Chuyên mục
Người Việt tại Nga còn nhiều băn khoăn trong việc nhập Quốc tịch
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Song noi dat khach que nguoi phai dung luat nuoc so tai.
Hiện nay người Việt ở Nga đang trong giai đoạn làm ăn rất khó khăn. Những người có khẩu hợp pháp còn đỡ một chút. Rất...
Chuẩn, Tks bạn!

Người Việt tại Nga còn nhiều băn khoăn trong việc nhập Quốc tịch

Chủ nhật 18/02/2018 16:06 GMT + 7
Phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam mới được nhập quốc tịch Nga, luôn là điều mà kiều bào sinh sống ở nước Nga bao năm nay trăn trở, cân nhắc và khó xử.

Trăn trở và khó xử

Nước Nga ngày nay đã thay đổi theo một thể chế kinh tế và diện mạo chính trị mới, song với những người con đất Việt, từ trong sâu thẳm trái tim họ, nơi đây vẫn luôn là quê hương thứ hai của mình. Từ những sinh viên đầu tiên sang du học đến những công nhân, kỹ sư, lao động…, trải qua 3-4 thế hệ, người Việt tại Nga giờ đây không còn đông đảo như xưa nhưng đã lớn dần, hình thành một cộng đồng dân tộc thiểu số “phi chính thức” và là một trong số cộng đồng người nước ngoài ở Nga đóng góp không nhỏ vào thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội của xứ sở Bạch Dương.

Tuy nhiên, bao năm nay kiều bào ở Nga vẫn luôn trăn trở vì vấn đề nhập tịch. Luật pháp nước Nga quy định, mỗi công dân chỉ được chấp nhận có một quốc tịch Nga. Điều đó tức là, khi người Việt muốn nhập tịch Nga thì phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Phải từ bỏ tấm hộ chiếu mang cội nguồn, gốc rễ và là nơi “chôn nhau cắt rốn” khiến người Việt rất băn khoăn, cân nhắc. Vì không muốn “từ bỏ” quê hương của mình nên nhiều người vẫn sống, làm việc với tấm thẻ xanh (định cư dài hạn).



Với thẻ xanh, người Việt ở Nga được hưởng nhiều quyền lợi không kém gì người Nga, như: Có thể ra vào nước Nga không cần xin visa; có thể tham gia bầu cử trưng cầu dân ý ở địa phương, không phải ở cấp thành phố; có thể sở hữu bất động sản, căn hộ chung cư, biệt thự... và được đứng tên chính chủ; có quyền được kinh doanh, buôn bán; được mời người nhà sang thăm thân; hưởng các quyền lợi xã hội như miễn học phí, y tế miễn phí, hưu trí, bảo hiểm... Nhưng họ cũng bị một số rào cản và khó khăn trong cuộc sống. Thẻ xanh 5 năm cấp lại 1 lần, và việc xin cấp lại đòi hỏi nhiều thời gian, trải qua lắm thủ tục. Nhiều người Việt, dù sinh sống ở Nga đã lâu, nhưng không phải ai cũng thành thạo tiếng Nga, không phải ai cũng dư dả điều kiện, thuần thục mọi thủ tục trong việc học tập, khám chữa bệnh, kinh doanh… Do đó, nhiều người vẫn rất lo ngại, việc từ bỏ quốc tịch Việt Nam để nhập tịch Nga cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ bị mất quyền bảo hộ công dân từ phía Nhà nước Việt Nam, điều đó khiến họ sẽ gặp không ít khó khăn mỗi khi gặp những rắc rối, nhất là những việc liên quan tới pháp luật Nga.

Ngày 22/4/2016, Duma Quốc gia Nga thông qua Luật liên bang sửa đổi điều 14 và điều 30 Luật liên bang “về quyền công dân Nga”. Mục tiêu sửa đổi nhằm tạo sự đơn giản trong tiêu chí và điều kiện nhập quốc tịch Nga. Theo đó, những người nhận được bằng tốt nghiệp sau ngày 1/7/2002 tại các trường đại học, đào tạo nghề theo các chương trình giáo dục cơ bản của Nhà nước, đã làm việc trong thời gian ít nhất 3 năm, có đóng bảo hiểm và quỹ hưu trí sẽ được cấp quốc tịch Nga; hoặc, những người được coi là doanh nghiệp cá thể và kinh doanh tại Nga, đã làm việc trong thời hạn ít nhất 3 năm so với thời điểm nộp đơn xin nhập quốc tịch Nga, tổng số tiền trả hàng năm bao gồm thuế, bảo hiểm và quỹ hưu trí Nga không dưới 1 triệu rup; trường hợp còn lại, những người được coi là nhà đầu tư và có cổ phần đóng góp vào vốn điều lệ của tổ chức pháp nhân Nga, sẽ được nhập tịch nếu như trong thời hạn ít nhất 3 năm so với thời điểm nộp đơn xin nhập quốc tịch Nga, tổng số tiền trả hàng năm bao gồm thuế, bảo hiểm và quỹ hưu trí Nga không dưới 6 triệu rup.

