Chuyên mục
100 năm Cách mạng tháng Mười: Bài học lịch sử để người Nga đoàn kết
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

100 năm Cách mạng tháng Mười: Bài học lịch sử để người Nga đoàn kết

Thứ ba 07/11/2017 15:43 GMT + 7
Hôm 30/10, tại cuộc họp của Hội đồng Phát triển xã hội dân sự và quyền con người, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ ra rằng sự kiện 100 năm Cách mạng Tháng Mười sẽ được xã hội Nga đón nhận như biểu tượng của việc vượt qua chia rẽ trong xã hội.

Nhân dịp lễ kỷ niệm trọng đại này, VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết của chuyên gia Nguyễn Đăng Phát, nguyên Trưởng cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Liên bang Nga trong nhiều năm, hiện là Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương, thuộc Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, về tầm quan trọng của lễ kỷ niệm này đối với nước Nga.

Tại Liên bang Nga từ năm 2015 đã bắt đầu diễn ra các hoạt động hướng đến mốc lịch sử 100 năm Cách mạng Tháng Mười. Cho dù trong xã hội, giữa các lực lượng chính trị và trong giới khoa học nước này vẫn còn những đánh giá khác nhau nhưng có hai vấn đề được nhìn nhận thống nhất: cách mạng Nga vĩ đại vì đã làm biến đổi đất nước, tác động đến toàn thế giới; và nước Nga ngày nay cần ra sức củng cố sự hòa hợp, đồng thuận để tăng cường sức mạnh dân tộc, bảo đảm cho quốc gia vững bước đi trên con đường phát triển. 

Những hoạt động nhân 100 năm cách mạng năm 1917 được tổ chức rất quy mô, sâu rộng nhưng không “hoành tráng” mang tính chất hội lễ. Suốt năm 2017 có hơn 100 hoạt động lớn ở cấp trung ương và hơn một nghìn hoạt động ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hầu hết đây là những hội nghị khoa học, hội thảo, tọa đàm, triển lãm tài liệu lưu trữ, giới thiệu sách, báo, phim ảnh… nhằm làm sáng tỏ hơn nữa nguyên nhân, diễn biến, kết quả, bài học của những sự kiện năm 1917, những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử 100 năm của nước Nga như sự ra đời, tồn tại và sụp đổ Liên bang Xô-viết, chiến thắng trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại...

Tăng cường hòa hợp xã hội

Trong xã hội Nga có những tâm trạng khác nhau, thậm chí là hoàn toàn đối nghịch nhau xung quanh dịp tròn mốc 100 năm cách mạng. Trước thực trạng đó, các nhà lãnh đạo Nga tìm cách để những hoạt động kỷ niệm hướng vào việc củng cố hòa hợp, đoàn kết thống nhất dân tộc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của Cách mạng tháng Mười trong việc định hình sự phát triển của nước Nga hiện đại (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp Hội đồng phát triển xã hội dân sự và quyền con người ngày 30/10/2017, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ hy vọng dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười được người dân Nga coi như một “biểu tượng về việc khắc phục sự chia rẽ” trong xã hội. 

Trước đó, trong Thông điệp liên bang ngày 1/12/2016, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh: “Năm 2017 là tròn 100 năm Cách mạng Tháng Hai và Cách mạng Tháng Mười. Đây là dịp quan trọng để một lần nữa nhìn nhận lại nguyên nhân và bản chất của cách mạng ở nước Nga. Không riêng các nhà sử học, các nhà khoa học mà toàn xã hội Nga cũng cần sự phân tích khách quan, thẳng thắn và sâu sắc về những sự kiện đó”.

“Cách mạng năm 1917 đã là lịch sử chung của toàn thể nước Nga,” “những bài học lịch sử rất cần trước hết để hòa giải, để củng cố đồng thuận xã hội” - Tổng thống Nga Vladimir Putin

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định “cách mạng năm 1917 đã là lịch sử chung” của toàn thể nước Nga, “những bài học lịch sử rất cần trước hết để hòa giải, để củng cố đồng thuận xã hội”. Ông cho rằng “không thể chấp nhận để tình trạng chia rẽ, hận thù, oán giận và sự khốc liệt của quá khứ kéo dài đến tận ngày nay khi chúng ta là một dân tộc thống nhất, Tổ quốc của chúng ta chỉ có một là nước Nga”. 

