Chuyên mục
Người Việt ở Brazil - Kỳ 4: Gom bạc cắc thành bạc triệu
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Người Việt ở Brazil - Kỳ 4: Gom bạc cắc thành bạc triệu

Thứ năm 03/07/2014 23:31 GMT + 7
2g sáng, khi bầu trời Sao Paulo còn lạnh lẽo và tối đen như mực, từ căn hộ chung cư 100m2 bốn phòng ngủ, Huỳnh Văn Thảo hôn tạm biệt cậu con trai 5 tuổi đang say ngủ rồi lái xe đi làm. Trừ chủ nhật, một ngày của một người gốc Việt ở Brazil như Thảo luôn bắt đầu trước khi bình minh lên như thế.

Một quầy bán hàng của người Việt ở Brazil


Cơ hội nơi trời xa

Thảo ra khu chợ trời Brás (khu kinh doanh hàng hóa may mặc lớn gần trung tâm Sao Paulo), nơi anh làm chủ tám sạp bán quần áo, trong đó có hai sạp cho người khác thuê và hai sạp chiếm vị trí đắc địa bậc nhất ở mặt tiền trục đường chính của Brás.

Với thị trường rộng lớn 200 triệu dân, GDP đầu người 11.000 USD/năm và là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, Brazil là nơi rất có tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam làm ăn. Theo nhận định từ sứ quán Việt Nam, các mặt hàng Việt Nam xuất sang Brazil có thể bán chạy như đồ gỗ nội thất, hải sản và quần áo may mặc.

Dù vậy hiện chưa có doanh nghiệp nào sang Brazil mở văn phòng đại diện kinh doanh.

Chàng trai quê Cái Bè (Tiền Giang) từng làm nghề kim hoàn, bán nữ trang khi còn ở Việt Nam này sang Sao Paulo cùng vợ năm 2007 nhờ sự bảo lãnh của người chị ruột Huỳnh Thị Thúy (định cư tại Brazil từ cuối thập niên 1990). Gia đình chị Thúy một thời kinh doanh túi xách rất khấm khá. “Giai đoạn 2006-2010 chúng tôi từng có 15 sạp bán balô, túi xách với tổng lượng bán ra khoảng 10.000 túi/tháng” - chị Thúy kể khi tiếp xúc chúng tôi tại một tiệm ăn ở khu Liberdade.

“Cộng đồng người Việt tuy rất ít song nhờ buôn bán mà thuộc thành phần trung bình khá ở Sao Paulo. Chúng tôi trải qua nhiều năm tháng thức khuya dậy sớm làm việc vất vả, nhưng bù lại lợi nhuận cũng hấp dẫn, tích lũy mua được tài sản. Tiếc là bây giờ do bị cạnh tranh giá cả quá mạnh nên thời làm ăn thuận lợi đã qua rồi. Như tôi chuyển sang bán thêm quần áo...” - chị Thúy chia sẻ.

Khi đưa đường chỉ lối cho vợ chồng Thảo sang Brazil, chị Thúy giúp đỡ em trai bằng cách đưa ra chợ trời bán hàng phụ mình. Thảo tự học nói tiếng Bồ, lăn lộn trải nghiệm với nghề buôn bán trên xứ người được ít lâu thì đã tự lập được và tạo dựng cơ nghiệp khá nhanh. Anh bán sỉ các loại quần áo độc quyền có “mẫu mã đẹp, hợp thời trang và chất liệu tốt”, đáp ứng sở thích của dân bản xứ nên được thương lái đưa đi tiêu thụ khắp Brazil rộng lớn.

Công việc hằng ngày của Thảo là tiếp các khách hàng từ khắp các tiểu bang về đây mua quần áo. Họ đi xe tải từ xa đến Sao Paulo thường vào lúc rạng sáng nên Thảo phải có mặt giao hàng cho họ từ 3, 4 giờ sáng. Anh có 10 nhân viên người Brazil giúp việc, nhưng khi chiều xuống vẫn làm luôn cả việc bưng bê, khuân vác dọn hàng. “Mình là chủ nhưng cũng phải xắn tay làm ra trò anh ạ. Nếu mình đứng chỉ tay năm ngón thì nhân viên bản xứ không phục và sinh lười biếng” - Thảo phân trần.

Huỳnh Thật (29 tuổi), em ruột của Thảo, cũng nối gót anh trai sang Brazil từ năm 2008 để bán quần áo ở chợ trời Brás. Thật thường về Việt Nam chơi, đặc biệt là về đón Tết Nguyên đán ở quê hương. Nói về thành công của mình, hai anh em Thảo và Thật chỉ khiêm tốn cho rằng họ gặp may mắn và chịu khó “lượm bạc cắc” mỗi ngày.

