Chuyên mục
“Át chủ bài” của Nga đối mặt với châu Âu
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

“Át chủ bài” của Nga đối mặt với châu Âu

Chủ nhật 13/04/2014 23:34 GMT + 7
Tổng thống Mỹ Barack Obama liên tục kêu gọi phương Tây gia tăng trừng phạt Nga nhưng các nước này vẫn tỏ ra do dự. Lý do là Nga đang nắm con "át chủ bài” mang tên khí đốt.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư tới 18 nhà lãnh đạo châu Âu để cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng của Ukraine đang ở mức nghiêm trọng và yêu cầu châu Âu giúp Kiev thanh toán nợ. Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang tìm cách thắt chặt thêm các lệnh cấm vận đối với Moscow, Nga buộc phải có động thái đáp trả cứng rắn mà cụ thể là gửi "tối hậu thư” đến lãnh đạo 18 nước châu Âu, vốn là các khách hàng mua khí đốt của họ. Trong thư, ông chủ điện Kremlin cho biết, hóa đơn mua khí đốt mà Ukraine chưa thanh toán ở mức 17 tỉ USD, kèm theo khoản tiền phạt 18,4 tỉ USD vì vi phạm hợp đồng năm 2009. Như vậy, tổng số tiền mà Ukraine nợ Nga vào khoảng 35,4 tỉ USD, vượt xa khoản cứu trợ 14-18 tỉ USD mà IMF dành cho Ukraine.

Trong trường hợp Ukraine không trả khoản nợ, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ buộc phải chuyển sang chế độ cung cấp khí đốt dựa trên hoạt động thanh toán trước, hoặc chấm dứt hoàn toàn hợp đồng khí đốt tự nhiên, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Liên minh châu Âu (EU).


Mạng lưới đường ống dẫn khí dày đặc của Nga cung cấp tới 30% lượng tiêu thụ ở châu Âu (Nguồn: CNBC)


"Át chủ bài” của Moscow

Là một nhà sản xuất khí tự nhiên lớn nhất nhì của thế giới, Nga hoàn toàn có cơ sở để khiến châu Âu phải lo ngại nếu họ ngừng cung cấp khí đốt. Bất cứ đường ống dẫn khí đốt nào ở Ukraine ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều phần của châu Âu. Không giống như dầu mỏ, vốn được vận chuyển bằng các thùng chứa lớn và có giá chung toàn cầu, hầu hết lượng khí đốt được tiêu thụ ở châu Âu đều được vận chuyển và định giá bởi nước Nga. Và các tuyến đường ống dẫn này đa phần đi qua Ukraine. Điều đó khiến toàn châu Âu dễ bị ảnh hưởng một khi đường ống dẫn khí ở Ukraine ngừng hoạt động.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga kiểm soát tới 1/5 trữ lượng khí đốt của toàn thế giới, là nguồn cung cấp khí đốt cho hơn một nửa đất nước Ukraine và khoảng 30% của châu Âu mỗi năm thông qua mạng lưới đường ống dẫn khí Nga-Ukraine-châu Âu. Đường ống dẫn khí từ Ukraine ngừng hoạt động cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng các nước ở khu vực phía Đông châu Âu chịu ảnh hưởng tức thì, trong khi khu vực phía Bắc cũng chịu ảnh hưởng nhưng nhẹ hơn. Mạng lưới đường ống dẫn khí ở Ukraine cũng đóng vai trò như nguồn cung cấp năng lượng chính tới Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia và ngược lại tới Nga.

Tuy nhiên, không chịu phụ thuộc vào Ukraine như một tuyến đường vận chuyển khí đốt chính, Nga cũng đã khai thông đường ống dẫn khí đốt mang tên "Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream) có chiều dài 1.220km chạy dưới đáy biển Baltic dẫn trực tiếp sang Tây Âu, không đi qua Ukraine. Dự án "Dòng chảy phương Bắc” đã được cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Tổng thống Nga Vladimir Putin (lúc bấy giờ giữ cương vị Thủ tướng) thông qua vào năm 2005. Đường ống này khiến Tây Âu ngày càng phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Mức tiêu thụ khí đốt của châu Âu kể từ thời điểm có đường ống này ước tính tăng thêm 200 tỉ m3/năm (tăng 50%) so với trước đó.

