Chuyên mục
Ông chủ BHD:
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ông chủ BHD: "Trong kinh doanh đi nhanh, đi chậm đều chết"

Thứ bảy 17/08/2013 04:22 GMT + 7
Mơ ước xuất khẩu phim Việt, tập hợp nghệ sĩ vào ngành công nghiệp điện ảnh, gia đình sản xuất nghệ thuật BHD, những người tạo nên sân chơi và việc làm cho nhiều nghệ sĩ, cho rằng trong kinh doanh phải đi cùng nhau, đi nhanh cũng chết mà đi chậm cũng khó tồn tại.

Hiền, Hạnh và Binh, ba nhân vật chính của công ty BHD, như các đồng nghiệp và bạn bè thường nhắc về họ, trông đều trẻ hơn tuổi. Họ diện đồ bảnh bao, hợp thời trang nhưng không kiểu cách hoặc cá tính kiểu của các nghệ sĩ, hay nghiêm túc như thường thấy ở các doanh nghiệp.

Rất khó để xếp họ vào "những cái hộp" cụ thể. Họ không phải là người của công chúng, nhưng lại đang đi đầu trong nền công nghiệp tạo ra những người nổi tiếng. Họ cũng là những nghệ sĩ trực tiếp sản xuất nghệ thuật - Nguyễn Phan Quang Bình là đạo diễn điện ảnh, còn hai chị em Ngô Thị Bích Hạnh và Ngô Thị Bích hiền xuất thân từ một gia đình văn chương có niềm đam mê nghệ thuật.

Công ty BHD tên đầy đủ là Đình Hạnh Đan, từ hơn 10 năm nay đã trở thành cái tên quen thuộc trong giới truyền thông, giải trí và nghệ thuật. Với ngành kinh doanh lõi là sản xuất nội dung trong lĩnh vực truyền thông - giải trí, hoạt động của BHD trải rộng trên nhiều lĩnh vực: từ sản xuất và phát hành các chương trình truyền hình, trong đó có phim truyền hình, game show, truyền hình thực tế và các kênh tin tức, giải trí, đến sản xuất và phát hành phim, rạp chiếu phim và quảng cáo. Hai vợ chồng Bình và Hạnh thành lập công ty từ năm 1996, cùng với chị gái Hạnh và Hiền, đưa BHD thành công ty tiên phong trong xu hướng xã hội hóa truyền hình được nhen nhóm từ những năm cuối thập niên 1990. Từ đó đến nay, BHD đã tạo ra được một chỗ đứng khá vững chắc trong việc sản xuất nội dung cho ngành giả trí và truyền thông, một lĩnh vự cạnh tranh mạnh dù vẫn trong giai đoạn khởi đầu.

 
Phan Quang Bình, đạo diễn điện ảnh, Chủ tịch BHD.

"Ở Việt Nam, kinh doanh giả trí kiếm rất ít tiền, mà phải làm vất vả" - Bích Hạnh, Tổng giám đốc công ty BHD chia sẻ. Văn phòng đặt ở tầng cao nhất của một tòa nhà trung tâm thành phố, nhưng khá nhỏ bé, chật chội, một khoảng cách xa vời nếu so sánh với trụ sở các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới. Trên tường phòng họp, bên cạnh kịch sản xuất, lịch quay các chương trình là những poster tuyên truyền về phim và những chương trình truyền hình thực tế mới nhất mà công ty đang thực hiện, như Vua Đầu Bếp.

