Chuyên mục
Bài ca Trường Sa
BÌNH LUẬN
tôi thì khác, ra biển sợ say sóng lắm...bà lehuyen ơi! bà hơi lãng mạn quá đấy. người ta đi thăm đảo trường sa là vì...
ôi, bài viết hay tuyệt! chưa bao giờ lại thấy anh nam tả biển kĩ thế? ước gì hôm đó em cũng được đi với anh để chiêm...
Cam on Anh da co bai viet ve bien dao cua Chung ta

Bài ca Trường Sa

Thứ sáu 14/06/2013 10:01 GMT + 7
9h20 ngày 2-5-2013, tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), sau những lễ nghi chia tay theo thủ tục của ngành hàng hải mà Hải quân vùng 4, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Tôn giáo Chính phủ… cùng phối hợp tiến hành, đoàn công tác số 9 của chúng tôi tạm biệt đất liền ra khơi. Tiếng còi tàu sao mà nghe xao xuyến lạ. Có cái gì đó lâng lâng bồi hồi xen lẫn bao nỗi háo hức, mong đợi về nơi mà con tàu đang hướng tới - Trường Sa.

Biển cả

Trong tiếng sóng vỗ dào dạt hai bên mạn con tàu mang tên "Trường Sa" do Việt Nam đóng, chúng tôi hết sức nóng lòng để đến với những người con của Tổ quốc đang ngày đêm chắc tay súng giữ gìn từng tấc đất, tấc biển của Đất Mẹ Việt Nam. Ngoài nỗi mong chờ đó là còn cả sự khát khao tìm hiểu về biển cả bao la, về những hòn đảo lạ lẫm mà mình chưa từng đặt chân lên, những loài cá biển, những cánh chim ngạo nghễ trên đại dương, những loài cây hoa trái với sức sống mãnh liệt giữa sóng gió và cát nóng khắc nghiệt của biển đảo quê hương…
 

Tình quân dân. Ảnh: Võ Hoài Nam

Tàu lặng lẽ lướt êm ru trên con sông Sài Gòn hơi vẩn đục với những đám lục bình trôi lững lờ mà ngày trước thời đánh Mỹ, lính đặc công Rừng Sác của ta thường núp ở dưới đó và âm thầm, lặng lẽ áp sát căn cứ của địch để bất ngờ tấn công giáng những đòn sấm sét kinh hoàng. Hai bên bờ sông là những rặng dừa nước và rừng đước dày đặc trải dài - đúng là nơi "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Chúng tôi cứ thỏa sức mà hồi tưởng những chiến công anh hùng của các anh. Tự dưng trong lòng mỗi người cứ dấy lên một nỗi tự hào về vẻ đẹp vẫn còn chút gì đó rất hoang sơ mà lại rất mặn mòi của thiên nhiên. Một sỹ quan hải quân đứng cạnh bảo tôi: "Anh biết không, Rừng Sác nay đã thay da đổi thịt đấy, chứ ngày nào xác xơ vì bom đạn cày nát bởi trực thăng, tàu chiến Mỹ đêm ngày lùng sục săm soi từng bụi cây, từng mét nước hòng tìm kiếm các chiến sĩ đặc công của mình ẩn náu…". Thi thoảng, vài chiếc thuyền câu bằng gỗ hay những con tàu sắt nhỏ nhoi của dân chài tung lưới tìm những mẻ cá. Thấp thoáng xa gần là những con tàu đồ sộ nặng nề chở hàng trăm container mang sắc cờ sặc sỡ đủ dạng của các nước xuôi ngược tấp nập trên sông Sài Gòn. 

Cửa sông kia rồi! Biển cả mênh mông xanh ngăn ngắt - đúng là màu xanh nước biển - không bến bờ hiện ra trước mắt mọi người. Gần như cả đoàn công tác với gần 200 con người đổ xô lên boong tàu để ngắm, để chụp hình hay quay những thước phim quý giá làm kỷ niệm. Những anh chị phóng viên báo viết, báo hình thì thi nhau "nhặt nhạnh" tư liệu. Trên nét mặt của bà con kiều bào, ai cũng xúc động khi tận mắt thấy cảnh sông nước quê hương hiển hiện trước mắt chứ không phải là những thước phim qua màn ảnh truyền hình. 

Lá cờ đỏ sao vàng gặp gió biển - đúng là "cờ gặp gió" - tung bay trên nóc tàu. Nỗi lo say sóng trong lòng chúng tôi như tan biến. Biển êm sóng nhẹ, không dữ dằn như mùa biển động. Con tàu nặng hàng mấy nghìn tấn đằm nước cứ lướt đi băng băng. Một vài chú cá chuồn nghịch ngợm bay là là mặt nước một đoạn khá xa rồi thình lình phóng xuống nước như thể chưa từng xuất hiện, chỉ để lại vài cái vòng tròn ngộ nghĩnh để rồi lại bị sóng nước khỏa lấp ngay. Cũng mấy chú cá chuồn này mà chúng tôi có một mẻ cười thích thú khi ông Thuận, năm nay đã 74 tuổi, một Việt kiều ở Đan Mạch, đang tiếc rẻ con mồi bự và cái lưỡi câu lẫn chì bị đứt thì thình lình một chú cá chuồn từ dưới nước chẳng hiểu sao lại lao thẳng lên đâm vào ngực. Theo phản xạ tự nhiên, ông chộp luôn chú cá chuồn nghịch ngợm này. Quả là chuyện hi hữu.


