Chuyên mục
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Ngoại giao thực dụng
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Ngoại giao thực dụng

Thứ tư 10/04/2019 02:08 GMT + 7
Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng được mở rộng và thể hiện mức độ tin cậy cao, đây là kết luận có thể rút ra sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 8/4 ở Moskva giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Cam kết của hai nhà lãnh đạo, tiếp tục duy trì và thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi ích, đặc biệt là năng lượng, quốc phòng cũng như vấn đề Syria, một lần nữa cho thấy Moskva và Ankara đang theo đuổi chính sách khai thác triệt để tiềm năng của mối quan hệ này để phục vụ thiết thực cho lợi ích quốc gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp tại Moskva ngày 8/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Đặc biệt, lời khẳng định của Tổng thống Erdogan, rằng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, là "quyền chủ quyền" của Thổ Nhĩ Kỳ, là quyết định mà "không ai có thể đòi chúng tôi từ bỏ nó", cùng tuyên bố của ông Putin, rằng việc thực hiện hợp đồng chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là một ưu tiên đối với Moskva, dường như đang chuyển tới Mỹ và phương Tây một thông điệp cứng rắn.  

Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Recep Tayyip Erdogan tới Nga lần này được đặc biệt chú ý bởi trước đó, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xung quanh hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã lên tới đỉnh điểm khi Washington hoãn chuyển giao cho Ankara các thiết bị liên quan đến các máy bay F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ đang kỳ vọng sẽ được nhận trong năm nay, như một biện pháp gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ "lựa chọn".

Không chỉ sử dụng những công cụ kinh tế để ngăn cản Ankara mua S-400, Mỹ còn công khai đe dọa "loại" Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Rõ ràng việc Ankara và Moskva ngày càng xích lại gần nhau khiến Washington lo ngại, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ cùng đồng minh lâu năm trong NATO Thổ Nhĩ Kỳ xuống cấp trầm trọng. Và kết quả chuyến thăm của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ tới Nga có thể coi như "lời đáp" trước sức ép liên tục từ Mỹ.

Bất chấp còn khá nhiều bất đồng, trong vài năm trở lại đây, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có những bước khởi sắc rõ rệt. Về chính trị, nguyên thủ hai nước đã duy trì tần suất tiếp xúc, trao đổi cấp cao dày đặc trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Nếu tính cả các chuyến thăm chính thức và các cuộc gặp bên lề, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Tayyip Erdogan đã gặp nhau tới 9 lần chỉ trong vòng hơn một năm qua.

Ngoài các chuyến thăm làm việc của Tổng thống V. Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ và của Tổng thống T. Erdogan tới Nga, hay gặp gỡ trong khuôn khổ phiên họp lần thứ bảy Hội đồng hợp tác cấp cao song phương cách đây đúng một năm tại Ankara, hai nhà lãnh đạo thường xuyên tiếp xúc bên lề các hội nghị thượng đỉnh mà hai nước là thành viên, hay tại các cuộc gặp cấp cao của “tam giác” Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ và “tứ giác” Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Pháp - Đức.

Ngoài ra, nguyên thủ hai nước cũng xác lập một kỷ lục về số lần điện đàm với nhau trong khoảng thời gian trên: 20 lần. Những con số “biết nói” này cho thấy hai bên đang duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược mật thiết, coi nhau là "đồng minh tốt".

Có thể thấy Nga hết sức coi trọng vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc triển khai chính sách ở Trung Đông. Trong bối cảnh Nga đang nỗ lực khôi phục vị thế một cường quốc, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cầu nối, là đối tác quan trọng. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga giữ vai trò cần thiết để tái cân bằng quan hệ với phương Tây, thậm chí Ankara có thể biến mối quan hệ này thành "quân bài" mặc cả trên bàn thương lượng.

Đơn cử như Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng thỏa thuận mua S-400 của Nga để mua các tên lửa Patriot của Mỹ với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, với mối quan hệ bền chặt hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể tạo đối trọng với ảnh hưởng của các quốc gia phương Tây, đặc biệt ở Trung Đông, và điều đó khiến vị thế và vai trò của từng nước cũng được nâng cao.

Về kinh tế, nước Nga trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận đã tìm được “đầu ra” cho các sản phẩm nội địa của mình tại một thị trường với hơn 80 triệu dân của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tổng số hơn 25 tỷ USD trao đổi thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái, Nga xuất siêu đến hơn 17 tỷ USD, qua đó đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong 5 đối tác nhập khẩu lớn nhất hàng hóa của Nga. Ngược lại, về phía Thổ Nhĩ Kỳ, khi nền kinh tế nước này đang chìm trong nợ nần, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao đi kèm những dấu hiệu của tình trạng suy thoái, việc tăng cường quan hệ kinh tế với Nga trở thành ưu tiên.

Hoạt động đầu tư vào nền kinh tế của nhau cũng đang “nở rộ”, với tổng vốn đầu tư tích lũy đến giai đoạn này đạt 10 tỷ USD mỗi bên. Riêng khu kinh tế đặc biệt Alabuga thuộc Cộng hòa Tatarstan (LB Nga) đã thu hút gần 3 tỷ USD đầu tư từ các công ty Thổ Nhĩ Kỳ. Một chi tiết đáng lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ từng tham gia xây dựng các công trình phục vụ Thế vận hội mùa Đông 2014 và Vòng chung kết Giải bóng đá thế giới World Cup 2018 tại Nga.

Gần 2.000 hợp đồng xây dựng đã được các nhà thầu và công nhân Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện tại Nga trong khoảng 30 năm qua, với tổng giá trị hơn 70 tỷ USD. Hợp tác nông nghiệp cũng đạt những thành tựu quan trọng, đạt mốc 3 tỷ USD trong năm 2018 (tăng 7%). Về năng lượng, dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đang được triển khai theo đúng kế hoạch, đã lắp đặt xong phần đường ống dưới đáy biển Đen và dự kiến Nga bắt đầu cung cấp khí đốt cho Ankara vào cuối năm nay.

Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước từng là “đối thủ” một thời này đã đạt đến mức độ mà chỉ mấy năm trước đây còn rất ít người nghĩ tới. Việc Ankara, bất chấp những cảnh báo từ Washington, vẫn quyết tâm đặt mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 “Triumph” của Nga với giá trị hợp đồng 2,5 tỷ USD, trở thành một trong những khách hàng nước ngoài đầu tiên sở hữu hệ thống phòng không di động chiến lược tầm cao với những tính năng vượt trội này, là minh chứng rõ nét của mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai nước.

Có thể nói, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến triển khá năng động và tích cực trên nhiều lĩnh vực, song hai bên không muốn dừng lại ở đó. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, vấn đề trọng tâm được hai bên đặc biệt quan tâm là tìm kiếm biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương, nhất là việc làm sao để vươn tới mục tiêu đầy tham vọng 100 tỷ USD trao đổi thương mại vào những năm tới.

Quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là kết quả của chính sách ngoại giao thực dụng mà hai bên cùng theo đuổi, xuất phát từ nhu cầu khách quan và chủ quan của cả Moskva lẫn Ankara. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo ra một hình mẫu hợp tác mới trong một thế giới đầy biến động và phức tạp: đó là sự sẵn sàng hợp tác, đối thoại, nỗ lực tìm kiếm điểm tương đồng trong điều kiện còn những khác biệt về quan điểm và lợi ích.

Hồng Quân
Nguồn: baotintuc.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.