Chuyên mục
Trước mùa thu vàng ở Nga
BÌNH LUẬN
Long ao uoc co mot ngay minh se den - Nuoc Nga trong trai tim toi ...!!!..Mua nao cung dep cung quyen ru ...mot con...

Trước mùa thu vàng ở Nga

Thứ sáu 09/10/2015 04:21 GMT + 7
Chúng tôi đến Nga trên chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, bay một mạch 9 giờ đồng hồ từ Hà Nội đến Moskva. Được bay với máy bay “của nhà” lại không phải quá cảnh qua Bombay và Tasken như vài chục năm trước đã là một điều thú vị và nhẹ nhàng. Phương tiện hiện đại và thân thiết dường như rút ngắn khoảng cách giữa Hà Nội - Moskva.

7 giờ chiều (giờ Moskva) trên bầu trời sân bay Domodedovo trong vắt, những cánh rừng hiện ra dưới nắng lá còn xanh, Moskva chưa vào mùa thu vàng. Tôi đã mơ được lạc vào mùa thu vàng của Levitan nhưng có lẽ đã đến sớm mấy ngày. Bù lại, ngay khi vừa về khách sạn President (Tổng thống) bên bờ sông Moskva đối diện với Điện Kremlin, kề bên khu vực tượng đài Pyotr Đại đế, chúng tôi đã được mãn nhãn với một đêm pháo hoa chào mừng kỷ niệm 868 năm ngày thành phố Moskva được thành lập. Moskva hiện ra huy hoàng, lộng lẫy trong ánh pháo hoa muôn hồng, ngàn tía rạo rực bầu trời. Gần 9 thế kỷ lịch sử, Moskva là niềm tự hào của nhân dân Nga, là giá trị vô song của nhân loại về kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật... Đến Moskva là lạc vào một thế giới của cung điện, đền đài, viện bảo tàng, các “lâu đài” khoa học; và trên hết là sự gần gũi, giản dị và nhân hậu của người Nga; sự nồng ấm và tin cậy của đồng nghiệp; đó là một giá trị nhân văn mà không phải ở thủ đô của nước nào cũng có. 

Dưới chân trường thành Điện Kremlin.

Một ngày sau khi tới Moskva chúng tôi có cuộc gặp với các đồng nghiệp của TASS trong không khí thắm tình bè bạn, đồng nghiệp. Sergei, một người mà như đồng nghiệp của anh nói đùa rằng “kiếp trước” là người Việt Nam, bảo tôi: Dù mọi chuyện có thay đổi thế nào thì trong lòng chúng tôi đối với các bạn Việt Nam so với 35 năm trước không có gì thay đổi. Tôi nói: Chúng tôi đến đây được các bạn đón tiếp chu đáo thế này rất không yên lòng, khi mà nhân dân Nga, nước Nga đang bị nhiều nước phương Tây cấm vận; đời sống nhân dân còn khó khăn; các anh hãy làm mọi cách để giảm bớt các chi phí vì chúng tôi trong chuyến đi này. 

- Không có vấn đề gì, nước Nga kiên cường và luôn hùng mạnh; qua năm nay nước Nga sẽ qua khó khăn. Sự tự tin của Sergei, một nhà báo Nga, đã làm tôi nhớ lại cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc cùng với những đạo quân phản loạn của bọn bạch vệ sau Cách mạng tháng Mười với nước Nga Xô viết năm 1918 nhưng vẫn không làm nước Nga nao núng; thì nay, trong sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế toàn cầu, việc bao vây, cấm vận không có ai thắng mà chỉ là cùng thua mà thôi; và rằng, sớm muộn gì thì sự giao lưu hợp tác kinh tế quốc tế cũng sẽ thông thương. 

Dòng người xếp hàng vào viếng Lăng Lenin.

Chúng tôi được các bạn đưa vào nơi được gọi là “bộ não” của TASS và giới thiệu qui mô của TASS sau khi đã qua cổng kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. TASS là một trong 4 hãng thông tấn lớn nhất trên thế giới có truyền thống lịch sử 111 năm. Tiền thân TASS là Hãng thông tấn Điện tín St. Petersburg (SPTA), ra đời tháng 9/1904, theo sắc lệnh của Sa hoàng Nicholai Đệ nhị. Trải qua bao biến cố lịch sử; do đó, TASS còn là nơi ghi chép lịch sử; là một nhân chứng lịch sử và cũng góp phần làm nên lịch sử của nước Nga. Thông tin văn bản và ảnh của TASS được cung cấp cho 4.000 tờ báo, kênh truyền hình, đài phát thanh toàn Nga và hơn 1.000 cơ quan truyền thông nước ngoài. 

