Chuyên mục
Từ Bamboo Airway, tới Vietravel Airlines và Vinpearl Air: Mô hình kinh doanh phối hợp hàng không + dịch vụ du lịch đã tràn tới Việt Nam
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Từ Bamboo Airway, tới Vietravel Airlines và Vinpearl Air: Mô hình kinh doanh phối hợp hàng không + dịch vụ du lịch đã tràn tới Việt Nam

Thứ tư 10/07/2019 05:57 GMT + 7
Hiện vẫn chưa có bài phân tích cụ thể nào về lợi ích hay rủi ro từ mô hình đa dạng hóa kinh doanh của các hãng hàng không giá rẻ. Trên thực tế, việc họ mở rộng kinh doanh sang mảng khác không thể hiện rõ sự đột biến lợi nhuận hay thua lỗ nào.


Trong khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đang trở nên vô cùng sôi động, đặc biệt với mô hình hàng không kết hợp dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Năm 2017, Tập đoàn FLC đã manh nha công bố việc sẽ thành lập hãng bay. Sau hơn 1 năm chuẩn bị, hãng hàng không Bamboo Airway cũng chính thức đưa vào vận hành vào đầu năm 2019. Với các chặng bay đến những địa phương có khu nghỉ dưỡng của FLC, cũng như chính sách bán hàng, khuyến mãi phối hợp giữa FLC Resort và Bamboo Airway, có thể nói FLC là doanh nghiệp đi tiên phong khai thác mô hình hàng không - du lịch đầy hấp dẫn. 

Cuối năm 2018, một đơn vị lữ hành lớn khác là Vietravel cũng cho biết sẽ gia nhập lĩnh vực hàng không. Tới đầu tháng 4/2019, Tổng giám đốc Vietravel đã chính thức xác nhận việc nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) lên Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên - Huế.

Cũng trong tháng 4/2019, một công ty mang tên VinAir được thành lập, đến tháng 5 sau đó, CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia được đã được cấp giấy đăng ký kinh doanh mới và đổi tên thành CTCP Hàng không Vinpearl Air. Với tên gọi có tiền tố Vin và Vinpearl, cũng như việc các cổ đông sáng lập có liên quan đến Vingroup và Vinpearl, dường như đã tới lúc Vingroup gia nhập vào cuộc chơi hàng không - du lịch.

Đó là thực tế đang diễn ra tại thị trường Việt Nam. Vậy mô hình này có gì tối ưu, và đã được áp dụng ở các thị trường quốc tế như thế nào?

Khách hàng đã sẵn đó, chỉ việc chọn sản phẩm và mô hình cho đúng!

Số liệu của Data Monitor cho thấy ngành hàng không đang chịu nhiều thiệt hại khi nhu cầu đi lại giảm sút do suy thoái kinh tế, khủng bố, chiến tranh thương mại cũng như nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thế giới. Bởi vậy, nhiều hãng hàng không, nhất là các hãng giá rẻ đã chuyển hướng mở rộng đầu tư kinh doanh nhằm duy trì doanh thu.

Trước đây, việc các hãng hàng không kết hợp với kinh doanh du lịch đã không còn gì mới lạ. Trong khi tỷ phú Richard Branson nổi tiếng với hãng hàng không giá rẻ Virgin thì ít ai biết rằng ông cũng kinh doanh nhiều khách sạn, resort.

Năm 2018, hãng hàng không Allegiant Air đã gây bất ngờ khi tuyên bố đầu tư vào mảng du lịch nghỉ dưỡng, resort, vận hành khách sạn, sân golf cùng các trung tâm giải trí cho gia đình, khu vui chơi trẻ em. Dự án Sunseeker của Allegiant dự kiến tiêu tốn tới gần 500 triệu USD đầu tư và được đặt tại bang Florida.

Trước đó, Delta Airlines cũng đã mở rộng danh mục đầu tư sang mảng lọc dầu vào năm 2012 còn mô hình kinh doanh kết hợp hàng không - khách sạn của tỷ phú Branson cũng đem lại kết quả khả quan.

