Chuyên mục
Thực lực sức mạnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
BÌNH LUẬN
Quân đội mạnh nhưng nằm trong tay quỉ sẽ không thành công!!!

Thực lực sức mạnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ năm 26/11/2015 04:12 GMT + 7
Xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin về Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn số liệu từ “Bình luận quân sự” (Nga) tháng 11/2015.

I. Một số thông tin tổng quan

Hiện nay, Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ được coi là mạnh nhất tại khu vực Trung Cận Đông. Đến đầu năm 2015, quân số của Các lực lượng vũ trang nước này (không tính lực lượng dự bị) là 410.500 người. Vào thời chiến có thể huy động một lực lượng đã qua huấn luyện quân sự với con số lên tới 90.000 người, trong đó có 38.000 lính dự bị hạng một (xin nói rõ sau).

Ngân sách quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 đứng hàng thứ 15 trên thế giới – với 22,6 tỷ đô là (số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm SIPRI).

Như vậy, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có đông nhất so với quân đội các nước khác tại Châu Âu (trừ Nga). Ví dụ, Quân đội Đức có 170.000 người, Quân đội Anh có 180.000 người, nhưng hai nước này này đang liên tục cắt giảm quân số.

Về mặt cơ cấu tổ chức, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ có Lục quân, Không quân, Hải quâ, Hiến binh (vào thời bình lực lượng Hiến binh được đặt dưới sự quản lý của Bộ trưởng Bộ nội vụ - tương tự như Bộ công an ở ta) và Lực lượng phòng thủ bờ biển. Như vậy, về mặt tổ chức thì Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ gồm các lực lượng lượng vũ trang của 2 Bộ - Bộ Quốc phòng và Bộ nội vụ.

Thổ Nhỹ Kỳ thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự. Cách thức tuyển quân và nghĩa vụ phục vụ trong quân đội được quy định rõ trong Bộ luật nghĩa vụ quân sự. Theo luật này, phục vụ trong quân đội là trách nhiệm bắt buộc đối với tất cả nam giới tuổi từ 20 đến 41, nếu như đủ tiêu chuẩn sức khỏe.

Thời hạn phục vụ là 12 tháng nhưng công dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể được miễn nghĩa vụ trên nếu nộp vào ngân sách nhà nước một khoản tiền nhất định. Năm 2013, số tiền này là gần 30.000 lira (17.000 đô la) – một khoản tiền không nhỏ đối với một công dân Thổ Nhũ Kỳ có mức thu nhập trung bình.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, binh sỹ và hạ sỹ quan được giải ngũ và gia nhập hàng ngũ quân nhân dự bị. Năm đầu tiên họ nằm trong diện dự bị hạng một (như đã nói ở trên), hay còn gọi là hạng “nghĩa vụ đặc biệt" , sau thời gian trên (một năm) được chuyển sang dự bị hạng hai (đến năm 41 tuổi) , và hạng ba (từ 41đến 60 tuổi).

Nhưng người trong diện dự bị nếu có lệnh tổng động viên được điều đến bổ sung cho các đơn vị và binh đoàn đang trực chiến hoặc đang được thành lập mới.

II. Các quân chủng của Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ

1. Lục quân

Lục quân là lực lượng có quân số đông nhất trong Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm khoảng 80% quân số). Lục quân được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Lục quân thông qua Bộ Tham mưu Lục quân.

Trong biên chế tổ chức của Lục quân có Bộ tham mưu, 4 tập đoàn quân dã chiến, 9 quân đoàn (trong 9 quân đoàn này có 7 quân đoàn trực thuộc các tập đoàn quân lục quân) và 3 bộ tư lệnh (Bộ tư lệnh huấn luyện, Bộ tư lệnh không quân lục quân và Bộ tư lệnh hậu cần).

Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc duyệt binh, Ảnh : Umit Bektas / Reuters

Theo chương trình "Các lực lượng vũ trang-năm 2014” được thông qua từ năm 2007 thì đến cuối năm 2014, quân số của Lục quân chỉ còn trong khoảng từ 280.000 đến 300.000 người, nhưng cùng với việc cắt giảm quân số, Lục quân sẽ được tăng cường trang bị các mẫu vũ khí, trang bị kỹ thuật và các phương tiện chỉ huy, điều khiển hiện đại.