Lớp học trên đảo. Ảnh: Võ Hoài Nam

Đêm trên biển mới lãng mạn làm sao! Những ánh sao tinh nghịch lấp lánh trên cao như soi rọi cho con tàu tìm hướng. Gió mơn man mang hương vị mặn mòi và cả phảng phất vị tanh tanh nồng nồng của cá, của muối từ dưới lòng biển cả sâu thẳm. Sóng vẫn vỗ ì ầm bên mạn tàu, sủi bọt nước trắng xóa lờ mờ trong đêm đen. Xa xa, thấp thoáng những ngọn đèn biển - hoa tiêu hay những con tàu đang đánh cá, những chuyến tàu ăn hàng nặng nề thong thả ngược xuôi, hay hòn đảo nhỏ nhoi cô đơn nào đó? Tất cả đều lung linh như một thành phố trên biển. 

Bỗng dưng, cả con tàu ồn ào nhốn nháo và mọi người thi nhau lao ra hai phía mạn tàu. "Cá heo! Cá heo!". Thì ra là những chú cá heo nghịch ngợm bơi sát con tàu, cả trước mũi tàu, thân tàu, đuôi tàu. Chúng vừa ngụp lặn nhoang nhoáng vừa trổ tài tung hứng như những nghệ sĩ xiếc tài ba. Thật không may cho tôi, khi lật đật chạy ra để mục kích với máy ảnh lăm lăm trong tay thì những chú cá heo - bạn thân của người đã biến mất như lúc chúng xuất hiện. Những người may mắn được chiêm ngưỡng cá heo quá ít ỏi, họ có vẻ mãn nguyện cười nói hỉ hả, còn chúng tôi thì xuýt xoa vì tiếc rẻ. 

Nhưng cũng liền sau đó là một nỗi lo mơ hồ len lén đến khi mấy người tỏ vẻ thông thạo chuyện của biển "tiên tri" rằng: Cá heo xuất hiện là nay mai biển sẽ động. Ai cũng lo âu. Tôi cũng không là ngoại lệ. Nhưng rồi một đêm lặng lẽ trôi và thậm chí là cả mấy ngày sau biển vẫn lặng và sóng vẫn êm. Đến nỗi những người lo say sóng lại chẳng hề hấn gì. Cả đoàn chỉ có vài chị nôn nao vì sóng, nhưng đặc biệt có ông Vinh to cao, tuổi trạc ngoài 50, Việt kiều Thái Lan bị mật xanh mật vàng nôn thốc nôn tháo hành cho suốt cả đoạn dài trên biển. 

Hai ngày hai đêm sắp trôi qua trên biển. Hải trình vòng cung xuyên hướng đông bắc ra Trường Sa từ Sài Gòn chứ không phải từ Khánh Hòa đi thẳng ra đảo nên mới xa như vậy. Biển nóng chứ không mát mẻ như tôi hằng tưởng. Nhất là hương vị mặn mòi của muối biển cứ rin rít, rin rít trên da mặt, tay… cảm giác khó nói kể cả khi nàng gió biển đến mơn man… như ru ngủ. Nhưng bù lại, xung quanh tôi là một màu nước, nước xanh ngăn ngắt, một màu xanh thăm thẳm - đẹp đến không tưởng! Đây mới đúng là màu xanh nước biển, cái màu xanh mà tôi thường thấy trên ảnh hay phim! Sóng bàng bạc tung bọt trắng xóa cứ đuổi bắt nhau dọc theo thân và đuôi tàu. Biển mênh mông và đẹp đến nao lòng. Chân trời xa vời vợi. Có cảm tưởng như đại dương chỉ là nước và nước và con tàu nặng hàng ngàn tấn của chúng tôi đang đi đây chỉ là một nét chấm phá nhỏ nhoi hết sức mong manh. Hoàng hôn trên biển mới đẹp làm sao. Tôi đã tranh thủ "săn" và đã bắt lấy những tia nắng vàng cuối ngày trong ống kính. Nắng vàng ruộm trải dài trên mặt biển. Nắng dát vàng cho mặt nước biển xanh thì có lẽ đúng hơn.

Bình minh. Tôi đã phải dậy sớm từ lúc 5h, trước cả hiệu lệnh phát trên loa con tàu: "Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!" (Cái câu được lặp đi lặp lại mỗi ngày trong suốt hải trình 12 ngày đêm khiến cả đoàn công tác số 9 chúng tôi vô cùng ấn tượng! Thậm chí là vô cùng thích thú. Nó nhắc nhở tôi về một thời cũng từng là người lính) để "săn", để rình, để chộp, bắt lấy những vầng đỏ của mặt trời như lòng đỏ quả trứng gà lung linh với muôn ngàn tia nắng sớm với màu vàng rực rỡ xuyên qua kẽ mây xám lẫn trắng xốp như bông đan dày trên biển - Ôi, biển của Tổ quốc Việt Nam ta đó!

(Còn tiếp)
Võ Hoài Nam
Nguồn: hanoimoi.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.