Chuyên mục
Nga công bố hồ sơ mới Hệ thống phòng không Việt Nam
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga công bố hồ sơ mới Hệ thống phòng không Việt Nam

Thứ tư 05/09/2018 03:38 GMT + 7
Chúng tôi xin tiếp tục chuyển tới bạn đọc loạt bài của chuyên gia quân sự Nga Xergey Linnhik về Bộ đội phòng không Việt Nam.

Từ sau tháng 4/1975, trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh trên đất Căm puchia, Bộ đội phòng không Việt Nam gần như không tham chiến. Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Căm pu chia chỉ sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai trong các trận đánh gần biên giới Cămuchia- Thái Lan.

Năm 1978, Liên Xô và CHXHCNVN ký Hiệp ước về hỗ trợ quân sự lẫn nhau và một loạt các thỏa thuận khác xác định các mối quan hệ quốc phòng và chính trị- kinh tế giữa hai bên.

Bắt đầu từ từ tháng 1/1979, trên khu vực biên giới Trung-Việt đã bắt đầu xảy ra hàng loạt các cuộc đụng độ vũ trang. Sáng sớm ngày 17/2/1979, sau các đợt pháo bắn chuẩn bị, một lực lượng lớn gồm 250.000 người của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bắt đầu vượt biên giới tấn công Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhiệm vụ che “ô” phòng không cho các đơn vị bộ đội Việt Nam đang chiến đấu được giao cho 6 trung đoàn tên lửa phòng không và pháo phòng không.

Quy mô sử dụng không quân trong cuộc chiến tranh này tương đối hạn chế. Phía Việt Nam đưa vào trận các tiêm kích MiG-21 và MiG-17, cả một số máy bay chiến lợi phẩm F-5Е Tiger II, máy bay cường kích phản lực hạng nhẹ A-37 Dragonfly và máy bay lên thẳng UH-1 Iroquois.

Về phần mình, Trung Quốc huy động các máy F-6 (có lẽ là J-6- ND) để hỗ trợ các đơn vị mặt đất đánh nhau với Quân Việt Nam ở các khu vực ngay cạnh biên giới, các phi công Trung Quốc đã không bay vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam vì sợ lực lượng phòng không mạnh và dày dạn kinh nghiệm của Việt Nam.

Về phía Xô Viết, - ngay sau khi chiến tranh biên giới Trung- Việt bùng nổ, Liên Xô đã dành cho đồng minh của mình những hỗ trợ quân sự- kỹ thuật và chính trị rất đáng kể.

Cụ thể, Bộ đội phòng không lục quân Việt Nam được bổ sung khẩn cấp 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai “Strela-2M”, 30 tổ hợp phòng không tự hành ZSU-23-4 “Shilka” và 50 máy bay tiêm kích MiG-21bis. Trong thời gian diễn ra xung đột, các tàu vận tải Liên Xô và các nước XHCN khác liên tục cập cảng Hải Phòng để dỡ hàng quân sự cho Việt Nam.

Cùng thời gian đó, Liên Xô ra lệnh báo động chiến đấu các sư đoàn đóng quân ở Mông Cổ, Ngoại Baikal và Viễn Đông, điều tới Việt Nam một đội tàu chiến và trên thực tế đã ra tối hậu thư cho Trung Quốc. Ngày 6/3 (1979) giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam.

Sau khi Trung Quốc rút quân, tình hình ở biên giới vẫn hết sức căng thẳng trong suốt thập kỷ sau đó. Trên thực tế, đến tận đầu những năm 90 ở khu vực này vẫn thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ.

 Trong bối cảnh đó, để vô hiệu hóa ưu thế tuyệt đối của PLA về quân số trong một cuộc xung đột quân sự mới có thể xảy ra, Liên Xô tiếp tục viện trợ quân sự quy mô lớn cho Việt Nam- chuyển giao cho nước này các loại vũ khí hiện đại. Bộ đội phòng không Việt Nam cũng được bố sung một khối lượng lớn vũ khí- khí tài.