Ngoài ra, từ giữa năm ngoái, Nga cũng hé lộ kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn khí "Yamal-châu Âu 2” và cho biết có thể sẽ khởi công trong thời gian rất sớm. Hệ thống đường ống dẫn khí "Yamal-Châu Âu 2” sẽ được xây dựng trên nền tảng cơ sở hạ tầng sẵn có từ đường ống dẫn khí chính "Yamal-Châu Âu 1” được xây dựng trước đó trên lãnh thổ của Belarus và Ba Lan.

Kịch bản "kỷ băng hà”

Bức thư của Tổng thống Putin khiến thế giới nhớ lại trường hợp từng có tiền lệ trước đây, khiến châu Âu chìm vào thời kỳ "kỷ băng hà” giá lạnh, khi Nga ngừng và hạn chế nguồn cung khí đốt đến lục địa này.

Cuối năm 2005, Gazprom tuyên bố kế hoạch tăng giá bán khí đốt cho Ukraine từ 50 USD/1.000m3 lên 230 USD/1.000m3. Lý do mà Gazprom đưa ra chỉ đơn thuần là họ muốn một cái giá phù hợp với thị trường. Động thái này lúc đó không liên quan tới mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Ukraine với phương Tây hay NATO. Tuy nhiên, Kiev đã từ chối mức giá này dẫn đến việc Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine từ ngày 1-1-2006.

Hậu quả dường như có ngay lập tức và không chỉ đối với mình Ukraine. Quốc gia có mạng lưới đường ống dẫn khí đốt dày đặc được xây dựng từ thời Xô Viết để cung cấp cho các nước thành viên EU và nhiều nước khác. Trên ¼ lượng khí đốt mà EU tiêu thụ là do Nga cung cấp, và hơn 80% trong số đó được vận chuyển thông qua mạng lưới đường ống dẫn ở Ukraine. Bởi vậy mà kể từ khi Nga khóa các đường ống dẫn dầu này, Áo, Pháp, Đức, Hungary, Italia và Ba Lan lập tức lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng khi nguồn cung giảm tới 30%.

Sự việc cuối cùng kết thúc bằng một thỏa thuận phức tạp, trong đó Ukraine phải mua khí đốt với giá cao và Turkmenistan với giá được giảm, thông qua một chi nhánh của Gazprom ở Thụy Sĩ. Nhưng 3 năm sau, vào năm 2009, sự việc tiếp diễn khi Gazprom yêu cầu tăng giá khí đốt lên 400 USD/1.000 mét khối, Kiev lập tức từ chối, dẫn đến việc Gazprom chỉ cung cấp lượng khí đốt vừa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân Ukraine kể từ đầu năm 2009.

Trục trặc trong thỏa thuận của Ukraine dẫn đến hậu quả tới châu Âu. Trong thời tiết dưới 0oC của mùa đông châu Âu, một số quốc gia đặc biệt ở khu vực Đông nam vốn phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt từ Ukraine không còn khí đốt để sử dụng. Các nước này như rơi vào thời "kỷ băng hà”, buộc phải đóng cửa trường học, các tòa nhà công; các ngành công nghiệp của Bulgaria đóng cửa trong khi Slovakia tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Đông bắc châu Âu, khu vực có lượng dự trữ khí đốt thì ít bị ảnh hưởng hơn, nhưng giá khí đốt tăng đột biến.

Chính vì vậy, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã thất bại trong việc lôi kéo các nước phương Tây gia tăng trừng phạt Nga. EU do dự và chia rẽ bởi họ hiểu rõ rằng, Nga đang nắm "yết hầu” của họ.

Khánh Duy
Nguồn: daidoanket.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.