Chuyên mục
Thương chiến leo thang, Trung Quốc “ra đòn hiểm”?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Thương chiến leo thang, Trung Quốc “ra đòn hiểm”?

Thứ tư 07/08/2019 15:05 GMT + 7
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thực chất là cuộc chạy đua giữ và giành ngôi vị dẫn đầu thế giới trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố, ông sẽ áp mức thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9 tới, thì Bắc Kinh đã ra đòn hiểm nhằm vào Mỹ, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.

Từ việc hai bên đổ lỗi cho nhau…

Ngày 1/8, Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố: “Từ ngày 1/9, Mỹ sẽ áp thêm mức thuế nho nhỏ 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm còn lại từ Trung Quốc xuất sang Mỹ. Loại thuế này không bao gồm 250 tỷ USD hàng hóa đã áp thuế 25% trước đó”.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thực chất là cuộc chạy đua giữ và giành ngôi vị dẫn đầu thế giới trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới. (Ảnh minh họa: KT).

Ông Trump còn nói với các phóng viên rằng, ông có thể áp mức thuế suất cao hơn, thậm chí vượt quá 25%, tùy thuộc vào quá trình đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình…muốn đi đến một thỏa thuận, nhưng thẳng thắn mà nói, ông ấy đi không đủ nhanh”. Và lỗi là từ phía Bắc Kinh vì họ đã không đẩy mạnh việc mua thêm các nông sản từ Mỹ.

Ngày 2/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng chỉ trích Mỹ, về việc nước này áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiếp đó, ngày 6/8 Trung Quốc tuyên bố: các công ty liên quan của Trung Quốc đã đình chỉ việc mua các sản phẩm nông nghiệp mới của Mỹ, bởi Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận của 2 nguyên thủ quốc gia tại cuộc gặp gỡ ở Osaka (Nhật Bản).

Trả lời báo giới bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan ở thủ đô Bangkok (Thái Lan), ông Vương Nghị nêu rõ: “Việc áp thuế chắc chắn không phải cách thức mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng kinh tế và thương mại, đây không phải cách thức đúng đắn”.

Cũng trong ngày 6/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cũng tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, PBOC cho rằng, Bắc Kinh chưa và sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ để đối phó với những bất đồng về thương mại với Mỹ.

Được biết, trước đó ngày 5/8 Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ.

Đến hệ lụy mang tính toàn cầu…

Động thái mới nêu trên trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, một lần nữa làm rung chuyển thị trường tài chính hai nước và thế giới. Tại Mỹ, giá dầu giảm 7%, trong đó giá dầu thô biển Bắc (Brent) ghi nhận tỷ lệ giảm tính theo ngày thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Chỉ số S&P 500 vốn đang ở vùng tích cực vào buổi chiều cũng giảm 0,9% khi chốt phiên giao dịch hôm 1/8.

Ngày 5/8, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phá ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, khiến các thị trường tài chính hỗn loạn và giới đầu tư chờ xem đồng tiền này có giảm sâu hơn nữa hay không.

Sau đó, ngày 6/8, Trung Quốc cho biết đang bán trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ tại Hong Kong, động thái được cho là sẽ hạn chế đà bán ra đối với đồng nhân dân tệ. Bắc Kinh cũng đã đặt ra mức tỷ giá trung tâm là 6,9683 nhân dân tệ/USD, cao hơn thị trường dự đoán dù vẫn là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008.

Trong phiên này, đồng nhân dân tệ trên thị trường nước ngoài ban đầu đã tụt xuống mức thấp nhất chưa từng có 7,1265 nhân dân tệ/USD, nhưng sau đó đã phục hồi lên mức 7,0495 nhân dân tệ/USD.

Khi được hỏi về tác động đến thị trường tài chính, ông Trump nói với các phóng viên rằng: “Hiện tại tôi hoàn toàn không lo ngại chuyện đó”. Theo ông, thuế suất có thể được tăng lên qua từng giai đoạn. “10% trước hết được áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó tôi có thể tăng lên hoặc giảm xuống, tùy thuộc vào những gì đạt được trong thỏa thuận (với Trung Quốc)”.

Stephen Lamar, Phó Chủ tịch điều hành Hiệp hội Giày dép và Quần áo Mỹ, cho biết các thành viên trong hiệp hội đã bị sốc khi ông Donald Trump thẳng tay áp thuế trước khi các cuộc đàm phán mới với Trung Quốc diễn ra vào tháng 9 tới.

