Chuyên mục
Chưa đi, chưa biết Berlin - phần 3
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Nếu như mỗi người trong chúng ta. Đều chỉ có thêm một chút ý thức tự giác. Thì sẽ xây dựng một đất nước vn giàu và đẹp...
Dẫu có chậm, phải hình thành nếp sống văn minh cho người VN ngay.
Đọc và ngẫm.Thấy cần thật nhiều những bài viết về chủ đề tương tự của người Việt,ở mọi nơi trên toàn Thế giới.Hoan hô...

Chưa đi, chưa biết Berlin - phần 3

Thứ ba 29/09/2015 18:48 GMT + 7
Người Việt ta, nhập gia, tùy tục

Không kể những người Việt là du học sinh, nghiên cứu sinh được đào tạo từ thời Đông Đức, những người Việt sang Đức theo con đường hợp tác lao động mà sau này người ta gọi tắt là xuất khẩu, đã có thâm niên hơn ba chục năm có lẻ. Một phần ba thế kỷ, đến nay thế hệ thứ ba đã cắp sách đến trường; thế hệ thứ hai đã làm công chức, doanh nhân; còn thế hệ đặt nền, đắp móng thì đã thành ông, thành bà, hàng tháng nhận lương hưu nước Đức.


Thế hệ thứ ba ở Đức

Cũng như ở Nga, cái công cuộc hội nhập của người Việt diễn ra không lấy gì làm nhanh lắm. Có người quan niệm rằng, có chút đỉnh kinh tế, tậu được cái nhà, cưỡi lên con xe đời mới, đi ăn ở nhà hàng sang trọng là đã hội nhập được với văn minh châu Âu! Hình như có cái gì ổn ở đây, vì tôi đã từng thấy không ít chủ nhân của các con xe lộng lẫy nói ba câu, thì ít ra cũng bồi thêm hai tiếng chửi thề, suốt ba chục năm vẫn chưa hề đọc lấy một quyển sách nào và vẫn uống bia ngồi xổm.

Một trong những tiêu chí hội nhập, đó là văn hóa, nội hàm của nó bao gồm học vấn, ngữ ngôn, phong tục tập quán, kiến thức xã hội, công ăn việc làm và sự ứng xử văn minh.

Xét về mặt này, thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba ăn đứt thế hệ thành hoàng, những người đi mở cõi!

Hồi con bé nhà tôi mười hai tuổi, tôi dẫn nó đi xem xiếc. Quy định tại đây, trẻ con dưới mười tuổi được miễn phí, tôi bảo với cháu: “ba trông con còn nhỏ hơn các bạn Nga mười tuổi, con không cần mua vé đâu”. Nó nhìn thẳng vào mắt tôi: “Ba không được nói dối người ta, nếu ba không có tiền thì con không xem nữa!” Tôi thực sự choáng váng và ngượng chín cả mặt.

Sang Đức được hai hôm, nhóm anh em Xứ Nghệ mời tôi đến ăn tối ở một nhà hàng khá sang trọng ở trung tâm thành phố. Khi mọi người chén tạc, chén thù, chạm cốc liên tục, chủ nhà hàng biết tôi chỉ mỗi uống chè, kéo tôi ra một bàn riêng nói chuyện. Nhiều chuyện lắm, nhưng có ba câu chuyện, làm tôi phải sau nghĩ và không thể không viết ra đây.

Anh chủ nhà hàng kể với tôi rằng, một hôm anh đi trên xa lộ cao tốc, đường vắng, anh nhấn ga chạy với tốc độ cao chóng mặt. Không ngờ từ xa, một vị cảnh sát giao thông đã giơ gậy ra hiệu anh dừng xe lại. Anh lái xe tấp vào lề đường:

-Chào ngài! Xe ngài chạy quá tốc độ! Ngài chạy bao nhiêu cây số?
-Tôi chạy 130 km.
Anh cảnh sát giao thông hỏi đứa con trai 14 tuổi của anh ngồi bên cạnh
-Cháu có biết bố cháu chạy bao nhiêu cây số không?
-Hai trăm!
Anh cáu tiết thúc vào mạng sườn nó, nó kêu toáng lên.

Anh cảnh sát giao thông mời anh ra khỏi xe, tuyên bố phạt 4 giờ tạm giam vì hai tội, nói dối và đánh trẻ con!

Câu chuyện thứ hai gọn nhẹ, nhưng nó phản ánh được tính cách trung thực và lòng tự trọng của giới trẻ sinh ra và lớn lên ở môi trường nước Đức. Một hôm, anh đưa cháu, thằng bé bị anh thúc vào mạng sườn, đến ăn tối ở một nhà hàng khá sang. Hai bố con đang ngồi vào bàn chờ người phục vụ, bỗng nhiên thằng bé đứng dậy, ghé vào tai anh nói rõ từng tiếng một:

-Nếu bố không bỏ chiếc chìa khóa xe Mercedes và chiếc điện thoại Iphone S6 trên bàn vào túi, con sẽ về ngay lập tức. Bố và con đến đây để ăn, chứ không phải để khoe của!

