Chuyên mục
Thăm quê hương Hải Giang anh hùng
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Thăm quê hương Hải Giang anh hùng

Thứ sáu 12/07/2013 07:03 GMT + 7
Sông Đào, sông Ninh Cơ, Bến Đò Quan, Chùa Cổ Lễ, Bến đò Lạc Quần, Thị trấn Cồn… những cái tên nghe gần như đã thuộc lòng từ thuở bé qua đài báo, giờ đây sau mấy chục năm mải mê những đường phố phía trời Tây, lần đầu tiên trong đời, tôi mới được tận mắt mình nhìn thấy những địa danh ấy qua cửa kính ô tô. Có lẽ suốt đời tôi sẽ không biết đến miền biển Hải Hậu ngay kề cận quê tôi, nếu không có lời ủy thác của một anh bạn đồng hương, nhân dịp về Việt Nam, thay mặt anh dự lễ khánh thành Tượng đài chiến thắng Hải Giang.

  
 Bà Nguyễn Thị Lan (nguyên Bí thư Đảng Uỷ,Chủ tịch xã thời chống Mỹ) và các cán bộ xã thế hệ trẻ bên Tượng đài chiến thắng Hải Giang.
 
Trong tâm trí tôi, mấy chục năm qua, thường nhớ đến làng quê Việt Nam là những làng quê nghèo khổ. Giờ đây, những cánh đồng, những làng mạc trù phú hai bên đường từ thành phố Nam Định về Hải Hậu trải ra trước mắt làm tôi ngạc nhiên. Xã Hải Giang có xe khách tư nhân chạy thẳng từ Hà Nội về, ngày hai ba chuyến. Con đường nhựa rải về đến tận xã, xe chạy bon bon. Cách đây mấy chục năm, chắc nằm mơ cũng không thể hình dung nổi điều này.
Ủy ban nhân dân xã Hải Giang hai tầng, khang trang bề thế, vừa mới khánh thành, vẫn còn tươi màu vôi vữa. Anh Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch xã, bảo đây là công trình nhà nước và nhân dân cùng làm. Xã chờ xây xong ủy ban khang trang này, rồi mới đón khách về làm lễ khánh thành Tượng đài chiến thắng.
Chiều qua, ngay từ những giây phút đầu tiên gặp mặt, tôi đã cảm nhận được không khí náo nức trước ngày lễ qua ánh mắt, qua những cái bắt tay thật chặt, qua cách nói hồ hởi của các ông Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã, Xã đội trưởng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và bà con đang chuẩn bị cho buổi lễ ngày mai…

  
Các đ/c Tỉnh Đội trưởng, Chủ tịch Huyện, Bí thư Đảng uỷ cắt băng khánh thành tượng đài.

   Sáng ngày 16 tháng 10 năm 2006, bà con Hải Giang nô nức tề tựu đông đủ về tượng đài từ rất sớm. Dọc con đường chính trong xã, nhà nhà treo cờ đỏ sao vàng. Thoạt đầu, thấy dàn nhạc với đủ các loại kèn đồng sáng loáng, các nhạc công mặc đồng phục áo trắng, quần xanh, mũ calô trắng, thắt caravat, tôi tưởng xã mời Đoàn văn công tỉnh về biểu diễn. Hỏi ra mới biết, đó là dàn nhạc của nhà thờ trong xã. Các diễn viên cũng là nông dân xã nhà. Hải Giang có số dân hơn 6 nghìn người, thì đến 87 phần trăm là đồng bào Công giáo. Mỗi xứ đạo đều có dàn nhạc của mình. Ngày ngày ra đồng làm việc, một số buổi tối trong tuần, họ tụ tập luyện nhạc và tập hát, phục vụ cho những ngày lễ của nhà thờ, hoặc tham gia văn nghệ của xã và của huyện…

Buổi lễ làm tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ ông Xã đội trưởng đọc Lời khai mạc, đến ông Phó chủ tịch xã Nguyễn Hồng Quang dẫn chương trình, ông Chủ tịch Nguyễn Trường Giang đọc báo cáo, ông Bí thư Đảng uỷ lên phát biểu, cứ diễn ra trôi chảy và thành thục. Thế hệ các cán bộ xã ngày nay là những người có trình độ văn hoá khác xa ngày xưa. Chuyến về thăm quê lần này, đã đem lại cho tôi cái nhìn mới mẻ đối với làng quê.