TASS có mạng lưới phóng viên vào loại lớn nhất thế giới với 682 cơ quan thường trú trong nước và 94 cơ quan thường trú nước ngoài, khoảng 2.000 nhà báo và phóng viên ảnh. Trong khu vực đầy vẻ tôn nghiêm và tĩnh lặng của TASS là phòng họp báo rộng nhưng ấm cúng; đủ để cho đông người tham gia và cũng tạo ra không khí đối thoại cởi mở, thẳng thắn trong các cuộc họp báo. Nhìn vào phòng họp báo này bất chợt tôi nhớ lại tác phẩm nổi tiếng của Liên Xô trước đây “TASS được quyền tuyên bố”. Đúng, chính từ phòng họp báo này, nhiều tuyên bố gây chấn động thế giới của Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay đã được TASS phát ra. Có lẽ “uy lực” của những tuyên bố như của TASS không phải hãng thông tấn nào cũng có. 

Bên cạnh phòng họp báo mới thực sự là “bộ óc” của TASS, nơi những phóng viên, biên tập viên đang tập trung cao độ cho công việc. Họ dường như không thấy sự có mặt của chúng tôi. Để giữ sự im lặng mê say đó, chúng tôi phải “căng tai” ra nghe bạn giới thiệu về khu vực quan trọng nhất này. Các bộ phận tác nghiệp được phân chia theo các khu vực trong và ngoài nước, tùy theo tính chất đặc biệt của tình hình. Chẳng hạn, phía góc phòng là một biên tập viên đang nghe điện thoại trực tiếp để ghi lại sự kiện từ Văn phòng Tổng thống; hay kia là bộ phận xử lý thông tin từ Ukraine. Những thông tin gửi về đây sẽ được các biên tập viên đánh giá và chuyển cho các bộ phận chuyên môn biên tập; họ không có nhiệm vụ biên tập mà phân loại và đánh giá mức độ “nóng” của thông tin; để từ đó đưa ra các yêu cầu theo đuổi sự kiện với phóng viên tại hiện trường. Để làm được công việc này, TASS đã đào tạo và chọn trong số những phóng viên giỏi, dày dạn kinh nghiệm nhất; không có ai trong số họ chưa qua công việc thực tế và ít kinh nghiệm cũng như tri thức.

Moskva trong những ngày đầu tháng 10 vẫn chưa xuất hiện bầu trời đặc trưng của mùa thu nước Nga; thời tiết vẫn sáng mưa chiều nắng bất thường với những cơn gió lạnh bất chợt. Một buổi sáng mưa to và gió lạnh; theo đề nghị của chúng tôi, bạn tổ chức đi viếng lăng Lenin. Qua 2 lần kiểm tra an ninh, dòng người vào viếng Lenin ngày càng nối dài; mặc cho mưa càng lúc càng nặng hạt. 

Tôi hỏi Olga, một cán bộ của TASS đi cùng chúng tôi: Bạn có hay vào viếng Lenin không?

- Khi nào có đoàn Việt Nam sang thì tôi lại đi cùng. Hầu hết các đoàn Việt Nam sang đều có yêu cầu đi viếng Lăng Lenin - Olga nói.

Đường dẫn vào lăng Lenin dưới chân tường thành Điện Kremlin là nơi yên nghỉ của các vị lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười, các nhà lãnh đạo của Liên bang Xô Viết, nhiều danh nhân của Nga và thế giới. Trên bia mộ hay trên các tấm bia gắn trên tường thành Điện Kremlin là những tên tuổi nổi tiếng toàn thế giới và rất gần gũi với nhân dân Việt Nam. Hoa hồng tươi thắm trên các ngôi mộ. Ngay gần cửa vào lăng Lenin là mộ Stalin với tượng bán thân cũng rải đầy hoa. Đang mải mê đi dọc bức tường thành đã đi vào lịch sử nhân loại chúng tôi bất chợt gặp 3 người lính gác lăng thay ca. 

Vẫn uy nghiêm như bao năm xưa dù trước cửa lăng không còn hai người lính gác; nhưng trong phòng quàn thi hài Lenin vẫn là những người lính Nga nghiêm trang và tôn kính vị lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười. Có một sử gia nào đó đã rất biện chứng khi nói rằng, Lenin đã làm nên lịch sử và Người mãi mãi là một phần của lịch sử nước Nga cũng như lịch sử nhân loại. Chỉ khi đến nước Nga vào viếng lăng Lenin, đi dưới chân tường thành Điện Kremlin, nhìn bia mộ các nhà lãnh đạo của Liên bang Xô-viết, các danh nhân Nga và thế giới chúng tôi mới cảm nhận được người Nga tôn trọng và giữ gìn các giá trị lịch sử như thế nào.