So với quy định cũ, nước Nga cũng đã “mở cửa” và tạo ra sự thông thoáng hơn nhiều để thu hút nhân tài, doanh nhân giàu có, nhà đầu tư… Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa giải quyết được mong muốn, nguyện vọng của đại bộ phận người Việt sinh sống, làm việc, học tập tại Nga như đã nói ở trên. Nhập tịch Nga, người Việt sẽ được nước Nga bảo hộ; đổi lại, họ phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam, điều đó khiến người Việt khó khăn hơn trong việc xuất nhập cảnh, đi lại trở về quê hương, tham gia các hoạt động đầu tư kinh doanh đóng góp cho quê nhà, cũng như sở hữu nhà ở, và thậm chí là tham gia vào bầu cử.

Một quốc tịch “mềm dẻo” hay song tịch/đa tịch?

Việt Nam đã qua nhiều lần sửa đổi luật Quốc tịch, luật mới nhất được ban hành vào năm 2008 được sửa đổi vào năm 2014. Theo luật năm 2008, nước ta tuân theo nguyên tắc 1 quốc tịch “mềm dẻo”. Trên thực tế, dường như đây là tình trạng 2 quốc tịch của một bộ phận công dân. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, pháp luật sẽ còn lúng túng khi xử lý. Cụ thể, khi nào thì cho phép áp dụng 1 quốc tịch “mềm dẻo”? Ngoài ra, các quy định về trình tự, thủ tục liên quan còn chưa hợp lý, chưa có quy định về thời hạn, về hạn chế quyền/nghĩa vụ. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần khẳng định lại nguyên tắc quốc tịch của mình hoặc là nguyên tắc 1 quốc tịch có ngoại lệ (mang tính pháp lý hơn là nguyên tắc “mềm dẻo”) hay là nguyên tắc đa quốc tịch để nghiên cứu xử lý các vấn đề liên quan và hoàn thiện pháp luật theo định hướng đã lựa chọn.

Hiện nay, dựa trên nguyên tắc quốc tịch được ghi nhận trong pháp luật quốc tịch của các quốc gia, có thể chia các quốc gia thành ba nhóm chính: Nhóm thứ nhất gồm các quốc gia không thừa nhận tình trạng công dân quốc gia đồng thời mang hai hay nhiều quốc tịch. Các quốc gia này chủ trương thực hiện nguyên tắc một quốc tịch triệt để. Điển hình trong nhóm này phải kể đến Trung Quốc. Trong Luật quốc tịch Trung Quốc, nguyên tắc một quốc tịch được khẳng định ngay tại Điều 3: “Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không công nhận việc công dân Trung Quốc mang hai quốc tịch”.

Giống như Trung Quốc, luật quốc tịch của một số quốc gia khác như Lào, Brunei,Thái Lan, Singapore, Triều Tiên, Ấn Độ, Iran, Nga, Nhật Bản, ... cũng có các quy định tương tự yêu cầu người nước ngoài muốn nhập quốc tịch của quốc gia thì phải từ bỏ quốc tịch gốc của mình và công dân của quốc gia nếu tự nguyện nhập quốc tịch của nước ngoài sẽ đương nhiên mất quốc tịch gốc. Ngoài ra, luật quốc tịch của các quốc gia, trong một số trường hợp còn đặt ra nghĩa vụ cho công dân của quốc gia phải tiến hành lựa chọn quốc tịch nếu họ rơi vào tình trạng hai hay nhiều quốc tịch. Chẳng hạn Luật quốc tịch Nhật Bản quy định: Người có quốc tịch Nhật Bản đồng thời có quốc tịch nước ngoài, phải chọn một trong hai quốc tịch trước khi đủ 22 tuổi và người đã tuyên bố chọn quốc tịch Nhật Bản phải có nghĩa vụ nỗ lực từ bỏ quốc tịch nước ngoài của mình.


 Ảnh minh họa

Việc khẳng định nguyên tắc một quốc tịch trong pháp luật quốc tịch của các quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia trong việc thực hiện chủ quyền quốc gia đối với dân cư. Tuy nhiên, việc khẳng định này lại có thể mâu thuẫn với tình hình thực tế là công dân của quốc gia vẫn có thể mang quốc tịch nước ngoài do cá nhân công dân đã lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật quốc gia để có được hai hay nhiều quốc tịch.

Thực tiễn quan hệ quốc tế thời gian qua cho thấy mặc dù nhiều quốc gia đã khẳng định trong pháp luật quốc gia nguyên tắc một quốc tịch song vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng hai hay nhiều quốc tịch và hiện tượng công dân quốc gia đồng thời mang quốc tịch nước ngoài vẫn diễn ra khá phổ biến.

Nhóm thứ hai, gồm các quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, Canada... không chính thức ghi nhận nguyên tắc một quốc tịch trong pháp luật quốc gia, nhưng cũng không ngăn cấm công dân của mình có quốc tịch nước ngoài hoặc yêu cầu công dân nước ngoài từ bỏ quốc tịch gốc để nhập quốc tịch nước mình. (nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo).