Tuy nhiên, “bạc cắc của họ đã thành bạc triệu” như bậc đàn anh trong cộng đồng là ông Võ Văn Phước (chủ nhà hàng Miss Saigon) đánh giá. “Vài người Việt trẻ mới sang Brazil vài năm gần đây khá nhạy bén, dám làm như sẵn sàng mở sạp ở vị trí tốt dù chi phí cao nhưng sẽ bán được nhiều hàng. Họ cũng biết trữ hàng số lượng lớn để giá thành chiết khấu rẻ, linh hoạt mặt hàng bán chạy tùy theo mùa hè hay mùa đông. Vì vậy mà chỉ sang Brazil vài năm, với doanh số bán hàng ngàn cái áo mỗi ngày, người như Thảo đã trở thành triệu phú trong cộng đồng người Việt”.

“Ở đây nếu muốn thì rất nhiều việc để làm”

Đó là khẳng định của ông Phước về đất nước Brazil. Ông diễn giải: “Đơn cử như người Việt làm nông nghiệp sẽ có cơ hội giàu to vì đất đai Brazil màu mỡ và rất rẻ (3 mẫu đất ở xa ngoại ô một chút chỉ có giá... 15.000 USD). Nếu trồng rau cải Á Đông sẽ bán được giá hơn hẳn rau cải Brazil. Nuôi gà loại đi bộ để lấy thịt lẫn trứng đều có giá cao hơn nhiều lần gà và trứng công nghiệp. Đặc biệt nuôi vịt sinh lãi rất cao. Đã có người Nhật bỏ 100.000 USD đầu tư nuôi vịt và thu về 1 triệu USD trong vòng một năm”.

Nhiều người Việt rất bền chí như ông Tạ Việt Dũng (cộng đồng quen gọi là Đỏ, quê Long An) qua Brazil đầu thập niên 1980 vẫn gắn bó với nghề buôn bán. Tại chợ 25 de Marco (Sao Paulo), ông Dũng nói về ý hướng phát triển kinh doanh: “Tôi đã buôn bán trên chục năm ở đây, ai chào hàng hóa phù hợp và có lời là nhận bán. Tôi cũng tính lấy hàng sản xuất từ Việt Nam xuất khẩu sang đây để bán thăm dò thị trường”.

Một người Việt sang Brazil cùng đợt thập niên 1980 với ông Dũng là ông Nguyễn Văn Nghĩa lại nổi tiếng là người làm được nhiều nghề để sinh nhai từ lái xe cho đến hướng dẫn viên du khách tham quan. Gặp chúng tôi tại TP Rio de Janeiro, ông Nghĩa cho biết: “Mùa hè này tôi rất bận rộn với việc làm hướng dẫn viên cho bốn đoàn khách du lịch từ Việt Nam, Mỹ, châu Âu sang du lịch Brazil”.

Tại sân vận động Maracana ở Rio, chúng tôi chứng kiến ông Nghĩa đưa đón từng người khách Việt Nam vào xem bóng đá, rồi dẫn họ đến nhà hàng có cơm ăn hợp khẩu vị. Sự tận tâm với công việc trong nhiều năm qua của ông Nguyễn Văn Nghĩa giúp ông được nhiều người xem là “thổ địa” ở Rio. Ông là nhân vật mà nhiều đoàn khách Việt Nam lẫn Việt kiều các nước khi sang Rio đều tin tưởng cậy nhờ hỗ trợ, từ việc thuê khách sạn, mua vé các điểm tham quan nổi tiếng cho đến phương tiện, lịch trình đi lại.

TRUNG NGHĨA

 Năm 2014 là năm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Brazil. Giữa hai nước đặc biệt có quan hệ giao thương kinh tế rất tốt đẹp. Theo tư liệu do sứ quán Việt Nam tại Brazil cung cấp cho Tuổi Trẻ, nếu như năm 1989 (năm đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao), cán cân thương mại Việt Nam - Brazil trị giá 16 triệu USD thì đến năm 2013 đã gần 2,4 tỉ USD (gấp 150 lần).

Việt Nam xuất khẩu sang Brazil điện thoại di động và phụ kiện, máy tính, thủy sản, giày dép, quần áo, sợi nhân tạo... và nhập từ Brazil hạt bắp, đậu tương, sắt thép, phụ phẩm thức ăn gia súc, sợi bông... Đầu tháng 6-2014 vừa qua, sứ quán Việt Nam ở thủ đô Brasilia tổ chức hội thảo giới thiệu thương mại Việt Nam với sự có mặt nhiều quan chức, doanh nghiệp Brazil.

Nguồn: tuoitre.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.