Chuyên mục
Huyền thoại về những cây cầu của thành St. Petersburg
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Huyền thoại về những cây cầu của thành St. Petersburg

Thứ tư 03/07/2019 05:01 GMT + 7
Thủ đô của Đại Đế quốc Nga, cái nôi của cách mạng, thành phố anh hùng, thủ đô văn hóa của Nga - đã hơn 310 tuổi. Thành phố của Peter, St. Petersburg, Petrograd, Leningrad. Từng quảng trường của cố đô, từng lối phố, căn nhà và từng chiếc cầu thấm đẫm huyền thoại và truyền thuyết đều giữ nguyên quá khứ bí ẩn của mình.


Cái gì đã làm nên các huyền thoại và truyền thuyết ấy? Đôi khi chỉ một sự kiện hay lời nói là đủ để trở thành một trang đặc biệt trong lịch sử của thành phố. Hãy tản bộ qua những con phố cũ của St. Petersburg, chạm tay vào các bức tường rêu phong - những hòn đá đã có ở đây từ ngàn xưa sẽ thì thầm kể cho bạn nghe những bí mật của chúng. Hãy nhìn xuống các dòng nước của Neva và Fontanka - đã hàng trăm năm nay chúng vẫn chảy dưới những chiếc cầu của xứ Venice phương Bắc, và mỗi chiếc cầu là Lịch sử, Truyền thuyết và Bí ẩn. Hãy lắng tai nghe tiếng rì rào của sóng nước, hãy nghe những gì chúng đang kể với bạn. 342 chiếc cầu ở St. Petersburg - đó là những huyền thoại và chuyện thực, những truyền thuyết và điển tích văn học.


1/ Cầu Chúa Ba ngôi (Троицкий мост)

Cầu Chúa Ba ngôi có cùng ngày sinh với St. Petersburg nhưng có một khác biệt nhỏ - chiếc cầu trẻ hơn thành phố 200 tuổi. Được công ty Batignolles xây xong năm 1903, chiếc cầu đáng lẽ ra có thể là người anh em ruột của tháp Eiffel, vì dự án xây cầu ban đầu thuộc về A.G. Eiffel. Cầu Chúa Ba Ngôi đã trở thành biểu hiện của liên minh thân thiện với Pháp: trong chuyến thăm của Nicholas II sang Pháp cầu Alexandre III trên sông Seine được đặt móng và gần một năm sau đến lượt Cầu Chúa Ba Ngôi làm lễ động thổ trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Pháp Felix Faure. Tổng thống cùng với Hoàng đế đã đặt hai đồng xu xuống nền cầu.


Cầu được công nhân và kỹ sư Nga xây dựng dưới sự giám sát của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Hội đồng thành phố. Do tiến độ xây dựng bị trễ 2 năm, công ty phải nộp phạt vào Kho bạc nhà nước một khoản tiền đáng kể vào thời đó - 150 000 rúp. Lễ khánh thành cầu được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 200 năm ngày thành lập St. Petersburg - ngày 27 Tháng Năm 1903. Hoàng đế Nicholas II là người đầu tiên bấm nút khởi động, và cây cầu được nâng lên lần đầu tiên trong lịch sử lâu dài của nó.


Những sự kiện thú vị:

     • Đứng trên cầu Troitsky, bạn có thể nhìn thấy bảy cây cầu khác của St. Petersburg: cầu Cung Điện bắc qua qua sông Neva Lớn, cầu Hermitage qua kênh đào Mùa đông, cầu Đúc trên sông Neva, cầu Giặt trên sông Fontanka, cầu Thánh Joanna qua eo biển Kronverksky, cầu Sở Giao dịch qua sông Neva Nhỏ, Thượng Thiên Nga qua kênh Thiên Nga.

