Chuyên mục
Ứng xử với vốn đầu tư từ Trung Quốc
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ứng xử với vốn đầu tư từ Trung Quốc

Thứ tư 24/07/2019 03:54 GMT + 7
Sự hiện diện của vốn Trung Quốc ở Việt Nam là rõ ràng, nhưng nếu mổ xẻ kỹ, thì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không phải là điều đáng lo ngại, vấn đề nằm ở dòng vốn đi đường vòng.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại Bình Thuận có sự hiện diện của dòng vốn Trung Quốc qua hợp đồng EPC.

FDI chưa có gì đặc biệt

Thừa nhận thực tế có sự tăng đột biến của vốn FDI từ Trung Quốc kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, vẫn cần thêm thời gian để quan sát trước khi đánh giá sự chuyển dịch này đã trở thành xu hướng hay chỉ mang tính nhất thời.

Bởi lẽ, các số liệu thống kê cho thấy, vốn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài nhiều năm qua dù khá tập trung ở khu vực châu Á, nhưng sự hiện diện của dòng vốn này ở ASEAN chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và Việt Nam thậm chí còn không nằm trong đối tượng ưu tiên so với các nước trong khu vực.

Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) về dòng vốn Trung Quốc cung cấp một bức tranh khá toàn cảnh về dòng vốn đến từ quốc gia này. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2010- 2017, châu Á là địa bàn chính của Trung Quốc khi luôn chiếm tỷ trọng từ 66% đến 74% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của quốc gia này.

Tuy nhiên, ở châu Á, vốn đầu tư của Trung Quốc lại chảy nhiều nhất vào Hồng Kông, tiếp theo là Singapore, Hàn Quốc… Xem xét ở góc độ vốn Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông, Ma Cao) vào ASEAN (trừ Singapore), báo cáo chỉ ra, vốn Trung Quốc vào khu vực này không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc.

Cụ thể, năm 2017, ASEAN chỉ chiếm 21,4% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Tỷ lệ này ở giai đoạn 2010 - 2016 lần lượt là 18,8%, 12,4%, 26,7%, 21,9%, 9,8% và 17,2%.

Trong khu vực ASEAN, vốn Trung Quốc lại ưu tiên hướng tới các nước như Malaysia (năm 2016 đạt hơn 4,8 tỷ USD, năm 2017 đạt hơn 3,3 tỷ USD), Indonesia (năm 2016 đạt khoảng 2 tỷ USD, năm 2017 đạt khoảng 2,5 tỷ USD), Thái Lan (năm 2016 đạt khoảng 2,4 tỷ USD), rồi mới đến Việt Nam (năm 2016 đạt 1,8 tỷ USD, năm 2017 đạt 1,3 tỷ USD).

Đánh giá về vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR bình luận, qua những số liệu trên, có thể thấy, vốn Trung Quốc chưa có gì đặc biệt, nổi trội so với các nước có truyền thống đầu tư ở Việt Nam (như Nhật Bản, Hàn Quốc). Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận, báo cáo nghiên cứu vốn Trung Quốc tại Việt Nam vẫn còn những “điểm mù”, đặc biệt là việc bóc tách dòng vốn thâm nhập thông qua mua bán - sáp nhập doanh nghiệp và phân biệt rõ nguồn vốn Hồng Kông và Trung Quốc.

Thêm một cảnh báo được Viện trưởng VEPR lưu ý, đó là nhìn vào số liệu đầu tư từ các quốc gia Đông Bắc Á, ngoài Hàn Quốc có xu hướng khá kiên định với điểm đến Việt Nam, dòng vốn từ các quốc gia khác bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, kể cả đối tác thân cận như Nhật Bản.

