Chuyên mục
Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách về biên giới quốc gia
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách về biên giới quốc gia

Thứ năm 21/05/2020 09:29 GMT + 7

Sáng 21/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

 


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN


Lực lượng chuyên trách khu vực biên giới

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, dự án Luật có 7 chương, 34 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, nhiệm vụ biên phòng là: quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu; Bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường ở biên giới, cửa khẩu. Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới; tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về biên phòng. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới hoạt động hiệu lực, hiệu quả... 

Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia. Tình hình hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, trong đó lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Do đó, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết.

 

Tránh chồng chéo, bảo đảm tính khả thi

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Bộ đội Biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết có một số ý kiến cho rằng, lý do ban hành luật nêu trong Tờ trình chưa quán triệt đầy đủ quan điểm tại Nghị quyết số 33-NQ/TW mà mới triển khai xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Biên giới quốc gia, pháp luật khác có liên quan; quy định đầy đủ, cụ thể các chính sách mới và nội hàm của Luật Biên phòng Việt Nam cho phù hợp quan điểm của Đảng và yêu cầu thực tiễn.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, đây là một đạo luật mới nên cần đánh giá kỹ 3 nhóm chính sách được xác định trong Báo cáo đánh giá tác động để làm rõ mục đích, yêu cầu xây dựng luật; lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, đánh giá việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan và cung cấp thêm thông tin về pháp luật, kinh nghiệm của một số nước trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN


Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt cho biết, tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam” là chưa chính xác, vì phạm vi điều chỉnh có nhiều nội dung trùng với quy định của Luật Biên giới quốc gia, chưa đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Luật Biên giới quốc gia có Chương III quy định cụ thể về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới (từ Điều 25 đến Điều 34). Do đó, đề nghị chỉ quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cho phù hợp với khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia và trên cơ sở nâng Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng thành Luật; theo đó sửa tên Luật là “Luật Bộ đội Biên phòng” hoặc “Luật Bộ đội Biên phòng Việt Nam” hoặc “Luật Lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam”.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, việc xác định đúng tên Luật có ý nghĩa quyết định đến phạm vi điều chỉnh, nội dung của dự thảo Luật; nếu giữ tên “Luật Biên phòng Việt Nam” cần quy định một cách tổng thể tất cả các vấn đề liên quan đến biên phòng theo hướng công tác biên phòng là một bộ phận của công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia. Mặt khác, nhiệm vụ này có sự tham gia của nhiều lực lượng ở khu vực biên giới và đã được quy định tại nhiều luật, đặc biệt là Luật Biên giới quốc gia, nên cần rà soát kỹ, đánh giá đầy đủ các chính sách, quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới để tránh chồng chéo và bảo đảm tính khả thi.


Hạnh Quỳnh

Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.