     • Valery Chkalov, một phi công Xô Viết huyền thoại, đã từng cá cược sẽ bay qua dưới vòm Cầu Chúa Ba Ngôi. Phiên bản lãng mạn của sự kiện này được thể hiện trong bộ phim "Valery Chkalov" (1941). Cảnh bay dưới vòm cầu để quay phim do phi công Evgeny Borisenko thực hiện, chỉ có điều cũng với thủ thuật nhào lộn như vậy mà chính Chkalov lại bị kỷ luật khiển trách.



2/ Cầu Blagoveshchensky hay Cầu Trung úy Schmidt (Благовещенский мост)

Chiếc cầu nâng cổ xưa nhất của Petersburg là cầu Trung úy Schmidt hay Blagoveshchensky. Được thiết kế bởi kỹ sư S.V. Kerbedz và kiến trúc sư A.P. Bryullov, cầu được khánh thành vào năm 1850. Có truyền thuyết gắn liền với chiếc cầu này xuất hiện khi nó đang được thi công. Sự thể như sau. Hoàng đế Nicholas I ra chỉ dụ, theo đó khi mỗi nhịp cầu được xây xong, kỹ sư Kerbedz sẽ được thăng cấp bậc. Viên kỹ sư bèn ngẫm nghĩ... và thay đổi đề án bằng cách tăng số nhịp, bởi thế khi bắt đầu xây cầu ông ta mới là đại úy, khi xây xong viên kỹ sư đã có hàm tướng. Tuy nhiên đây chỉ là một huyền thoại ...


Những sự kiện thú vị:

   • Cầu Blagoveshchensky là nơi duy nhất trong thành phố được phép hút thuốc, vì vậy nó đã rất nổi tiếng.

   • Năm 1955, nhân dịp Hoàng đế Nicholas I băng hà cây cầu được đổi tên thành cầu Nicholas, sau đó đến tháng 10 năm 1918, thành cầu Trung úy Schmidt (để tưởng nhớ Pyotr Schmidt và cuộc nổi dậy trên tuần dương hạm "Ochakov" năm 1905) và trong năm 2007 sau khi trùng tu chiếc cầu được trả lại tên gọi ban đầu - cầu Blagoveshchensky.

   • Năm 1917, tuần dương hạm Aurora đứng sau cầu Nikolaev trên Bờ kè Anglais đã nã phát đạn lịch sử về phía Cung điện Mùa Đông.


3/ Cầu Nụ hôn (мост Поцелуев)

Rất nhiều huyền thoại được gắn liền với chiếc cầu lãng mạn nhất Petersburg. Có gì đáng ngạc nhiên đâu, vì tên gọi của nó dường như đã nói lên điều đó và ca sĩ Leonid Utesov không phải ngẫu nhiên mà đã hát: "tất cả mọi cây cầu đều tách rời nhau, nhưng cầu Nụ hôn, xin lỗi, không bao giờ nhé."


Giả thiết phổ biến nhất về nguồn gốc tên gọi của cầu - đó là nơi gặp gỡ và chia tay của các cặp tình nhân vì thời đó ranh giới của thành phố chạy ngang qua đây. Những tiểu thư liễu yếu đào tơ tạm biệt các chàng trai mạnh mẽ nơi thôn dã, các thôn nữ xinh tươi nức nở rời vòng tay của các công tử đa tình. Theo một giả thuyết khác, đây là nơi các tù nhân ngậm ngùi hôn giã biệt người thân vì thuở xưa có một nhà tù ở ngay gần đó. Thực ra thì lý do không lãng mạn và lâm ly đến mức ấy. Hồi đó thương gia Potselujev mở một quán nhậu ngay trên bờ sông, đặt tên là quán "Nụ hôn" (potselui) và thành thử chiếc cầu cũng ăn theo tên gọi ấy.


