Chuyên mục
Đại sứ LB Nga tại Việt Nam Vnukov trả lời phỏng vấn Sputnik về quan hệ Nga – Việt
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đại sứ LB Nga tại Việt Nam Vnukov trả lời phỏng vấn Sputnik về quan hệ Nga – Việt

Thứ tư 01/08/2018 10:52 GMT + 7
Trả lời phỏng vấn phóng viên Sputnik, Đại sứ LB Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vnukov đã đánh giá về thực trạng và triển vọng quan hệ Nga — Việt, những điểm "vướng mắc" của đối tác song phương và kế hoạch giao lưu chéo Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga 2019.

Đại sứ Nga tại Việt Nam Vnukov

Hiện trạng và triển vọng phát triển quan hệ Nga-Việt      

Quan hệ của hai nước chúng ta luôn nổi bật bởi đặc điểm có sự tin cậy lẫn nhau và liên hệ mật thiết giữa các nhà lãnh đạo của hai nước. Đây là truyền thống vẻ vang, khởi phát và được xây đắp suốt thời kỳ tồn tại của Liên bang Xô-viết. Trong những năm gần đây, chúng ta đã thành công trong việc hiện đại hoá mối quan hệ này bằng cách cung cấp cơ sở nền tảng pháp lý mới liên tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiệp lực của chúng ta trong mọi lĩnh vực và tiến lên trình độ đối tác chiến lược toàn diện. Theo thực tiễn ngoại giao, đây là mức quan hệ cao nhất giữa hai quốc gia. Cả thảy chỉ có một vài nước mà Việt Nam duy trì mức độ quan hệ như vậy - đó là những quốc gia quan trọng nhất đối với đất nước này. Và tôi rất vui mừng vì Nga thuộc số đối tác đó của Việt Nam.

Các tiếp xúc của chúng ta đang được mở rộng và tôi cho rằng điều chính yếu là trong những năm gần đây đã nhân lên được cơ sở vật chất mà trước hết là thành tố thương mại-kinh tế trong mối quan hệ của chúng ta. Thành tựu quan trọng nhất là việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) và Việt Nam, quốc gia đầu tiên tham gia kiểu Hiệp định này. Các đồng nghiệp Việt Nam hiểu rõ rằng đối với họ đây là cơ hội to lớn để có lối thâm nhập một thị trường rộng rãi như vậy. Bởi năm quốc gia của EAEU là Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kyrgyzstan gồm 183 triệu người tiêu dùng, là thị trường lớn hợp tác tốt với Việt Nam. Đối với chúng tôi, điều này cũng rất quan trọng vì hai lý do: Chúng ta đã thu nhận được những kinh nghiệm đầu tiên từ hình thức hợp tác này và thị trường Việt Nam gồm gần 100 triệu người tiêu dùng. Hiệp định phát huy hiệu lực và đưa đến những kết quả khá tích cực. Chẳng hạn, trong năm ngoái, khối lượng trao đổi thương mại lẫn nhau giữa các nước EAEU và Việt Nam đã tăng 36% và theo số liệu cập nhật của Nga, lên tới 5,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch thương mại Nga-Việt lên đến 5,2 tỷ USD. Tất nhiên, con số này chưa phải là lớn, nhưng đó là sự khởi đầu tốt đẹp. Và trong sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai bên tiếp tục tăng lên không ngừng. Nhờ Hiệp định, chúng ta đã có thể thúc đẩy tiến lên con đường giao dịch thương mại cân đối hơn và mở ra những ngành nghề mới, nơi mà sản phẩm hàng hóa của chúng ta có khả năng cạnh tranh. Đó trước hết là nông sản như lúa mì, các sản phẩm thịt, hàng loạt loại dầu, song hành với sô cô la và rượu vodka truyền thống. Bây giờ chúng ta đã vươn lên vị thế rất nghiêm túc về hàng hóa công-nông nghiệp vốn gần gũi với các cư dân bình thường.