Dẫu vậy, quyết định này của Allegiant khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại bởi các hãng hàng không thường tập trung chuyên môn chứ ít khi mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực không chuyên khác. Việc vận hành mảng đầu tư mới sẽ khiến các hãng này tốn thêm chi phí, vốn là điều mà các công ty hàng không giá rẻ luôn muốn tiết kiệm.

Tuy nhiên, khi tình hình kinh doanh có vấn đề thì ngành hàng không buộc phải làm gì đó. Mới đây, hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng AirAsia cũng đã tuyên bố mở rộng danh mục kinh doanh sang các mảng công nghệ và dịch vụ.



"Hãng hàng không Air Asia không chỉ là công ty bán vé máy bay. Chúng tôi cũng bán được lượng phòng khách sạn kỷ lục trong tuần trước. Bởi vậy tôi đang thúc đẩy để đưa cỗ máy Air Asia cũng trở thành một hãng môi giới du lịch", CEO Tony Fernandes tuyên bố ngày 19/3/2019.

Bên cạnh đó, CEO Fernandes cũng cho biết khó có thể dự đoán tỷ lệ doanh thu từ những hoạt động kinh doanh ngoài ngành này nhưng Air Asia đang thúc đẩy doanh số từ các mảng dịch vụ ngoài hàng không như cho thuê xe ô tô hay các gói du lịch trọn gói kết hợp resort.

"Chúng tôi giờ đây cũng có tiềm năng kinh doanh khách sạn. Tôi có thể đầu tư mạo hiểm. Tôi có thể mua khách sạn và nếu bạn đặt phòng của chúng tôi, tôi sẽ cho bạn bay miễn phí. Mảng kinh doanh khách sạn tiềm năng chẳng kém gì ngành hàng không", CEO Fernandes chia sẻ.

Cũng theo nhà lãnh đạo này, chính việc Go-Jek, một ứng dụng chia sẻ phương tiện tương tự Grab, tại Indonesia mở rộng kinh doanh sang nhiều thứ như vận chuyển thức ăn đã khiến ông này ra ý tưởng này.

Hiện tại, Air Asia cùng các nhà cung cấp của hãng đang vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách mỗi năm và nếu tham gia các thị trường khác, tiềm năng của họ là rất lớn.

"Khách hàng đã có sẵn đó. Công việc chỉ là chọn đúng sản phẩm và đúng mô hình kinh doanh mà thôi", CEO Fernandes nói.

Rủi ro tiềm ẩn

Hiện vẫn chưa có bài phân tích cụ thể nào về lợi ích hay rủi ro từ mô hình đa dạng hóa kinh doanh của các hãng hàng không giá rẻ. Trên thực tế, việc họ mở rộng kinh doanh sang mảng khác không thể hiện rõ sự đột biến lợi nhuận hay thua lỗ nào.

Ví dụ như thương vụ Delta Air mua nhà máy lọc dầu Trainer, mục đích chính của công ty là kiểm soát đầu vào nhiên liệu, giảm sự phụ thuộc vào thị trường mở. Thương vụ năm 2012 này không chứng minh được lợi ích đáng kể nào cũng như không tạo ra bất ổn gì cho Delta.

Đối với thương vụ đầu tư của Allegiant, hiện chưa có kết quả rõ ràng nào hãng sẽ thành công. Trước đây, một số hãng hàng không đã từng lấn sang mảng du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí nhưng đều có kết quả cuối cùng không mỹ mãn lắm dù đó là do nguyên nhân khách quan.

Năm 1946, hãng Pan American Airways (PanAm) đã mở khách sạn đầu tiên ở Brazil sau Thế chiến II. Chuỗi kinh doanh này của Pan Am tồn tại khoảng 35 năm trước khi hãng gặp khó khăn tài chính và phải bán cổ phần trong mảng này vào năm 1981.


Một số hãng hàng không khác như All Nippon Airways, Iceland Air… cũng sở hữu khách sạn nhưng mang tính quảng cáo là chính chứ không kinh doanh quá đa ngành.

Như một hệ quả tất yếu, khi Allegiant bỏ gần 500 triệu USD vào mảng du lịch, giải trí thì các nhà đầu tư đã vô cùng lo lắng. Mặc dù Allegiant tuyên bố sẽ thu trước 30% giá bán các căn hộ ở dự án bất động sản mà họ xây để bù đắp chi phí nhưng vẫn không khiến mọi người bớt lo.