Thế nào là ít tiền? Năm ngoái, phim Việt ăn khách nhất mà BHD kết hợp với hãng phim tư nhân khác sản xuất là Mỹ nhân kế, với chi phí sản xuất khoảng 17 tỷ đồng, đạt doanh thu kỉ lục 60 tỷ đồng, khoảng gần 3 triệu USD. Cùng năm, phim bom tấn Hollywood thành công nhất là The Avengers (Biệt đội siêu anh hùng) của hãng Marvel đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ USD trên toàn cầu. Khoảng cách này không làm những nhà làm phim Việt Nam nhụt chí. Số lượng các phim điện ảnh có thể đem lại lợi nhuận rất cao trên vốn, và thời gian hoàn vốn nhanh, nhưng rủi ro cũng cao tương đương- 5 ăn 5 thua. Rủi ro có thể đến từ nhiều yếu tố, trong đó có việc phim không đủ hấp dẫn, ít người xem.

Vất vả như vậy nhưng ngày càng có nhiều nhà đầu tư theo đuổi lĩnh vực này, trong đó có gia đình nhà BHD. Bích Hạnh kể: "Trước đây, không bao giờ nghĩ làm nghệ thuật có tiền. Nhưng hóa ra làm nghề mình thích cũng kiếm ra tiền, vẫn đủ tiền sống và hạnh phúc". Khác với nhiều công ty tư nhân khác chủ yếu tập trung vào mảng phim thương mại, BHD tỏ ra quan tâm đến yếu tố nghệ thuật, và thỉnh thoảng lại bỏ tiền ra làm những phim điện ảnh nghệ thuật, mà trong quan sát của những người trong ngành, không có đảm bảo chăc chắn sẽ thu hút người xem trẻ đến rạp.

Năm 1999, BHD sản xuất phim điện ảnh đầu tiên Vũ khúc con cò, phim về chiến tranh Việt Nam, sau đó đưa đi giới thiệu trên nhiều liên hoan phim quốc tế. BHD tiếp tục sau đó bằng các phim điện ảnh cao phí, như Áo lụa Hà Đông (hợp tác với hãng phim Phước Sang và Ánh Việt); Những nụ hôn rực rỡ và Cánh đồng bất tận là những bộ phim điện ảnh được cho là thành công về doanh thu trong những năm gần đây. Nguyễn Quang Bình, Chủ tịch của BHD cũng là đạo diễn phim Cánh đồng bất tận, kịch bản dựa trên truyện cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư. Bích Hạnh nói: "Mình làm vì mình tin và muốn người khác xem".

Hiền và Hạnh là con gái của nhà văn kiên nhà phê bình văn học Ngô Thảo, một tên tuổi được biết đến rộng rãi trong giới làm văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội. Lớn lên ở thủ đô trong thời bao cấp, từ nhỏ hai chị em đã được bố hướng dẫn vào con đường văn chương, sáng tác. Từ tuổi nhỏ, họ đã sáng tác văn thơ, hai chị em có sách xuất bản chung. Ngôi nhà của họ lúc đó luôn là nơi đón giới nghệ sĩ, bạn bè của bố mẹ. Chị em Hiền- Hạnh ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc với nghệ thuật đỉnh cao của Hà Nội. Tuy vậy, nhiều người thân quen với gia đình cho rằng, việc họ thành công trong bước đường kinh doanh còn là nhờ ảnh hưởng nhiều từ bà mẹ, một người phụ nữ sắc sảo, có nhiều năm công tác trong ngành ngoại thương của nhà nước.

Ngô Thị Bích Hiền, Phó chủ tịch BHD và là Giám đốc điều hành tại TP.HCM viết trong cuốn sách in nhân ngày kỷ niệm 15 năm thành lập công ty: "Căn nhà nhỏ, tối thui ở phố Hàng Khay, bên hồ Hoàn Kiếm, rồi chuyển tới căn nhà vẫn nhỏ (một phòng vừa tiếp khách, vừa ăn, vừa ngủ), vẫn tối thui ở phố cổ Hàng Bông của gia đình tôi lúc nào cũng đông người. Đêm đêm, ba chị em tôi đi vào giấc ngủ cùng những câu thơ, lời ca, tiếng đàn của những nghệ sĩ lừng lẫy một thời. Trong nhưng bữa cơm chiều, cả gia đình tôi và các nghệ sĩ bạn của ba tôi vừa tấm tắc khen những món ngon, những chai rượu mẹ tôi đem về cho ba, ngẩn ngơ nghe mẹ kể về những dự án kinh doanh , về ngân hàng, hợp đồng, L/C... Để chẳng ai hiểu gì, rồi lại tất bật rủ nhau cùng đọc thơ, cùng hát.

