Chuyên mục
Nga nghĩ rằng Mỹ đang lừa phỉnh

Nga nghĩ rằng Mỹ đang lừa phỉnh

Thứ tư 19/01/2022 13:37 GMT + 7

Khi các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Nga bắt đầu tại Geneva để bàn về số phận của Ukraine, châu Âu đang đứng trên bờ vực chiến tranh.

 

 

 

Chiến lược của Mỹ là vừa đàm phán với Nga, vừa đe dọa các biện pháp trừng phạt “tàn khốc” nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định xâm lược nước láng giềng. Các quan chức chính quyền Biden đã vạch ra một loạt các biện pháp trừng phạt mà họ có thể áp đặt đối với Điện Kremlin, từ việc nhắm vào hệ thống tài chính của Nga đến việc hạn chế khả năng nhập khẩu công nghệ của nước này.

Nhưng lời đe dọa trừng phạt kinh tế của phương Tây chỉ có thể phát huy tác dụng nếu các biện pháp cấm vận đủ sức nặng để buộc Điện Kremlin từ bỏ phương án động binh. Tuy nhiên, ông Putin coi Ukraine là yếu tố quan trọng đối với vị thế cường quốc của Nga và đối với di sản cá nhân của mình.

Vì vậy, các lệnh trừng phạt phải đem đến một cái giá lớn hơn lợi ích to lớn mà ông Putin nhận thấy trong việc kiểm soát Ukraine.

Điều đó dường như không xảy ra: sau khi các quan chức chính quyền Biden đề xuất các biện pháp trừng phạt, thị trường chứng khoán Nga và tiền tệ nước này hầu như không nhúc nhích.

Điều này phản ánh quan điểm của Điện Kremlin rằng Nhà Trắng sẽ không sẵn sàng đưa ra theo các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt như đã nói. Các nhà hoạch định chính sách Nga biết rằng nhiều chiến thuật có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến Nga - chẳng hạn như hạn chế xuất khẩu hàng hóa của Nga hoặc đưa các ngân hàng Nga vào danh sách đen. Thế nhưng các biện pháp trừng phạt này cũng sẽ gây tổn thất cho phương Tây, khiến dư luận càng hoài nghi về việc liệu chính quyền Biden có hiện thực hóa những lời đe dọa đó hay không.

Cuối cùng, các biện pháp trừng phạt cứng rắn về kinh tế sẽ đòi hỏi sự chấp thuận của Trung Quốc và điều đó có thể tạo ra một loạt các vấn đề khác cho Mỹ.

Các đòn trừng phạt cứng rắn

Trong quá khứ, Tổng thống Nga Putin đã chứng tỏ rằng ông sẵn sàng chịu đựng các biện pháp trừng phạt tốn kém vừa phải để theo đuổi việc tái lập vị thế của Nga đối với các quốc gia vệ tinh thuộc Liên Xô.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea kiểm soát khu vực phía đông Ukraine vào năm 2014, Mỹ và châu Âu đã áp đặt các hạn chế đối với một số công ty lớn của Nga, từ chối cho họ tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, biện pháp này đã khiến GDP của Nga giảm 1-1,5%.

Mỹ cũng cấm các công ty kinh doanh ở Crimea và cấm xuất khẩu một số công nghệ khoan dầu, điều này đã làm giảm sản lượng dầu của Nga, nhưng không quá nhiều. Điện Kremlin kết luận rằng đây là một cái giá hợp lý để trả cho Crimea và Donbas và không có kế hoạch đảo ngược các nước đi tại Ukraine, bất kể các lệnh trừng phạt này vẫn còn hiệu lực trong bao lâu.

Lần này, Nga còn đặt mục tiêu cao hơn. Thay vì cố gắng kiểm soát hai phần lãnh thổ Ukraine, chính quyền Moscow muốn quốc gia láng giềng quay trở lại vị thế của một đồng minh thân cận như trước đây.

Để làm như vậy, Nga đã tập hợp một lực lượng quân đội lớn ở biên giới Ukraine, với đủ khả năng xuyên qua hệ thống phòng thủ của Ukraine đến tận thủ đô Kyiv. Trong khi đó, Nga vẫn duy trì khả năng tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích vào các mục tiêu trên khắp Ukraine.