Trước và trong buổi lễ, và cả ngày hôm sau buổi lễ, chỉ có một chủ đề sôi nổi và hào hứng giữa chúng tôi với các cán bộ lãnh đạo, với bà con trong xã. Tôi được gặp các cụ, những người thời ấy còn là thanh niên, cầm súng tham gia trong đội dân quân trực chiến, làm nên thành tích anh hùng bắn rơi máy bay địch. Mọi người cùng nhau ôn lại những tháng năm gian khổ hào hùng thời chống Mỹ.
Năm 1965, giặc Mỹ tăng cường leo thang chiến tranh ra miền Bắc, bắn phá ngày càng ác liệt. Khẩu hiệu ngày ấy, nhiều người vẫn thuộc lòng: “Mỗi làng xóm là một pháo đài. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ. Hậu phương thi đua với tiền phương”. Nhà nông lúc này không chỉ còn cầm cày cuốc nữa, mà còn phải cầm súng chiến đấu bắn máy bay thù.

Hải Giang là một xã ven biển, có cống Ninh Mỹ, thông với sông Ninh Cơ, đảm nhiệm hệ thống tưới tiêu của xã và của cả một vùng rộng lớn. Ngoài ra, Hải Giang còn có các cụm kho lương thực dự trữ của Nhà nước. Bởi vậy, Hải Giang là một trọng điểm, là mục tiêu đánh phá của máy bay địch. Chủ tịch Nguyễn Trường Giang và anh Bùi Văn Tiến dẫn tôi đến thăm cống Ninh Mỹ. Anh Tiến kể: “Cống được xây dựng từ thời Pháp, vẫn còn giữ nguyên vẹn kiểu xây dựng cổ, cách đóng mở cống rất thủ công và nặng nề. Ông nội của em vốn quê ở Hà Tây, được điều về coi sóc chuyện Thuỷ nông của vùng biển này, trực tiếp hàng ngày đóng mở cống. Thế là dòng họ Bùi quê Hà Tây của em đã có thêm chi tộc ở miền quê Hải Hậu đến đời thứ ba rồi. Cống nhỏ thôi, nhưng lại có tầm vị trí rất quan trọng”. 
 
 
Các chiến sĩ dân quân năm xưa chụp ảnh kỷ niệm dưới Tượng đài.

Xin trở lại việc bảo vệ cống Ninh Mỹ và thành tích của nhân dân Hải Giang anh hùng. Dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện Hải Hậu, cán bộ và nhân dân Hải Giang đã nhanh chóng triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu. Trung đội dân quân gồm 32 chiến sĩ, do ông Lê Văn Vịnh chỉ huy, ngày đêm trực chiến để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. 3 trận địa trực chiến xung quanh cống Ninh Mỹ được xây dựng. Nhân dân khẩn trương đào giao thông hào, hầm cá nhân và 3 âu thuyền ven sông Ninh Cơ cho thuyền neo đậu.