Cũng theo chương trình này, 2 tập đoàn quân dã chiến bị giải thể: Tập đoàn quân dã chiến số 3 (cụm quân đóng trên biên giới với Armenia và Gruzia) và Tập đoàn quân ở Bờ tây Thổ Nhĩ Kỳ.

Đồng thời với việc giải thể nói trên là thành lập Bộ tư lệnh thống nhất cả ba quân chủng (Lục quân, Không quân và Hải quân) và chuyển Bộ Tổng tham mưu thành Bộ tham mưu “thống nhất” – các bộ tư lệnh quân chủng sẽ trực thuộc Bộ tham mưu này “ thống nhất” này.

Các Bộ tham mưu của các Tập đoàn quân số 1 và số 2 sẽ sát nhập và thành lập Bộ tư lệnh các cụm quân Hướng Tây và Hướng Đông, toàn bộ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được chia thành hai vùng tác chiến và quân sự- hành chính.

Xe tăng “ Leopard 2A4 “ trên đường phố Angkara

Trong khuôn khổ hiện thực hóa kế hoạch này, quân số của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được cắt giảm 10.000 đến 20.000 người mỗi năm, đã giải thể nhiều đơn vị và binh đoàn.

Ví dụ, chỉ trong 3 năm gần đầy đã giải thể 5 lữ đoàn tăng (trong tổng số 14), 9 lữ đoàn tăng còn lại được trang bị các phương tiện kỹ thuật đã hiện đại hóa hoặc mua mới. Một phần các lữ đoàn bộ binh cũng đã bị giải thể, một số lữ đoàn bộ binh được chuyển sang biên chế các binh đoàn cơ giới.

Nhiệm vụ đấu tranh chống các tổ chức vũ trang người Kurd được giao hoàn toàn cho Hiến binh (lực lượng này trong thời gian gần đây tiếp nhận nhiều phương tiện xe bọc thép chuyển từ các đơn vị Lục quân sang – số lượng xe bọc thép trước khi được bổ sung của Hiến binh cụ thể như sau : BTR-60P – gần 340 chiếc , BTR-80 - 240 chiếc).

Sức mạnh xung kích chủ yếu của Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ là xe tăng. Tất cả các xe tăng đang có trong trang bị của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đều do nước ngoài sản xuất . Trong trang bị hiện có gần 3.000 xe tăng, trong đó có hơn 1.200 tăng Mỹ M48 đã lạc hậu – những xe tăng này phần lớn đang được niêm cất bảo quản hoặc được sử dụng tại các trung tâm huấn luyện.

Loại xe tăng tương đối hiện đại của Lục quân là xe tăng Đức “Leopard 2A4” với 339 chiếc. Đã có kế hoạch hiện đại hóa các xe tăng này lên mức A6 và nhiệm vụ hiện đại hóa sẽ do Tập đoàn ASELSAN của chính Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm. Ngoài ra, còn có 392 xe tăng Đức Leopard 1 các biến thể khác nhau và hơn 1.200 xe tăng Mỹ M60 với nhiều biến thể.

Về biên chế tổ chức :mỗi một lữ đoàn tăng có 3 tiểu đoàn tăng, mỗi một lữ đoàn cơ giới có 1 tiểu đoàn tăng. Mỗi tiểu đoàn tăng có 41 xe tăng. Ban tham mưu và chỉ huy tiểu đoàn - 2 xe tăng, 39 chiếc còn lại nằm trong biên chế của 3 đại đội tăng.

Mỗi đại đội có 13 chiếc (1 xe của chỉ huy đại đội và 4 trung đội, mỗi trung đội 3 xe tăng). Có lẽ những xe tăng Mỹ M60 (thiết kế từ cuối những năm 50 thế kỷ trước) vẫn đang được sử dụng nhiều trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Tăng M60 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Về xe bọc thép: Xe bọc thép của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều chủng loại và gồm có BTR bánh xích và bánh lốp, xe BMP bánh xích và nhiều loại xe khác. Tổng số xe bọc thép các loại : hơn 4.500 đơn vị (chiếc). Phần lớn trong số đó là do Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất trừ M113 và M59 của Mỹ.