Khái niệm “chính thống”

Tại Nga hiện đã sử dụng một khái niệm chính thức về các sự kiện lịch sử cách đây một Thế kỷ – đó là “cách mạng năm 1917 ở Nga”. Giải thích “quan điểm chính thống” này, Tiến sĩ khoa học S. Naryshkin, Chủ tịch Hội sử học Nga, Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại, nguyên Chủ tịch Đuma quốc gia Nga, cho biết: giới sử học Nga coi “cách mạng năm 1917 ở Nga” là một tiến trình bao gồm nhiều sự kiện, từ cuộc cách mạng Tháng Hai làm sụp đổ chế độ quân chủ Nga đến cuộc cách mạng Tháng Mười đưa những người bônsêvích lên cầm quyền cho đến thời điểm kết thúc cuộc nội chiến.

Ông S. Naryshkin cho rằng “những giá trị về đoàn kết thống nhất, đồng thuận công dân, không để xã hội bị chia rẽ đến mức cực đoan dẫn tới nội chiến là bài học cơ bản của cách mạng”. Tại hội nghị bàn tròn với chủ đề “100 năm cuộc Cách mạng Nga vĩ đại: hiểu đúng để tăng cường đoàn kết” do Bộ Văn hóa Nga phối hợp Viện Hàn lâm khoa học, một số hội khoa học và nhà trường ở Nga tổ chức, Bộ trưởng Văn hóa Nga V. Medinski nêu rõ: “Cách mạng Nga vĩ đại năm 1917 mãi mãi là một trong những sự kiện quan trọng nhất Thế kỷ 20”. Ông cho rằng việc còn có những ý kiến khác nhau trong giới khoa học về sự kiện Cách mạng Tháng Mười “là hoàn toàn bình thường” nhưng đó chỉ là lý do để cùng nhau đối thoại làm rõ mọi vấn đề chứ không phải là cái cớ dẫn tới xung đột.

Kỷ niệm đúng tầm

Nhiều lực lượng chính trị, nhiều tầng lớp trong xã hội Nga, nhiều cá nhân không chia sẻ “quan điểm chính thống” về các sự kiện năm 1917 như đề cập ở trên. Cách thức và mức độ tổ chức kỷ niệm 100 năm Cách mạng ở Nga như hiện nay không giành được sự đồng tình của họ.

Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) là những người bày tỏ thái độ mạnh mẽ, rõ ràng nhất. Trong một phiên họp của Hội sử học Nga chuẩn bị cho “các hoạt động nhân 100 năm”, Phó Chủ tịch Trung ương KPRF D. Novikov tuyên bố: “Những tài liệu chính thức hiện nay sử dụng khải niệm “100 năm Cách mạng ở Nga”, nhưng chúng tôi đề nghị tách bạch hai cuộc cách mạng – Cách mạng Tháng Hai và Cách mạng Tháng Mười”.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Lenin (Comsomol Lenin), lực lượng kế cận của Đảng Cộng sản Nga, kỷ niệm 99 năm thành lập, mở màn cho các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười. Trong ảnh là Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga, chủ tịch phái Đảng Cộng sản trong Đuma quốc gia Nga Gennady Ziuganov dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng tới dự và phát biểu chào mừng.  
(Ảnh: Tâm Hằng/Phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga).

Ông D. Novikov cho biết KPRF có rất nhiều hoạt động trong năm 2017 với cao trào là những ngày đầu tháng 11. Đó là cuộc gặp quốc tế lần thứ 19 các Đảng Cộng sản và Công nhân; Diễn đàn quốc tế các lực lượng cánh tả “Tháng Mười 1917 – bước đột phá lên chủ nghĩa xã hội”; mít-tinh trọng thể kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại tại Moskva và Saint Peterburg; các cuộc biểu tình, tuần hành ở nhiều thành phố, địa phương kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, tôn vinh quân đội và hải quân Xô-viết, vinh danh Chiến thắng trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại; hội thảo về bài học của Cách mạng Tháng Mười, về di sản lý luận của Lênin, về kinh tế Nga v.v…

Ngày 22/10/2016 Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) ra lời kêu gọi nêu bật ý nghĩa vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười, khẳng định quyết tâm của Đảng tiếp tục đấu tranh vì những lý tưởng Tháng Mười. 