Còn câu chuyện thứ ba thì nó đi xa hơn một chút, có mùi vị pháp luật. Chả là có lần, anh sai một việc gì, anh không nhớ nữa, mà thắng bé không nghe, anh cho nó một cái bạt tai mang tính răn đe là chính. Khi chưa kịp nguôi cơn nóng giận, đã thấy cảnh sát hú còi xe chạy đến:

-Xin lỗi, ông đánh trẻ con?
-Tôi đánh nó mang tính giáo dục thôi. Ở nước tôi, đây là vấn đề gia đình, luân lý!
-Đó là nước ông, đây là nước Đức, đánh trẻ con là phạm pháp. Đề nghị ông ký vào biên bản!

Hóa ra quý tử sau khi nhận được cái bạt tai dù chỉ mới cấp độ hạng ruồi, đã ngay lập tức gọi điện, bẩm báo với cảnh sát về hình thức giáo dục phương Đông của thân sinh!

Mấy buổi chiều, tôi thơ thẩn ra xem bọn trẻ con chơi ở sân trường, trong đó có mấy bé người Việt, người da đen. Chúng nó chơi với nhau vô tư, chạy nhảy và nghịch với nhau mà tôi không biết gọi là trò gì, chỉ biết chúng cãi nhau như là một đám trẻ con Đức. Về khoản tiếng tăm, ngoại ngữ thì cánh phụ huynh thua dài, vì có người phần ba thế kỷ tá túc trên đất bạn mà đến việc bắt tắc xi vẫn còn ú ớ!

Nhưng ở Đức vẫn còn may chán. Tôi có gặp mấy chị ở Xóm Liều, tên gọi chung dành cho các chị mới vượt thành công sang đây, nhanh chóng mang bầu để được làm thủ tục nhập Trại. Ngay sau đó, được bố trí đi học tiếng Đức miễn phí và bắt buộc. Khi học xong bằng A, chị em có thể giao tiếp với những tình huống thông dụng và dễ dàng hơn nhiều trong cuộc sống. Ở Nga thì thiệt thòi hơn nhiều, người Việt mới chân ướt, chân ráo từ mọi vùng miền đất nước, đặt chân đến Matxcơva hôm trước, hôm sau đã chúi đầu vào bàn máy khâu tại các xưởng may, hoặc “vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay” đứng kinh doanh ngoài chợ! Và một năm, vài ba năm sau, trường đời dạy cho họ đếm, tính và mặc cả, sai ngữ pháp, sai phát âm, không quan trọng, miễn là đối tượng hiểu và đoán ra.


Hoa ngoài ban công của một căn hộ người Việt

Mô hình sống của người Việt mấy chục năm qua ở Nga là thương xá, ốp và sống co cụm; còn ở Đức, dân ta sống trong các căn hộ, nhà vườn hoặc thuê nhà, mỗi gia đình giống như một thế giới riêng tây, nên người ta biết nhau không nhiều. Chỉ những người buôn bán ở chợ Đồng Xuân, chung kinh doanh, hoặc trong các công ty, hiệp hội thì biết nhau, không thì vẫn muôn năm xa lạ. Cái mô hình ốp thương xá ở Nga cực hay, không ở đâu có được. Hàng ngày qua lại, gặp gỡ nhau chan chan, hỏi bất cứ ai, chỉ cần nói đến tên, là người ta sẽ đọc vanh vách lý lịch trích ngang về tuổi tên, quê quán, nghề nghiệp, bồ bịch, nợ nần.


Một bữa cơm thuần Việt

Chính vì sống trong các căn hộ chung với người Đức, nếp sống của các gia đình người Việt tai đây dường như rập khuôn vào quy phạm dân bản địa. Tôi đến thăm gia đình một người bạn; vợ chồng anh trước đây có học tôi một học kỳ năm thứ ba Đại học Tổng hợp Hà Nội, nên hai người và mấy đứa con vẫn gọi tôi là Thầy, mặc dù tôi bảo cứ gọi anh cho nó thân thiện. Nhà của anh trồng đầy hoa ngoài ban công, trong nhà bày biện rất ngăn nắp và cách sinh hoạt đã thoát hoàn toàn khung cảnh văn minh lúa nước bốn ngàn năm. Nếu che mâm cơm trên bàn lại, gồm những món dân dã cơm, canh, nộm, cá kho, đậu rán lại, thì tôi có cảm tưởng đang ở trong một căn hộ của một gia đình người Đức.

(Còn tiếp)

Nguyễn Huy Hoàng
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.