Chuyên mục
Nga nhận định gì khi Trung Quốc quyết đấu Mỹ?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga nhận định gì khi Trung Quốc quyết đấu Mỹ?

Thứ bảy 10/08/2019 17:23 GMT + 7
Nguy cơ lớn nhất đối với Nga là giá dầu mỏ và các loại năng lượng khác lao dốc cùng hàng loạt thiệt hại và rủi ro khác.

Báo Nga khen “đòn đau” của Trung Quốc

Bình luận về những diễn biến mới trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tờ Reporter của Nga có bài viết cho rằng “Trung Quốc đang giáng cho Mỹ một đòn đau”.

Theo tờ báo Nga, dường như Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu trò chơi “kéo co” và chứng minh rằng “định luật Murphy” là đúng, tức là “khi một cái gì đó bị bẻ rất lâu thì tất nhiên nó sẽ bị gẫy!”. Trong trường hợp này là nền kinh tế thế giới.

Reporter đánh giá sự hoảng loạn đang bắt đầu trên các thị trường tài chính toàn cầu chưa phải là một cuộc khủng hoảng toàn diện nhưng các triệu chứng đầu tiên thì đang tới gần.

Việc phân tích những diễn biến sẽ giúp đánh giá được thế giới liệu có cơ hội vượt qua sự hỗn loạn hiện nay và tránh rơi vào thời kỳ khủng hoảng mới hay không.

Trung Quốc sẽ quyết "đấu" Mỹ đến cùng?

Những dự cảm tồi đã xuất hiện ngay sau vòng đàm phán thương mại thứ 12 giữa Mỹ và Trung Quốc ở Thượng Hải hôm 31/7 nhưng không đạt kết quả gì.

Nụ cười giả tạo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ S. Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sau khi kết thúc đàm phán đã không thể hiện được bất kỳ sự tin tưởng nào dù là nhỏ nhất và dù hãng tin Tân hoa xã của Trung Quốc đưa tin về một cuộc đàm phán “cởi mở, hiệu quả và mang tính xây dựng”.

Thực tế thì việc cuộc đàm phán kết thúc sớm hơn dự kiến đã cho thấy mọi thứ diễn ra tồi tệ. Trước khi hai nước bước vào vòng đàm phán tiếp theo trong tháng 9 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế 10% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1/9.

Trung Quốc ngay lập tức đáp trả bằng việc tuyên bố ngừng mua nông sản của Mỹ và sau đó cho phép đồng Nhân dân tệ hạ giá, xuống mức trên 7 Nhân dân tệ đổi một USD, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Trong năm 2018, Mỹ đã buộc phải trợ cấp nông dân nước này 12 tỷ USD do suy giảm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Hồi tháng trước, chính phủ Mỹ cũng thông báo buộc phải chi 16 tỷ cho chính sách tương tự và có thể sẽ tiếp tục tăng lên.

Tờ báo Nga dẫn lại một mô hình phân tích của Bloomberg hồi tháng 5 vừa qua cho thấy dự báo rất thất vọng về nền kinh tế toàn cầu nếu cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục kéo dài.

Khi đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ bốc hơi mất ít nhất 600 tỷ USD trong năm 2020. Nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và toàn cầu đều suy giảm.

Người Nga cảm nhận được dấu hiệu khủng hoảng do cuộc đấu Mỹ-Trung?

Reporter cho rằng một trong những yếu tố “khó chịu” nhất chính là sự khó đoán của ông Trump. Vòng đàm phán mới vào tháng 9 tới đang bị hoài nghi. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đợi tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới.

Ngay cả giới chuyên gia Mỹ đến từ Goldman Sachs cũng cho rằng không nên “mơ” về bất kỳ thỏa thuận nào giữa Washington và Bắc Kinh cho tới trước cuộc bầu cử năm 2020 và việc thay đổi ông chủ ở Nhà Trắng.

Câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế thế giới có đủ “nguồn dự trữ” để đợi tới thời điểm đó không? Mới chỉ có những tuyên bố của Tổng thống Trump về việc đánh thuế, các thị trường chứng khoán từ Mỹ tới châu Á đã chao đảo, mất từ 2,9-3,4%. Hàng loạt cổ phiếu rớt giá khiến các ông lớn như Amazon của Mỹ mất hàng tỷ USD trong một ngày.