Nếu Điện Kremlin coi 1% GDP là cái giá hợp lý đối với Crimea và Donbas, thì chắc chắn họ sẽ sẵn sàng trả giá nhiều hơn để có được sự quy phục của Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Biden nói rằng ông sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế "khủng khiếp" nếu Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine.

Trả lời tờ New York Time, một quan chức Mỹ khẳng định chính quyền Biden đã đe dọa sẽ có “phản ứng nhanh, tác động mạnh” đối với các lệnh trừng phạt. Nhưng ngay cả những tuyên bố chi tiết nhất từ các quan chức chính quyền cũng chỉ tập trung vào các bước mà Mỹ có thể thực hiện, hơn là những bước mà nước này sẽ cam kết thực hiện.

Các quan chức Mỹ đã thảo luận về các biện pháp nghiêm khắc như gạt Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), nhưng điều này sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của châu Âu và do đó có thể khó thực hiện, mặc dù một số nhà lãnh đạo châu Âu sẵn sàng xem xét các biện pháp như vậy.

Trong khi đó, lời hứa của Washington về việc hợp tác với các đồng minh để ban hành các lệnh trừng phạt có thể được coi là một dấu hiệu của sự yếu kém chứ không phải sức mạnh.

Vào đầu năm nay, chính quyền Biden đã từ chối trừng phạt hệ thống đường ống Nord Stream 2 (vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức), một động thái cho thấy Mỹ đang phải nhượng bộ Đức.

Giờ đây, Đức và Pháp đang chống lại nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm chỉ rõ hai nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nào nếu Nga thực sự xâm lược Ukraine. Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình với lời kêu gọi đối thoại với Moscow, theo cách nói ngoại giao của Đức thường có nghĩa là “nhượng bộ”.

Các đồng minh phương Tây của Mỹ đang gửi đi những thông điệp trái ngược về việc họ không sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Nga.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đã tập trung vào các biện pháp trừng phạt không nghiêm trọng về kinh tế. Một số thành viên Quốc hội quyết tâm hủy bỏ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, một biện pháp có thể áp đặt chi phí kinh tế gần như bằng 0 đối với Nga.

Nếu Nord Stream 2 bị hủy bỏ, Nga sẽ chỉ tiếp tục vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua các tuyến đường hiện có. Công suất đường ống đã dư thừa nên lượng khí đốt của Nga bán cho châu Âu sẽ không thay đổi. Điện Kremlin có thể coi việc tập trung vào Nord Stream 2 là bằng chứng cho thấy Mỹ không nghiêm túc trong việc áp đặt trừng phạt.

Việc trừng phạt các nhà tài phiệt Nga và các nhân vật thân tín của Tổng thống Putin, vốn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội, không có khả năng thay đổi tính toán của Điện Kremlin.

Có lý do chính đáng để ngăn các nhân vật này rửa tiền thông qua các hệ thống tài chính phương Tây, nhưng làm như vậy sẽ ít ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Điện Kremlin. Giới tài phiệt của Nga muốn tiếp tục đi du lịch đến phương Tây và giữ tài khoản ngân hàng nước ngoài của họ. Nhưng họ không có khả năng định đoạt chính sách đối ngoại của Nga như Putin và các cố vấn an ninh cấp cao, những người vốn đã nằm trong diện bị trừng phạt.

Cho rằng cuộc tranh luận trong nước của Mỹ tập trung vào các biện pháp trừng phạt lỏng lẻo và cho rằng châu Âu đang chia rẽ về việc có nên ban hành các lệnh trừng phạt tốn kém hay không, Putin có thể nghĩ rằng Mỹ chỉ đang lừa phỉnh Nga.

Washington có các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ trong tay mình, chẳng hạn như đưa các ngân hàng Nga vào danh sách đen. Trước đây, họ đã áp dụng những biện pháp này chống lại Iran và Triều Tiên.

Mỹ chắc chắn có thể xóa sổ các mối liên hệ của Nga với hệ thống tài chính toàn cầu: Các quan chức tại Washington đã thảo luận về việc đưa các ngân hàng lớn của Nga vào danh sách đen, ngăn các ngân hàng chuyển đổi đồng rúp sang đô la và ngắt kết nối Nga khỏi mạng liên lạc liên ngân hàng SWIFT.

