Chuyên mục
Nỗ lực để duy trì, phát triển tiếng Nga trong trường đại học của VN
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nỗ lực để duy trì, phát triển tiếng Nga trong trường đại học của VN

Thứ bảy 21/10/2017 12:38 GMT + 7
Tại nhiều trường đại học lớn ở nước ta, những nỗ lực để duy trì, phát triển tiếng Nga đã và đang được triển khai hiệu quả.

Cơ hội việc làm kém cạnh tranh và đúng chất là một ngôn ngữ khó nhưng không phải vì thế mà trong giai đoạn hiện nay, nhiều người trẻ ngại học tiếng Nga. Tại nhiều trường đại học lớn ở nước ta, những nỗ lực để duy trì, phát triển tiếng Nga đã và đang được triển khai hiệu quả. Không chỉ duy trì dạy tiếng, các trường còn chú trọng đến việc tạo môi trường giao lưu văn hóa để ngày càng nhiều người thêm hiểu và yêu mến “xứ sở bạch dương”.

Tuy không còn thời hưng thịnh như cách đây hơn 30 năm nhưng đến nay, việc duy trì giảng dạy tiếng Nga vẫn được ban giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh thực hiện tốt. Hiện trường có gần 220 sinh viên đang theo học hệ chính quy chuyên ngành Ngữ văn Nga. Mỗi năm có thêm 50-60 sinh viên đăng ký vào ngành này. Không chỉ tạo môi trường học tập tốt nhất dựa trên mối quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học lớn tại Liên bang Nga, nhà trường còn chủ động phối hợp với các tổ chức trong nước tạo cơ hội kiến tập, thực tập và trải nghiệm cho sinh viên. 


Mỗi năm có thêm 50-60 sinh viên đăng ký vào ngành tiếng Nga tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh (Ảnh minh hoạ)

Mỗi năm, khoa Ngữ văn Nga của trường tổ chức 2 đợt thực tập cho sinh viên. Nếu như sinh viên năm 3 được hòa mình vào môi trường học tập, sinh hoạt với các bạn học sinh Nga ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì sinh viên năm 4 được tham gia dẫn tour du lịch phục vụ du khách Nga để luyện nói, luyện nghe và tìm hiểu kỹ về văn hóa của người bản xứ. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức nhiều ngày hội, chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi giảng viên, sinh viên với mong muốn mang tiếng Nga đến gần hơn với người học. 

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Hương Chi, Trưởng khoa Ngữ văn Nga, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Nhà trường rất nỗ lực để liên tục duy trì các hoạt động của khoa Ngữ văn Nga. Đồng thời các giảng viên trong khoa Ngữ văn Nga cũng có nhiều hoạt động như đổi mới phương pháp giảng dạy, thay đổi giáo trình, cập nhật các thông tin gần gũi với đời sống xã hội, văn hóa, kinh tế - chính trị của Nga để đưa bài giảng của mình đến gần hơn với sinh viên”.

Được thành lập từ năm 1978, đến nay, khoa Tiếng Nga của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh là đơn vị có nhiều sinh viên đang theo học nhất thành phố. Năm học 2017-2018, thêm 100 sinh viên vừa trúng tuyển vào ngành này của trường. Trong khi nhiều cơ sở dạy tiếng Nga trên địa bàn đa phần đã đóng cửa do không đủ người học thì tại Trường Đại học Sư phạm, các hoạt động từ học thuật cho đến giao lưu văn hóa Nga vẫn diễn ra đều đặn với quy mô lớn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trưởng khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, có được sự phát triển này là nhờ sự linh hoạt trong phương pháp đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu mà nhà trường dành cho sinh viên cũng như giảng viên, đối tác: “Nhà trường thường xuyên tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên khoa Tiếng Nga đi học tập, trao đổi ngắn hạn và dài hạn tại các trường của Liên bang Nga. Còn đối với các khóa học ngắn hạn mở ra cho sinh viên, chúng tôi tập trung đào tạo về giao tiếp thương mại, du lịch, dịch thuật… để người học đáp ứng được nhu cầu xã hội”.

Đào tạo gắn với nhu cầu thực tế, cho sinh viên nhiều cơ hội cọ xát, trải nghiệm và đầu tư sâu cho quá trình nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của giảng viên là cách mà nhà trường đã làm để ổn định chất lượng giảng dạy tiếng Nga. Ký kết hợp tác với nhiều trường đại học lớn hay các viện nghiên cứu uy tín của Nga để tiến hành trao đổi giảng viên, sinh viên thôi chưa đủ, nhà trường còn chủ động kết nối với đại sứ quán Nga và các tổ chức liên quan tạo ra nhiều sân chơi văn hóa, học thuật thú vị. Sự chuyên nghiệp trong quá trình giảng dạy giúp nhà trường đào tạo được nguồn cử nhân tiếng Nga chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều nhà tuyển dụng trong nước.


Sinh viên có nhiều cơ hội cọ xát, trải nghiệm để nâng cao trình độ (Ảnh minh hoạ)

Với vốn tiếng Nga khá ổn, Huỳnh Hiệp Mậu, sinh viên năm cuối khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi tốt nghiệp em sẽ tiếp tục học lên cao rồi tham gia giảng dạy, truyền lại tình yêu ngôn ngữ đặc biệt này cho các bạn khóa sau: “Học tiếng Nga đối với em không phải là ngôn ngữ mà nó còn dạy cho mình cách sống. Tại vì ngữ pháp tiếng Nga vô cùng chặt chẽ, nó tạo cho em thói quen làm gì cũng phải cân nhắc, đắn đo suy nghĩ trước sau, làm gì cũng theo trình tự. Nó giúp em sắp xếp cuộc sống tốt hơn”.

Tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, rất nhiều sinh viên như Mậu đã được chắp cánh ước mơ thông qua các chương trình học bổng toàn phần hoặc các chương trình học chuyển tiếp tại Nga. Chưa dừng lại ở đó, nhà trường còn phối hợp với Quỹ giới Nga ngữ thành lập Trung tâm Nga với vai trò hỗ trợ, kết nối để thúc đẩy sự phát triển của tiếng Nga, văn hóa Nga đến đông đảo người quan tâm. 

Bà Natalia Borisovna Zolkina, Giám đốc Trung tâm Nga tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Đây là trung tâm tiếng Nga duy nhất tại khu vực phía Nam của Việt Nam. Chúng tôi có nhiệm vụ hỗ trợ giảng dạy tiếng Nga, giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Nga đến với giảng viên, sinh viên và tất cả những người yêu đất nước Nga.”.

Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ, các trường đại học có đào tạo tiếng Nga tại TP. Hồ Chí Minh mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía để mở rộng cơ hội việc làm, tăng khả năng hội nhập cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nga. Các trường cũng mong rằng sinh viên của họ sẽ được học tập, giao tiếp với người bản xứ nhiều hơn nhằm chuẩn hóa các kỹ năng và tiệm cận nhiều phương pháp nghiên cứu, thực hành hiện đại./.

Mỹ Dung
Nguồn: vov.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.