Duy Trinh, Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Moskva bảo tôi, ở Nga bất kỳ cái gì gắn với Lenin đều to lớn, hoành tráng. Trước mắt chúng tôi là tượng đài Lenin uy nghi, hoành tráng trên đại lộ rực rỡ cờ hoa nhân ngày kỷ niệm 868 năm thành lập Moskva. Đại lộ Lenin, gần như chạy theo cùng hướng với sông Moskva, nơi tập trung nhiều cơ quan Nhà nước, có lẽ là con đường to đẹp và lộng lẫy bậc nhất của thủ đô Moskva. Chiều hôm đó, nắng bỗng hoe vàng như mùa thu Hà Nội, Duy Trinh đưa chúng tôi đi trên đại lộ Lenin để đi thăm một số nơi của Moskva. Từ trên đại lộ Lenin chúng tôi được ngắm nhìn biết bao công trình vĩ đại đã đi vào sử sách: Tượng đài Gagarin giang tay như đang muốn bay lên ôm lấy bầu trời, Viện Hàn lâm khoa học, xa kia là Đại học tổng hợp Lomonosov (MGU) - những cơ sở khoa học - giáo dục đã đào tạo cho Việt Nam rất nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo cấp cao; kia nữa là sân vận động Olympic 1980 với biểu tượng chú gấu Misa không thể nào quên; và đây, điểm đến trong trái tim mỗi người Việt Nam khi tới Moskva: Tượng đài Hồ Chí Minh.

Trước mùa thu vàng ở Nga-Phần cuối

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quảng trường mang tên Người tại Moskva là một công trình điêu khắc mang giá trị nghệ thuật cũng như ý nghĩa văn hóa, lịch sử; là tác phẩm nổi tiếng của nghệ sĩ điêu khắc Nhân dân Liên Xô (Liên bang Nga) viện sĩ viện Hàn lâm mỹ thuật Liên Xô Vladimir Efimovich Tsigal, người từng được nhận giải thưởng Lênin.

Cuối năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, công viên Akademichexki được đổi tên thành quảng trường Hồ Chí Minh. Tại quảng trường này bạn đã chọn vị trí để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh; và khánh thành vào năm 1990. Tượng đài hiển hiện hình tượng Hồ Chí Minh, toát lên một cốt cách minh triết phương đông, giản dị và lão thực trước hàng tre Việt Nam và hình tượng người thanh niên Việt Nam cuồn cuộn sức sống như sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Cung điện Nữ hoàng Ekaterina Đệ Nhị ở thành phố Pushkin (Saint Petersburg).

Trong màu nắng vàng như mật ong của chiều Moskva, chúng tôi đến tưởng niệm Người, dưới chân tượng đài là những đóa hoa tươi thắm. Dòng chữ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do” bằng tiếng Nga được khắc mặt trước tượng đài đã làm cho mỗi người Việt Nam khi đến đây xiết bao xúc động và tự hào về Bác; làm cho bạn bè quốc tế hiểu được tầm vóc rộng lớn về tư tưởng Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới. Cũng ở chính quảng trường này chúng tôi cảm thấy thiêng liêng và vô cùng thân thiết; vì đó là không gian Hồ Chí Minh, không gian Việt Nam.

Moskva là thủ đô vĩ đại của một cường quốc; mãi mãi là một trong những trung tâm về quyền lực, sức mạnh kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của nước Nga và nhân loại. Moskva hiện đại, to lớn nhưng vẫn đầy thơ mộng và quyến rũ. Ai đã một lần đi du thuyền trên sông Moskva sẽ không thể nào quên những cảm giác như đang đi xuyên qua những tầng sâu của văn hóa và lịch sử, đang hưởng thụ một không gian thiên nhiên tinh khiết giữa một thành phố hiện đại. Moskva đông đúc mà vẫn quy củ và trật tự. Với số dân hơn 11 triệu người và diện tích gần 900 km2 nhưng giao thông ở Moskva vẫn thuộc loại “thoáng” so với các thành phố tầm cỡ trên chục triệu dân. Ít có thủ đô nào mà các mạng lưới giao thông công cộng lại được quy hoạch hợp lý và phương tiện giao thông đa dạng như ở Moskva. Hầu hết các phương tiện giao thông như xe ôtô buýt, xe điện bánh hơi, tàu điện, tàu điện ngầm (metro), tàu thủy du lịch đều quen thuộc và tiện lợi với người dân và du khách.

