Chuyên mục
Đối đầu tiền tệ Mỹ - Trung: Những phát 'đại bác' của tháng 8
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đối đầu tiền tệ Mỹ - Trung: Những phát 'đại bác' của tháng 8

Thứ hai 12/08/2019 09:20 GMT + 7
Hy vọng của giới đầu tư về mùa hè bình yên kết thúc khi đồng nhân dân tệ rớt giá, vượt mốc 7 tệ ăn 1 USD. Cả thế giới bất ngờ trước viễn cảnh bên bờ vực chiến tranh tiền tệ.


Kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu vào năm 2018, tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu vẫn ở mức hạn chế một cách khá bất ngờ. Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, kéo theo đà tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh vào tuần qua bỗng trở nên u tối hơn bao giờ hết.

Đợt leo thang căng thẳng mới nhất diễn ra vào ngày 1/8, khi Nhà Trắng nổ "phát đại bác" đầu tiên, đe dọa bắt đầu từ tháng 9 áp thuế bổ sung 10% với gần 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bốn ngày sau, Trung Quốc trả đũa khi yêu cầu các công ty quốc doanh dừng mua nông sản Mỹ. Cùng ngày hôm đó, phát đại bác thứ hai được Bắc Kinh khai hỏa. Đồng tệ rớt giá so với USD, vượt ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang sẵn sàng thực hiện lời đe dọa "phương án hạt nhân" của mình. Washington sẵn sàng áp thuế gần như mọi mặt hàng của Trung Quốc, còn Bắc Kinh cho thấy họ có khả năng khắc chế đòn đánh phủ đầu bằng công cụ can thiệp tiền tệ.

Nhà Trắng ngày một tiến gần cánh cửa can thiệp đồng USD và nhảy vào một cuộc chiến tiền tệ.

Một tuần bão tố của tài chính toàn cầu

Phát đạn của Bắc Kinh khiến Nhà Trắng như ngồi trên đống lửa. Tổng thống Trump từ lâu cáo buộc các nước khác, trong đó có Trung Quốc, cố tình giữ giá đồng tiền thấp để thúc đẩy xuất khẩu do hàng hóa rẻ hơn, từ đó tạo ra thâm hụt thương mại với Mỹ và làm tổn thương nước Mỹ.

Ông than thở về tình trạng đồng USD mạnh trong nhiều tháng qua. Tháng 6, Tổng thống Trump cáo buộc Mario Draghi, cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Châu Âu, thực hiện chính sách không công bằng khi làm suy yếu đồng euro.

Bản thân việc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD về bề mặt nhìn có vẻ vô hại. Tỷ giá dù là 7,002:1 hay 6,998:1 không mấy khác biệt. Nhưng vượt con số đó có tính biểu tượng lớn. Nó thể hiện Trung Quốc sẵn sàng để đồng tiền rớt giá mạnh trong đối phó với Mỹ.

Vài tiếng sau khi đồng tệ rớt giá, Bộ Tài chính Mỹ xếp Trung Quốc là nước “thao túng tiền tệ” và đe dọa sẽ triệt tiêu “lợi thế cạnh tranh không công bằng” của đối thủ.

Giữa lúc sương mù thương chiến bao phủ, thị trường rơi vào hỗn loạn. Lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Mỹ giảm còn 1,71%. Các nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất để bắt kịp tình hình.

Lo sợ xung đột tài chính sẽ châm ngòi suy thoái toàn cầu dần tăng. Thị trường bắt đầu những tín hiệu bi quan. Sàn giao dịch chứng khoán hỗn loạn còn lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục rơi xuống những mức thấp kỷ lục.

Sau quyết định điều chỉnh giá đồng tệ của Trung Quốc, thị trường chứng khoán Mỹ trải qua ngày tồi tệ nhất trong năm. Đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới phát triển như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi cũng suy yếu. Giá dầu thô rơi xuống dưới 60 USD/thùng còn giá trị những tài sản an toàn hơn như vàng tăng nhanh chóng.

Sức chấn động từ phát đạn pháo của Trung Quốc lan khắp nơi. Ngay cả Ngân hàng Dự trữ New Zealand cũng cắt giảm lãi suất gấp đôi dự kiến, dẫn lý do tình trạng mơ hồ của thị trường gia tăng và lãi suất trái phiếu toàn cầu "thấp lịch sử". Đồng đôla Australia rớt xuống mức thấp nhất thập kỷ qua.

Nỗi lo sợ về cuộc chiến thương mại toàn cầu lan nhanh như cháy rừng.

"Bằng cách tiếp tục để cho đồng tệ rơi giá nhẹ sau khi Tổng thống Trump dán mác Bắc Kinh là thao túng tiền tệ, Trung Quốc gửi thông điệp nếu Mỹ muốn chơi rắn thay vì chơi công bằng họ sẽ kéo đổ thị trường Mỹ và chịu đựng cả hệ lụy kéo theo", Financial Times nhận định về tình trạng đồng tệ vẫn tiếp tục xuống giá so với đồng USD trong suốt tuần qua.