Chuyên gia Seth Kaplan của Airline Weekly nhận định mảng bất động sản khác rất nhiều so với ngành hàng không, từ vòng quay vốn, đối thủ cạnh tranh, phương thức kinh doanh cho đến những mối quan hệ ngầm phức tạp đằng sau đó.

"Họ không còn được chơi trên chính sân nhà của mình nữa", ông Kaplan nói.

AB

Kinh doanh du lịch – hàng không: Mô hình 'một người khỏe, hai người vui' đã được tỷ phú Richard Branson áp dụng từ hàng thập kỷ trước

Bằng việc khai thác, tận dụng tiềm lực và lợi thế của nhau, mô hình kinh doanh du lịch - hàng không giúp gia tăng lợi ích cho mỗi thương hiệu cũng như cả tập đoàn.



Mô hình kinh doanh hàng không kết hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng đang là xu thế được các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam theo đuổi thời gian gần đây. Ông lớn ngành du lịch FLC đã ra mắt Hãng hàng không Bamboo Airway vào giữa tháng 8 năm ngoái. Mới đây, cái tên Vinpearl Air cũng khiến công chúng xôn xao về bước đi mới của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Mô hình "một người khỏe, hai người vui" này không phải quá mới lạ khi ở Anh, một tỷ phú cũng đã triển khai thành công hàng chục năm trước và duy trì đến ngày nay.

Đó là Richard Branson, doanh nhân, tỷ phú người Anh, nổi tiếng với Tập đoàn đa ngành Virgin của mình.



Cha là luật sư, mẹ làm tiếp viên hàng không nhưng Branson đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình khi mới 16 tuổi bằng việc phát hành tạp chí Student. Sau đó, ông thành lập một hãng thu âm đặt hàng qua thư với tên Virgin Records vào năm 1970. Đây cũng khởi đầu cho một tập đoàn khổng lồ, nơi kiểm soát hơn 400 công ty, sử dụng gần 70.000 lao động tại 35 quốc gia trên toàn thế giới.

Các công ty của Branson bao gồm các hãng hàng không, truyền thông không dây, đài phát thanh, khách sạn, y tế, kinh doanh dịch vụ tài chính, câu lạc bộ đêm Heaven, công nghệ tái tạo.

Hai trong những công ty nổi tiếng của ông là Hãng hàng không Virgin Atlantic và Virgin Holidays, chuyên cung cấp các tour du lịch khắp thế giới.

Virgin Atlantic

Trong một lần đi đến đảo Virgin của Anh, Branson đã bị mắc kẹt ở Puerto Rico sau khi chuyến bay của ông bị hủy vì không đủ hành khách. Vị tỷ phú đã giải quyết vấn đề bằng cách thuê một chuyên cơ riêng và cho cả những người bị lỡ chuyến như mình đi cùng. Branson còn viết chữ "Virgin Airlines" lên một chiếc bảng đen, đánh dấu ngày ông lấp đầy chiếc máy bay đầu tiên của mình.

Năm 1984, Hãng hàng không Virgin Atlantic chính thức ra mắt. Ngay từ những ngày đầu, Virgin Atlantic đã chinh phục được khách hàng bởi dịch vụ vượt trội. Đây là hãng hàng không đầu tiên cung cấp màn hình TV cá nhân với đa dạng các kênh cho hành khách ở cả ghế hạng sang và hạng thường vào năm 1991.



Virgin Atlantic là một trong những thương hiệu được ngưỡng mộ nhất ở Anh và trên toàn thế giới, phục vụ 53 triệu khách hàng mỗi năm.

Virgin Holidays

Virgin Holidays được thành lập sau Virgin Atlantic một năm, là công ty chuyên cung cấp, sắp xếp các kỳ nghỉ tới hơn 45 địa điểm trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Nam Phi, Trung Đông, Ấn Độ Dương.

Công ty này đặc biệt nổi tiếng với tour xuyên Đại Tây Dương lớn nhất, cũng là cái tên hàng đầu ở thị trường Hoa Kỳ và Caribê.



Năm 2016, Virgin Holidays chuyển hẳn sang từ mô hình phân phối sang doanh nghiệp bán hàng trực tiếp.

