Chuyên mục
Tài sản trí tuệ, điểm nóng trong cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tài sản trí tuệ, điểm nóng trong cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung

Thứ bảy 01/12/2018 15:48 GMT + 7
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi vào bàn đàm phán tại cuộc gặp của họ bên lề hội nghị cấp cao khối các nền kinh tế lớn G20 ở Argentina vào tối 1-12 (theo giờ địa phương), các cuộc thảo luận có thể có thể được đóng khung trong một chủ đề nóng: Nhà Trắng cáo buộc Trung Quốc thường xuyên ăn cắp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ.

Báo cáo của Văn phòng Chính sách sản xuất và thương mại của Nhà Trắng cho biết thiệt hại do các hoạt động ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, phần lớn do Trung Quốc thực hiện, có thể lên đến 600 tỉ đô la Mỹ/năm. Ảnh: Fox Business Network.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ

Tờ The New York Times cho biết chính quyền Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ. Tháng trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng các cơ quan an ninh Trung Quốc “chủ mưu hàng loạt vụ ăn cắp công nghệ Mỹ”.

Trong tuần này, khi phát biểu nhận định về hội nghị G20, Giám đốc Hội đồng kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng “các vấn đề ăn cắp tài sản trí tuệ phải được giải quyết” tại cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung.

Ngôn từ của chính quyền ông Donald Trump đôi khi thô ráp và bản năng nhưng các vấn đề liên quan, chẳng hạn mức thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc, các thương vụ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc đang được các công ty Mỹ đàm phán và hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc nhằm hướng đến một mục tiêu: thúc đẩy sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc.

Các cáo buộc thẳng thừng của Mỹ phản ánh sự rạn nứt sâu sắc giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, vì vậy, khả năng hai nhà lãnh đạo giải quyết các tranh cãi về tài sản sở hữu trí tuệ là chìa khóa cho một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung tại Argentina. Tổng thống Trump đã áp thuế nhập khẩu lên hơn 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, chủ yếu để đáp trả hành động chiếm đoạt công nghệ Mỹ của Bắc Kinh và mức thuế này có thể tăng lên 25% vào đầu năm sau so với mức 10% hiện nay.

Các cáo buộc “ăn cắp” xúc phạm lòng tự tôn của các quan chức Trung Quốc vì họ xem chúng ám chỉ rằng Trung Quốc thiếu khả năng sáng tạo. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng các công ty Mỹ tự nguyện liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc và không ai ép buộc họ mở rộng kinh doanh sang nước này.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News hồi tháng trước, ông Thôi Thiên Khải cho rằng các cáo buộc này là vô căn cứ và không công bằng với người Trung Quốc. Ông nói: “Thật khó tượng tượng rằng đất nước chiếm 1/5 dân số toàn cầu có thể phát triển và thịnh vượng mà không nhờ cậy chủ yếu vào các nỗ lực của riêng mình, thay vào đó nhờ ăn cắp hoặc cưỡng ép chuyển giao công nghệ từ kẻ khác”.

Một số chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc như Derek Scissors, học giả ở Viện Doanh nghiệp Mỹ, người tư vấn chính quyền Donald Trump soạn bản báo cáo về các thực hành bảo vệ tài sản trí tuệ của Trung Quốc hồi năm ngoái, cho rằng cho đến nay Trung Quốc vẫn ngăn cản cạnh tranh từ các công ty nước ngoài và điều này đã kìm hãm khả năng sáng tạo của các công ty nước này.

Ăn cắp hay cưỡng đoạt?

Một trong những phàn nàn lớn nhất của chính quyền Donald Trump là Bắc Kinh bắt buộc các công ty Mỹ phải liên doanh với các đối tác địa phương nếu họ muốn làm ăn ở Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cho rằng thông qua các liên doanh này, các công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ đã bị cưỡng ép chuyển giao cho các công ty nhà nước Trung Quốc và dĩ nhiên sau đó rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.

Mỹ cũng bất bình vì luật Trung Quốc đòi hỏi các công ty nước ngoài phải xây dựng các cơ sở nghiên cứu ở nước này và điều này khiến họ khó khăn hơn trong việc giữ các bí mật thương mại.