"Đây là thực tế mới khó ai dám làm ngơ".



Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

“Chiến tranh tiền tệ thực tế chưa bùng nổ, ít nhất là đến lúc này. Tuy nhiên, hiểm họa này hoàn toàn có thật”, Benjamin Cohen, chuyên gia kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học California, nhận định.

Giới chuyên gia cho rằng thực tế Bắc Kinh chỉ “thả nổi” đồng nhân dân tệ để thị trường tự điều chỉnh, thay vì khai hỏa chiến tranh tiền tệ toàn diện. Động thái bắt đầu từ ngày 5/8 chính xác hơn là “mũi tên bắn sượt ngang cây cung của người Mỹ”, Cohen nhận định.

Chuẩn quy đổi nhân dân tệ và USD mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đặt ra mỗi ngày thường xuyên nằm sát ngưỡng 7 tệ/USD, nhưng không vượt quá cột mốc này. Giới chức Trung Quốc để ra khoảng trống cho hoạt động trao đổi tiền tệ đẩy tỷ giá hối đoái trên thị trường tạm thời vượt qua cột mốc tượng trưng.

“Dù việc phá giá đồng tiền diễn ra trên quy mô nhỏ, tác động tâm lý của nó lại vô cùng lớn. Trung Quốc đang nhắc nhở Mỹ rằng họ còn nhiều mũi tên kinh tế”, Cohen cảnh báo.

“Đáng tiếc chính quyền Tổng thống Trump đã phản ứng với phong cách đao to búa lớn điển hình và nhầm tín hiệu khiêm tốn của Trung Quốc với một hành động thâm hiểm hơn. Tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, tất cả những gì Mỹ đạt được là khiến cả hai phía đẩy lập trường lên mức cứng rắn hơn”, ông đánh giá.

Để tránh mất mặt, giới lãnh đạo Trung Nam Hải giờ đây cảm thấy cần phải đáp trả tương xứng với động thái từ phía Nhà Trắng. Họ có thể thẳng tay thực hiện đúng lời đe dọa phá giá đồng tiền, được hàm ý trong bước điều chỉnh tỷ giá hối đoái ngày 5/8.

Theo các nhà kinh tế tại tập đoàn tài chính ING của Hà Lan, cụm từ “chiến tranh tiền tệ” đang quay trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khái niệm được sử dụng khi các nước làm suy yếu đồng tiền của mình để đối phó với sự giảm cầu từ bên ngoài. Nhiều chuyên gia lo sợ Mỹ sẽ không để yên và can thiệp vào đồng USD.

Những phản ứng từ Washington trước chính sách điều chỉnh tiền tệ của Bắc Kinh mở ra hai giả thuyết kịch bản Mỹ can thiệp: Washington lo ngại việc đồng USD được đặt ở giá quá cao làm hại đến ngành sản xuất nước này; hoặc lo ngại Trung Quốc can thiệp làm đồng tệ yếu đi nhằm hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại và đối phó với các hàng rào thuế quan.

Trong những phát biểu nhắm vào FED thời gian qua của Tổng thống Trump, các chuyên gia cho rằng tổng thống Mỹ quan tâm nhiều hơn đến động lực đầu tiên. Lập trường của Nhà Trắng có thể được ủng hộ bởi những tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng USD đang được đặt ở mức giá trị quá cao so với thực tế.

Các chuyên gia tại ING lo ngại khả năng Nhà Trắng tạo sức ép để FED tiếp tục nới lỏng tiền tệ mạnh hơn nữa, thậm chí đi đến phương án không tưởng là buộc Bộ Tài chính Mỹ ra lệnh cho FED quy đổi USD lấy euro và yen Nhật (cả hai đồng tiền đang nằm trong Quỹ Ổn định Hối đoái - ESF).

Nếu động lực phản ứng của Nhà Trắng chỉ là Trung Quốc, viễn cảnh Mỹ can thiệp tỷ giá hối đoái sẽ nhắm đến quan hệ giữa đồng USD và đồng tệ. Nhân dân tệ được đưa vào Quyền rút vốn đặc biệt (SRD) của FED vào năm 2016 và Trung Quốc thu hút thêm đầu tư khu vực công vào thị trường trái phiếu trong nước. Về lý thuyết, FED có thể mua vào đồng nhân dân tệ thông qua trái phiếu chính phủ của Trung Quốc.

Các chuyên gia của ING dự báo khả năng Washington can thiệp tiền tệ là gần 25%, dù việc Mỹ đơn phương can thiệp tiền tệ là chưa từng có tiền lệ. Điều này có thể khiến giá của đồng USD giảm khoảng 3%.

Mặc dù thị trường bắt đầu có tín hiệu hồi phục phần nào sau cú sốc ngày 5/8, Mỹ và Trung Quốc vẫn kẹt trong cuộc chiến thương mại chưa thấy hồi kết. Washington vẫn kiên quyết áp thuế bổ sung 10% với gần 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.