“Biện pháp này sẽ đánh vào người tiêu dùng Mỹ mạnh hơn nhiều so với các nhà sản xuất Trung Quốc, những người cung cấp 42% mặt hàng may mặc và 69% đối với giày dép trong thị trường Mỹ”, ông Lamar cho hay.

Theo Reuters, mức thuế mới do Mỹ áp đặt còn đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong thời điểm tăng trưởng đang chậm lại ở cả Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng euro. Các chuyên gia cho biết FED có thể một lần nữa phải cắt giảm lãi suất để bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi rủi ro từ các chính sách thương mại của Tổng thống Trump.

Và Trung Quốc “ra đòn hiểm”

Sau khi Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã kiên quyết phản đối quyết định này và cho rằng, sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 2/8/2019, cho biết Trung Quốc sẽ có các biện pháp đáp trả nếu Mỹ nhất định áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Bà Hoa cho hay: “Trung Quốc không muốn nổ ra một cuộc chiến thương mại nhưng cũng không hề run sợ nếu phải chiến đấu”.

Theo giới phân tích, sau khi đáp trả Mỹ theo kiểu “ăn miếng, trả miếng”, Trung Quốc được cho là đã chuẩn bị sẵn các đòn hiểm nhằm vào Mỹ. Theo đó, 3 công cụ chủ đạo có thể sẽ được cân nhắc sử dụng lần lượt trong thời gian này đó là: (1) Hạ giá đồng Nhân dân tệ; (2) Ngừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ; (3) Ngừng bán đất hiếm cho Washington.

Theo nhận định của Salman Baig, nhà quản lý đầu tư tại công ty Unigestion (Thụy Sỹ) việc hạ giá đồng Nhân dân tệ là công cụ tốt nhất để Trung Quốc đáp trả lại Mỹ. Tiền tệ là đòn bẩy hữu dụng nhất để chống lại tác động của thuế quan. Nếu đồng Nhân dân tệ hạ giá khoảng 8%, thì hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc sẽ tăng khoảng 2%, đánh vào người tiêu dùng Mỹ.

Theo số liệu của FED, Trung Quốc hiện là một trong những nước nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất, khoảng hơn 1.000 tỷ USD (2017) và gần 2.000 tỷ USD (2018). Bắc Kinh có thể bán ra, hoặc thậm chí chỉ cần ngừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đã đủ tạo ra tác động đáng kể, gần giống như ném “bom hạt nhân” vào nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, việc ra đòn hiểm thứ 2 này Trung Quốc cũng phải chịu lỗ trong khi giá trái phiếu Mỹ giảm, thì Trung Quốc vẫn chưa có lựa chọn nào an toàn thay thế cho đồng USD. Vì thế, chỉ khi “cực chẳng đã” Trung Quốc mới buộc phải ra đòn hữu hiệu này.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh chính phủ Mỹ vốn đang chịu thâm hụt ngân sách rất lớn tới mức 804 tỷ USD (2018) và sẽ là 1.000 tỷ USD vào năm 2022. Nếu Trung Quốc ra đòn thứ 2, thì Washington khó có thể chịu được áp lực ở mức này.

Cuối cùng, việc ngừng bán đất hiếm cũng là một trong 3 con át chủ bài trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bởi vì đất hiếm liên quan đến chíp điện tử.

Trung Quốc hiện chiếm tới 95% sản lượng đất hiếm của thế giới với chất lượng khá tốt. Nếu như Trung Quốc cấm vận đất hiếm xuất khẩu sang Mỹ, sẽ có nhiều sản phẩm không thể sản xuất được và Mỹ sẽ bắt đầu tự khai thác đất hiếm, song không thể làm ngay, trong bối cảnh nhu cầu rất lớn và phải mất nhiều năm mới có nguồn thay thế.

Như vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung - sự cọ sát lợi ích địa-chiến lược giữa 2 cường quốc, thực chất là cuộc chạy đua giữ và giành ngôi vị dẫn đầu thế giới, nhằm khẳng định vị thế của mỗi nước trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới. Vì thế, việc “ra đòn hiểm”, nhằm vào nhau là tất yếu, các cuộc đàm phán thương lượng sẽ tiếp tục diễn ra, tuy nhiên chỉ nhằm “hòa hoãn” tạm thời, cuộc chiến vẫn chưa thể có hồi kết./.

CTV Nguyễn Nhâm
Nguồn: vov.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.