Chuyên mục
OPEC hợp tác với Nga để chống đỡ sức ép của ông Trump
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

OPEC hợp tác với Nga để chống đỡ sức ép của ông Trump

Thứ sáu 05/07/2019 17:44 GMT + 7
Giữa lúc giá dầu suy giảm cộng với áp lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phải tăng nguồn cung dầu, OPEC siết chặt hợp tác với Nga để cắt giảm sản lượng dầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay Thái tử Saudi Arabia, Mohammed bin Salman, tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm 29-6. Ảnh: Reuters

Hôm 1-7, tại cuộc họp ở trụ sở OPEC, Vienna (Áo), liên minh OPEC + bao gồm 14 nước thành viên OPEC và 10 nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC do Nga dẫn đầu đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày đến tháng 3-2020.

Cũng tại cuộc họp này, OPEC chính thức nhất trí về nguyên tắc một hiến chương hợp tác giữa OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ khác.

Thực tế, kết quả cuộc họp đã được dự báo trước đó vì vào cuối tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin thông báo tại cuộc gặp giữa ông và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm 296, hai bên nhất trí rằng liên minh OPEC + sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.

Việc một thỏa thuận quan trọng của OPEC được Nga thông báo ngay cả trước khi các bộ trưởng của OPEC nhóm họp để tán thành khiến một số nước thành viên OPEC giận dữ vì họ cảm thấy Nga, dù không phải là thành viên của tổ chức nhưng trên thực tế đang cùng Saudi Arabia chèo lái tổ chức này.

Họ cảm thấy lo lắng khi của Nga, một cường quốc dầu mỏ từng là đối thủ của OPEC trên thị trường dầu, đang tham gia định hình các chính sách của OPEC.

Tuy nhiên khi xét đến hiện thực, động thái cầu cạnh Moscow có thể giúp OPEC đạt được mục tiêu nâng cao giá dầu ở thời điểm mà tổ chức này đang đối mặt với ức ép ngày càng gia tăng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump đang gây áp lực chưa có tiền lệ đối với OPEC và Saudi Arabia, nước dẫn dắt OPEC, yêu cầu họ phải bơm nhiều dầu thô hơn để giúp kìm hãm giá nhiên liệu. Bảo đảm giá xăng dầu trong nước ở mức hợp lý là một vấn đề quan trọng đối với Trump khi ông đang nỗ lực giành sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, Bijan Zanganeh, ban đầu bày tỏ thái độ phẫn nộ trước việc Tổng thống Putin thông báo trước về thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng. Ông nói vào sáng 1-7: “OPEC rồi sẽ chết với những quy trình này”, ông nói với hàm ý chỉ trích Nga và Saudi Arabia tự định đoạt thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng trước khi các bộ trưởng dầu mỏ OPEC nhóm họp.

Song vào tối cùng ngày, ông Zanganeh chuyển sang thái độ ủng hộ. Ông nói: “Cuộc họp này tốt đẹp đối với Iran và chúng tôi đã đạt được những gì chúng tôi muốn”.

Iran chuyển giọng vì nước này cần sự hỗ trợ của Nga. Do Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt, sản lượng dầu mỏ của Tehran trong tháng 6 đã rơi xuống chỉ còn 0,3 triệu thùng/ngày so với mức 2,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4-2018. Giờ đây, Nga chỉ là một trong số ít các nước đang hỗ trợ Tehran vực dậy nền kinh tế vốn đang rơi vào suy thoái bởi các tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong những năm gần đây, OPEC và Nga bất ngờ đứng chung một phe trong một liên minh OPEC+ nhằm cắt giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu trong bối cảnh sản lượng dầu thô của Mỹ tăng vọt lên các mức kỷ lục và nền kinh tế toàn cầu suy yếu.

Đây được xem là “một cuộc hôn nhân vụ lợi” vì cả hai đều muốn giá dầu ở mức cao hơn để củng cố ngân sách của họ, trong khi đó một liên minh như vậy cũng giúp nâng cao vị thế của OPEC trước những yêu cầu tăng sản lượng dầu của ông Trump.

“Tôi không nghĩ Nga đang nắm quyền quyết định ở OPEC nhưng tôi cho rằng tầm ảnh hưởng của Nga là đáng hoan nghênh”, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih, nói khi được hỏi liệu có phải giờ đây Tổng thống Putin là “ông chủ” của OPEC hay không.

Iraq, nước thay thế Iran ở vị thế nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC, chỉ sau Saudi Arabia, cũng cho rằng vai trò gia tăng của Moscow trên thị trường dầu là điều tích cực.

Sự đồng thanh ủng hộ Nga như vậy là trái ngược hoàn toàn so với trước đây khi quan hệ giữa OPEC và Nga bị phủ bóng bởi sự nghi kỵ nhiều thập kỷ. Vào năm 2001, Nga đồng ý cùng OPEC cắt giảm sản lượng dầu nhưng thực tế lại không thực hiện các cam kết này mà ngược lại còn âm thầm tăng sản lượng. Điều này gây tổn thương nặng nề cho lòng tin của OPEC cũng như mối quan hệ giữa OPEC với Nga.

Sau đó, nhiều nỗ lực hợp tác giữa hai bên cũng bất thành mãi cho đến khi hai bên tìm đến nhau để hình thành liên minh OPEC + vào năm 2014 khi giá dầu lao dốc không phanh.

Nga cần duy trì giá dầu thô ở mức ít nhất  45-50 đô la Mỹ/thùng để cân bằng ngân sách khi tình hình tài chính  nước này căng thẳng do Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt xung quanh việc Moscow sáp nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine. Saudi Arabia cũng cần mức giá dầu 80 đô la/thùng để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu ngân sách cao.

Khi mối quan hệ hợp tác này có thể mang lại cho Saudi Arabia chỗ dựa để chống lại Tổng thống Trump, người đã yêu cầu Riyadh gia tăng nguồn cung dầu nếu muốn được Mỹ hỗ trợ quân sự trong cuộc đối đầu với Iran, nó cũng mang lại cho Nga nhiều thứ hơn ngoài nguồn thu dầu mỏ tăng thêm.

Giới phân tích nhận định giữ quan hệ tốt với Riyadh, một đồng minh của Mỹ, sẽ giúp củng cố sức ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông và có thể giúp hàn gắn mối quan hệ với Washington.

Theo Reuters
Nguồn: thesaigontimes.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.