Chuyên mục
Để Việt Nam thành bếp ăn nhanh của thế giới
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Để Việt Nam thành bếp ăn nhanh của thế giới

Chủ nhật 26/05/2019 04:07 GMT + 7
Cần có những chiến lược dài hơi cũng như độ nhanh, nhạy để lan tỏa hình ảnh món ăn Việt. Khi đó, Việt Nam có thể trở thành bếp ăn nhanh của thế giới. 

Du khách ăn phở tại TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương

Cuộc đấu trên đường phố

Ở Việt Nam, thức ăn nhanh và ẩm thực đường phố lại giao nhau, không hẳn là có ranh giới gì. Bánh mì, phở, bún đều vừa là đồ ăn nhanh vừa là ẩm thực đường phố. Nói chung các món ăn vặt cũng vậy. Và chúng ta nên quảng bá điều đó.

TS Nguyễn Thu Thủy (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Elian, một chuyên gia truyền thông Thái Lan, rất hào hứng khi nói tới món Việt. Cô mê phở, mê từ vị tương ớt mê đi. “Tôi thích phở Việt lắm. Thích đến mức khi sang Mỹ, Campuchia thấy có biển bán phở Việt Nam là tôi phải vào ăn. Tôi cũng thích nem nữa”, cô nói. Elian còn chia sẻ, bạn bè của cô ở Bangkok đều mê món ăn Việt.

Trong khi đó, chuyên gia ẩm thực Võ Quốc lại cho biết “thứ hạng” của bánh mì còn cao hơn phở trong mắt bạn bè quốc tế. “Tôi có người bạn làm ở Ngân hàng Thế giới tại Anh, anh cũng nói cách đây hơn 20 năm, cứ ăn phở ở tiệm xong vào nơi làm việc là có người không thích vì mùi phở bám theo người. Trước là vậy, từ từ phở đã phát triển nhiều hơn, người ta chấp nhận mùi dễ hơn nhưng vẫn không dễ chịu”, ông nói.

Cũng theo nghiên cứu của ông, người Việt mỗi tuần có thể ăn bánh mì 3 - 4 lần là thường. Người nước ngoài, ngày nào cũng có thể ăn bánh mì Việt Nam được. Người Hà Nội ăn phở nhiều hơn ở TP.HCM. Còn người nước ngoài cũng yêu phở lắm, thường là 1 tuần ăn 1 lần.

Ông Quốc hiện đang trong những ngày bận rộn để chuẩn bị mở hàng bánh mì tại Singapore và Hàn Quốc. Cửa hàng Bánh mì Sài Gòn ngay khu phố cổ Hà Nội, Đà Nẵng luôn đông nghịt.

“Tôi giữ nhân giống nhau ở tất cả các cửa hàng. Chỉ có bánh mì là thay đổi cho hợp với từng địa phương. Chẳng hạn, ở Đà Nẵng tôi dùng ổ bánh mì miền Trung, từ nhỏ tới lớn họ ăn ổ bánh mì đó quen rồi mà mình lại lấy vỏ kiểu Sài Gòn ra họ lại không thích lắm. Đi các nước khác cũng sẽ như vậy. Mà đâu trên thế giới cũng có bánh mì”, ông Võ Quốc nói.

Khách xếp hàng mua bánh mì ở TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương

Trong khi đó, chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt lại dành thiện cảm cho các món nộm, nem cuốn, bún. “Đấy là những món ăn nhanh Việt Nam có thể gặp ở khắp phố. Có những thành phố còn có khu phố mà các món đó siêu ngon. Chẳng hạn, ở khu phố cổ Hà Nội, đó là thiên đường của món ăn nhanh Việt”, ông nói. Cũng theo ông Việt, luôn có những cuộc đấu đồ ăn nhanh trên đường phố như vậy. Đấu giá, đấu chất lượng. Cuộc đấu này hay đến mức, tại những trung tâm đồ ăn nhanh Việt như vậy, người ta khó mà tìm thấy các cửa hàng đồ ăn nhanh nước ngoài.

Đa dạng nhưng thiếu chiến lược

“Tôi nghĩ với ẩm thực đường phố mạnh mẽ, đồ ăn nhanh ngoại không thể đấu được đồ ăn nhanh Việt”, TS Vũ Thế Long - thành viên Viện Nghiên cứu ẩm thực, chia sẻ. “Vào chợ mua gói xôi vừa đi vừa ăn cũng được. Rồi còn bánh mì, xôi giò - chả, bánh giày, bánh giò, bánh bao, bắp ngô luộc, củ khoai nướng, bánh khúc và nhiều bánh trái khác cũng có thể coi là món ăn nhanh, món quà của dân Việt. Các cụ gọi là đồng quà tấm bánh, quà bánh... đều để ăn chơi hoặc khi cần thì ăn no. Bây giờ cơm nắm muối vừng cũng thành món ăn nhanh bán tốt. Các loại bánh gói lá nữa, ở miền Trung hay miền Tây nó phát triển rất mạnh”, ông nói.