Cẩn trọng với dòng vốn đi đường vòng

Dòng vốn của Trung Quốc hiện diện ở Việt Nam bằng con đường nào, mà số liệu thống kê dù khá khiêm tốn, nhưng độ phủ bóng của Trung Quốc lại lớn vậy? Trả lời câu hỏi này, theo PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, qua nghiên cứu cho thấy, cách mà vốn Trung Quốc vào Việt Nam rất đặc biệt, không những đi bằng con đường FDI, mà chủ yếu thông qua các hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - cung ứng vật tư, thiết bị - xây dựng).

“Vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam không thể so sánh được với các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, mà các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam bằng cách thức thông qua các gói tổng thầu là chủ yếu”, ông Thành đề cập.

Đi sâu tìm hiểu về đường đi của vốn từ Trung Quốc, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc cho biết, một trong những điều kiện khi tiếp cận nguồn vốn vay từ Trung Quốc là ký hợp đồng EPC, chưa kể trường hợp trúng thầu khác của nhà thầu Trung Quốc.

Khảo sát chỉ riêng trong ngành nhiệt điện cho thấy, về tổng giá trị hợp đồng EPC theo quốc gia, thì Trung Quốc chiếm đến 69% với các định chế tài chính tài trợ cho các dự án này lên đến hơn 8 tỷ USD (lũy kế tới năm 2017). Đó mới chỉ một lĩnh vực, chưa kể tới các lĩnh vực khác như công nghiệp nặng, hạ tầng giao thông, …

Tuy nhiên, điều đáng lo là, đầu tư của Trung Quốc dưới hình thức EPC lại lộ ra rất nhiều bất cập về chậm tiến độ, gặp trục trặc kỹ thuật và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Điều này có thể nhìn thấy từ thực tế các dự án như Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương, Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II và gần đây là tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…

Khẳng định vốn Trung Quốc là sự bổ sung quan trọng cho nhu cầu đầu tư hạ tầng của Việt Nam, nhưng ông Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh, đầu tư của Trung Quốc là một khái niệm rộng, không chỉ gồm các hoạt động do Trung Quốc đầu tư, mà gồm cả các dự án EPC do Việt Nam vay vốn nước khác (như Nhật Bản) nhưng do Trung Quốc trúng thầu triển khai.

Trước các vấn đề nêu ra, nhóm nghiên cứu cho rằng, Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý với các hoạt động FDI và hoạt động khác liên quan. “Không thể chặn vốn Trung Quốc theo đầu vào, nhưng cần tăng kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu. Cần xử lý nghiêm những đối tác Việt Nam tham nhũng, kiểm tra, giám sát không sát sao các công trình cơ sở hạ tầng”, nhóm nghiên cứu VEPR khuyến nghị.

Đồng quan điểm trên, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, bất kỳ nước nào cũng muốn đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, không riêng các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhưng điều cần nhấn mạnh rằng, quyền lựa chọn dự án đầu tư, nhà thầu, công nghệ vẫn là của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, không thể nói không hợp tác, mà không còn cách nào khác, chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của mình.

“Trung Quốc thực tế là một nước rất giỏi về xây dựng hạ tầng, nhưng tại sao Dự án Cát Linh - Hà Đông lại như thế? Lỗi tại nhà thầu, nhưng cũng có lỗi của chúng ta”, ông Tuyển nói.

Ám ảnh chậm tiến độ và đội vốn

Tại Dự án Metro Cát Linh - Hà Đông, theo điều khoản ban đầu của hợp đồng, tổng thầu EPC (Trung Quốc) phải hoàn thành công trình trong vòng 48 tháng kể từ năm 2010. Tuy nhiên trên thực tế, tới tháng 11/2018, khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm tra dự án, thì công trình vẫn chưa hoàn thành, chậm hơn 4 năm so với tiến độ đề ra ban đầu. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư của Dự án cũng được điều chỉnh từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng. Vậy để thấy, chậm tiến độ và đội vốn luôn là nỗi ám ảnh đến từ các nhà thầu Trung Quốc.

Anh Trung
Nguồn: baodautu.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.