Chuyên mục
Không thể cổ phần hóa “một chút”
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Không thể cổ phần hóa “một chút”

Chủ nhật 29/03/2015 04:41 GMT + 7
Những năm qua, có rất nhiều DN được cổ phần hóa, nhưng những DN có sức thu hút, được quan tâm thì tỉ lệ cổ phần được bán ra lại rất ít, thậm chí có DN chỉ 3-5%...
              
Ảnh minh họa: T.V.N

Đến nay đã có hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, nhưng chất lượng là vấn đề cần phải bàn vì mục tiêu cuối cùng là có bao nhiêu doanh nghiệp đã thật sự thay đổi, tốt lên sau cổ phần hóa.

Mục tiêu của cổ phần hóa nhằm chuyển nguồn lực từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân, giúp Nhà nước thu lại vốn đã đầu tư để tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, cấp bách hơn.

Kế đến là giúp thay đổi cấu trúc sở hữu, thay đổi phương thức quản trị. Phải đạt hai mục tiêu trên thì mới đảm bảo chất lượng cổ phần hóa, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước.

Thực tế những năm qua, có rất nhiều DN được cổ phần hóa, nhưng những DN có sức thu hút, được quan tâm thì tỉ lệ cổ phần được bán ra lại rất ít, thậm chí có DN chỉ 3-5%. Khi Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối thì cơ bản nhân sự không có gì thay đổi. Con người vẫn thế thì cơ chế vận hành, lề lối làm việc, quản trị DN khó có sự đột phá.

Nhà đầu tư tư nhân khi bỏ vốn ra phải đảm bảo được lợi nhuận, hạn chế rủi ro. Nhưng khi họ bỏ vốn mua cổ phần DN nhà nước, họ không thể tham gia điều hành, định hướng DN vì tỉ lệ sở hữu quá nhỏ bé nên khó thu hút được người dân tham gia.

Đến nay, đâu đó vẫn còn tư tưởng những DN tốt Nhà nước không cần bán vội, cần duy trì để đảm bảo nộp ngân sách, chỉ bán những DN kém hiệu quả, nợ nần, nhỏ bé... Có thể ở góc độ nào đó, quan điểm trên đúng, nhưng nó không mang tính thị trường.

Ngoài những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng, Nhà nước nên chuyển việc kinh doanh cho tư nhân để tập trung vào những chức năng quan trọng khác. Kinh nghiệm cho thấy nếu bán những DN đang kinh doanh hiệu quả như Vinamilk, Sabeco, Habeco... không những Nhà nước bán được giá cao, lấy tiền cải thiện hạ tầng, giảm nợ công... mà còn giúp DN hoạt động hiệu quả hơn, mục tiêu đóng góp ngân sách vẫn đảm bảo, thậm chí còn tăng.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa thể hiện quyết tâm thực hiện xong cổ phần hóa 432 DN nhà nước trong hai năm 2014-2015 và từ thực tế “bán 10-20% không ai dám mua”, Thủ tướng đã định hướng tăng tỉ lệ vốn bán ra để “toàn dân làm kinh tế”. Đây là chủ trương đúng, cần cụ thể hóa kịp thời.

Những quy định khống chế tỉ lệ Nhà nước nắm vốn từ 75-100% ở một số ngành cần được rà soát, chỉnh sửa để hạn chế những ngành Nhà nước phải nắm cổ phần từ 51-100%.

Rất nhiều ngành như bia rượu, khách sạn, nhà hàng, du lịch, bán lẻ, thậm chí xây dựng, bất động sản, phát điện... không nhất thiết Nhà nước phải giữ trên 49% cổ phần. Có nhiều cách để vẫn quản lý được DN mà không nhất thiết phải có vốn nhà nước trong đó.

Có thể với cách cổ phần hóa “một chút” tại nhiều DN hiện nay, theo báo cáo của DN, hay của cơ quan chủ quản thì tình hình DN vẫn tốt lên. “Công thức” này được xem là thành công nhưng chưa đủ. Bởi kết quả tốt hơn không có nghĩa chúng ta không thể có một kết quả cao hơn nữa.

Đó là chuyển dịch nguồn lực từ các DN nhà nước cho khu vực có hiệu quả hơn, tạo môi trường mà ở đó, Nhà nước chỉ tập trung vào làm chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hơn là trực tiếp điều hành việc kinh doanh... 

TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (viện trưởng Viện Kinh tế VN)
C.V.KÌNH ghi
Nguồn: Tuổi trẻ
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.