Rồi nhiều ngày chúng tôi thấy những người bạn nghệ sĩ của ba tôi vất vả vì những lo toan đường đời...Rồi một ngày, có một người bạn thân của ba tôi chết cô đơn trong một cơn đói. Và chúng tôi quyết định theo nghiệp mẹ tôi để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật mà ba và những người bạn đem đến cho mình. Chúng tôi tự nhủ: Không thể để nghèo..."

Với suy nghĩ đó, hai vợ chồng Ngô Thị Bích Hạnh - Nguyễn Phan Quang Bình xây dựng công ty. Hạnh và Bình yêu nhau từ thời sinh viên, hai người bằng tuổi nhau, cùng sinh năm 1972. Bình cũng sinh trưởng trong một gia đình tri thức. Mẹ Bình là bà Phan Thanh Hảo, một nhà giáo dục và dịch giả nhiều cuốn sách, trong đó có tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Bình học mỹ thuật ở cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, ra trường đi làm thiết kế cho tạp chí Quan hệ Quốc tế trước khi du học úc 3 năm, theo ngành quản trị kinh doanh. Hạnh học tại đại học Ngọai thương.

Sau khi ra trường, hai người cưới nhau rồi sinh con luôn nên Hạnh chỉ đi làm nửa buổi. Chị ấp ủ kế hoạch kinh doanh. Năm 1996, công ty BHD mới thành lập. (Tên ban đầu là Ba Hạt Dẻ không được sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội chấp thuận nên đổi thành Bình Hạnh Đan – Đan là tên cả 3 người con của hai vợ chồng).

Những năm đầu, BHD làm đại diện quảng cáo cho công ty nhật Daiko. Năm 1996, BHD sản xuất chương trình truyền hình đầu tiên cho đài VTV. Chương trình âm nhạc “Những bài hát còn xanh” do Hiền (mới đi học ở Nga về) cùng nhà báo Mạnh Cường của báo Lao động dẫn chương trình, đã thổi một làn gió mới vào các chương trình truyền hình nhàm chán của VTV vào thời điểm đó. Tất cả mọi người tham gia vào việc sản xuất: Hiền và Cường viết kịch bản, dẫn chương trình, Hạnh đi phỏng vấn, làm phóng sự, Bình quay video clip ca nhạc và dựng chương trình. Mỗi chương trình phải thực hiện rất nhanh chỉ trong vài ngày. BHD có lẽ là công ty tư nhân đầu tiên đứng ra sản xuất chương trình truyền hình cho đài VTV.

 
Các chương trình truyền hình do BHD thực hiện.

Giờ đây, sản xuất nội dung giải trí nói chung, và chương trình truyền hình nói riêng của các đài truyền hình đã trở thành thế mạnh hàng đầu của BHD, đồng thời là nguồn thu chính. Bên cạnh các phim truyền hình dài tập như Bỗng dưng muốn khóc, Cô gái xấu xí… BHD sản xuất các chương trình trò chơi mua bản quyền từ nước ngoài (Trò chơi âm nhạc, Đuổi hình bắt chữ, Tìm kiếm tài năng Việt, Vua đầu bếp); các chương trình truyền hình thực tế: Vietnam Idol, The Amazing Race, và chương trình quy mô nhất mà họ sẽ công bố trong tháng 8 là Big Brother. Với các hoạt động cần nhiều vốn và phát triển nhanh như kênh truyền hình tin tức, giải trí hiện tại là FBNC (kênh tài chính, kinh doanh) và MTV hay rạp chiếu phim, BHD gọi vốn từ các nhà đầu tư khác. Các cổ đông BHD nắm từ 25% đến 70% cổ phần từ các hoạt động này.