Mọi người cùng thua

Việc Trung Quốc đáp trả bằng điều chỉnh hạ giá đáng kể đồng tiền vẫn có thể xảy ra. Đồng tiền yếu giúp Trung Quốc nhiều trong giảm thiểu tác động từ hàng rào thuế quan mà ông Trump áp đặt.

Tuy nhiên, hạ giá đồng tiền cũng mang lại nhiều rủi ro nghiêm trọng cho chính Trung Quốc và khiến lãnh đạo nước này chần chừ không theo đuổi phương án mạnh tay hơn. Nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc vay nhiều tiền bằng USD. Việc hạ giá đồng tệ sẽ tăng đáng kể chi phí những khoản nợ nước ngoài.

Nguy hiểm hơn, đồng tiền hạ giá có thể châm ngòi cuộc tháo chạy vốn khỏi Trung Quốc, khi các công ty và cá nhân tìm cách bảo vệ giá trị tài sản họ nắm giữ. Điều này xảy ra năm 2015 khi đồng nhân dân tệ được cho phép suy yếu. Sau đó, chính phủ Trung Quốc buộc phải chi gần 1.000 tỷ USD trong quỹ dự trữ ngoại tệ để bảo vệ đồng nhân dân tệ không sụp đổ hoàn toàn.

Để tránh đánh chìm con tàu kinh tế, cả hai nước cần phải thỏa hiệp. Nhưng để điều đó có thể xảy ra, Tổng thống Donald Trump và đội ngũ cố vấn có thể phải xét lại chiến lược của mình. Economist cho rằng sớm muộn Nhà Trắng cũng phải nhận thức được thực tế: Nước Mỹ không thể cùng lúc duy trì đồng tiền yếu, chiến tranh thương mại, đồng thời giữ cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh.

Tổng thống Trump muốn kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, được bảo vệ bởi các hàng rào thuế quan và thúc đẩy bởi đồng USD yếu hơn trước. Khi ông không đạt được những điều đó, ông khai hỏa những phát súng nhắm vào đối thủ.

Trong khi đó, cả ba mục tiêu mà ông Trump theo đuổi trên thực tế khó có khả năng dung hòa. Các hàng rào thuế quan đánh vào những nhà xuất khẩu ở nước ngoài, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế bên ngoài biên giới Mỹ. Tăng trưởng thấp dẫn đến đồng tiền yếu đi, khi doanh nghiệp trở nên e dè hơn và những ngân hàng trung ương buộc phải có các bước thả lỏng.

Hệ quả là nền kinh tế Mỹ hiện tăng trưởng nhanh hơn những nước giàu khác. Việc đồng USD mạnh được xem là một hệ quả từ những chính sách của bản thân ông Trump, chứ không phải một âm mưu toàn cầu chống lại nước Mỹ, theo Economist.



Tình hình hiện tại có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu nhiều hơn những lệnh áp thuế và hạn chế xuất nhập khẩu qua lại trong thời gian qua.

Đối diện với sự mơ hồ tạo ra từ cuộc đấu đá giữa hai siêu cường, các doanh nghiệp tại Mỹ và nhiều nước khác đang cắt giảm đầu tư, kéo tăng trưởng toàn cầu đi xuống. Việc giảm lãi suất khiến các ngân hàng tại châu Âu vốn đang lung lay càng thêm mong manh.

Thương chiến sẽ còn tiếp tục leo thang, đặc biệt khi những diễn biến vừa qua gửi đi thông điệp Bắc Kinh lẫn Washington đều sẵn sàng dùng đến những vũ khí mà chỉ vài năm trước không ai nghĩ họ dám sử dụng.

Mỹ có thể can thiệp để làm đồng USD yếu đi, làm giảm uy tín của chính mình như một thành trì về nguyên tắc không can thiệp thị trường tài chính. Trung Quốc và Mỹ có thể áp đặt các lệnh cấm vận lên những tập đoàn đa quốc gia, như cách mà Mỹ đang đối xử với tập đoàn công nghệ Huawei , hoặc hoãn giấy phép hoạt động của ngân hàng nước đối thủ tại nước mình.

Khi theo đuổi những biện pháp đe dọa và trả đũa thương mại nhiều rủi ro hơn, Nhà Trắng có thể kỳ vọng FED nhảy vào giải cứu bằng cách tiếp tục cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, điều này không làm giảm đi tâm trạng lo ngại đang xâm chiến mọi nhà máy, hội đồng quản trị và các sàn giao dịch toàn cầu.

“Khi những đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc được nối lại vào tháng 9, đó đã là lúc để các bên dàn xếp. Nền kinh tế thế giới không thể tiếp tục chịu đựng tình trạng này”, Economist cảnh báo.


Thanh Danh

Thiết kế: Nhân Lê, Ảnh: Getty, Reuters
Nguồn: news.zing.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.