Nhận xét về các hoạt động nhân 100 năm Cách mạng ở Nga, nhà báo, nhà nghiên cứu chính trị Vitaly Tretyakov, là người đã từng làm việc tại hãng thông tấn “Novosti” của Liên Xô, Tổng biên tập ở các thời kỳ khác nhau của những tờ báo và tạp chí uy tín ở Nga như “Tin tức Moskva”, “Báo Độc lập”, “Giai cấp chính trị”…, cho rằng cần tổ chức kỷ niệm 100 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại một cách rộng rãi, sâu sắc. Ông đưa ra một số lập luận để “trao đổi” với những người còn “phân vân” về chuyện này.

Cách mạng Tháng Mười là một trong những sự kiện vĩ đại bậc nhất của Thế kỷ 20 có ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình lịch sử thế giới, đến vận mệnh của nhiều nước và nhiều dân tộc.

Theo ông, cách mạng Tháng Mười là một trong những sự kiện vĩ đại bậc nhất của Thế kỷ 20 có ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình lịch sử thế giới, đến vận mệnh của nhiều nước và nhiều dân tộc. Riêng với lịch sử Nga (từ đế chế Nga đến Liên bang Nga ngày nay) thì đây là sự kiện lớn nhất trong Thế kỷ 20, hơn nữa, hai sự kiện tầm cỡ khác là Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại và sự tan rã Liên Xô đều trực tiếp liên quan Tháng Mười 1917. 

Năm 1941, trong cuộc diễu binh mưng Cách mạng tháng Mười, nhiều đơn vị Hồng quân Liên Xô từ Quảng trường Đỏ tiến thẳng ra chiến trường trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, đánh bại chủ nghĩa phát xít. Trong ảnh: Binh sĩ Nga trong trang phục của Hồng quân tham gia mít tinh kỷ niệm cuộc diễu binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ ở Moskva ngày 7/11/2015 (Nguồn: AFP/TTXVN)

Vitaly Tretyakov cũng cho rằng chính nhờ thành quả của Cách mạng Tháng Mười (những người bônsêvích lên nắm quyền) mà nước Nga, dưới tên gọi Liên Xô, đã trở thành một trong hai siêu cường thế giới, trở nên hùng mạnh và giành được ảnh hưởng to lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của mình; những người bônsêvích đã thống nhất một đất nước trên thực tế đã tan rã sau cuộc Cách mạng Tháng Hai. Không loại trừ khả năng nếu họ không lên nắm quyền thì không thể có nước Nga với tên gọi và trong những đường biên giới hiện nay. 

Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ bônsêvích (Cộng sản), Liên Xô đã giành chiến thắng trong Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, giữ được sự toàn vẹn và nền độc lập của đất nước, của dân tộc, xóa bỏ nguy cơ hiện hữu đe dọa sự tồn vong của quốc gia. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và những người bônsêvích lên cầm quyền, trên lãnh thổ đế chế Nga trước đây đã thành lập Liên Xô, theo Vitaly Tretyakov, đây là liên minh châu Âu (Đông Âu) đầu tiên trong lịch sử châu Âu, còn Liên minh châu Âu (Tây Âu) hiện nay chỉ là thực thể thứ hai sau Liên Xô, ra đời chậm hơn liên minh đầu tiên gần nửa Thế kỷ.

Liên Xô là liên minh châu Âu (Đông Âu) đầu tiên trong lịch sử châu Âu, còn Liên minh châu Âu (Tây Âu) hiện nay chỉ là thực thể thứ hai sau Liên Xô, ra đời chậm hơn liên minh đầu tiên gần nửa Thế kỷ. 