Càng nhiều hàng hóa Nga tại Việt Nam thì ngày càng nhiều người bình thường đón nhận tích cực và ưa thích sử dụng những hàng hóa chất lượng, giá không đắt mà ngon lành này. Hàng hóa Việt Nam cũng vậy, một khi dỡ bỏ rào cản tương ứng với Hiệp định, ngày càng nhiều hàng Việt Nam có mặt trên thị trường Nga. Đó là nông sản và hải sản truyền thống, nhưng cũng có những thứ khác vinh danh Việt Nam như điện thoại di động và linh kiện kèm theo. Giao thương của chúng ta hiện thời chưa hoàn toàn cân đối, xuất khẩu của Việt Nam vượt quá nhập khẩu, nhưng chúng ta đang đi theo hướng đúng đắn và có triển vọng sáng lạng cả cho năm nay và trong tương lai. 

Một hướng rất quan trọng trong công việc chung của chúng ta, theo quan điểm của tôi, là các trao đổi trên các lĩnh vực nhân văn.  Năm ngoái, chúng ta đã lập hai kỷ lục: Số lượng du khách Nga đến thăm Việt Nam khoảng 600 nghìn người, và kỷ lục nữa là số du khách từ Việt Nam sang thăm Nga đạt khoảng 100 nghìn người. Tôi  nghĩ rằng, nhờ Giải Vô địch Bóng đá Thế giới được tổ chức ở Nga, trong năm nay sẽ đạt tăng trưởng đáng kể về số lượng du khách Việt Nam đến thăm Nga.

Đầu tư là tuyến đường hai chiều

Hướng tiếp theo mà chúng ta đang xúc tiến nghiêm túc là hợp tác đầu tư. Trong những năm nhiệm kỳ của tôi ở Hà Nội, chúng ta đã tiếp tục hợp tác hiệu quả giữa các tập đoàn dầu khí lớn của Nga và Việt Nam. Điển hình sinh động là xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, bất chấp tình hình bên ngoài không thuận lợi, vẫn cho thấy kết quả cao ổn định.

Đầu tư là tuyến đường hai chiều. Minh chứng cho điều đó là sự xuất hiện ở Nga  của tập đoàn tư nhân «ТН» với đề xuất tạo lập các tổ hợp chăn nuôi bò sữa lớn. «ТН» đã triển khai hoạt động ở 4 khu vực của nước Nga: tỉnh Moscow và Kaluga, vùng Primorsky  và Cộng hòa Bashkortostan với số vốn 2 tỷ USD. Tổ hợp ở khu vực ngoại ô Moscow đã hình thành. Tôi đã nhận được lời mời dự lễ đặt viên đá móng xây dựng quần thể của «ТН» ở vùng Kaluga vào mùa thu năm nay. 

Tôi rất vui mừng trước việc các công ty Nga cũng vươn tới Việt Nam. Cụ thể, hiện nay hai bên đang thảo luận dự án nghiêm túc lắp đặt các dây chuyền của các công ty Nga trên lãnh thổ Việt Nam chuyên sản xuất các loại thuốc men và phương tiện chống bệnh ung thư.

Những điểm "vướng mắc" trong quan hệ đối tác Nga-Việt

Sự hợp tác giữa hai nước chúng ta đang phát triển tốt đẹp, không có vấn đề lớn, có cái gọi là vấn đề tăng trưởng'' cần giải quyết và đó chính là những gì chúng ta đang tập trung làm cùng nhau. Hiện tại tương tác kinh doanh của chúng ta đang diễn ra theo con đường được kiến thiết tốt của các đề án lớn cũng như hợp tác theo kênh quốc gia, theo tuyến các tập đoàn Nhà nước. Tuy nhiên tôi cho rằng như vậy vẫn chưa đủ để có thể tiệm cận mục tiêu chung của chúng ta - tăng gấp đôi khối lượng thương mại thực tế vào năm 2020 đến 10 tỷ USD. Nếu chúng ta không kết nối vào môi trường đối  tác cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là bộ phận rất năng động cả ở Việt Nam cũng như trong nền kinh tế Nga, và nếu không kết nối thêm một hướng quan trọng nữa - quan hệ liên vùng, thì khi đó, tôi nghĩ rằng, khó mong đợi bước đột phá nghiêm túc.  Đây là điểm ''vướng mắc''  đầu tiên.