Viễn cảnh đen tối

Tờ Reporter châm biếm rằng, trước khi đau buồn cho số phận của những người giàu nhất trên hành tinh, tốt nhất nên đánh giá xem con sóng khủng hoảng đang nổi lên sẽ gây ra hậu quả gì đối với nước Nga. Theo đó, hiện có những lý do để lo ngại mà trước hết là việc phá giá đồng Nhân dân tệ.

Ngân hàng Trung ương Nga hiện nắm giữ một lượng dự trữ ngoại tệ không nhỏ bằng đồng tiền Trung Quốc. Thiệt hại sẽ là tương đối nghiêm trọng và không thể tránh khỏi.

Một khả năng khác khiến tờ Reporter lo ngại là Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu nông sản, thậm chí năng lượng từ Nga. “Tấm gương sống” đối với người Nga chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi đồng nội tệ Lira mất giá, Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh nhu cầu mua khí đốt của Nga.

Nga lo sợ giá dầu mỏ và năng lượng lao dốc

Nga có thể sử dụng tới phương án thanh toán các hợp đồng bằng đồng nội tệ với các nước. Tuy nhiên, khi đó Moscow sẽ đối mặt với nguy cơ lạm phát.

Không những thế, đồng Nhân dân tệ yếu đi sẽ tạo lợi thế cho Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Nga, ví dụ đối với mặt hàng thép. Nếu các nước châu Á khác cũng thực hiện các bước đi tương tự Trung Quốc (với khả năng rất cao), thì trên thế giới sẽ bùng nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ “tất cả chống lại tất cả” với những hậu quả khôn lường mà trước hết là đối với các nước xuất khẩu.

Tờ báo Nga bi quan khi cho rằng một cuộc khủng hoảng như vậy sẽ không mang lại lợi lộc gì cho bất kỳ quốc gia nào.

Để chốt lại, Reporter thừa nhận, nguy cơ lớn đối với Nga là giá dầu mỏ và các loại năng lượng khác lao dốc. Thực tế thì điều này đang diễn ra đối với giá dầu dù không phải ở tốc độ “sụp đổ”.

Sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh, sản xuất công nghiệp chắc chắn sẽ giáng đòn vào tất cả các ngành mà không có ngoại lệ. Reporter cho rằng dường như mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng này, điển hình là chỉ số sản xuất công nghiệp PMI đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Không chỉ người Nga lo ngại mà các chuyên gia quốc tế cũng đưa ra nhận định bi quan tương tự. Trang project-syndicate.org đánh giá sẽ không ai chiến thắng trong cuộc chiến thương mại song phương trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau. Với việc bắn “loạt đạn” thuế mới nhất nhằm vào Trung Quốc, ông Trump đã làm gia tăng nguy cơ hơn nữa trong cuộc chiến ngày một tổn thất này. Và Mỹ có thể sẽ trở thành kẻ thua cuộc lớn hơn.

Cuộc "quyết đấu" khiến tất cả đều thiệt hại?

Biện pháp thả nổi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được cho là có ít nhiều cơ may hạn chế được thiệt hại trước đòn tấn công áp thuế của Tổng thống Mỹ D. Trump. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chiến thuật này là "con dao hai lưỡi".

Giáo sư Nathalie Janson thuộc Đại học Thương mại NEOMA, Paris, nhận định: "Đây là dấu hiệu căng thẳng cao độ và trong bối cảnh không có đối thoại thật sự, Trung Quốc chỉ có tiền tệ để làm vũ khí.

Tuy nhiên, vấn đề là phương tiện này có hiệu quả hay không bởi vì không phải giảm giá đồng Nhân dân tệ là xuất khẩu gia tăng. Nhiều nước đã học được kinh nghiệm này.

Không có gì bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ thành công nhưng Bắc Kinh chỉ có phương tiện này trong cuộc chiến tranh thương mại để hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường Mỹ".

Cũng theo giới phân tích, đồng Nhân dân tệ có thể rơi vào "vòng xoáy" không lối thoát. Vì lo sợ vốn liếng tiêu tan, người dân sẽ “tống khứ” đồng tiền này và càng làm cho đồng nội tệ Trung Quốc mất giá với những hệ quả tai hại như lạm phát, vật giá leo thang, hàng hóa nhập khẩu - đặc biệt là dầu mỏ - đắt đỏ sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Trung Quốc.

Đông Triều
Nguồn: baodatviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.