Chuyên mục
Mỹ trao cơ hội hái quả ngọt cho Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Mỹ trao cơ hội hái quả ngọt cho Nga

Thứ tư 16/10/2019 16:58 GMT + 7
Phải chăng Nga đang “hái quả ngọt” tại Trung Đông giữa lúc Mỹ ngày càng đánh mất vai trò với chính sách giảm can dự và chiến lược “nước Mỹ trước tiên”.

Đòn đánh trực diện của Nga

Dư luận những ngày qua đổ dồn sự chú ý vào chuyến hăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới 2 nước vùng Vịnh là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), vốn là hai đồng minh quan trọng bậc nhất của Mỹ tại đây.

Phải chăng Nga đang “hái quả ngọt” tại Trung Đông giữa lúc Mỹ ngày càng thể hiện rõ chính sách giảm can dự để thực thi chiến lược “nước Mỹ trước tiên” dưới thời Tổng thống Donald Trump?

Đại sứ Saudi Arabia tại Nga Rayed Krimly cho rằng chuyến thăm lần này của Tổng thống Putin rất quan trọng không chỉ đối với Nga và Saudi Arabia, mà còn cả khu vực và thế giới khi chỉ ra hai nước nằm trong số 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu. Chuyến thăm được coi là cơ hội để lãnh đạo hai nước thảo luận tăng cường và mở rộng hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực ở cấp độ khu vực và quốc tế.

Tổng thống Nga V. Putin (trái) trong chuyến thăm Saudi Arabia hôm 14/10.

Ông Putin là tổng thống Nga đầu tiên đến thăm Saudi Arabia vào tháng 2/2007, khi ông gặp cố Quốc vương Abdullah và Quốc vương Salman, người lúc đó là thống đốc tỉnh Riyadh. Saudi Arabia đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 kể từ hội nghị Washington năm 2008, thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, nêu bật tầm quan trọng kinh tế của Saudi Arabia khi có quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 10 và trữ lượng dầu lớn thứ hai sau Venezuela, sở hữu khoảng 18% dự trữ xăng dầu trên thế giới.

Quan hệ hai nước đã phát triển qua nhiều giai đoạn bắt đầu khi Liên Xô cũ trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ với Saudi Arabia năm 1926. Tuy nhiên, theo thời gian, quan hệ giữa hai nước suy yếu dần. Trong Chiến tranh Lạnh, Saudi Arabia đã liên minh mạnh mẽ với phương Tây.

Đại sứ Saudi Arabia cho rằng, mặc dù không có quan hệ ngoại giao khi đó, nhưng hai nước vẫn có một số quan điểm chung quan trọng. Hai bên đã bỏ phiếu tại Liên hợp quốc ủng hộ sự độc lập của nhiều quốc gia Arab, châu Phi và châu Á, và bảo vệ quyền và sự nghiệp của người Palestine.

Quan hệ song phương được nối lại sau khi Liên Xô tan rã nhưng hai nước đã không tạo được động lực đáng kể trong hợp tác vì có những ưu tiên khác nhau. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, mối quan hệ Nga-Saudi Arabia được đánh giá là phát triển về chất. Đỉnh điểm của mối quan hệ được đánh dấu bằng chuyến thăm Moscow của Quốc vương Salman tháng 10/2017, chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Quốc vương Saudi Arabia tới Nga. Trong chuyến thăm cấp nhà nước năm 2017 của Quốc vương Salman, hai nước đã ký 14 thỏa thuận và bản ghi nhớ hợp tác, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tổng thống Nga V. Putin với nhà du hành vũ trụ đầu tiên của UAE Hazzaa al-Mansoori mới trở về Trái Đất bằng tàu Souyz-12 của Nga hôm 3/10.

Trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Putin, Nga và Saudi Arabia đã ký kết 20 thỏa thuận hợp tác, trong đó đáng chú ý nhất là thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ và hàng không vũ trụ, theo đó Nga có thể sẽ bố trí một số hệ thống định vị vệ tinh mặt đất GLONASS trên lãnh thổ Saudi Arabia và một số nước vùng Vịnh khác.