Vũ khí chống tăng: Có các loại tên lửa chống tăng vác vai và xe kéo có điều khiển, RPG, các tổ hợp chống tăng tự hành (48 tổ hợp tên lửa chống tăng FNSS ACV -300 TOW và 156 tổ hợp tên lửa chống tăng M113TOW.

Số lượng các tổ hợp phóng xe kéo và tổ hợp tên lửa vác vai trong Quân đội Thổ Nhỹ Kỳ vượt 2.400 đơn vị (gồm các kiểu Otokar Cobra, Eryx, TOW, Milan, Kornet, Konkurs). Ngoài ra, trong trang bị của các đơn vị còn có hơn 5.000 khẩu RPG-7 ( B41 theo cách gọi của Việt Nam) và hơn 40.000 khẩu M72А2.

Lục quân còn có hơn 1.200 tổ hợp pháo tự hành và 1.900 pháo kéo, gần 10.000 súng cối. Đại đa số là do Mỹ sản xuất, nhiều pháo đã lạc hậu ((М110, М107, М44Т và v.v).

Các hệ thống pháo hiện đại hơn cả là pháo tự hành T-155 Fırtına chế tạo theo giấy phép mẫu tổ hợp pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc (240 tổ hợp đang có trong trang bị, đã đặt hàng 350 tổ hợp), và pháo kéo 155 ly Т-155 Pantera (225 đơn vị) .

Pháo tự hành 155 ly T-155 Fırtına

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm đến việc phát triển các hệ thống phản lực bắn dàn. Trong trang bị của Quân dội Thổ Nhĩ Kỳ có 12 hệ thống phản lực bắn dàn do Mỹ sản xuất MLRS (227 ly) , 80 hệ thống T-300 (WS-1 302 ly của Trung Quốc), 130 T-122 (BM -21 “ Grad” Xô Viết đặt trên khung gầm xe ô tô Thổ Nhĩ Kỳ), hơn 100 hệ thống T-197 (Type 63 cũ của Trung Quốc, 107 ly) và 24 tổ hợp phản lực bắn dàn xe kéo RA7040 do Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất.

Phòng không Lục quân có pháo phòng không, các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai và các tổ hợp tên lửa phòng không xe kéo. Pháo không không cỡ nhỏ có hơn 2.800 khẩu. Các tổ hợp tên lửa vác vai (“ Stinger”, Igla , Red-eye) – hơn 1.900 đơn vị (khẩu).

Ngoài ra, còn có 150 tổ hợp tên lửa phòng không “Altygan” (8 “ Stinger” trên xe M113) và 88 “ Zipkin” (4 “Stinger” trên xe “ Land Rover”). Lực lượng tấn công của Không quân Lục quân là các máy bay lên thẳng chiến đấu AH-1 “ Cobra” (39 chiếc), 6 chiếc máy bay lên thẳng chiến đấu mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ T-129 (chế tạo theo mẫu A-129 của Trung Quốc , đã có kế hoạch sản xuất 60 chiếc).

Ngoài ra còn có 400 máy bay lên thẳng vận tải và đa năng (S-70 Black Hawk, UH-1, AS.532, AB-204/206) và gần 100 máy bay lên thẳng hạng nhẹ. Hiến binh sử dụng 18 máy bay lên thẳng Mi-17 do Nga sản xuất.

Máy bay lên thẳng tấn công Т-129

Có một chi tiết đáng chú ý là trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ là nước NATO thứ hai (sau Bulgaria) sở hữu tên lửa chiến dịch- chiến thuật. Đó là 72 tổ hợp ATACMS do Mỹ sản xuất và không ít hơn 100 tên lửa chiến dịch - chiến thuật J-600T tự sản xuất (sao chép B-611 của Trung Quốc).

2. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ


Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có 4 bộ tư lệnh. Tất cả các máy bay chiến đấu nằm trong biên chế của hai Bộ tư lệnh không quân chiến thuật. Các máy bay huấn luyện nằm trong biên chế của Bộ tư lệnh không quân huấn luyện. Các máy bay vận tải thuộc Bộ tư lệnh trực thuộc Bộ tham mưu Không quân. Không quân sử dụng 34 sân bay . Tổng quân số của Không quân – 60.000 người.

