Chuyên mục
Kỳ I: Khởi đầu gian nan
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Kỳ I: Khởi đầu gian nan

Thứ bảy 22/06/2019 06:03 GMT + 7
Đời người thăng trầm, có biết bao niềm vui, nỗi buồn khó quên. Với người dầu khí chúng tôi, những kỷ niệm không bao giờ quên ấy gắn chặt với công cuộc đi tìm và mang những dòng dầu khí quý giá từ dưới lòng đất sâu về cho đất nước, đặc biệt là những ngày đầu “đi tìm lửa” đầy gian nan.

Tôi luôn luôn nhớ tới niềm vui thí nghiệm thăm dò địa chấn ở cánh đồng làng gà Đông Cảo, Khoái Châu, Hưng Yên.

Đó là thí nghiệm đầu tiên xem thử có sóng phản xạ từ lòng đất hay không. Tôi cùng các anh Trần Cảnh, Nguyễn Đức Tuấn, Võ Long, Phạm Đình Phàng, Nguyễn Thanh, các chị Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Bích Thụ, với sự giúp đỡ nhiệt tình của đoàn chuyên gia Liên Xô đứng đầu là kỹ sư Maxiutôva…

Hôm ấy, Hưng Yên lồng lộng trời xanh, mùa lúa nước dậy thì mơn man hương đồng gió nội. Đúng giờ khai hỏa, 2,5kg thuốc nổ phát nổ trên mặt đất, một cột khói bốc cao, đồng ruộng rung lên như động đất, nước sóng sánh bờ, tràn lên trên mặt đường. Trạm máy địa chấn SS-24P của Liên Xô và các máy thu sóng đã ghi được các đợt tín hiệu sóng phản xạ đầu tiên, 24 đường ghi trên giấy ảnh hiện lên các đợt sóng địa chấn rõ nét. Chúng tôi rất vui, cảm ơn lòng đất đã không phụ lòng người.

Đoàn Địa vật lý Đồng bằng sông Cửu Long - Vĩnh Long 1977 (ảnh: Đỗ Chí Hiếu)

Tuy nhiên, sóng phản xạ còn yếu và khá nông khiến tôi thao thức trắng đêm. Chúng tôi cùng các chuyên gia bàn phải nổ mìn trong giếng khoan dưới mặt đất để tăng năng lượng sóng và tránh nhiễu loạn của lớp đất bở rời trên mặt. Cuộc thí nghiệm lại phải tiếp tục chọn chiều sâu bắn mìn thích hợp. Quả thật nổ mìn trong giếng khoan nông 15-18m đã cho phản xạ đến 1,8-2.0 giây, tức là chiều sâu khảo sát có thể đến trên 3.000m.

Dựa vào kết quả thí nghiệm, phương án thăm dò địa chấn phản xạ đầu tiên cho vùng trũng sông Hồng đã được thảo ra. Thời ấy, công việc xử lý phân tích số liệu chưa có máy vi tính, chỉ có cây bút chì màu, chiếc máy tính Nisa quay tay, còn lại là nhờ cậy vào kiến thức địa vật lý - địa chất và khả năng tổng hợp của con người. Rồi các phương án kỹ thuật chi tiết và mở rộng tiếp theo được thực hiện, xây dựng các lát cắt, vẽ nên bản đồ và phát hiện hàng loạt các cấu tạo có triển vọng dầu khí, chỉ ra các vị trí các giếng khoan cấu tạo, đầu tiên là giếng khoan Khoái Châu.

Thật bất ngờ thú vị là lát cắt địa tầng giếng khoan đã khẳng định và liên kết được các phản xạ tiên liệu. Tại đây phát hiện than gầy, có dấu hiệu khí mêtan. Rồi các giếng khoan cấu tạo tiếp theo đặt tại Phù Cừ, Tiên Hưng, Tiền Hải, Kiến Xương... với chiều sâu đến 1.200m. Từ năm 1970, các giếng khoan thông số, thăm dò đến chiều sâu từ trên 3.000-5.000m được khoan ở các cấu tạo Phù Cừ, Tiên Hưng (Hưng Yên), Tiền Hải ABC, Kiến Xương C (Thái Bình). Đặc biệt, các giếng khoan tìm kiếm số 61, 63 tại Tiền Hải phát hiện dầu thô và dòng khí đốt lưu lượng mạnh. Mỏ khí Tiền Hải là “đứa con đầu lòng” của ngành Dầu khí Việt Nam, đã nhiều năm cống hiến cho sự phát triển điện lực và công nghiệp Thái Bình.

Ban đầu, Đoàn bộ 36 đóng tại thị xã Bắc Ninh, sau chuyển về thị xã Hưng Yên. Hồi ấy, chuyên gia Liên Xô ở nhà xây hai tầng. Cán bộ, nhân viên Việt Nam ở nhà tranh vách đất, nhà tập thể, 10 người một gian. Những người làm ở thực địa, công tác lưu động khắp nơi, chỉ hàng tháng về Đoàn bộ họp hành, lĩnh lương, báo cáo công việc. Anh em không phân biệt kỹ sư hay công nhân, mùa hè đều quần đùi, cởi trần, mũ lá cọ như nhau, nơi gần thì ở nhà dân, nơi xa dựng lều ăn ngủ giữa đồng…



Nhớ lại một sáng sớm mùa đông, lều máy ở giữa cánh đồng, ổ rơm đang ấm giấc ngủ, bỗng nhiên có người đánh thức chúng tôi:

- Dậy đi các chú ơi, chuyển ngay đi nơi khác, đây là mả hủi, mọi người đều tránh xa...