Để tuân thủ luật, các công ty như Apple và Amazon đã phải thành lập liên doanh với các đối tác Trung Quốc để xử lý dữ liệu, một yêu cầu mà Bắc Kinh nói rằng để giải tỏa các lo ngại về an ninh và quyền riêng tư. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài cho phép họ tiếp cận các công nghệ nhạy cảm như là một phần của tiến trình thẩm định để bảo đảm các hàng hóa của họ an toàn đối với người tiêu dùng trong nước.

Chính phủ Mỹ cũng phàn nàn về chương trình chứng nhận bắt buộc, trong đó yêu cầu các sản phẩm của nước ngoài phải được kiểm định nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Chương trình này có thể làm lộ các mã nguồn và các thuật toán sử dụng trong các sản phẩm kỹ thuật của nước ngoài như thiết bị y tế và máy móc, khiến chúng dễ dàng bị sao chép.

Các công ty Mỹ thường ngại phàn nàn các thực hành thương mại này vì lo sợ bị cấm kinh doanh ở Trung Quốc nhưng những cố vấn thuộc phe cứng rắn trong chính quyền của Donald Trump xem chúng là vấn đề ưu tiên cần được giải quyết để Mỹ chấp nhận một thỏa thuận ngưng các đòn thuế.

Trung Quốc bị chỉ trích “xâm lược kinh tế”

Bên cạnh các cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ, Mỹ còn tố cáo Trung Quốc tiến hàng các hoạt động gián tiếp kinh tế. Trong mùa hè qua, một  báo cáo của Giám đốc Văn phòng Chính sách sản xuất và thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro, chỉ trích Trung Quốc “xâm lược kinh tế” và nêu ra chi tiết một vụ gián điệp kinh tế để giải thích những tổn thất do chiến dịch gián điệp mạng của Trung Quốc gây ra.

Bản báo cáo chỉ ra những vụ xâm nhập vào mạng máy tính của của công ty Mỹ, luồn lách thuế kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và các nỗ lực của đảo ngược kỹ thuật cũng như làm giả các sản phẩm Mỹ. Báo cáo dẫn một nghiên cứu khác cho biết thiệt hại hàng năm đối với nền kinh tế Mỹ do các hàng hóa giả và phần mềm sao chép có thể lên đến 600 tỉ đô la.

Ngoài các đòn thuế, Mỹ cũng sử dụng các biện pháp chủ động khác để bảo vệ tài sản trí tuệ. Hôm 29-10, Bộ Thương Mại Mỹ ra thông báo cấm các doanh nghiệp nước này bán linh kiện cho Công ty Mạch tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa (Trung Quốc) vì cho rằng công ty này áp đặt mối đe dọa an ninh quốc gia. Ba ngày sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố công ty này cùng một đối tác Đài Loan và ba cá nhân về tội danh ăn cắp bí mật thương mại của công ty Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Mỹ.

Chính quyền Donald Trump cũng tăng cường viện dẫn lý do an ninh quốc gia để ngăn chặn các thương vụ thâu tóm công nghệ của Trung Quốc tại Mỹ. Gần đây, Mỹ còn mở rộng quyền lực của Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS), cho phép cơ quan này can thiệp vào nhiều dạng thương vụ đầu tư của các công ty nước ngoài hơn.

Các chuyên gia nghiên cứu dự báo tại cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở Argentia, ông Tập có khả năng sẽ không thừa nhận Trung Quốc ăn cắp bất cứ thứ gì nhưng ông ấy sẽ hướng sự chú ý vào các lĩnh vực mà Bắc Kinh đang thực hiện để tuân thủ các yêu cầu của Mỹ.

Trung Quốc đã nới lỏng các đòi hỏi trong các liên doanh giữa các công ty nước ngoài với các đối tác Trung Quốc trong một số ngành kinh doanh. Trong một nỗ lực trấn các lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng các bí mật thương mại không an toàn ở Trung Quốc, Bắc Kinh cũng vừa đưa vào hoạt động hệ thống tòa án phúc thẩm mới về các vụ tranh chấp tài sản trí tuệ.

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Craig Allen nói rằng Trung Quốc sẽ không sẵn sàng tiến hành các thay đổi nhanh chóng và quyết liệt để đáp ứng các yêu cầu của Tổng thống Donald Trump. Trung Quốc thường lưu ý rằng Mỹ cũng “vay mượn” các chuyên môn công nghệ của Anh trong thời kỳ phát triển ban đầu và chuyển giao công nghệ là một phần tự nhiên của nền kinh tế toàn cầu hóa.

Lê Linh
Nguồn: thesaigontimes.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.