Lực lượng tác chiến chủ yếu của Không quân là 168 máy bay tiêm kích đa năng F-16C và 40 máy bay tiêm kích huấn luyện F-16D. Đại đa số chúng được sản xuất theo giấy phép trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, trong trang bị của Không quân còn gần 40 máy bay tiêm kích tương đối cũ Canadair NF-5 do Canada sản xuất. Trong biên chế của Không quân còn hơn 180 máy bay huấn luyện, 7 máy bay tiếp dầu KC-135R, 2 máy bay radar phát hiện từ xa Boeing -737 (đã đặt hàng tổng cộng 4 chiếc) và 95 máy bay vận tải.

Các máy bay vận tải chủ yếu - Tusas CN-235M (48 chiếc) – đấy là máy bay vận tải Tây Ban Nha CASA CN-235 sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ theo giấy phép.

F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (mới nổi tiếng ngày 23/11 khi bắn hạ máy bay ném bom chiến trường Su-24 của Nga)

Hệ thống phòng không mặt đất có các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung đã lạc hậu MIM-14 Nike-Hercules (72 tổ hợp phóng), 48 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung “ Hawk-21” đều do Mỹ sản xuất, 84 tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần “Rapier” của Anh.

Đã có kế hoạch ký với Trung Quốc một hợp đồng mua 12 tiểu đoàn (tổ hợp phóng và cơ số đạn) các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 (sản xuất theo công nghệ tổ hợp tên lửa phòng không Xô Viết- Nga S-300).

Ngày 21/2/2015, Bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismét Iymaz cho biết hệ thống phòng không Thỏ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ không tích hợp vào hệ thống phòng không của NATO (nhưng đến ngày 15/11/2015, một quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho biết là thỏa thuận trên đã bị hủy bỏ).

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã lên các kế hoạch thay thế các máy bay chiến đấu. Trong đó có khả năng ký hợp đồng mua máy bay tiêm kích thế hệ năm của Mỹ F- 35A. Dự tính sẽ mua 100 máy bay kiểu này. 2 chiếc F-35A đầu tiên sẽ được đưa vào trang bị của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018.

Trong tương lai, F-35A sẽ thay thế toàn bộ các máy bay tiêm kích Canadair NF-5 và F-16. Đến cuối năm 2016, công ty Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch thử nghiệm tên lửa có cánh mới SOM-J để treo trên các móc treo của các máy bay tiêm lích F-35 Lightning II dự định sẽ mua.

Máy bay Tusas CN-235M của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ

Không có lực lượng quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên Không quân Mỹ thường xuyên sử dụng các căn cứ không quân Incirlik và Diyarbakir. Theo những thông tin rò rỉ từ WikiLeaks thì trong căn cứ không quân Incirlik còn có bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật – bom B-61. Thông tin này chưa bao giờ được chính thức khẳng định.

3. Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

Về mặt tổ chức, Hải quân có 4 Bộ tư lệnh gồm: Bộ tư lệnh hải quân các khu vực phía Bắc (Biển Đen) và Bộ tư lệnh hải quân các khu vực biển phía Nam (Biển Địa Trung Hải), Bộ tư lệnh hạm đội và Bộ tư lệnh huấn luyện.

Chỉ huy quân chủng Hải quân là đô đốc - ông này lại chịu sự chỉ huy trực tiếp của Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang. Dưới quyền của Tư lệnh Hải quân còn có Bộ tư lệnh bảo vệ bờ biển (vào thời bình, Bộ tư lệnh này thuộc quyền của Bộ nội vụ (có 80 tàu tuần tiễu). Tổng quân số Hải quân – 50.000 người.

Vào thời điểm hiện tại, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là lực hượng hải quân mạnh nhất trên Biển Đen. Năm 2013, đô đốc Hải quân Nga Vladimir Komoedov (nguyên Tư lệnh Hạm đội Biển Đen những năm 1998-2002, hiện là Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Duma Quốc gia Nga) trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí “Svobodnaia Pressa” đã nhấn mạnh là Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ mạnh hơn lực lượng Hải quân của cả Nga và Ukraine cộng lại tới 4,7 lần (có lẽ muốn nói tới cán cân sức mạnh hải quân trên Biển Đen).