Song song với việc tiếp tục giữ lại một số lượng lớn pháo và các tổ hợp phòng không tự hành, hiện đại hóa các tổ hợp SA-75M đang có, Bộ đội phòng không Việt Nam cũng tiếp nhận và đưa vào khai thác các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung SA-75M/M3 “Volga” và tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp S-125M/M1 “Pechora”.


Theo các số liệu từ các nguồn công khai, trong giai đoạn từ năm 1979 đến 1982, Việt Nam đã tiếp nhận 14 tổ hợp tên lửa phòng không S-75M “Volga” và 526 quả tên lửa V-755 (B-755). Từ năm 1984 đến năm 1987, Liên Xô chuyển giao tiếp 14 biến thể tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại hơn là S-75M3 cùng 866 quả đạn V-759 (B-759).

Bộ đội phòng không Việt Nam cũng được trang bị tổng cộng 40 tổ hợp tên lửa và 1.788 quả tên lửa V-601 PD (В-601ПД) tầm thấp S-125 “Pẹchora” tất cả các biến thể cùng trong giai đoạn nói trên.

Xe vận chuyển- nạp đạn PR-14M (ПР-14М) của tổ hợp tên lửa phòng không Việt Nam S-125M

Gần như đồng thời với những đợt chuyển giao các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại, tại 2 nhà máy sửa chữa tại Hà Nội do Liên Xô giúp xây dựng, các chuyên gia Xô Viết đã trực tiếp sang giúp Việt Nam tiến hành sửa chữa, khôi phục và hiện đại hóa các tên lửa đã lạc hậu SA- 75M ‘Dvina” và radar P-12 chưa sử dụng trong đợt đánh trả chiến dịch không kích Linebacker II của Không quân Mỹ.

 Tuy nhiên, do tất cả các tổ hợp dải tần 10 cm trong trang bị của các đơn vị Bộ đội phòng không Liên Xô đã được thanh lý từ giữa những năm 70 nên các tổ hợp này chỉ còn trực chiến tại Việt Nam hình như đến đầu những năm 80.

Đến thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ còn có thể thấy các tổ hợp tên lửa phòng không SA-75M và tên lửa V-750V “công huân” thế hệ đầu tham gia đánh trả các cuộc tập kích đường không của Không quân Mỹ trong các bảo tàng.

Tên lửa V-750V trên tổ hợp phóng SM-90 tại bảo tàng phòng không- không quân tại Hà Nội

Cùng với các tổ hợp tên lửa phòng không S-75M và S-125M, các đơn vị kỹ thuật Việt Nam cũng tiếp nhận radar quan sát dải sóng mét P-14 với cự ly phát hiện mục tiêu trên không ở độ cao lớn đến 350km và radar cơ động P-18 với cự ly phát hiện mục tiêu đến 200km.

Để đảm bảo cho hoạt động tác chiến của tổ hợp S-125M/M1, trong các năm 70 và 80 Liên Xô cung cấp cho Việt Nam các radar cơ động P-19 có chức năng phát hiện các mục tiêu bay thấp ở cự ly đến 160km.

Cùng với các radar và tổ hợp tên lửa phòng không mới, hệ thống phòng không Việt Nam cũng được Liên Xô trang bị 2 hệ thống điều khiển tự động 2 ASURK-1ME (2 АСУРК-1МЭ) và 2 hệ thống này được bố trí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào đầu thế kỷ 21, có khoảng 30 tiểu đoàn tên lửa phòng không Việt Nam trực chiến tại các trận địa cố định. Còn khoảng 20 tổ hợp được niêm cất bảo quản tại 3 kho vũ khí.

Sơ đồ bố trí các trận địa tên lửa phòng không tại Việt Nam năm 2003

Xét theo sơ đồ bố trí các trận địa tên lửa phòng không cố định có thể kết luận là hệ thống phòng không bảo vệ mục tiêu của Việt Nam mang tính chất phòng ngự vòng tròn rất rõ. Trong thành phần các binh đoàn bộ đội phòng không và không quân Việt Nam có 6 sư đoàn phòng không với biên chế 23 trung đoàn tên lửa phòng không và pháo phòng không.