Tôi chợt nhớ ai đó nói rằng chưa đi tàu điện ngầm thì chưa thực sự biết Moskva. Tàu điện ngầm ở Moskva đúng là một hệ thống metro tuyệt vời về sự vận hành của nó cũng như sự hoành tráng, lộng lẫy của các ga, bắt đầu hoạt động từ ngày 15/5/1935. Toàn hệ thống có 11 tuyến đường với tổng chiều dài 278 km và hơn 170 ga. Hệ thống metro ở Moskva được thiết kế thành các tuyến đường thẳng giao nhau tại khu vực gần trung tâm thành phố; bao quanh là một tuyến đi theo đường tròn kết nối tất cả các tuyến lại, tạo thành một hệ thống “mạng nhện”. 

Mỗi ga tàu điện ngầm là những công trình nghệ thuật độc đáo. Đi trong các nhà ga này ta có cảm tưởng như đang đi vào các cung điện hay các bảo tàng nghệ thuật. Các bức tranh treo tường hay khảm vào tường hoặc các bức phù điêu đều có giá trị nghệ thuật cao. Ga nào cũng có các loại đèn chùm pha lê chiếu sáng. Với sự thuận tiện và văn minh cùng với giá rất ưu đãi nên mỗi ngày hệ thống metro phục vụ hơn 9 triệu lượt hành khách; bình thường cứ 2 phút có một chuyến tàu, vào giờ cao điểm thì 90 giây lại có một chuyến.

Dù hệ thống metro phát triển như vậy nhưng Moskva còn có hệ thống xe buýt chạy qua các ga metro và bao phủ toàn bộ khu vực dân cư. Và hình như đường phố chính nào cũng có ít nhất một tuyến xe buýt. Ngoài ra Moskva còn có các hệ thống xe điện như xe điện của Hà Nội trước đây và xe điện bánh hơi mà ta quen gọi là trolleybus cũng đã từng hoạt động ở Hà Nội vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Với hệ thống và các phương tiện giao thông công cộng thuận tiện như vậy nên giao thông ở Moskva đích thực là có văn hóa. Trên đường phố chủ yếu là xe ôtô và người đi bộ; người đi bộ được ưu tiên tuyệt đối. Bất kỳ ở giao lộ nào nếu không có đèn giao thông mà có vạch cho người đi bộ thì các phương tiện giao thông phải nhường cho người đi bộ qua đường. Quang Vinh, phóng viên thường trú TTXVN tại Moskva bảo tôi, đó là luật lệ trên toàn Nga. Khi tới Saint Petersburg có một lần đi qua đại lộ Nepxki tôi đứng giữa đường để chụp một tấm hình đại lộ này. Vừa nâng máy lên thì đèn xanh đã bật, tôi chạy vội vào mé đường nhưng người lái xe ra hiệu cho tôi tiếp tục chụp cho xong tấm ảnh đó. Tôi hơi bất ngờ và nhớ mãi về một cử chỉ đẹp của người dân Saint Petersburg.

Đầu tháng 10 nếu Moskva còn mưa nắng thất thường thì Saint Petersburg trời xanh cao vời vợi; dù những cánh rừng bạt ngàn trong và ven thành phố chưa có lá vàng, lá đỏ nhưng đất trời đã thật là thu. Nắng vàng như giát trên những mái vòm nhà thờ, cung điện cổ kính; nắng buông tơ bảng lảng sông nước Neva, nắng như rót vào lòng bàn tay trong chiều thành phố Puskin.

Chúng tôi đến Saint Petersburg, thành phố được mệnh danh là Venice ở phương Bắc; do Pyotr Đệ nhất xây dựng từ năm 1703 và là thủ đô của nước Nga cho tới năm 1918 sau Cách mạng tháng Mười Nga, thủ đô của nước Nga Xô Viết mới dời về Moskva. Nói đến Saint Petersburg là nói tới thành phố của những cung điện, thánh đường, tượng đài, viện bảo tàng và những di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với quá trình xây dựng thành phố cũng như với cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Với 4.000 công trình văn hóa - lịch sử, Saint Petersburg là một thành phố của văn hóa và lịch sử, quyến rũ bậc nhất nhờ sự diễm lệ, huy hoàng không ở đâu có được. Khi đến Saint Petersburg có biết bao địa danh cần được đến tận nơi, nhìn tận mắt; nhưng đó là điều không thể ngay cả với cả không ít người dân Saint Petersburg. Nhưng có những nơi không thể không tới vì “nếu không tới đó thì chưa thể gọi là đã tới nước Nga”.

