Chuyên mục
Mời Turkmenistan vào cuộc chơi khí đốt, EU đâm sau lưng Nga?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Mời Turkmenistan vào cuộc chơi khí đốt, EU đâm sau lưng Nga?

Thứ sáu 22/02/2019 13:13 GMT + 7
Từ Hành lang khí đốt phía Nam, EU đã tiến sâu vào không gian hậu Xô Viết, thậm chí sử dụng khí đốt để tạo thế tại sân sau của Nga..

EU chính thức mời Turkmenistan tham gia Dự án Hành lang khí đốt phía Nam

Ngày 20/2, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách và Nguồn lực châu Âu Günther Hermann Oettinger cho biết EU và Azerbaijan đã đề nghị Turkmenistan tham gia cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Dự án Hành lang khí đốt phía Nam (SGC), theo RT.

Trước đó ngày 19/2, chính phủ Turkmenistan đã cử đại diện cao cấp tham gia cuộc họp Hội đồng tư vấn cho SGC. Đây là tín hiệu cho thấy Turkmenistan thực sự quan tâm với dự án khí đốt này.

Azerbaijan, nước sản xuất khí đốt chính cho SGC, nhiều lần tuyên bố nếu có nguồn năng lượng ở bờ phía đông của Biển Caspi - ý nói Turkmenistan - chuyển đến châu Âu qua ngả Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ, Bacu sẵn sàng cung ứng dịch vụ trung chuyển.

Sơ đồ Hành lang khí đốt phía Nam

Vì vậy, dù không nêu rõ chi tiết về đề xuất và các điều kiện cần thiết cho sự tham gia của Turkmenistan vào SGC, song đề nghị của Azerbaijan và EU được coi là rất thiện chí với quốc gia Trung Á này.

Xin nhắc lại, Dự án Hành lang khí đốt phía Nam với chi phí lên tới 40 tỷ USD - dự án đầy tham vọng của EU - được đánh giá là một sáng kiến quan trọng, mang tầm chiến lược sẽ giúp châu Âu đảm bảo tốt nhất an ninh năng lượng.

Tuyến ống dẫn của SGC có chiều dài 3.500 km, bao gồm các cung đoạn : Đường ống dẫn khí Nam Caucasus (SCP) liên kết các mỏ ở biển Caspi với Thổ Nhĩ Kỳ, các đường ống dẫn khí Trans-Anatilian (TANAP) và Trans-Adriatic (TAP).

Chiều dài TANAP là 1.850 km, công suất thông lượng là 16 tỷ m3 khí/năm, trong đó khoảng 6 tỷ m3 khí cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, đã được vận hành vào ngày 12/ 6/2018.

Còn lại 10 tỷ m3 sẽ được chuyển đến châu Âu qua cung đoạn TAP với chiều dài là 878 km, gồm 550 km đi qua bắc Hy Lạp, 215 km qua Albania, 105 km qua biển Adriatic và 8 km trên lãnh thổ Italy. Dự kiến TAP sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.

Nguồn tài nguyên chính yếu đảm bảo cho Dự án Hành lang khí đốt phía Nam vận hành được xác định là mỏ khí ngưng tụ Shakh Deniz của Azerbaijan trên thềm lục địa biển Caspi.

EU đang theo đuổi chính sách đa dạng hóa nhập khẩu khí đốt, vì thế luôn hỗ trợ đầy đủ cho dự án SGC. Thậm chí giới chính trị châu Âu còn đưa SGC ra làm đối trọng với các đường ống khí đốt của Nga đến châu Âu.

Tuy nhiên, hiện tại SGC không thể cạnh tranh với các đường ống dẫn khí của Nga, vì công suất chỉ là 16 tỷ m3/năm. Trong khi 6 tỷ m3 đã dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ còn 10 tỷ m3 cho EU, quá nhỏ so với lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu.

Trữ lượng khí đốt khổng lồ của Turkmenistan từng là lợi điểm cho Nga

Song, theo giới phân tích, vấn đề sẽ hoàn toàn khác khi Turkmenistan tham gia Dự án Hành lang khí đốt phía Nam, chứ không chỉ giúp đảm bảo khai thác tối đa công suất của SGC như đánh giá của EU và Azerbaijan.

Mời Turkmenistan tham gia Dự án Hành lang khí đốt phía Nam, EU đâm sau lưng Nga?

Có chiều dài 3.500 km và chi phí lên tới 40 tỷ USD mà chỉ để vận chuyển 16 tỷ m3 khí mỗi năm đã đặt ra nhiều hoài nghi về tham vọng của EU đối với Dự án Hành lang khí đốt phía Nam.

Do vậy, giới phân tích cho rằng mời Turkmenistan tham gia SGC không phải là vấn đề phát sinh sau khi dự án được khởi công và nguy cơ lượng khí đốt của Azerbaijan không đủ lấp đầy công suất đường ống dẫn, mà nó nằm trong chiến lược của EU.

Thứ nhất, đa dạng hoá nguồn cung ứng khi đốt - loại nhiên liệu ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong các loại nhiên liệu phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại châu Âu, từ đó tối thiểu hoá sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Giới chuyên gia năng lượng nhận định công suất của SGC không chỉ cố định là 16 tỷ m3 khí/năm, mà chắc chắn sẽ được nâng lên ngay sau khi những m3 khí đầu tiên đến được châu Âu đồng thời Turkmenistan chấp nhận tham gia dự án.

Bởi với trữ lượng khí đốt của Azerbaijan được xác định là 2.600 tỷ m3 và trữ lượng khí đốt của Turkmenistan được xác định là 7.500 tỷ m3, rõ ràng việc nâng công suất cho SGC là yêu cầu tất yếu.