Tàu hộ tống F 511"Heybeliada" kiểu "MILGEM" của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

Lực lượng chủ yếu của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là các tàu mua của nước ngoài. Lực lượng tấn công chủ yếu của Hải quân – 16 khinh hạm và 8 tàu hộ tống. Trong số các khinh hạm có 8 tàu kiểu “Gaziantep” (các khinh hạm lớp “Oliver Hazard Perry” do Mỹ chuyển giao, tất cả đã được hiện đại hóa), 4 khinh hạm kiểu “Yavuz” (các khinh hạm kiểu MEKO 200 của Đức) và 4 khinh hạm “Barbaross” (kiểu МЕКО2000TN-II) .

6 tàu hộ tống trong biên chế Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là các tàu hộ tống cũ của Pháp và 2 tàu hộ tống kiểu "MILGEM" do Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất (theo kế hoạch sẽ đóng thêm 8 tàu mới kiểu này).

Lực lượng tàu ngầm của Hải quân có 14 chiếc tàu ngầm diesel do Đức sản xuất, trong đó có 8 chiếc hiện đại dự án 209/1400 “Preveza” và 6 chiếc dự án tương đối mới 209/1200 “Atylai”. Đấy là những kiểu tàu ngầm được xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới, - chúng có trong trang bị của Hải quân 13 nước.

Trong biên chế của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có 6 tàu dự án 209/1200 “Atylai” được đưa vào trang bị từ năm 1976 đến năm 1989 và trong tương lai chúng sẽ được thay thế bằng các tàu ngầm Đức kiểu 214 với các động cơ AIP - hợp đồng đóng các tàu này đã được ký năm 2011.

Trong cơ cấu tổ chức biên chế của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ còn có 01 lữ đoàn lính thủy đánh bộ và đặc nhiệm – đội SAS số 5 (người nhái chống biệt kích) và đội SAT số 9 (người nhái tác chiến- biệt kích) .

Không quân của Hải quân có 10 máy bay tuần tiễu do Tây Ban Nha sản xuất CN-235М, 24 máy bay chống ngầm S-70B, 29 máy bay lên thẳng đa năng - vận tải và 9 máy bay vận tải.

Tàu ngầm kiểu 209 Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ

III. Nhận xét của các chuyên gia quân sự Nga

Nhìn chung các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ có trình độ tác chiến cao, quân số đông, đội ngũ sỹ quan chuyên nghiệp và được đào tạo tốt, được trang bị tốt. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đủ sức giải quyết các nhiệm vụ bảo vệ đất nước trước các hành động tấn công quy mô lớn từ bên ngoài, đồng thời có thể tiến hành các chiến dịch cục bộ chống khủng bố trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khả năng tham gia vào các chiến dịch liên quân. Việc thực hiện các chương trình hiện đại hóa (vũ khí và trang bị kỹ thuật đã mua) và sản xuất vũ khí - trang bị kỹ thuật góp phần tăng cường đáng kể khả năng tấn công của các lực lượng vũ trang nước này – cho phép giải quyết các nhiệm vụ chống lại các mối đe dọa thách thức đối với quốc gia cả trong hiện tại và tương lai.

Các chuyên gia cũng đã chỉ ra các điểm mạnh của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ như sau:

- Có uy tín cao và được sự ủng hộ mạnh mẽ trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ;

- Vị thế đặc biệt của các sỹ quan trong môi trường quân đội và xã hội;

- Kỷ luật nghiêm tại tất cả các đơn vị và phân đội;

- Lực lượng vũ trang được trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật quân sự và các hệ thống vũ khí hạng nặng;

- Có các phương tiện chỉ huy, điều khiển hiện đại ở cả ở cấp chiến thuật và chiến dịch;

- Tích hợp vào hệ thống chỉ huy tác chiến và liên lạc của NATO;

- Công tác huấn luyện và huấn luyện nghiệp vụ được tiến hành có kế hoạch;

- Có cơ sở công nghiệp quốc phòng riêng , đảm ứng các nhu cầu sản xuất, hiện đại hóa, sửa chữa nhiều loại vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự, phương tiện điều khiển và liên lạc , đạn dược.

Lê Hùng (tổng hợp)
Nguồn: Báo Đất Việt
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.