Chuyên mục
Boeing – Airbus 'huynh đệ tương tàn', kẻ thứ ba hưởng lợi
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Boeing – Airbus 'huynh đệ tương tàn', kẻ thứ ba hưởng lợi

Chủ nhật 06/10/2019 15:17 GMT + 7
Các lệnh trừng phạt của WTO hiếm khi được thực thi. Mục đích chính của các phán quyết không phải là trừng phạt mà đưa các quan điểm xích lại gần nhau, để tạo điều kiện cho một sự thỏa hiệp, đồng thời khuyến khích tuân thủ các quy tắc cạnh tranh, nhưng cũng không hẳn là như vậy...

Trận chiến Boeing – Airbus sẽ khốc liệt và không ai thắng.

Ngành Hàng không phát triển trên một thị trường toàn cầu với một mạng lưới các nhà thầu phụ trải rộng trên khắp thế giới. Tấn công Airbus là tấn công tất cả các đối tác và các quốc gia làm việc với Airbus. Trong đó, đầu tiên phải kể đến Mỹ. Boeing chắc chắn cũng lập luận như vậy. Nếu Mỹ đánh thuế Airbus 100% như họ cảnh báo, làm giá máy bay Airbus tăng lên gấp đôi, EU sẽ trả đũa ngay lập tức và Boeing sẽ rơi vào tầm ngắm.

Mỹ “nổ súng”, EU chắc chắn trả đũa

Ngày 2/10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra phán quyết chính thức cho phép Mỹ đánh thuế 7,5 tỷ USD đối với các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu. Ngay lập tức, Chủ tịch điều hành của Airbus - Guillaume Faury một lần nữa kêu gọi EU và Mỹ tìm kiếm một “giải pháp thỏa hiệp”. Châu Âu theo đuổi chủ trương này từ 15 năm nay. Họ kêu gọi Mỹ thiết lập các quy tắc cạnh tranh mới, kéo cả các quốc gia hàng không mới, trong đó có Trung Quốc, cùng tham gia. Boeing cũng muốn mở các cuộc đàm phán nhưng họ đặt ra điều kiện tiên quyết là Airbus trước tiên phải chấp hành phán quyết của WTO, sau đó mới có các cuộc thảo luận.

Vụ kiện đã kéo dài quá lâu, bắt đầu từ ngày 6/10/2004 với việc hai bên nộp đơn khiếu nại lẫn nhau và Mỹ là bên đầu tiên “nổ súng”.

Thông qua các báo cáo, WTO không tuyên bố Airbus hay Boeing thắng kiện, thực tế cả hai đều được hưởng lợi từ trợ cấp nhà nước vào những thời điểm nhất định của lịch sử. WTO đã hủy bỏ 90% nội dung khiếu nại của các bên. Phán quyết đưa ra ngày 2/10 chưa chấm dứt được tranh chấp giữa hai bên. Đầu năm 2020, WTO còn phải công bố ý kiến cuối cùng về khiếu nại của châu Âu đối với Boeing.

Nhưng không cần chờ tới đầu năm 2020, cuộc chiến trừng phạt có thể sẽ bùng nổ chỉ trong thời gian ngắn tới đây. Trận chiến này diễn ra trong một bối cảnh quốc tế đặc biệt. Mỹ đang ở trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và việc mở mặt trận thứ hai sẽ gây thêm bất ổn cho nền kinh tế thế giới vốn đã bị tác động tiêu cực đáng kể. Thêm vào đó là hậu quả của Brexit, khuôn khổ đàm phán và thương mại đa phương, đặc biệt là của WTO, đang bị phá vỡ ở khắp mọi nơi.

Vài tháng trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, Tổng thống Donald Trump dường như không nao núng. Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, ông sẵn sàng tuyên chiến chống lại ngay cả các đồng minh châu Âu thân cận nhất của mình.

Trong lĩnh vực hàng không, trận chiến sẽ khốc liệt. Không ai thắng. Airbus không thể tiếp tục bán hàng cho các công ty Mỹ, có thể từ chối bàn giao các máy bay được đặt hàng (tổng cộng là 925 chiếc) và đột ngột nâng giá lên gấp đôi. Quyết định này sẽ có tác động đến sự tăng trưởng của các công ty vận chuyển hàng không Mỹ.

American Airlines, Delta và JetBlue đã cảnh báo rằng, việc đánh thuế cao lên Airbus sẽ tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh và việc làm của họ. Về phần mình, Airbus - đã đầu tư rất nhiều vào Mỹ - có thể thu hẹp sản xuất và cắt giảm việc làm ở bang Alabama, nơi hãng lắp ráp máy bay A320 NEO với các linh kiện được vận chuyển đến bằng tàu biển từ châu Âu. Theo nhận định của một nhà quan sát, Alabama luôn ủng hộ Airbus dù là một bang của nước Mỹ.