Cũng theo ông Long, hoàn toàn có thể dùng những hình ảnh đồ ăn nhanh để quảng bá du lịch Việt Nam, xây dựng các tour du lịch. “Quảng bá du lịch cũng được chứ. Vừa rồi làng Phú Thượng ở Hà Nội được gắn biển điểm du lịch, thương hiệu du lịch. 80% dân số của làng làm nghề nấu xôi. 4 giờ chiều họ vo gạo, ngâm rồi làm bánh trôi chay, bánh chưng cho đám cưới hỏi, xôi thì phủ khắp Hà Nội. Những thúng to có mấy loại xôi ở góc phố chính là xôi Phú Thượng, có vừng, dừa, lạc, đậu xanh, xéo, đậu đen, gấc… Họ phục vụ nhu cầu ăn nhanh, cúng bái. Nếu hiểu biết có thể thiết kế tour trải nghiệm làng nghề”, ông nói.


Quán bánh cuốn ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng

TS Nguyễn Thu Thủy (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng thức ăn nhanh Việt được nhiều du khách ưa thích. Nó còn được đặt trong không gian thoải mái của món ăn đường phố. “Bình thường, khi nói ăn nhanh thì người ta có cảm giác là không tốt cho sức khỏe. Còn thức ăn đường phố thì không có cảm giác đó. Ở Việt Nam, thức ăn nhanh và ẩm thực đường phố lại giao nhau, không hẳn là có ranh giới gì. Bánh mì, phở, bún đều vừa là đồ ăn nhanh vừa là ẩm thực đường phố. Nói chung các món ăn vặt cũng vậy. Và chúng ta nên quảng bá điều đó”, bà nói.

Mặc dù vậy, bà Thủy cho rằng hiện việc quảng bá thức ăn nhanh - ẩm thực đường phố còn chưa ổn. “Chưa được làm thành chiến dịch. Chưa có một chiến dịch tổng thể nào. Mình muốn làm gì cũng phải có chiến lược, sau đó là kế hoạch và thực thi. Ở mình cả ba điều đó đều chưa rõ ràng, phải mất thời gian để có thể đạt được thành quả, nên vẫn cần lên kế hoạch, làm bài bản”, bà nói.
Cũng theo bà, việc phát triển này cũng cần chớp cơ hội. “Chẳng hạn khi Christine Hà được giải nhất Master Chef (Mỹ) thì dịp đấy có thể mời làm đại sứ ẩm thực, lại không làm. Vì nhiều khi làm truyền thông phải rất nhanh, nếu không thì không kịp, bị qua đi là mất cơ hội. Sự kiện hết nóng là thôi”, bà nói.

Trong khi đó, một chuyên gia du lịch cho rằng không nên giới hạn rằng fast food (thức ăn nhanh) thì không sang chảnh được. Chẳng hạn, ở Singapore, một cửa hàng cơm gà cũng đã được nhận sao Michelin danh giá (sao Michelin được xem là một huân chương, một bằng chứng khẳng định chất lượng của nhà hàng khắp thế giới - PV). Hoặc giả, hệ thống quán ăn chuyên phục vụ cùng lúc các món cuốn, bún, phở, bánh xèo cũng đã phát triển ở nhiều nơi trong nước. “Những sàn ăn nhanh như vậy sẽ giúp sản phẩm du lịch ẩm thực đa dạng hơn”, chuyên gia này nói.

Bà Thủy lại nhấn mạnh việc cần kết hợp quảng bá thức ăn nhanh với công nghiệp chế biến để thúc đẩy kinh tế. “Thái Lan khi phát triển ẩm thực, họ không chỉ nói chuyện ăn tại chỗ, mà còn đặt vấn đề mua sản phẩm mang về. Hoa quả sấy khô mang về dường như là món quà mà ai tới Thái Lan cũng mua. Họ bán mang đi còn nhiều hơn cả ăn tại chỗ. Sân bay Thái Lan tràn ngập hoa quả sấy, bán như bimbim, cũng không hề rẻ. Lượng xuất khẩu đó trở nên rất cao, kết hợp được với du lịch, ẩm thực và xuất khẩu nông nghiệp. Hàn Quốc cũng làm như thế. Chúng ta có thể bán đồ nấu phở, tổ chức lớp dạy làm phở, làm bánh mì Việt Nam và bán gia vị”, bà nói.

Ngữ Yên
Nguồn: thanhnien.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.