Chuyên mục
Cuộc phản công Stalingrad báo hiệu ngày tàn của Đức quốc xã
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cuộc phản công Stalingrad báo hiệu ngày tàn của Đức quốc xã

Chủ nhật 20/08/2017 04:02 GMT + 7
Chiến thắng quyết định của Liên Xô trong trận Stalingrad năm 1943 mở đầu cho cuộc phản công quy mô lớn trên mặt trận phía Đông tạo gọng kìm đánh bại Đức quốc xã 2 năm sau đó.

Theo History.com, sau khi đánh bại phần lớn châu Âu, Adolf Hitler quyết tâm chinh phục bằng được Liên Xô. Trùm phát xít nuôi hy vong thôn tính vùng đất giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ ở khu vực Caucasus để phục vụ cho tham vọng xây dựng Đế chế thứ 3 hùng mạnh nhằm thống trị thế giới.

Trong suy nghĩ của Hitler, trùm phát xít coi người Nga là dân tộc “hạ đẳng”, sinh ra để làm “nô lệ”. Hitler nuôi ảo mộng giải phóng nhiều vùng lãnh thổ của Liên Xô, nhằm tạo không gian sống cho người Đức “thượng đẳng”.

Sự ảo tưởng của Hitler

Tháng 6/1941, Đức quốc xã phát động chiến dịch Barbarossa (Hitler là người đầu tiên đặt mật danh cho các chiến dịch quân sự) tấn công tổng lực vào Liên Xô. Theo Was History Online, Đức quốc xã huy động lực lượng tới hơn 3 triệu quân, gần 3.500 xe tăng, 2.770 máy bay, 7.200 khẩu pháo các loại.

Binh lính Đức quốc xã tiến vào thành phố Stalingrad. Ảnh: Wikipedia.

Những năm đầu Thế chiến II, Đức quốc xã áp dụng chiến thuật tấn công chớp nhoáng bằng bộ binh cơ giới, cùng với sự hỗ trợ hỏa lực trên không của máy bay khiến quân đội nhiều nước không kịp thích nghi và nhanh chóng bị đánh bại.

Thời gian đầu của chiến dịch, quân đội Đức quốc xã đánh chiếm Belarus, Ukraine, một trong những khu vực kinh tế quan trọng của Liên Xô. Ngoài ra, Đức còn chiếm được các quốc gia vùng Baltic, phá hủy tuyến phòng thủ ở Leningrad, uy hiếp Thủ đô Moscow.

Với những thành công ban đầu đó, mùa hè năm 1942, Hitler quyết định sẽ đánh chiếm các thành phố quan trọng ở miền Nam Liên Xô. Mục tiêu số một mà quân đội Đức quốc xã nhắm đến là thành phố Stalingrad.

Hitler tin rằng chiếm được thành phố này sẽ phá hủy năng lực công nghiệp quan trọng của Liên Xô, kiểm soát sông Volga. Con sông này là tuyến đường chính từ Caucasus và biển Caspian tới trung tâm Liên Xô, làm gián đoạn hoạt động thương mại.

Tháng 7/1942, Hitler đích thân viết lại các mục tiêu hoạt động cho chiến dịch, trong đó tập trung đánh chiếm bằng được Stalingrad. Để cụ thể hóa cho tham vọng, Hitler điều động Cụm Tập đoàn quân B, trong đó có Tập đoàn Quân số 6, đơn vị thiện chiến nhất của Đức quốc xã tiến đánh Stalingrad.

Lực lượng huy động ban đầu khoảng 270.000 quân, 3.000 khẩu pháo các loại, 500 xe tăng. Thời kỳ cao điểm của cuộc chiến, quân số phía Đức quốc xã khoảng hơn một triệu người, trong đó có 400.000 lính Đức, 220.000 lính Italy, 200.000 lính Hungary và khoảng 140.000 lính Romania.

Cuộc phản công vĩ đại

Tháng 9/1942, Tập đoàn Quân số 6 tiến đến ngoại ô Stalingrad, dự kiến đánh chiếm thành phố trong thời gian ngắn. Không quân Đức mở màn cuộc đánh chiếm thành phố bằng chiến dịch không kích dữ dội. Vào thời điểm năm 1942, Không quân Đức hầu như không có đối thủ.

Một trong hàng nghìn vị trí phòng thủ của Hồng quân trong thành phố Stalingrad. Ảnh: Wikipedia.

Thành phố Stalingrad bị đánh phá nghiêm trọng, nhiều dãy phố bị Không quân Đức san phẳng. Đến tháng 9/1942, Tập đoàn Quân số 6 tiến vào trung tâm thành phố nhưng không thể đánh bật lực lượng Liên Xô khỏi các khu công nghiệp trải dài dọc sông Volga.

Theo nhà sử học quân sự người Mỹ David M. Glantz, tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Quân sự Slavic, học thuyết quân sự của Đức quốc xã dựa trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa xe tăng, bộ binh, pháo binh và máy bay tấn công mặt đất.