Cung điện Mùa Đông là một địa chỉ như vậy. Dưới thời Nữ hoàng Elizaveta đệ I - con gái của Pyotr Đại đế - trị vì, cung điện được xây dựng với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy và hoành tráng mà con người có thể tạo tác được. Cung điện Mùa Đông là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc Baroque nước Nga vào thế kỷ 18; là tác phẩm vĩ đại nhất của nghệ thuật kiến trúc Nga. Viện bảo tàng Hermitage trong cung điện Mùa Đông có nhiều bộ sưu tập tranh nguyên bản của các danh hoạ Leonardo da Vinci, Rubens, Rembrandt, Michelangelo, những bức tranh độc nhất vô nhị đã trở thành di sản của nhân loại. Trong cung điện Mùa Đông còn trưng bày hơn 3 triệu món đồ cổ quý giá là đồ dùng và các vật trang trí của Hoàng gia. Evgheni, cán bộ của TASS là người của thành phố này bảo, dù đã rất nhiều lần vào đây nhưng anh cũng không thể xem hết các bức tranh trong bảo tàng.

Đến cung điện ở Saint Petersburg, không thể không tới thăm Tsarskoye Selo (Hoàng thôn - Cung điện Nữ hoàng Ekaterina Đệ Nhị, 1729-1796), thành phố Pushkin, nơi có căn phòng hổ phách nổi tiếng nước Nga và thế giới. Đây cũng là nơi thi sĩ “mặt trời của thi ca Nga” - Pushkin từng học tập, sống và viết nên những tác phẩm bất hủ. Pushkin đúng là thành phố thơ theo đúng nghĩa; từ mặt hồ tĩnh lặng đến hàng cây im phăng phắc dưới nắng chiều nhạt nhòa đều toát lên sự sâu lắng và thư thái. Thời gian như đọng lại trong mỗi sợi nắng chiều, trong từng kẽ lá, và dường như cả không gian rộng lớn và phóng khoáng này vẫn du dương âm điệu những vần thơ Pushkin đã tặng Natalia trong nhà hát của bá tước Tolstoi ở Hoàng Thôn: Giá có thể bàn tay liều lĩnh /Ngực tròn vuốt nhẹ cuồng si.../ Ảo mộng cả, làm sao ta dám /Bước chân vào vực biển ngầu mê… Giữa không gian thơ ấy, đặt chân vào cung điện Ekaterina do nhà vua Ekaterina đệ I xây dựng và được nữ hoàng Elizaveta mở rộng, ta như bất ngờ lạc vào thế giới của sắc vàng kim rực rỡ và những bức tranh lớn trên trần của đại sảnh; bởi hoa văn chạm trổ trên tường đều được dát vàng. Trong cung điện này có căn phòng hổ phách nổi tiếng của vịnh biển Baltic, được khảm lên tường tới 6 tấn hổ phách.

Saint Petersburg còn rất nhiều nơi nổi tiếng: Đại giáo đường Thánh Issac, một trong những nhà thờ có mái vòm lớn nhất trên thế giới, xây vào đầu thế kỷ 19. Pháo đài Petropavlovskaya, nơi duy nhất ở Nga có bức tượng đồng tạc theo đúng kích thước người thật của Pyotr Đại đế cao 2,2m, được xem là một trong những biểu tượng của thành phố Saint Petersburg; bức tượng đã tạo nên ấn tượng đặc biệt khi hai chân trước của con ngựa mà Pyotr Đại đế đang cưỡi tung vó lên cao thì một chân sau của nó lại đạp lên một con rắn rất lớn.

Trước khi tạm biệt Saint Petersburg, chúng tôi tới thăm Đảo Thỏ đối diện với Cung điện Mùa Đông bên kia bờ sông Neva, nơi còn nguyên vẹn các công trình do Pyotr Đại đế cho xây dựng; và chính ông trực tiếp giám sát. Đây là Nhà thờ Saint Petersburg; xưởng in tiền, xưởng sản xuất binh khí, pháo đài… Và đúng 12 giờ trưa hôm đó, trên pháo đài diễn ra nghi thức bắn pháo, một nghi thức có từ thời Pyotr Đại đế.

Nghe tiếng pháo vang dội vào sông nước Neva giữa màu trời thu xanh như mộng, tôi như có cảm giác hội hè giữa đời thường của Saint Petersburg, của nước Nga trước mùa thu vàng…

Bài và ảnh: Nguyễn Quang Vinh
Nguồn: baotintuc.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.