SGC được cho là rất hấp dẫn Turkmenistan vì nó giúp đa dạng hóa hướng xuất khẩu khí đốt từ quốc gia Trung Á có trữ lượng khí đốt đứng thứ tư thế giới này. Đặc biệt là Azerbaijan lại sẵn sàng hợp tác với Turkmenistan nhằm cung cấp khí đốt cho EU.

Trong khi đó, từ sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Davletbat-Daryalik, gần biên giới Turkmen-Uzbek, xảy ra hồi tháng 10/2009, Turkmenistan đã tìm cách đa dạng hóa ngành năng lượng của mình, qua đó giảm sự phụ thuộc vào Nga.

EU đã tạo động lực cho việc xây dựng Đường ống xuyên Caspi

Điều đó khiến hiện nay chỉ còn khoảng 10 tỷ m3 khí của Turkmenistan được xuất khẩu qua Nga mỗi năm, trong khi mỗi năm quốc gia Trung Á này sản xuất khoảng hơn 60 tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Đây là động lực cho Turkmenistan tham gia SGC.

Nếu dòng khí đốt của Turkmenistan hoà vào SGC sẽ là cảnh báo nghiêm khắc với khí đốt Nga, đang chiếm gần 45% thị phần EU, dù tổng trữ lượng của Azerbaijan và Turkmenistan là 10.100 tỷ m3, chưa bằng 1/4 của Nga - trữ lượng là 47.570 tỷ m3.

Vì ngoài SGC, EU còn thúc đẩy Dự án đường ống dẫn khí đốt Đông Địa Trung Hải, mỗi năm vận chuyển khoảng 20 tỷ m3 khí đốt từ Israel và Cộng hoà Síp tới châu Âu, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu khí đốt của EU. Dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Như vậy, tổng lượng khí đốt mà đường ống SGC và đường ống Đông Địa Trung Hải cung cấp cho châu Âu sẽ khiến Nga mất đi khoảng gần 1/3 thị phần EU. Đó là chưa tính tới khả năng SGC được nâng công suất.

Thứ hai, EU sử dụng ngay công cụ lợi hại nhất của Nga, đó là khí đốt, để tạo thế tại không gian hậu Xô Viết - nhất là khu vực Nam Caucasus, mà tầm quan trọng được ví như sân sau chiến lược của Nga.

Hẳn dư luận còn nhớ, ngày 12/8/2018, lãnh đạo 5 quốc gia ở khu vực Biển Caspi là Nga, Azerbaijan, Iran, Kazakhstan và Turkmenistan đã ký Hiệp ước về Quy chế Pháp lý của Biển Caspi (CSC), kết thúc quá trình đàm phán kéo dài hơn hai thập kỷ.

CSC chưa phải là thỏa thuận hoàn chỉnh khi chưa xử lý ổn thỏa nhiều vấn đề vốn có những tranh chấp, nhất là vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển mà cả 5 nước được quyền sử dụng chung, trong đó có khí đốt.

Turkmenistan mong muốn xây dựng Đường ống xuyên Caspi, dẫn truyền khí đốt tự nhiên giữa Turkmenistan và Azerbaijan, cho phép phép khí đốt của Turkmenistan đi vòng qua Nga và tới châu Âu. Tuy nhiên, Nga đã phản đối.

Mặc dù Moscow viện dẫn lý do môi trường để phản đối việc xây dựng Đường ống xuyên Caspi, song theo giới chuyên gia năng lượng thì thực ra nguyên nhân chính là nguy cơ khí đốt của Nga phải cạnh tranh với khí đốt Turkmenistan tại thị trường EU.

EU đang ngày một tiến sâu hơn vào không gian hậu Xô Viết

Mà việc khí đốt Nga phải cạnh tranh với khí đốt của Turkmenistan là cực kỳ nguy hại, vì giá khí đốt của Turkmenistan được xác định là rẻ hơn của Nga. Bởi Nga từng nhập khẩu tới 2/3 khí đốt của Turkmenistan rồi bán cho Ukraine để kiếm lời.

Khi EU mời Turkmenistan tham gia Dự án Hành lang khí đốt phía Nam thì quốc gia này sẽ có thêm động lực cho việc xây dựng Đường ống xuyên Caspi, nhất là trong bối cảnh quan hệ Moscow-Ashgabat "bằng mặt không bằng lòng".

Thậm chí kế hoạch của Turkmenistan và Azerbaijan được nhận diện sẽ có sự ủng hộ của cả Iran và Kazakhstan - những quốc gia đang xem Liên minh Châu Âu là đối tác chiến lược, thậm chí là cứu cánh cho việc hội nhập.

Thế là từ xuất phát điểm Dự án Hành lang khí đốt phía Nam, EU đã tiến sâu hơn vào không gian hậu Xô Viết. Song giới phân tích cho rằng Brussels sẽ không chỉ dừng lại ở lợi ích của khí đốt, mà còn sử dụng khí đốt để tạo thế tại sân sau của Nga.

Đó chính là cung cấp khí đốt với giá ưu đãi từ dòng chảy SGC cho Armenia - đồng minh chiến lược của Nga ở Nam Caucasus. Điều mà Moscow đã và đang thực hiện,  qua đó đã vô hiệu công cụ lợi ích của Mỹ trong ván cờ Armenia.

Rõ ràng, không ồn ào như Mỹ-NATO trong thách thức Nga, mà EU có những nước đi tưởng chừng như hoàn toàn vô hại nhưng thực chất lại cực kỳ nguy hại với đối phương.

Tổng thống Putin vốn là người giỏi hoá giải những thế cờ, nước cờ gây hại cho nước Nga, sẽ làm gì với việc "EU đâm sau lưng Nga bằng chính vũ khí của Nga", chúng ta cùng chờ xem.

Ngọc Việt
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.