Tuy nhiên, học thuyết này gặp khó khăn khi chiến đấu trong môi trường đô thị. Ngoài ra, Trung tướng Vasily Chuikov, chỉ huy Quân đoàn 62, đơn vị phòng thủ chính ở Stalingrad áp dụng chiến thuật “ôm chân người Đức”, tức là luôn giữ các vị trí tiền tuyến càng gần quân Đức càng tốt. Chiến thuật này làm chậm quá trình tiến quân của Đức, giảm hiệu quả và lợi thế của Không quân Đức trong việc chi viện hỏa lực trên không.

Hồng quân thiết lập hàng nghìn vị trí phòng thủ ở mọi ngóc ngách của thành phố với quy mô 5-10 người mỗi vị trí. Khi một vị trí bị thất thủ, một vị trí mới lập tức được thiết lập để cầm chân quân Đức. Cuộc chiến trong thành phố đã làm nổi bật vai trò của chiến thuật bắn tỉa.

Những tay súng bắn tỉa gây thương vong rất lớn cho cả hai bên. Đặc biệt, trong trận Stalingrad, huyền thoại bắn tỉa Vasily Zaytsev, Anh hùng Liên Xô đã lập chiến công tiêu diệt 225 lính Đức. Đến tháng 11/1942, sức mạnh tấn công của quân đội Đức quốc xã bắt đầu đuối dần vì thiếu đạn dược, quá trình tiếp tế gặp khó khăn do mùa Đông khắc nghiệt ở Liên Xô.

Đúng thời điểm này, Nguyên soái Georgy Zhukov, Phó Tư lệnh Tối cao quân đội Liên Xô, Chỉ huy chiến dịch phòng thủ ở Stalingrad quyết định tổ chức phản công quy mô lớn bao vây Tập đoàn Quân số 6 của Đức. Chiến dịch phản công mang mật danh “Sao Thiên vương”.

Tập đoàn Quân số 6 của Đức bị bao vây ở Stalingrad. Đồ họa: CGSC.

Ở thời điểm đó, Tập đoàn Quân số 6 có thể rút lui an toàn khỏi Stalingrad để bảo toàn lực lượng qua mùa Đông khắc nghiệt nhưng Hitler ngoan cố không cho phép. Họ được lệnh phải chiến đấu bằng mọi giá để giữ những vị trí đã chiếm được.

Thống chế Hermann Goring, Bộ trưởng Không quân Đức hứa hỗ trợ Tập đoàn Quân số 6 bằng cuộc tập kích trên không quy mô lớn nhưng không thực hiện được. Tập đoàn quân thiện chiến nhất của Đức bị chôn chân ở Stalingrad.

Ngày 2/2/1943, Tướng Friedrich Paulus, Tư lệnh Tập đoàn Quân số 6 đầu hàng Hồng quân cùng với khoảng 91.000 binh sĩ.

Nhà sử học Glantz cho rằng Đức quốc xã đã đánh giá thấp khả năng phòng ngự và phản công của Liên Xô ở Stalingrad. Hitler quá ảo tưởng vào sức mạnh "bách chiến, bách thắng" của Tập đoàn Quân số 6. Cố thủ ở Stalingrad trở thành quyết định "tự sát" của Hitler, dẫn đến sự hủy diệt đơn vị thiện chiến nhất.

Chiến thắng của Liên Xô tại Stalingrad là một sự sỉ nhục lớn đối với Hitler. Trùm phát xít bắt đầu nghi ngờ các tướng lĩnh của mình. Thất bại tại Stalingrad cho thấy quân đội Đức quốc xã không phải là "đội quân bất khả chiến bại".

Trận Stalingrad đã cổ vũ cho các quốc gia khác đứng dậy chống lại quân đội Đức quốc xã dưới sự dẫn dắt của Liên Xô ở Mặt trận phía Đông và Phe Đồng minh ở Mặt trận phía Tây.

Cái giá của chiến thắng

Trận Stalingrad là một mốc son chói lọi trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô. Tuy nhiên, để có thắng lợi cuối cùng, Liên Xô phải trả một cái giá không hề nhỏ.

Theo nhà sử học Anh Geoffrey Roberts, tác giả cuốn sách “Chiến thắng tại Stalingrad: Trận Đánh Thay đổi Lịch sử”, Hồng quân phải hứng chịu hơn 1 triệu thương vong, trong đó hơn 478.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc mất tích, hơn 650.000 người bị thương.

Hơn 4.300 xe tăng, 15.700 khẩu pháo, 2.769 máy bay bị phá hủy hoặc hư hỏng. Thương vong của thường dân không có số liệu cụ thể.

Con số thương vong của Phe Trục khoảng 730.000, trong đó, khoảng 400.000 lính Đức quốc xã, 109.000 lính Romania, 114.000 lính Italy và 105.000 lính Hungary thiệt mạng hoặc bị thương. Stalingrad trở thành một trong những trận đánh đẫm máu nhất lịch sử.

Không quân Đức tấn công Stalingrad. Đức quốc xã mở màn chiến dịch tấn công thành phố Stalingrad bằng chiến dịch không kích quy mô lớn.

Quốc Việt
Nguồn: news.zing.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.