Dù vậy, truyền hình là một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng, chính vì thế mà nhiều công ty khác cũng không bỏ lỡ cơ hội tham gia. Tổng chi phí quảng cáo trên truyền hình Việt Nam năm 2012, theo số liệu gần nhất của Kantar Media, trị giá gần 900 triệu đôla Mỹ, với mức tăng trưởng 30% trong năm 2012. Các show truyền hình thực tế ăn khách hiện nay trung bình có giá quảng cáo từ 80 đến 200 triệu đồng/TVC 30 giây. BHD vẫn là công ty tư nhân nên không công bố các số liệu doanh thu cụ thể, nhưng theo đánh giá chung, truyền hình đang đem lại nguồn doanh thu lớn nhất của công ty. Từ 8 năm nay, BHD đã đầu tư một trường quay hiện đại 7.000m2 tại quận 9, TP.HCM, nơi được sử dụng để sản xuất rất nhiều chương trình.

Trong khi đó, thị trường điện ảnh còn khá nhỏ với giá trị khoảng trên 50 triệu USD doanh thu phim chiếu rạp/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng lại rất nhanh, khoảng 57% theo tính tính của quỹ đầu tư Mirae Asset. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các công ty đầu tư vào lĩnh vực rạp chiếu phim. Hai “tay chơi” lớn nhất thị trường rạp chiếu phim hiện này là Megastar và Galaxy đều đạt tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận rất cao trong vòng vài năm qua, khi giới trẻ thiếu chỗ chơi coi việc xem phim ở các rạp được đầu tư hiện đại như một cách giải trí, hẹn hò chính.

BHD tham gia vào cuộc chơi rạp chiếu phim trẻ hơn so với Megastar và Galaxy. Năm 2009, họ tham gia liên doanh với một công ty của Ấn Độ và năm 2010 khai trương rạp BHD đầu tiên ở đường 3-2 (TP.HCM). Tháng 1/2013, họ mở thêm cụm rạp hiện đại tại tòa nhà Bitexco, trung tâm quận 1, TP.HCM. Khác với sản xuất nội dung cần ít vốn hơn, Hiền và Hạnh cho biết đầu tư vào rạp chiếu phim cần vốn lớn cho trang thiết bị ban đầu, thời gian thu hồi vốn lâu hơn, trung bình khoảng 3 năm. Nhưng kế hoạch của họ là đẩy mạnh đầu tư vào rạp chiếu phim, cũng như các hình thức trình chiếu mới. Họ huy động vốn từ quỹ IDG Venture Capital. IDG hiện nắm 30% của công ty BHD Star Cineplex.

Mặc dù những người chủ của BHD nói nhiều về đam mê nghệ thuật, nhưng chuyện kinh doanh của họ không viển vông. Họ đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực truyền hình, lĩnh vực chủ chốt của họ, đồng thời cũng là một nhà sản xuất phim điện ảnh chắc chân và chịu chơi. BHD đầu tư 40% vốn sản xuất Lửa phật, bộ phim điện ảnh Việt có kinh phí lớn nhất từ trước đến nay ,tới mức gần 1,5 triệu USD.

“Chúng tôi thực sự tin là phim Việt Nam sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là đích nhắm tới của chúng tôi”, Hạnh nói. Chị so sánh một đất nước như Malaysia mà kim ngạch xuất khẩu nội dung chiếm đến 6% tổng GDP quốc gia, thì không có lý do gì mà Việt Nam, với rất nhiều tài năng nghệ thuật, không xuất khẩu được ra nước ngoài. “Cái khó là tập hợp các nghệ sĩ thành một ngành công nghiệp. Một cá nhân thì không thể làm được”, Quang Bình nói. Hiện nay các nhà làm phim trong nước có xu hướng phối hợp cùng nhau làm phim, phát hành. Mặc dù doanh số còn nhỏ, nhưng mỗi năm phim Việt Nam mới ra lại phá kỷ lục về người xem và doanh thu của những phim trước đó. Từ nhiều năm nay, các thành viên BHD miệt mài đem phim của họ đi giới thiệu ở các liên hoan phim quốc tế, một sự nhiệt thành mà không phải nhà sản xuất phim Việt nào cũng có được. Họ cũng đã gặp sai lầm.