Cần phải nói rằng, nếu so với diện tích tương đối không lớn của Việt Nam thì một lực lượng phòng không như vậy là tương đối nhiều, nhưng nghiên cứu qua sơ đồ bố trí các tổ hợp tên lửa phòng không thì gần như tất cả chúng đều trực chiến quanh các trung tâm hành chính và các cảng quan trọng nhất: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Đà Nẵng, Cam Ranh và thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng có một điểm cần chú ý nữa là gần một nửa các trận địa tên lửa phòng không Việt Nam trực chiến ở phía Bắc nước này, quanh Hà Nội và Hải Phòng, gần biên giới với Trung Quốc.

Sơ đồ bố trí các trận địa tên lửa phòng không Việt Nam năm 2017.

 Nếu như 15 năm trước đây có 11 tổ hợp tên lửa phòng không S-75 trực chiến, thì đến năm 2017, chỉ còn 5 tổ hợp. Các tiểu đoàn tên lửa S-125 đã triển khai cũng giảm từ 17 xuống còn 12. Có nhiều khả năng là hiện chỉ còn các tổ hợp S-75M3 chế tạo vào nửa sau những năm 80 là đang còn trực chiến.


Đến thời điểm hiện tại, rõ ràng là các tổ hợp S-75M3 “Volga” đã lạc hậu. Nó đã không còn đáp ứng được các yêu cầu hiện đại về khả năng chống nhiễu và các chi phí khai thác. Trong những năm 60-70, khi Liên Xô còn chưa có những loại nhiên liệu rắn công thức tối ưu, thì việc sử dụng các tên lửa động cơ nhiên liệu lỏng đòi hỏi nhiều công sức và nguy hiểm khi bảo dưỡng và sử dụng là hợp lý.

Radar dẫn đường tên lửa của tổ hợp tên lửa phòng không S--75М3 trong bảo tàng tại Hà Nội.

Nhưng vào thời điểm hiện tại, các tổ hợp tên lửa phòng không một kênh lạc hậu gần như không còn được sử dụng trên thế giới. Việt Nam là một trong số không nhiều nước vẫn còn khai thác S-75. Việc duy trì bảo quản S-75 trong trạng thái làm việc phức tạp nhất là công đoạn phải định kỳ nạp, thay nhiên liệu cùng chất ô xy hóa.

Không nghi ngờ gì nữa, sau một vài năm nữa, chúng ta chỉ có thể thấy các tổ hợp này trong các bảo tàng quân sự. Nhưng hiện nay, một số tổ hợp S-75M3 vẫn tiếp tục trực chiến bảo vệ bầu trời Việt Nam.

Ảnh vệ tinh Gооglе Еаrth: trận địa tên lửa phòng không S-75 ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh

Cần phải chú ý đến một chi tiết là trong số 5 tổ hợp tên lửa phòng không S-75M3 đang được triển khai trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ có 2 tổ hợp trực chiến thường xuyên. Có thể nhận xét như vậy vì trên các tổ hợp (bệ) phóng của những tổ hợp còn lại không có tên lửa phòng không.

Và với các tổ hợp S-125 tầm thấp, tình hình cũng tương tự như vậy, Gần một nửa tổ hợp S-125 hoặc là không có tên lửa đi kèm, hoặc trên các bệ phóng chỉ được lắp không nhiều hơn 30 % tổng số tên lửa. Rõ ràng là Bộ Tư lệnh phòng không Việt Nam muốn bằng cách đó để “giữ gìn” nguồn lực rất hạn chế của các tổ hợp và số lượng ít ỏi các tên lửa phòng không còn lại.


Ảnh vệ tinh Gооglе Еаrth: trận địa tên lửa phòng không S-125 ở ngoại ô Đà Nẵng

Gần một nửa các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp S-125 Việt Nam được triển khai ven bờ biển. Như đã biết, các tên lửa phòng không V-601PD (В-601ПД ) không chỉ tỏ ra rất hiệu quả trong tiêu diệt các mục tiêu trên không mà còn có thể tiêu diệt các tàu nổi.