Chiến thuật của máy bay Mỹ ngày ấy thường từ biển, bay sát mặt sông để tránh lưới cao xạ, rồi lao vào bắn phá thành phố Nam Định,Hà nội và các mục tiêu lân cận. Ngày 4 tháng 8 năm 1965, máy bay địch lao vào bắn phá cống Ninh Mỹ. Các chiến sĩ dân quân nổ súng, đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải tháo chạy. Ngay hôm đó, Bí thư Đảng uỷ xã Trần Ngọc Diệm cùng Ban chỉ huy xã đội tổ chức họp với Trung đội dân quân trực chiến, rút kinh nghiệm để chuẩn bị chiến đấu tốt hơn. Ngày 26 tháng 9, mới 8 giờ sáng, một máy bay địch bay sát mặt sông Ninh Cơ. Với tinh thần cảnh giác cao, 12 tay súng dân quân đã đón lõng kịp thời, nhất tề nhả đạn. Máy bay địch bốc cháy lao xuống biển. Khó có thể diễn tả được sự sung sướng mừng vui của nhân dân toàn xã lần đầu tiên chứng kiến máy bay địch bị bắn cháy ngay trước mắt mình.

Chiến công của nhân dân Hải Giang khẳng định: với tinh thần dũng cảm, cảnh giác cao, được tổ chức huấn luyện chu đáo, dân quân với súng trường có thể bắn hạ máy bay địch. Thành tích điển hình này, được nêu cao trong toàn huyện toàn tỉnh, rồi toàn quốc lúc bấy giờ. Sau chiến thắng, nhân dân xã Hải Giang được tặng cờ Luân lưu của BCH Đảng bộ Huyện. UBND tỉnh Nam Hà tặng 34 Bằng khen cho tập thể và cá nhân. 12 chiến sỹ được tặng Huy hiệu “Mồng 5 Tháng 8”. Cán bộ và nhân dân Hải Giang được Nhà nước tặng Huân chương quân công Hạng Ba và 5 khẩu súng K44 để sẵn sàng chiến đấu.

Hơn bốn chục năm sau, nhân dân Hải Giang mới có điều kiện xây Tượng đài chiến thắng, nhằm nhắc nhở lớp con cháu về truyền thống anh hùng của quê hương. Dưới bệ tượng đài ghi dòng chữ vàng: “Nơi đây ngày 26-9-1965, quân và dân xã Hải Giang bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh”.

Tượng đài được xây dựng ngay trên khu vực trận địa phòng không năm 1965, thuộc xóm Mỹ Thọ 1, bên bờ sông Ninh Cơ, cách phà Ninh Mỹ vài trăm mét. Sông rộng mênh mang. Bên kia sông là huyện Nghĩa Hưng. Ngoài xa kia là biển. Không gian lồng lộng gió. Tôi ra tận bờ sông để đứng từ xa chiêm ngưỡng tượng đài, rồi lại quay về chụp ảnh lưu niệm cùng các cụ, ngày xưa vốn là những dân quân ngày đêm trực chiến bảo vệ bầu trời quê hương.
 
 
Dàn nhạc xã Hải Giang .