Quang Bình kể, một trong những sai lầm lớn của nhóm là đầu tư quá sớm vào công nghệ HD từ cách đây 4 năm, đầu tư 2,5 triệu USD vào thiết bị nhưng không sử dụng được, vì các đài truyền hình không ứng dụng phát HD. Tháng 6/2013, VTV3 mới chuyển sang HD. Quang Bình chiêm nghiệm: “Phải phát triển cùng môi trường xung quanh, vì đi nhanh cũng chết, đi chậm cũng chết”.

Ba người lãnh đạo BHD phối hợp với nhau nhịp nhàng. Bích Hạnh, người mảnh mai, nói năng nhanh nhẹn, hoạt bát, phụ trách quản lý chung các hoạt động thương mại, kinh doanh, đàm phán. Quang Bình, dáng gầy gò và hay hút thuốc lá, lo khâu tổ chức sản xuất nội dung. Bích Hiền có bề ngoài thâm trầm, ít nói, phụ trách các hoạt động của công ty tại TP.HCM.

Anh Bùi Văn, hiện là Phó giám đốc công ty Nhiên liệu sinh học Phương Đông, từng làm việc với BHD, nhận xét rằng, trong ba người, Hạnh đóng vai trò then chốt, quyết định đến 70% sự thành công của BHD. Nhưng Hạnh phủ nhận điều này, cho rằng vai trò của mọi người là ngang nhau và công việc sản xuất nội dung của Bình mang tính quyết định đến thành bại của công ty. Hạnh gọi chồng một cách trìu mến là “Bình Boong” và luôn lắng nghe ý kiến của anh, một người tỏ ra kiệm lời, ít nhất là với người lạ.

Cha của họ, nhà văn Ngô Thảo, mặc dù không trực tiếp tham gia đến hoạt động công ty, vẫn được cho là có vai trò quan trọng trong việc kinh doanh của các con mình, nhờ mối quan hệ rộng rãi của ông với giới nghệ thuật, truyền thông và các đài truyền hình. Nhận xét về điều này, Hạnh nói: “Nói rằng đi đâu cũng gặp người quen thì cũng đúng… Bạn bè của cha mẹ tham gia giúp đỡ rất nhiều”. Nhưng Hiền cho rằng: “Ảnh hưởng quan trọng nhất từ cha mẹ là ảnh hưởng về văn hóa và nền tảng tư duy”. Bình bảo: “Có quan hệ nhưng trên thực tế làm việc không tốt vẫn bị từ chối”.

BHD đang ấp ủ nhiều dự định lớn về làm phim, trong đó có những ước vọng về phát triển nghệ thuật. Quang Bình nói: “Mình rất rõ rang, cứ có 3 – 4 phim thương mại thì làm một phim nghệ thuật, tìm con đường mới trong sáng tác”. Họ tỏ ra nhìn thấy sự cần thiết phải cân bằng giữa nhưng mục tiêu kinh doanh thực tế và nghệ thuật. Họ đã chứng kiến nhiều bậc nghệ sĩ tài năng, bạn bè cha mẹ họ, giỏi nhưng cả đời luôn bị lãng quên, luộn bị chậm hơn thời cuộc. Quang Bình chia sẻ: “Mình học được nhiều từ những cuộc đi chơi dã ngoại. Người chạy nhanh thường lại không về đích đầu tiên. Người biết dưỡng sức thì sẽ dai sức hơn”.
Nguồn: news.zing.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.