Kết hợp du lịch – hàng không: Mô hình "một người khỏe, hai người vui"

Dù cùng thuộc một tập đoàn nhưng Virgin Atlantic và Virgin Holidays là 2 công ty hoạt động hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, sẽ thật lãng phí nếu những nguồn lực từ 2 thương hiệu không hỗ trợ, bổ sung cho nhau để tăng thêm lợi ích cho khách hàng cũng như cho chính doanh nghiệp.

Chiến dịch quảng cáo chung

Năm 2018 đánh dấu lần đầu tiên cặp thương hiệu anh em này liên kết, tung ra chiến dịch quảng cáo chung sau hơn 30 năm thành lập. Chiến dịch gồm 2 video quảng cáo cho 2 thương hiệu riêng nhưng cùng được lên sóng trong thời gian nghỉ của chương trình The X Factor. Ngoài ra, video còn được chạy trên đài phát thanh, kỹ thuật số, điện thoại di động và phương tiện truyền thông xã hội khác.


Chiến dịch quảng cáo chung của Virgin Holidays và Virgin Atlantic.

Cả 2 video quảng cáo tập trung vào các điểm đến chính bao gồm New York, Las Vegas, Florida, đặc biệt là Bờ Tây Hoa Kỳ và Caribe, nơi Virgin Holidays cung cấp những tour du lịch nổi tiếng.

Amber Kirby, giám đốc tiếp thị và khách hàng của Virgin Holidays chia sẻ về chiến dịch trị giá hàng triệu bảng Anh rằng: "Chúng tôi là 2 thương hiệu anh em, với bản sắc riêng biệt và có nhiệm vụ khác nhau. Nhưng có nhiều điểm chung xung quanh kinh nghiệm và ý thức phục vụ của Virgin, bắt đầu trên chuyến bay Virgin Atlantic và được tiếp tục ở điểm đến với Virgin Holidays."

Mục tiêu của chiến dịch là thu hút những khách hàng mới, tăng 5% số người bay cùng Virgin Atlantic. Dù không có số liệu chính thức về tác động của chiến dịch này đến tình hình kinh doanh của 2 thương hiệu nhưng nó đã nhận được nhiều phản ứng tích cực và thích thú từ công chúng.

Chương trình Virgin Flying Club

Đây là chương trình khách hàng thân thiết của Virgin Atlantic, mang đến những gói ưu đãi tương ứng với 3 mức độ trung thành Red, Silver và Gold.

Tham gia vào tầng Red, bạn sẽ nhận được mức chiết khấu 7% cho các chuyến du lịch của Virgin Holidays, bên cạnh những ưu đãi từ các đối tác khác của hãng. Tại tầng Silver, không chỉ nhận khuyến mãi 7%, khách hàng còn được cộng 2 điểm tích lũy cho mỗi 1 EUR bỏ ra. Còn khi là thành viên của tầng Gold, mức chiết khấu sẽ lên tới 10% và tăng điểm tích lũy tương tự Silver.



Thậm chí, một công ty riêng, Virgin Group Loyalty Company (VGLC), đã được lập ra để quản lý chương trình khách hàng thân thiết, liên kết giữa 2 thương hiệu này.

Trong báo cáo tài chính thường niên 2016, Virgin Holidays đã ghi nhận một năm kinh doanh thắng lợi với lợi nhuận trước thuế 19,1 triệu bảng, tăng 75,2% so với năm trước. Còn Virgin Atlantic cũng báo cáo lợi nhuận sau thuế 23 triệu bảng. Báo cáo này cũng cho biết hiệu suất lớn của Virgin Holidays là nhân tố quan trọng đóng góp vào hoạt động của Virgin Atlantic và cả tập đoàn.

Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh trên còn khá mới do đòi hỏi về tiềm lực tài chính và tài nguyên lớn. Với việc lấn sân sang thị trường hàng không, Vinpearl Air có thể tận dụng được lợi thế, tiềm lực từ các quần thể du lịch sẵn có để gia tăng lợi ích cho cả 2 lĩnh vực, đồng thời củng cố thêm đế chế Vingroup.

T.Dương
Nguồn: nhipsongkinhte.com, ttvn.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.