Ảnh vệ tinh Gооglе Еаrth: trận địa tên lửa phòng không S-125 ở ngoại ô Hải Phòng

Trong thế kỷ 21, do đã hết hạn sử dụng nên các tổ hợp S-125 chế tạo những năm 70 và đầu những năm 80 đã được thanh lý. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trước đây, những tổ hợp tên lửa phòng không mới hơn và hiện đại hơn là S-125M1 đã được công ty “Tetraedr” Belorus hiện đại hóa tại Belorus lên chuẩn “Pechora-2TM”.

Nhờ ứng dụng các phương pháp dẫn đường tên lửa mới và nguyên lý xử lý tín hiệu radar, hệ thống quang- điện tử hiện đại, và các cải tiến khác nên xác suất tiêu diệt mục tiêu bằng một quả tên lửa tăng lên nhiều, khả năng chống nhiễu, cự ly tiêu diệt mục tiêu và một số tính năng khác cũng được cải thiện.


Tuy nhiên,việc hiện dại hóa một phần các tổ hợp tên lửa phòng không có “độ tuổi” hơn 30 năm không thể thay đổi một cách căn bản khả năng tác chiến của các hệ thống phòng không Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ đánh trả các phương tiện tấn công đường không hiện đại.

Ngoài ra, trong các bối cảnh hiện tại, Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam cực kỳ cần một “cánh tay dài”- hệ thống tầm xa có thể tiêu diệt các máy bay chiến đấu của đối phương trước khi chúng sử dụng các phương tiện tấn công đường không (ném bom, phóng tên lửa), cũng như các máy bay AWACS (máy bay radar cảnh báo sớm và điều khiển) và các máy bay phát nhiễu.

Chính vì vậy mà vào năm 2005, Việt Nam đã ký với Nga hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1(С-300ПМУ1).

Tổ hợp phóng tự hành trong thành phần hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1( С-300ПМУ1)

Có 2 sư đoàn phòng không Việt Nam được biên chế S-300PMU1-đó là Sư đoàn phòng không 361 và Sư đoàn phòng không 367-mỗi sư đoàn ó một tiểu đoàn S-300PMU1 trong biên chế.

Các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa được triển khai tại hai thành phố lớn. Theo các nguồn tin công khai thì cùng với các hệ thống này, phía Nga đã cung cấp 150 quả đạn tên lửa phòng không có điều khiển 48N6E (48Н6E) với cự ly tiêu diệt mục tiêu đến 150km.

Ảnh vệ tinh Gооglе Еаrth: trận địa được chuẩn bị cho hệ thống tên lửa phòng S-300PMU1 tại thành phố Hồ Chí Minh

Khác với nhiều nước khác, các tổ hợp S-300PMU1 Việt Nam không trực chiến thường xuyên. Vị trí đóng quân thường xuyên của chúng cũng không được tiết lộ.

Rõ ràng là các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hiện đại đã được (Việt Nam) xác định là một “con bài” trong một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra và chúng sẽ được đưa vào sử dụng một cách bất ngờ nhất và vào đúng thời điểm cần thiết nhất. Bắt đầu từ năm 2012, tại phía Nam và phía Bắc Việt Nam đã có một số trận địa được xây bằng bê tông để chuẩn bị sẵn cho việc triển khai S-300PMU1.

Trên các nguồn nước ngoài có thông tin là trong những năm 80 Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam biến thể xuất khẩu của tổ hợp tên lửa phòng không lục quân cơ động “Kub”- “Kvadrat”. Tuy nhiên, chúng tôi đã không thể tìm thấy những số liệu chính xác về số lượng “Kvadrat” mà Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam.

Theo một số phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam thì trước đây mấy năm Việt Nam đã mua của Nga 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm trung “Buk-M2E” và 200 quả đạn tên lửa 9M317ME (9М317МЭ) để thay thế những tổ hợp đã không thể tăng hạn. Việt Nam cũng đã đàm phán với Ấn Độ về việc mua của nước này tổ hợp tên lửa phòng không “Akash” được chế tạo từ mẫu “Kvadrat”. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đi đến những thỏa thuận cuối cùng.

Lê Hùng-Nguyễn Hoàng (còn tiếp)
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.