Từ những lập luận đó, Vitaly Tretyakov cho rằng, thứ nhất, thật xấu hổ nếu phớt lờ sự kiện lịch sử tầm cỡ như vậy trên quê hương Cách mạng vào năm tròn một Thế kỷ của nó, điều đó sẽ rất nguy hại về chính trị, bởi vì tất cả những gì mà người Nga không nói về Tháng Mười năm 1917 thì người khác sẽ nói, mà lại nói đổi trắng thay đen và sẽ tìm cách biến dịp kỷ niệm thành một “phiên tòa” phán xử nước Nga và lịch sử Nga. Thứ hai, cần tổ chức kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười như một ngày lễ nhà nước. 

Thứ ba, nếu chỉ phó mặc các nhà sử học là không sáng suốt và không công bằng. Thứ tư, trong các cuộc thảo luận nhân kỷ niệm 100 năm Tháng Mười 1917 cần có sự tham gia của chính khách hàng đầu của nước Nga, kể cả Tổng thống V. Putin, và của các nhà tư tưởng chính trị chủ chốt ở Nga. Thứ năm, các thiết chế nhà nước cao nhất, cụ thể là Tổng thống và Quốc hội liên bang, cần thông qua một văn kiện đưa Cách mạng Tháng mười vĩ đại trở lại danh sách những sự kiện lớn nhất trong lịch sử nước Nga và lịch sử thế giới với những ghi nhận chính thức, đặc biệt là lại quy định ngày 7 tháng 11 là ngày lễ nhà nước.

Ông Vitaly Tretyakov nhấn mạnh, nhiều vấn đề liên quan nguyên nhân, ảnh hưởng, bài học của Cách mạng Tháng Mười cần được tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo, nhưng trước hết, 100 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại phải được kỷ niệm một cách xứng tầm ở cấp nhà nước Nga.
Quan điểm của ông Vitaly Tretyakov được nhiều người Nga chia sẻ.

Dấu ấn Việt Nam trong hoạt động kỷ niệm tại Nga

Cái tên Việt Nam được nhắc đến khá nhiều, với cách tiếp cận tích cực, trong nhiều hoạt động nhân 100 năm cách mạng ở Nga. Tại nhiều cuộc hội nghị, hội thảo các đại diện cánh tả Nga và nhiều nhà hoạt động chính trị, nhà khoa học Nga đã nêu Việt Nam như một trường hợp điển hình về ảnh hưởng tốt đẹp của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga năm 1977 và sự phát triển của Liên Xô trong gần bảy thập niên đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay với Việt Nam.

Hoạt động nghệ thuật kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Đặc biệt, ngày 10/11/2017 sắp tới tại Moskva sẽ khai mạc triển lãm “Cách mạng năm 1917 ở Nga và cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Chiến tranh và hòa bình trên bán đảo Đông Dương nửa đầu những năm 1950”. Cuộc triển lãm giới thiệu mối quan hệ giữa hai nước, từ thắng lợi của cách mạng Tháng Mười năm 1917 và những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa các nhà cách mạng Việt Nam với các nhà chính trị Nga và Liên Xô đến giữa những năm 40 - 50 của Thế kỷ 20, khi cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam thành công. 

Những hiện vật, tài liệu trưng bày tại triển lãm góp phần làm sáng rõ sự liên hệ giữa các sự kiện cách mạng ở Nga với phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương; nêu bật mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô, Nga trên tất cả các lĩnh vực.

Cục Văn thư – lưu trữ thuộc Bộ Nội vụ Việt Nam cũng tham gia cuộc triển lãm này trong sự phối hợp với Cơ quan Lưu trữ liên bang và một số đối tác khác của LB Nga. Nhiều hoạt động khác tại Liên bang Nga trong dịp kỷ niệm 100 năm cách mạng Tháng Mười đã và sẽ có sự tham gia thiết thực của các đại biểu Việt Nam.

Hoạt động nghệ thuật kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười tại Thành phố Hồ Chí Minh
(Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Nguồn: vietnamplus.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.