- Dạ thưa cụ, đây là nơi cao ráo nhất cánh đồng, chúng cháu ở đây đã mấy ngày rồi mà có thấy gì đâu. Tuyến khảo sát nhất thiết phải đi qua đây, chúng cháu không dời đi nơi khác được…

Ông cụ khẽ lắc đầu rồi thở dài, chắc là thấy những người làm dầu khí cũng vất vả không kém gì người nông dân chân lấm tay bùn. Đội địa chấn nổ mìn làm rạn nứt mương máng. Người dân không bắt đền, không nhận bồi thường, lại cho ăn uống nữa. Các bác ví “Người đi tìm dầu khí hơn cả đi tìm vàng cho đất nước, vàng đã quý, công tìm vàng đen lại càng quý hơn. Người dân cũng chịu thiệt thòi đôi chút, cùng đóng góp cho sự nghiệp này chứ sao!”. Tình cảm của nhân dân luôn nhắc nhở, động viên chúng tôi không quản khó khăn cố gắng làm tròn nhiệm vụ.

Khi khảo sát trên sông, người và trạm máy trên thuyền, máy thu sóng trên bè tre bồng bềnh lượn theo kênh rạch, khi chèo thuyền trong đêm trăng, khi đón bình minh trên sông Trà Lý. Hoàng hôn thả neo nơi sông Luộc, mùa hè tắm nước phù sa còn mát hơn trong phòng điều hòa máy lạnh.Những lần nổ mìn dưới sông, hai bờ nhộn nhịp đông vui. Cá chết nhiều nổi trắng mặt sông, cũng là nguồn cung cấp thực phẩm cho đội địa chấn. Dọc theo sông, người ăn ở trên thuyền, nơi gần dân, gần chợ thì có củi lửa, còn có rau đậu để ngày hai bữa thổi nấu với nhau. Khi xa dân, xa chợ, thôi thì qua quýt cho xong bữa, nhiều khi hết gạo, ăn khoai lang luộc thay cơm.

Phương pháp đo địa chấn phản xạ đã thành thục, đã mang lại những hiệu quả bất ngờ, song chúng tôi vẫn chưa hài lòng vì chỉ xuống sâu vào lòng đất chưa tới 3.500m. Trong địa vật lý có nhiều phương pháp có thể dùng để khắc phục nhược điểm này. Địa chấn khúc xạ liên kết có thể nghiên cứu sâu đến tầng móng trầm tích Đệ Tam.

Thế là một cuộc thí nghiệm mới lại bắt đầu. Lúc bấy giờ Việt Nam chưa có loại máy khúc xạ. Về nguyên lý chung, sóng khúc xạ có tần số thấp hơn sóng phản xạ, xuyên rất sâu vào lòng đất. Chúng tôi cùng đồng nghiệp huy động những trí tuệ địa vật lý Việt Nam, có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, đã cải tiến máy phản xạ thành máy khúc xạ. Kỹ sư điện tử Bùi Xuân Toại đã giúp nhiều trong công việc này. Việc cải tiến theo hướng hạ tần số thu ghi của máy thu sóng và máy khuyết đại tín hiệu đại chấn trong điều kiện Việt Nam lúc bấy giờ thật sự khó khăn vì thiếu các phương tiện kỹ thuật và phụ tùng cần thiết. Qua nhiều đêm suy nghĩ, tôi đề xuất mài mỏng và cho axit ăn mòn các lò xo lá díp trong máy thu và lắp thêm tụ điện trong các máy khuếch địa chấn phản xạ, cải tiến cách truyền xung nổ qua sóng vô tuyến để đánh dấu thời gian nổ. Kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho các thông số thu ghi đạt yêu cầu. Thử nghiệm thực tế ở Phù Cừ cho kết quả đầu tiên rất tốt, hơn cả dự kiến. Chưa thỏa mãn, lượng thuốc nổ trong đo khúc xạ không phải chỉ là hàng kg mà lên đến trên 1 tấn, phải khoan trên 40 giếng nạp mìn, cải tiến máy bắn mìn sao cho cùng một lúc đồng thời nổ 40 kíp nổ.

Chúng tôi chủ trì lập phương án địa chấn khúc xạ cho toàn Tam giác châu thổ sông Hồng. Các tuyến khảo sát dài hàng trăm km, rải từ Nam Định đến Quảng Ninh, từ Tiền Hải đến Gia Lâm. Mỗi lần rải dây máy dài đến 5 km. Thu sóng tại Thái Bình mà nổ mìn từ Phố Viềng (Nam Định) và Quảng Yên (Quảng Ninh), xa đến trăm km. Như con vạc ăn đêm, công việc thu nổ địa chấn khúc xạ chỉ làm về đêm, khi mọi người đã say giấc nồng... Phương án địa chấn khúc xạ đã vẽ được các mặt cắt địa chấn sâu, khảo sát được đáy trầm tích Đệ Tam ở vùng trũng Sông Hồng.

(Xem tiếp kỳ sau)

Kỳ II: Ra biển và... mất tích 
Minh Trường
Nguồn: petrovietnam.petrotimes.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.