Ngoài những truyền thuyết khác nhau về tên gọi của cầu còn có khá nhiều phong tục liên quan đến nó, một số có thực, một số chỉ là nghe kể lại. Ví dụ, chuyện đứng trên cầu và hôn tất cả những người đi ngang qua. Hay các cặp vợ chồng trẻ phải hôn nhau từ khi lên cầu cho đến lúc xuống khỏi cầu. Hôn càng lâu thì tình càng nồng! Gì thì gì chứ phong tục tốt đẹp này các đôi uyên ương mới cưới không bao giờ quên khi đi qua cầu "Nụ hôn"!

Còn bài hát thì tất nhiên có quá lời một chút, bởi lẽ trên khắp St Petersburg thực ra chỉ có 21 chiếc cầu nâng.


4/ Cầu Anichkov (Аничков мост)

Cầu được gọi theo tên của viên trung tá kỹ sư Mikhail Anichkov, người chỉ huy xây dựng chiếc phà đầu tiên qua sông Fontanka dưới thời Peter Đại đế. Hồi đó, chiếc cầu thực ra là một chiếc phà gỗ đơn giản. Vào những năm 1830 nó được xây dựng lại bằng đá với một nhịp cầu nâng bằng gỗ và các tháp trên trụ cầu, dáng mạo đẹp và đường bệ như bây giờ của nó đã có từ những năm 1841-1842.



Trên các nền tháp cũ xuất hiện các bệ đá hoa cương với tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của P.K. Klodt. Các bức tượng "Người nài ngựa" được đặt ông làm để trang trí cho bờ sông Admiralty đã trở thành một trong những tấm danh thiếp của St. Petersburg. Ban đầu chỉ có hai bức tượng - "Ngựa và chàng trai" và "Chàng trai dắt ngựa". Ở một bên đầu cầu có hai bức tượng bằng đồng, ở đầu cầu bên kia là hai bản sao bằng thạch cao. Cặp thứ hai của các bức tượng bằng đồng không thể đến được nơi mà chúng phải đến. Vừa mới được đúc xong, Sa hoàng Nicholas I đã tặng chúng cho vua Phổ. Cặp đôi tiếp theo cũng cùng chung số phận trở thành món quà, lần này được tặng cho vua xứ Sicily. Chỉ có cặp tượng thứ ba mới được đặt lên bệ của chúng và vào năm 1851 chiếc cầu đã có diện mạo như chúng ta nhìn thấy ngày nay, được trang trí bằng quần thể điêu khắc miêu tả bốn giai đoạn con người chinh phục ngựa.

Những bức tượng nổi tiếng này có hai lần bị chuyển đi - lần thứ nhất vào những năm thành phố bị phong tỏa, chúng được chôn dấu trong vườn của Cung điện Anichkov để tránh bom rơi đạn lạc và lần thứ hai - khi được trùng tu nhân kỷ niệm lần thứ 300 ngày thành lập St. Petersburg.



Những sự kiện thú vị:

    • Vào năm 1908 người ta đã đặt một tấm bảng chỉ đường với tên gọi viết sai "cầu Anichkin." Tên gọi này được để nguyên trong 4 năm, thời gian ấy vừa đủ để sinh ra truyền thuyết về cuộc tình bi thảm giữa một thiếu nữ tên là Anna và một người thợ xây cầu.

    • Nếu ngắm kỹ các bức tượng, bạn sẽ thấy những chú ngựa "đi" về quảng trường "Khởi nghĩa" không có móng, còn những con ngựa nhìn ra Admiralty thì có. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ 18 trên đại lộ Đúc có nhiều lò rèn, do đó những con ngựa đi đến đó chân trần và trở lại khi đã được đóng móng.

   • Có một truyền thuyết kể rằng khi thi công các tác phẩm điêu khắc của mình Klodt đã trả thù một vị quan chức vốn là kẻ thù cũ bằng cách tạc hình ảnh của ông ta vào bức tượng có khuôn mặt ở ngay dưới đuôi của con ngựa đang tung vó trước lên trời. Một truyền thuyết khác cho rằng bức tượng này mang dáng dấp của Napoleon.


Theo Galina Zamislova, etoya.ru
Nguồn: amadatravel.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.