Chuyên mục
Mỹ siết đầu tư nước ngoài vào công nghệ

Mỹ siết đầu tư nước ngoài vào công nghệ

Thứ bảy 17/09/2022 04:02 GMT + 7

Thông tin về sắc lệnh hành pháp mới của Mỹ nhắm tới lĩnh vực công nghệ được dự báo khiến quan hệ nước này với Trung Quốc căng thẳng hơn nữa, đồng thời cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng ở xứ cờ hoa về khả năng Bắc Kinh truy cập thông tin cá nhân của người Mỹ khi họ tham gia các nền tảng di động cùng hàng loạt dịch vụ khác.


Thông tin về sắc lệnh hành pháp mới của Mỹ nhắm tới lĩnh vực công nghệ được dự báo khiến quan hệ nước này với Trung Quốc căng thẳng hơn nữa, đồng thời cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng ở xứ cờ hoa về khả năng Bắc Kinh truy cập thông tin cá nhân của người Mỹ khi họ tham gia các nền tảng di động cùng hàng loạt dịch vụ khác.

 

Ảnh: Business Insider

 

Ngày 15-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh) đã ký sắc lệnh tăng cường quyền hạn của chính phủ liên bang trong hạn chế đầu tư của nước ngoài đối với ngành công nghệ trong nước, sao cho phù hợp với các ưu tiên về an ninh quốc gia của chính phủ. Dù sắc lệnh không đề cập trực tiếp Trung Quốc, các lĩnh vực được nhắm tới phần lớn nằm trong sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” được Bắc Kinh công bố năm 2015 nhằm mục đích biến đất nước thành cường quốc công nghệ cao vào năm 2049, nhân 100 năm lập quốc.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Biden chính thức hóa cách giải thích mới và rộng hơn về phạm vi hoạt động của Ủy ban Ðầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Nhiều năm qua, CFIUS gần như giới hạn trong nhiệm vụ ngăn chặn các thương vụ thâu tóm công ty Mỹ của nước ngoài có thể gây ra mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia. Trong đó, phần lớn hoạt động của CFIUS là xem xét những giao dịch mà chủ thể nước ngoài tìm cách nắm quyền kiểm soát công ty Mỹ kinh doanh công nghệ nhạy cảm. Vấn đề là nhiều công ty nước ngoài hiện không cần phải là cổ đông lớn của một doanh nghiệp Mỹ để có thể tiếp cận nhiều công nghệ
quan trọng.

Vì vậy, Nhà Trắng cho biết CFIUS theo sắc lệnh mới sẽ mở rộng tra soát các loại giao dịch có thể cho phép một cường quốc nước ngoài tiếp cận công nghệ được xác định là quan trọng đối với kinh tế và an ninh quốc gia. Danh mục này liên quan chuỗi cung ứng và nhiều mảng công nghệ bao gồm vi điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và sản xuất sinh học, máy tính lượng tử, năng lượng sạch tiên tiến và những công nghệ thích ứng với khí hậu. Thay vì chỉ tập trung vào quy mô đầu tư, CFIUS được yêu cầu mở rộng phạm vi kiểm tra đặc điểm công nghệ và ứng dụng của nó có thể phá hoại an ninh quốc gia hay không. Ủy ban cũng được phép chặn bất kỳ thỏa thuận nào làm xói mòn an ninh mạng của đất nước, kiểm tra lại các khoản đầu tư gia tăng theo thời gian hoặc hàng loạt giao dịch giúp thực thể nước ngoài giành quyền kiểm soát một lĩnh vực hoặc công nghệ
cụ thể.

Ngoài ra, nội dung đáng chú ý và có thể gây ảnh hưởng lớn nhất trong sắc lệnh mới của Tổng thống Biden là chỉ đạo CFIUS đánh giá xem liệu một thỏa thuận đang chờ xử lý có liên quan đến việc mua một doanh nghiệp có quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm của người Mỹ hay không, cũng như rủi ro một công ty hoặc chính phủ nước ngoài có thể khai thác thông tin đó. Ðánh giá của giới phân tích cho rằng, nội dung này phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng của chính quyền Tổng thống Biden đối với khả năng Trung Quốc xâm nhập thông tin cá nhân của người Mỹ.

Theo tờ New York Times, các cơ quan tình báo Trung Quốc đã tốn nhiều thời gian để thu thập lượng dữ liệu khổng lồ về công dân Mỹ, bao gồm vụ xâm nhập cơ sở dữ liệu của Văn phòng Quản lý Nhân sự dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trước khi nhà chức trách Mỹ vào cuộc, tin tặc Trung Quốc được cho nắm giữ thông tin cá nhân của 22,5 triệu người Mỹ. Với lý do đảm bảo an ninh, cựu Tổng thống Donald Trump những tháng cuối nhiệm kỳ đã cứng rắn buộc công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance bán lại toàn bộ hoạt động kinh doanh ở xứ cờ hoa của ứng dụng TikTok cho một tập đoàn gồm các công ty Mỹ và phương Tây khác. Nhưng nỗ lực này không thành công sau khi ông Trump rời Nhà Trắng, và chính quyền kế nhiệm đến nay có rất ít đánh giá đối với TikTok. Tuy nhiên, có tin CFIUS đã thận trọng rà soát ứng dụng chia sẻ video phổ biến này. Trong những tháng gần đây, có bằng chứng cho thấy nhân viên TikTok ở Trung Quốc có khả năng truy cập dữ liệu của khách hàng Mỹ đã đăng ký dịch vụ. Tuy không có thông tin nào xác minh ByteDance đã bàn giao dữ liệu cho Chính phủ Trung Quốc, nhưng luật an ninh quốc gia của Trung Quốc có thể yêu cầu công ty làm như vậy.

 

MAI QUYÊN

Nguồn: baocantho.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.