Tương tự, Boeing có thể không còn được bán cho châu Âu (chiếm 20% các đơn đặt hàng trong năm 2018). Điều này xảy ra vào thời điểm Boeing hy vọng máy bay 737 Max của mình sẽ được bay trở lại kể từ khi phải tạm ngừng vào tháng 3/2018. Không những vậy, hàng trăm chiếc máy bay Max phải được bàn giao sang châu Âu cho Ryan Air. Máy bay Max cũng đang chờ sự chấp thuận của Cơ quan quản lý hàng không châu Âu (EASA) để được quay trở lại bầu trời châu Âu. Và Boeing cũng cần sự chấp thuận của các cơ quan quản lý cạnh tranh châu Âu để mua lại hãng hàng không Brazil Embraer.

Chờ Airbus và Boeing kiệt sức

Xung đột thương mại giữa Mỹ và EU mang lại lợi ích cho hai đối tượng. Thứ nhất là các luật sư của hai bên, những người đã kiếm được hàng triệu USD từ năm 2004. Thứ hai là Trung Quốc, nước theo dõi, hoài nghi và chờ đợi Airbus và Boeing kiệt sức trong một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”.

Một khi Trung Quốc đạt đến độ chín về công nghệ, những chiếc máy bay giá rẻ sẽ tràn ngập trên thị trường. (Nguồn: Getty Images).

Hai nhà sản xuất máy bay phương Tây chỉ có thể suy yếu khi bị mất đi quyền tiếp cận các thị trường nội địa của nhau. Cuộc chiến này sẽ sinh ra hai độc quyền khu vực.

Đây thực sự là một giấc mơ của Trung Quốc khi nước này chỉ thị cho Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) công phá thị trường máy bay chở khách. Khi trở thành một siêu cường, Trung Quốc muốn có đầy đủ các thuộc tính siêu cường. Là thành viên của Câu lạc bộ các quốc gia vũ trụ, Trung Quốc làm chủ được nguyên tử dân sự nhờ phát triển công nghiệp hạt nhân, cũng như làm chủ được đường sắt tốc độ cao nhờ tự sản xuất được các tàu tốc hành. Vì thế, sẽ hoàn toàn hợp lý nếu Trung Quốc không còn muốn làm nhà thầu phụ trong lĩnh vực hàng không.

Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng hàng không của mình với chương trình C919, một loại máy bay tầm trung cạnh tranh với A320-NEO và 737 Max. Máy bay Trung Quốc này đã vượt qua chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 5/2017, được nhà nước tài trợ 100%.

Cả Mỹ và châu Âu đều không thấy có gì sai trái cả. Ngược lại, phải nói rằng hàng không phương Tây đều là đối tác của C919. Để đổi lấy việc cho phép các hãng này thâm nhập thị trường nội địa, Trung quốc đã phát triển được nhiều dự án hợp tác, ví dụ với Airbus trong việc lắp ráp máy bay A320-NEO từ hơn 10 năm qua ở Thiên Tân. Đồng thời, Trung Quốc tăng cường vai trò của mình trong các tổ chức quốc tế có thẩm quyền xây dựng tiêu chuẩn hàng không. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã đưa ứng cử viên của mình vào chức Tổng Thư ký Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Hai năm sau chuyến bay đầu tiên, C919 vẫn chưa được cấp chứng nhận. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để chứng minh họ có khả năng sản xuất hàng loạt một sản phẩm có yêu cầu cao như máy bay, với chất lượng ổn định.

Nhưng một khi Trung Quốc đạt đến độ chín về công nghệ, những chiếc máy bay giá rẻ sẽ tràn ngập trên thị trường. Quyết tâm này của Trung Quốc khiến cuộc chiến Mỹ - Âu liên quan vấn đề trợ cấp bất hợp pháp trở nên vô nghĩa. Không có gì quá quắt khi các quốc gia hỗ trợ cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của mình vì đó thuộc về chủ quyền quốc gia. Nhất là khi không có nhà đầu tư tư nhân nào mạo hiểm để đầu tư 10-12 tỷ USD cho phát triển một thiết bị mới.

Bởi vậy, thay vì sát phạt lẫn nhau, Mỹ và châu Âu nên cùng hợp tác để cùng phát triển trong tương lai.

Theo Telegraph
Nguồn: baoquocte.vn
32 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.