Ngay trước chuyến thăm này, Tổng thống Nga Putin khẳng định Moscow có thể đóng vai trò then chốt tại khu vực Trung Đông do có mối quan hệ tốt với Iran lẫn thế giới Arab. Phát biểu này dù vô tình hay hữu ý đã đụng chạm tới vai trò ngày càng đi xuống của Mỹ, thậm chí đang bị coi là nhân tố gây bất ổn khu vực.

Mỹ trao cơ hội hay bị Nga đánh bật?

Theo giới phân tích, vai trò và tầm ảnh hưởng đáng kể của Nga tại Trung Đông trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là việc hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad “trụ vững” để dần bình ổn tình hình đất nước cũng như thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, đang khiến dư luận hướng tới như Nga một quốc gia có khả năng tháo gỡ nút thắt cho những vấn đề còn tồn tại trong khu vực.

Kể từ khi can dự tại Syria vào tháng 9/2015, bằng sức mạnh quân sự hùng hậu, cùng các bước đi ngoại giao uyển chuyển, sự hậu thuẫn của Nga đã giúp Chính phủ Syria dần dần chiếm ưu thế trên thực địa, nắm lại quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ lớn, lần lượt giành lại các thành phố trọng yếu, đánh đuổi lực lượng khủng bố IS.

Đến tháng 12/2017, Tổng thống Nga Putin chỉ thị bắt đầu rút lực lượng chiến đấu khỏi Syria cùng tuyên bố đánh bại IS, bước đi vừa tránh được nguy cơ Nga bị “sa lầy” trong vấn đề Syria, vừa giúp Moscow có điều kiện thể hiện vai trò “trung gian hòa bình”.

Nga không chỉ thể hiện sức mạnh mà cả sự khéo léo ngoại giao ở Trung Đông.

Chiến lược can dự và cách tiếp cận khá cân bằng khéo léo của Nga không chỉ làm thay đổi cán cân lực lượng và cục diện địa chiến lược ở Trung Đông và còn đưa Moscow trở thành một đối tác chủ chốt đáng tin cậy tại khu vực. Nói theo đánh giá của chuyên gia Mathieu Boulegue thuộc Chatham House tại London thì: "Nga có thể là chủ thể duy nhất có khả năng cùng một lúc nói chuyện được với tất cả mọi người. Cho dù đó là Israel và Iran, hay với các lực lượng người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc ông Assad và tất cả những người khác".

Nga cũng đã trở thành thỏi nam châm thu hút các nước trong khu vực như các chuyến thăm dày đặc tới Nga của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dù đang bận mải với chiến dịch quân sự tại Syria nhưng cũng buộc phải sắp xếp một “chuyến thăm làm việc” tới Nga để thảo luận với người đồng cấp Putin về tình hình khu vực.

Bên cạnh việc khẳng định vị thế, Nga cũng tìm kiếm những lợi ích thực tế ở Trung Đông trong bối cảnh bị Mỹ và phương Tây bao vây cô lập như khả năng điều tiết thị trường dầu mỏ, các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt từ là Saudi Arabia. Từ năm 2015, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) và Quỹ đầu tư công (PIF) của Saudi Arabia đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài và PIF đã phân bổ 10 tỷ USD để đầu tư vào các dự án với RDIF. Saudi Arabia hiện là một trong những bạn hàng mua lúa mì lớn nhất của Nga.

Khi Mỹ quay lưng, Nga sẽ đến!

Ngoài ra, xuất khẩu vũ khí cũng là lĩnh vực mà Nga chú trọng trong chuyến thăm này. Tổng thống Putin từng “đổ thêm dầu vào lửa” khiến các nước Trung Đông vốn lâu nay phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí từ Mỹ phải thay đổi quan điểm sau vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia. Chuyến công du Trung Đông lần này là cơ hội để ông Putin một lần nữa trực tiếp quảng cho vũ khí Nga.

Giới phân tích cho rằng, các bước điều chính chính sách của Nga ở Trung Đông cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của ông Putin trong việc cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại khu vực, thể hiện rằng Nga không chỉ xác lập được vị thế quan trọng mà còn đang giữ thế chủ động trong nhiều vấn đề Trung Đông. Đây là điều Mỹ không thể làm được khi một mặt rút lui khỏi khu vực, mặt khác lại “gây chiến” với các đối thủ lớn, thậm chí cả đồng minh của mình.

Bảo Minh
Nguồn: baodatviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.