Thứ hai là tình trạng thiếu thốn thông tin của doanh nhân Nga cũng như Việt Nam về tính năng đặc trưng trong thị trường của nhau. Và, tất nhiên, còn thêm đề tài cơ sở hạ tầng, trước hết là sơ đồ vận chuyển. Cần tìm kiếm những sơ đồ mới mà trên bình diện kinh tế sẽ có lợi cho kinh doanh chung của chúng ta. Tôi cho rằng với đà phát triển khối lượng thương mại phải mở rộng việc sử dụng vận tải biển . Mọi người thuộc thế hệ cũ còn nhớ rõ tàu bè của Công ty vận tải Viễn Đông làm việc tích cực như thế nào theo hướng Việt Nam. Cũng nên chú ý đến vận tải đường sắt. Ở đây cũng có những sơ đồ mà chúng ta đang làm việc cùng với các đối tác trong EAEU: tuyến giao thông đường sắt phải chạy từ Việt Nam qua Trung Quốc và Kazakhstan tới Nga rồi tiếp tục tới phương Tây. Tất nhiên, nảy sinh một số phức tạp gắn với các biện pháp trừng phạt chống Nga do các nước phương Tây và Mỹ áp đặt. Trong chừng mực nhất định, những biện pháp trừng phạt này tác động ảnh hưởng tiêu cực đến liên hệ thương mại-kinh tế của chúng ta với Việt Nam. Cụ thể, chúng ta cần cải thiện hệ thống thanh toán hai chiều trong giao thương. Cũng là công việc chúng ta đang thực hiện bây giờ.

Đầu tư tốt nhất cho tương lai - đào tạo chuyên gia 

Một thực tế cho thấy cần chú trọng khắc phục là sự thiếu vắng những người thành thạo ngôn ngữ của đối tác. Mặc dù việc nghiên cứu tiếng Việt tại Nga đang ngày càng được ưa chuộng, đã không phải chỉ có 2-3 trường đại học mà là hàng chục cơ sở dạy tiếng Việt trên cả nước, nhưng dù vậy ở Nga vẫn không đủ các chuyên gia Việt Nam học. Cũng tình trạng như vậy với việc đào tạo các nhà Nga học tại Việt Nam. Chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ để trong năm học này, Việt Nam tiến lên vị trí hàng đầu về số lượng học bổng được Chính phủ Nga đài thọ với gần 1.000 suất. Và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đường lối này, tức là 1.000 chỉ tiêu học bổng mỗi  năm theo các chuyên ngành quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, cũng như cho quan hệ đối tác của hai nước chúng ta. Tôi cho rằng đó là dạng đầu tư tốt nhất cho tương lai quan hệ Nga-Việt.

''Chiến tranh thương mại'' Mỹ-Trung ảnh hưởng thế nào đến quan hệ đối tác Nga-Việt? 

Mâu thuẫn này chỉ vừa khởi phát và còn khó đánh giá đầy đủ, nhưng nó đã bắt đầu gây thương tổn không chỉ cho Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà còn cho một số nước khác kể cả Việt Nam. Chẳng hạn, đó là mức thuế cao mà Chính phủ Hoa Kỳ ban hành với nhóm sản phẩm này hay nhóm sản phẩm khác, cụ thể là thép. Các hình thức của chủ nghĩa bảo hộ như vậy trái ngược với quy định của WTO, tất nhiên, sẽ tác động tiêu cực tới giao thương của Nga và Việt Nam. 

Trên bình diện này, chúng ta cần phải hoàn thiện cơ chế thương mại của mình. Cần nhanh chóng khắc phục những điểm "vướng mắc" mà tôi đã nói, và sử dụng khoảng thời gian chúng ta có trước khi bắt đầu hiệu lực của hiệp định ưu đãi thương mại mà Việt Nam tham gia. Cụ thể là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Chúng ta có khoảng thời gian nhất định để Nga cùng với các sản phẩm cạnh tranh của mình có thể củng cố chỗ đứng tại thị trường Việt Nam. Và không được bỏ lỡ khoảng thời gian này, bởi vì đang ngày càng đến gần thời điểm khi Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ của mình sẽ mở rộng cửa cho hàng hóa từ những nước khác. Phải làm sao để đến thời điểm đó hàng hóa Nga đã trụ vững ở  Việt Nam.