Nếu chỉ có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh, việc xây Tượng đài chiến thắng cũng đã là xứng đáng. Nhưng, thành tích của nhân dân Hải Giang không chỉ có thế. Hải Giang còn có cả truyền thống anh hùng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Kháng chiến chống Pháp, quân dân Hải Giang cùng với quân dân toàn huyện bẻ gẫy nhiều trận càn của địch, góp người góp của cùng với cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên. Đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ, Hải Giang hoàn thành xuất sắc 2 nhiệm vụ chiến lược: Kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất và chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh, hết lòng chi viện cho Miền Nam. Tổng kết hai cuộc kháng chiến, 91 người con Hải Giang đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, 69 người là thương binh, bệnh binh. Nhiều người đã tham gia chiến đấu trưởng thành trong quân đội và trở thành sĩ quan trung cao cấp. Trong kháng chiến chống Pháp, Hải Giang được nhà nước tặng thưởng 9 Huân chương chiến công hạng Ba, 8 Huy chương kháng chiến hạng Nhất, 33 Huy chương kháng chiến hạng Nhì và 18 Bằng khen. Kháng chiến chống Mỹ, được tặng 1 Huân chương quân công hạng Nhất (bắn rơi máy bay Mỹ), 33 Huân chương hạng Nhất, 55 Huân chương hạng Nhì, 99 Huân chương hạng Ba, 147 Huy chương hạng Nhất, 162 Huy chương hạng Nhì, 97 Huân chương chiến công hạng Nhì và Ba, 174 Huân chương chiến sĩ Giải phóng…Xã có 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vì những thành tích ấy, ngày 3/11/2004, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng nhân dân xã Hải Giang danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Có một người, trong ngày Lễ khánh thành tượng đài chiến thắng, được đồng chí Bí thư Đảng uỷ thay mặt nhân dân toàn xã trao tặng bó hoa tươi thắm và nói lời cảm ơn chân thành, đó là bà Nguyễn Thị Lan. Ở miền quê, người ta có lệ, không gọi tên thời con gái, mà gọi tên khi lấy chồng là bà Hán. Ngày nhân dân Hải Giang bắn rơi máy bay Mỹ, bà Hán còn rất trẻ. Chồng cầm súng ra mặt trận chống Mỹ. Bà một mình nuôi con nhỏ, vẫn tích cực tham gia phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”. Ông Hán hy sinh, bà mới ngoài hai mươi tuổi, ở vậy nuôi con. Người phụ nữ Việt Nam thời xưa thường chịu đựng hy sinh như vậy, ít người đi bước nữa. Nhiều năm bà nắm cương vị lãnh đạo cao nhất trong xã, làm Bí thư Đảng Uỷ,Chủ tịch xã,Xã đội trưởng khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn gay go nhất.. Người con trai duy nhất của bà được nuôi ăn học chu đáo, rồi sang Nga. Anh trở thành nhà doanh nghiệp thành đạt. Tiền anh gửi về để xây cho bà ngôi nhà tầng, bà bàn với anh, bà không cần nhà cao cửa rộng, cứ giữ ngôi nhà cũ cho nó hài hoà với khung cảnh đồng quê. Bà muốn dùng tiền ấy làm từ thiện. Người con trai đồng ý với cách nghĩ của mẹ. Thế là bà dùng tiền giúp cho xã trùng tu ngôi chùa cổ, chi phí toàn bộ cho việc xây dựng trường Mầm non ngay tại xóm mình và một nhà văn hoá xóm. Chỉ riêng việc xây dựng tượng đài chiến thắng, bà đã giúp tiền cho toàn bộ công trình này gần ba trăm triệu đồng. Anh Chủ tịch xã Nguyễn Trường Giang cho biết , số tiền bà ủng hộ xây dựng các công trình của xã tính đến thời điểm này đã lên tới hơn 400 triệu đồng. 

Đêm trước ngày Lễ khánh thành tượng đài, tôi nghỉ ở nhà bà. Bà tâm sự: “Tiền con gửi về, tôi dùng để đóng góp cho những công trình xã hội quê nhà. Con tôi rất ủng hộ mẹ trong việc làm từ thiện. Làm được việc đó, tôi thấy lòng mình vui và thanh thản lắm”. Bà nhắn tôi sang nói với con trai: “Anh bảo em là đồng tiền của con, mẹ đã làm việc hữu ích. Làm từ thiện là để phước cho con cháu, không bao giờ thiệt cả”. Quan niệm của bà chính là quan niệm sống đẹp đẽ truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Người con thành đạt của bà mẹ nhân hậu ấy, anh bạn đồng hương đã uỷ thác cho tôi nhân chuyến về Việt Nam, thay mặt anh dự lễ khánh thành tượng đài chiến thắng chính là nhà doanh nghiệp Bùi Văn Hoà, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Mekong Group. Mọi người biết đến tập đoàn của anh, trước tiên qua THTM Mekong Emeral, một trong những hoạt động của Mekong Group, nơi đang tạo điều kiện sinh sống và kinh doanh của hàng trăm người Việt tại đây. 

Bài và ảnh: Văn An - CHT
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.