Nhưng việc thực hiện bất kỳ biện pháp nào trong số này sẽ gây tốn kém cho các đồng minh ở châu Âu. Nó cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của Nga. Và điều đó có thể mang lại những phức tạp mà chính quyền Biden muốn né tránh.

Yếu tố Trung Quốc

Mỹ không cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc đối với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014. Điều này phần lớn là do các biện pháp này không ảnh hưởng đến Trung Quốc một cách rõ ràng.

Rất ít hàng hóa do Trung Quốc sản xuất bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, và Trung Quốc không có các khoản đầu tư có ý nghĩa nào tại Crimea. Do đó, chính quyền Bắc Kinh có thể lên án các lệnh trừng phạt nhưng vẫn cho phép các công ty của họ tuân theo các lệnh trừng phạt đó trong một số trường hợp mà chúng có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Nhưng nếu Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn, phản ứng của Trung Quốc có thể khác xa. Xét cho cùng, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Không rõ liệu các công ty Trung Quốc có ngừng giao dịch với một công ty lớn của Nga mà Mỹ đã chọn đưa vào danh sách đen hay không.

Việc này sẽ giúp củng cố sức mạnh tài chính của Mỹ, và chứng minh hiệu lực của các công cụ trừng phạt có thể dễ dàng được sử dụng để chống lại Trung Quốc trong tương lai. Nga và Trung Quốc đã hợp tác để thiết lập các cơ chế thanh toán thay thế nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ cản trở hệ thống ngân hàng của họ.

Nếu Trung Quốc từ chối các lệnh trừng phạt của Mỹ và các công ty của họ không tuân thủ, điều đó sẽ khiến Washington rơi vào tình thế ngặt nghèo. Các công ty Trung Quốc sẽ vi phạm luật pháp Mỹ, nhưng bất kỳ hành động pháp lý nào chống lại họ sẽ yêu cầu các biện pháp leo thang rủi ro như áp đặt các hình phạt đối với các công ty lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, giải pháp thay thế sẽ là chấp nhận rằng Trung Quốc không cần tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ, điều này sẽ làm suy yếu đáng kể phạm vi kinh tế của họ.

Tình huống khó xử tương tự cũng áp dụng cho việc chính quyền Biden đe dọa cắt đứt khả năng mua chất bán dẫn, điện thoại thông minh hoặc các bộ phận hàng không của Nga. Ví dụ, điện thoại thông minh chủ yếu được sản xuất ở Trung Quốc, vì vậy bất kỳ biện pháp kiểm soát xuất khẩu nào đối với các thành phần điện thoại thông minh sẽ chỉ có tác dụng nếu Trung Quốc sẵn sàng thực thi chúng. Chính quyền Bắc Kinh có thể chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và sẽ buộc phía Washington trả đũa, điều này sẽ mở ra mặt trận thứ hai trong một cuộc chiến tài chính giữa các cường quốc.

Trước đây, Trung Quốc đã thực hiện các động thái để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ví dụ, các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đã từ chối mở tài khoản cho trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam, sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bà này.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có cơ hội thay đổi tính toán của Điện Kremlin, có thể buộc Bắc Kinh phải suy nghĩ lại.

Xét cho cùng, nếu Mỹ thực sự áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn nhắm vào Nga, quy mô của chúng sẽ tương đương với các biện pháp mà Mỹ từng đánh vào ngành tài chính và hoạt động nhập khẩu dầu của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Đây là lý do tại sao Nga có thể nghĩ rằng Mỹ không nghiêm túc với những lời đe dọa của mình. Điện Kremlin tin rằng họ có khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn nhiều so với phương Tây.

Nếu Biden nghiêm túc về việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để buộc Nga thay đổi chiến lược đối với Ukraine, thì chính quyền Washington cần phải làm rõ hơn thông điệp của mình. Khi đó, Điện Kremlin có thể bắt đầu xem xét các mối đe dọa trừng phạt một cách nghiêm túc hơn.

 

Bắc Hiệp
Theo Foreign Affairs

Nguồn: ngaynay.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.