

Vấn đề thứ ba là chính quyền Bắc Kinh muốn khẳng định rằng, thời Hải quân Trung Quốc chỉ mon men ở "ao nhà" đã hết, họ đã trở thành một "cường quốc hải quân nước xanh" (chỉ lực lượng hải quân có khả năng tác chiến viễn dương).

Vấn đề thứ tư là hiện nay Bắc Kinh đang ấp ủ dự án lớn về “Con đường tơ lụa trên biển”, xây dựng một chuỗi lên kết các nhà sản xuất và thị trường Âu-Á, kéo dài từ Trung Á, xuyên qua Địa Trung Hải đến Trung Đông và châu Âu, mà vùng biển Địa Trung Hải và Baltic là những đầu mối rất quan trọng. Do đó, sự hiện diện hải quân thường xuyên ở khu vực này sẽ là sự bảo đảm vững chắc về an ninh của Trung Quốc.

Thiên Nam
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.