Chuyên mục
Chưa giàu đã già, lời cảnh báo đã sắp… quen tai!
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Chưa giàu đã già, lời cảnh báo đã sắp… quen tai!

Thứ sáu 04/01/2019 10:02 GMT + 7
Nguy cơ chưa giàu đã giàu đồng nghĩa với kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn và sập bẫy thu nhập trung bình.

Chưa giàu đã già...

Cảnh báo về nguy cơ Việt Nam chưa giàu đã già được các thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra tại buổi làm việc hôm 22/12/2018.

Trong buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế, Thủ tướng mong muốn lắng nghe góp ý về những ưu tiên cho năm 2019, cho 5 năm và 10 năm tới, những gì được gọi là động lực mới cho tăng trưởng hay “điều mà các nhà nghiên cứu quan tâm là làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy “thiên đường ô nhiễm” xảy ra ở Việt Nam”.

Tổ tư vấn kinh tế đã đưa ra nhiều nhận định, đánh giá sát với thực tế cùng những kiến nghị, đề xuất mới. Tuy nhiên, điều quan trọng, theo GS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), Việt Nam cần phải hành động nhanh, quyết liệt bởi nếu không nhanh thì “dân tộc mình già trước khi giàu”.


Việt Nam có tốc độ già hóa dân số thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.

Cảnh báo về một Việt Nam chưa giàu đã già của GS Vũ Minh Khương một lần nữa khẳng định nỗi lo kéo dài nhiều năm nay của các chuyên gia kinh tế. Đó là thực trạng Việt Nam nằm ở nhóm có thu nhập thấp nhưng lại có tỷ lệ dân số già cao hơn hẳn các nước trong nhóm, có tỷ lệ nợ công cao không chỉ so với các nước trong nhóm mà thậm chí so với nhiều nước phát triển có thu nhập rất cao khác.

Mới đây nhất, vào tháng 11/2018, tờ The Economist của Anh có những phân tích cụ thể đồng thời bày tỏ lo ngại về nguy cơ chưa giàu đã già của Việt Nam.

Trong bài viết của mình, The Economist cho biết, độ tuổi trung bình của Việt Nam ở thời điểm hiện tại là 26. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan lắm, khi màu xám đang dần phủ lên những mái đầu người Việt. Những người trên tuổi 60 chiếm 12% tổng số dân. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 21% vào năm 2040 và đây là một trong những mức tăng nhanh nhất trên thế giới.

Dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đã đạt đỉnh cách đây nhiều năm, khi thu nhập bình quân đầu người của đất nước còn thấp. So với các nước láng giềng khác, mức GDP của Việt Nam chỉ bằng 1/2 so với Trung Quốc, 1/3 so với Thái Lan và 1/10 so với Nhật Bản khi dân số trong độ tuổi lao động của những nước này đạt đỉnh.

Một điều đáng buồn, theo The Economist, là Việt Nam già, nhưng chưa kịp giàu. Cuộc đua khắc nghiệt giữa sự tăng trưởng kinh tế và tình hình già hóa của dân số trở thành một vấn đề đau đầu với Việt Nam.

Câu hỏi được tờ báo kinh tế hàng đầu thế giới đặt ra là liệu chính phủ có thể hỗ trợ hàng triệu người Việt Nam khi về già? Chính phủ Việt Nam hiện nay bắt đầu thực hiện những chính sách để giảm gánh nặng tài chính và cải thiện đời sống cho rất nhiều người cao tuổi. Tuy nhiên, The Economist nhận định, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam sẽ không thay đổi. Thông thường, khi các quốc gia leo thang thu nhập, họ chuyển từ làm nông sang ngành có năng suất cao hơn, ví dụ như dịch vụ. Với thước đo này, Việt Nam đang tụt hậu so với các nước láng giềng.

Khi dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh vào năm 2013, nông nghiệp chiếm 18% nền kinh tế. Vào thời điểm đó tại Trung Quốc, nông nghiệp chỉ chiếm 10% GDP. Không những thế, sản lượng của nông dân có chiều hướng giảm dần theo độ tuổi. Sự phụ thuộc quá nhiều vào nông nghiệp phần nào giải thích được lý do có đến 3/4 lao động Việt Nam làm việc kém hiệu quả hơn khi họ già đi.

Nhiều rủi ro

Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered trong một báo cáo vào năm 2017 đã cảnh báo, yếu tố dân số bất lợi làm giảm tăng trưởng GDP tiềm năng và kìm hãm sự phát triển đất nước. Tuổi tác cao ảnh hưởng tới năng suất, khả năng tiêu dùng và đầu tư của người dân.

Trong bối cảnh chi tiêu cho an sinh xã hội tăng cao trong khi thuế thu nhập giảm, nhu cầu tăng nguồn thu khiến các chính phủ áp thuế cao hơn lên nhóm dân số lao động vốn đang thu hẹp.

Rõ ràng tình trạng chưa giàu đã già không chỉ đặt ra thách thức cho Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách hưu trí cho người dân, từ đó làm tăng gánh nặng lên chi tiêu ngân sách, mà còn là nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có năng suất cao cho chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Đáng chú ý là tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam lại có xu hướng giảm. Nếu trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% một năm thì từ năm 2008 tốc độ tăng năng suất lao động trung bình chỉ còn 3,3% một năm.

So sánh Việt Nam với các nước trên thế giới về ba chỉ tiêu: thu nhập trung bình, tỷ lệ dân số già, và quy mô nợ công, các chuyên gia khẳng định, Việt Nam khó tránh khỏi bẫy của quốc gia chưa giàu đã già, lại nợ nần nhiều.

Trong báo cáo sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch 2018 trình Quốc hội, Chính phủ cho biết, nợ công của Việt Nam khoảng 61,4% GDP. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực.

Đáng lưu ý, nợ nước ngoài của Việt Nam (gồm nợ vay, bảo lãnh của Chính phủ và các thành phần kinh tế vay theo hình thức tự vay tự trả) tương đương 49,7% GDP trong khi trần nợ vay là 50% GDP.

TS Vũ Sỹ Cường trong một hội nghị về nợ công ở Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2017 đã bày tỏ lo ngại, nhiều nước ở giai đoạn phát triển như Việt Nam hiện tại thường vay chưa nhiều vì “họ để dành khoản đó, khi đủ phát triển rồi, nhu cầu tăng lên thì mới vay.” Còn với Việt Nam, ông cho rằng, trong điều kiện hiện vẫn chỉ là nước thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh và năng lao động bình quân còn thấp thì nợ công đã ở mức cao.

Trong khi ấy, theo ông, vay nợ của Việt Nam chắc chắn còn tăng nữa khi mà dân số già đi, gánh nặng các quỹ sẽ đè nặng, khả năng tạo thu nhập mới giảm đi.

“Các nước khác thường lúc trẻ họ vay ít, dần dần vay nhiều lên, còn chúng ta có nguy cơ chưa giàu thì đã sớm già lại nợ nần nhiều," vị chuyên gia của Học viện Tài chính ví von.

Thành Luân
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.