TPP mới và RCEP 

                   
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết sau khi Trump quyết định rút Hoa Kỳ khỏi TPP ban đầu, các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang tiến hành đàm phán tích cực về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực — RCEP.  

Ở hình thái này bao gồm cả các nước thuộc CPTPP và những quốc gia  khác, ví dụ như Trung Quốc, vốn không bao gồm trong CPTPP. Việt Nam là một thành viên tích cực của cả hai Hiệp định. Hai Hiệp định này đang được xúc tiến ở mức độ khác nhau, khó nói khi nào sẽ kết thúc, thậm chí là về CPTPP bởi đây là tiến trình khá nghiêm túc để  phê chuẩn văn kiện trong tất cả các nước thành viên. Về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực — RCEP thì thậm chí còn chưa hoàn thành khâu đàm phán. 

Theo dữ liệu hiện có, các cuộc thương lượng đang được thúc đẩy tích cực, những nội dung cơ bản đã được tháo gỡ, nhưng vẫn tồn tại những vấn đề khá nghiêm trọng. Dù sao chăng nữa, cần chờ đợi là trong thời gian sắp tới - năm sau hoặc muộn hơn một chút, cả hai Hiệp định sẽ trở thành hiện thực. Và ở đây, các bên Nga và Việt Nam phải xem xét làm thế nào để thích nghi cơ chế thương mại của chúng ta, tránh khả năng bị tổn thương bởi thỏa thuận này hay hiệp định khác. Tôi nghĩ rằng cả Nga và các đồng nghiệp Việt Nam đều trân trọng mối quan hệ mật thiết và chúng ta luôn có thể đồng thuận về những khía cạnh khác nhau trong công việc chung cả trên cơ sở song phương lẫn đa phương. Nga và Việt Nam thống nhất ở chỗ chúng ta đều phản đối chủ nghĩa bảo hộ, tán thành duy trì cơ cấu WTO, và ủng hộ để cả hai Hiệp định nói trên đều tuân thủ quy tắc hiện có trong WTO. Liệu Nga có tham gia vào các Hiệp định này hay không - đó là phạm trù khác. Nhưng điều chính yếu là để những quy tắc nêu trong các thỏa thuận này không đối nghịch với quy định của WTO.

2019 - Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga

Lần đầu tiên trong lịch sử bang giao, Nga và Việt Nam sẽ tổ chức năm giao lưu chéo 2019.  Điều quan trọng là phải hiểu rằng các lãnh đạo cao cấp của hai nước chúng ta đã nhất trí tổ chức năm giao lưu chéo không chỉ gồm những lễ hội văn hóa riêng biệt nào đó. Chúng ta xuất phát từ tiền đề rằng chương trình của năm mà hiện chúng tôi cùng các đồng nghiệp Việt Nam  đang phối hợp nghiên cứu và sẽ sớm đem ra thảo luận, được thiết kế cho cả năm, từ lúc bắt đầu cho đến hết năm.  Và năm giao lưu chéo phải bao trùm toàn bộ các lĩnh vực cơ bản của sự hợp tác giữa hai nước chúng ta. Cả chính trị, cả kinh tế-thương mại, đầu tư, khoa học-kỹ thuật, cả giáo dục-đào tạo, cả hoạt động nhân đạo và thanh niên, mà nếu thiếu thì chúng ta không thể đảm bảo cho tương lai quan hệ của chúng ta, rồi cả các liên hệ khu vực-địa phương và thể thao - cho đến tận việc tổ chức các trận đấu giao hữu. Tổng thể toàn bộ các mặt công tác đó cần trở thành đóng góp thực tiễn để mở rộng quan hệ Nga-Việt, tạo điều kiện giúp nhân dân hai nước chúng ta hiểu rõ hơn về nhau, và hai quốc gia Nga-Việt Nam càng trở nên gần gũi thân thiết hơn nữa.
Nguồn: Sputnik Việt Nam
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.