Người nước ngoài nhập quốc tịch của những quốc gia này không bắt buộc phải từ bỏ quốc tịch gốc của mình. Công dân quốc gia sau khi được nhập quốc tịch nước ngoài không đương nhiên mất quốc tịch gốc và người đó có thể trở thành người hai quốc tịch. Thừa nhận nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo sẽ giúp cho các quốc gia linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề về dân cư. Chẳng hạn, đối với những người nước ngoài có công trạng lớn đối với quốc gia hoặc có lợi cho quốc gia xét trên các phương diện kinh tế, thể thao, văn hoá, khoa học kĩ thuật... thì sẽ được quốc gia cho phép giữ hai hay nhiều quốc tịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ đối với các quốc gia mà họ là công dân.

Nhóm thứ ba gồm một số quốc gia chính thức thừa nhận nguyên tắc hai hay nhiều quốc tịch trong pháp luật quốc gia. Chẳng hạn, theo Luật quốc tịch Latvia: “Việc mang hai quốc tịch không làm ảnh hưởng tới một cá nhân khi người này đã được công nhận là công dân Latvia. Nếu công dân Latvia đồng thời mang quốc tịch nước ngoài thì trong mối quan hệ pháp lí với Cộng hoà Latvia họ sẽ được coi là công dân Latvia”.

Các quy định tương tự cũng được đề cập tại Luật quốc tịch Hungary và Slovenia. 

Mặc dù, số lượng các quốc gia chính thức thừa nhận nguyên tắc đa quốc tịch không nhiều, nhưng số lượng các nước không chính thức thừa nhận đa quốc tịch ngày càng tăng. Cho đến nay, có khoảng gần 100 quốc gia chấp nhận tình trạng đa quốc tịch. 

Tóm lại, hai hay nhiều quốc tịch là tình trạng pháp lí hết sức đặc biệt trong quan hệ quốc tế. Việc các quốc gia thừa nhận hay không thừa nhận chính thức về mặt pháp lí tình trạng hai hay nhiều quốc tịch là quyền của mỗi quốc gia, xuất phát từ chủ quyền quốc gia đối với dân cư. Tuy nhiên, không phủ nhận thực tế là hiện nay tình trạng công dân của quốc gia đồng thời mang hai hay nhiều quốc tịch đang diễn ra ngày càng phổ biến và gây rất nhiều khó khăn cho quốc gia trong việc quản lí dân cư. Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này không chỉ dừng lại ở nỗ lực của từng quốc gia mà cần phải có sự hợp tác quốc tế để hạn chế tình trạng hai hay nhiều quốc tịch và phối hợp giải quyết các vấn đề thực tế phát sinh liên quan đến người hai hay nhiều quốc tịch như bảo hộ công dân, lựa chọn luật áp dụng...

Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng tương đối lớn công dân đồng thời mang hai hay nhiều quốc tịch. Tuy vậy, những người cư trú tại các nước thuộc nhóm một quốc tịch dù phải bỏ quốc tịch Việt Nam để ổn định cư trú lâu dài ở sở tại nhưng vẫn mong muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam. Mong muốn này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi các quy định của Việt Nam cho phép thuận lợi và các nước cởi mở hơn trong chính sách quốc tịch, trong đó bao gồm cả việc hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và sở tại. Một nhóm đối tượng khác mong muốn được nhập quốc tịch Việt Nam, đó là con em của các gia đình có yếu tố Việt Nam. Tuy nhiên, do các quy định của Việt Nam, việc nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam vẫn là một điều rất khó khăn đối với họ. Vì vậy, để tạo điều kiện cho kiều bào, nhà nước không chỉ cần xem xét sửa lại nội luật của mình mà cần có sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia.

Theo Điều 7 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước” cũng như “tạo điều kiện thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam”. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 19 và khoản 5 Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: Người nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép. Đây chính là sự cản trở lớn nhất mà kiều bào gặp phải khi muốn nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam.



Riêng ở Nga hiện nay, kiều bào đã sống và làm việc lâu năm vẫn chủ yếu dùng “thẻ xanh” bởi rào cản trong việc quy định một quốc tịch. Chính vì vậy, mong ước của phần lớn kiều bào là Nhà nước Việt Nam ngoài việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quốc tịch nhằm tạo điều kiện hơn nữa việc nhập/trở lại quốc tịch, cũng nên nghiên cứu khả năng đàm phán kí kết các điều ước quốc tế song phương với Nga cũng như tham gia các điều ước đa phương nhằm phối hợp với các quốc gia liên quan giải quyết vấn đề công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.

Giải quyết được vấn đề quốc tịch cho kiều bào Nga mang lại cho họ sự ổn định, yên tâm hơn và thuận lợi hơn trong việc hoà nhập với công việc và cuộc sống/xã hội nước sở tại; đồng thời họ luôn được giữ trong mình sợi dây gắn kết với quê hương và cũng để vun vén, xây dựng cho tình hữu nghị Việt – Nga mãi mãi…

Ngô Tiến Điệp (LB Nga)
Nguồn: quehuongonline.vn
34 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.