Chuyên mục
10 hacker khét tiếng nhất thế giới và số phận hiện nay
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

10 hacker khét tiếng nhất thế giới và số phận hiện nay

Chủ nhật 13/10/2019 17:05 GMT + 7
10 tin tặc được giới bảo mật đánh giá là khét tiếng nhất thế giới, “chiến tích” của họ trong quá khứ quá 'lẫy lừng' và giờ họ sống như thế nào?

Ba hacker khét tiếng (từ trái qua): Adrian Lamo, Kevin Mitnick, Kevin Poulsen. Ảnh chụp năm 2001. Nguồn: Wikipedia.

1. Kevin Mitnick

Bộ Tư pháp Mỹ coi Kevin Mitnick (SN 1963, nickname The Condor - Chim ưng, The Darkside Hacker - Tin tặc mặt tối) là “tội phạm máy tính bị truy nã gắt gao nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Câu chuyện về hacker này “đỉnh” đến nỗi trở thành nền tảng của phim truyện “Track Down” (năm 2000).

Sau khi thụ án một năm tù về tội đột nhập mạng máy tính của hãng Digital Equipment, Mitnick ra tù nhưng bị quản chế 3 năm. Gần hết năm thứ ba quản chế, Mitnick bỏ trốn và tiếp tục hành trình tấn công mạng kéo dài 2 năm rưỡi, trong đó xâm nhập thành công hệ thống cảnh báo quốc phòng và đánh cắp các bí mật doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các dữ liệu tối quan trọng của Sun Microsystems và Motorola.

Cuối cùng, Mitnick lại bị bắt và bị kết án 5 năm tù. Sau khi mãn hạn tù, hacker khét tiếng này trở thành nhà tư vấn và diễn giả về an ninh mạng. Hiện giờ, Mitnick điều hành công ty tư vấn bảo mật tên là Mitnick Security Consulting. Ông cũng là giám đốc hacking của công ty đào tạo về bảo mật KnowBe4, thành viên ban cố vấn của Zimperium (hãng phát triển hệ thống chống xâm nhập điện thoại di động).

Kevin Mitnick. Ảnh: Vox.

2. Jonathan James

Câu chuyện về Jonathan James (1983-2008), nổi tiếng ngoại hiệu “c0mrade”, là một câu chuyện buồn. Cậu trở thành tin tặc khi còn trẻ, đột nhập thành công mạng máy tính của một số cơ quan chính phủ và doanh nghiệp rồi phải ngồi tù khi vẫn còn là vị thành niên.

James là trẻ vị thành niên đầu tiên của Mỹ bị tống giam vì phạm tội trong không gian mạng – phạm tội lần đầu năm 15 tuổi và bị kết án tù năm 16 tuổi.

James tấn công hệ thống của NASA (Cơ quan Hàng không-Vũ trụ Mỹ), tải về các mã nguồn trị giá 1,7 triệu USD để tìm hiểu cách thức ISS (Trạm Vũ trụ Quốc tế) hoạt động. NASA phải ngắt hệ thống trong suốt 3 tuần để điều tra vụ xâm nhập, thiệt hại thêm 41.000 USD.

Năm 2007, một số công ty nổi tiếng bị tấn công mạng, thông tin cá nhân và tín dụng của hàng triệu khách hàng bị rò rỉ. Dù phủ nhận mình liên quan các vụ tấn công mạng nhưng James bị điều tra. Năm 2008, hacker này tự tử bằng súng. Người ta cho rằng, James mất niềm tin vào công lý, không muốn bị truy tố tội mà cậu không phạm phải.

Jonathan James. Ảnh: Menos Fios.

3. Albert Gonzales

Albert Gonzalez (SN 1981) bắt đầu “sự nghiệp” tin tặc với vai trò trưởng nhóm hacker tên là ShadowCrew. Ngoài đánh cắp và bán số thẻ tín dụng, ShadowCrew còn làm giả hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế và giấy khai sinh phục vụ các hoạt động đánh cắp danh tính.

Gonzalez thu thập được hơn 170 triệu số thẻ tín dụng và thẻ ATM trong vòng 2 năm. Sau đó, anh ta đột nhập cơ sở dữ liệu của tập đoàn bách hóa TJX và hãng xử lý thanh toán Heartland Payment Systems, đánh cắp tất cả số thẻ tín dụng mà họ lưu trữ.

Gonzalez bị kết án 20 năm tù (thụ án đồng thời 2 án 20 năm tù). Hacker Mỹ sinh ra tại Cuba này sẽ được trả tự do vào năm 2025.

Albert Gonzales. Ảnh: CSM.

4. Kevin Poulsen

Kevin Poulsen (SN 1965), biệt hiệu “Dark Dante” (Dante Đen tối), được báo chí Mỹ gọi là “Hannibal Lecter tội phạm máy tính”. Có lần anh ta hack đường dây điện thoại của một đài phát thanh, biến mình thành người gọi trúng giải để giành được chiếc xe Porsche mới toanh.

Poulsen có tên trong danh sách truy nã của FBI (Cục Điều tra liên bang Mỹ) sau khi hack một số hệ thống của chính phủ và đánh cắp thông tin nghe lén. Cuối cùng, anh ta bị bắt tại một siêu thị, bị kết án 51 tháng tù và phải bồi thường 56.000 USD.

Sau khi ra tù năm 1995, Poulsen thay đổi lối sống, trở thành nhà báo (hiện là biên tập viên của báo công nghệ Wired. Năm 2006, cựu hacker còn giúp cơ quan thực thi pháp luật xác định 744 tội phạm tình dục trên mạng xã hội MySpace. Giờ đây, Poulsen thường được mời nói chuyện về công nghệ với "nhuận miệng" 15.000-20.000 USD.

Kevin Poulsen. Ảnh: Speaking.

5.Gary McKinnon

Gary McKinnon (SN 1966, người Anh) có biệt hiệu “Solo” trên internet, khét tiếng với vai trò điều phối vụ tấn công mạng máy tính quân sự lớn nhất mọi thời đại.

Trong 13 tháng từ tháng 2/2001 tới 3/2002, McKinnon truy cập trái phép 97 máy tính của quân đội Mỹ và NASA. Anh ta nói rằng mình chỉ tìm kiếm thông tin về năng lượng sạch, miễn phí và về việc che giấu UFO (vật thể bay không xác định-đĩa bay). Nhưng theo cơ quan chức năng Mỹ, McKinnon đã xóa một số file quan trọng và khiến hơn 300 máy tính không thể hoạt động được, gây thiệt hai hơn 700.000 USD.

Có gốc gác Scotland và hoạt động bên ngoài Vương quốc Anh, McKinnon tránh được cơ quan chức năng Mỹ đến năm 2005 thì đối mặt lệnh dẫn độ. Sau nhiều thủ tục pháp lý, tháng 10/2012, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May (sau trở thành thủ tướng và mới đây từ chức) không đồng ý cho dẫn độ sang Mỹ với lý do hacker này “đang ốm nặng” và việc dẫn độ “không tương thích với nhân quyền (của McKinnon).

Gary McKinnon. Ảnh: Telegraph.

6. Robert Tappan Morris

Robert Tappan Morris (SN 1965) thu nhận kiến thức máy tính từ cha mình – một nhà khoa học máy tính công tác tại Bell Labs, sau đó là NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia của Mỹ). Morris được coi là người tạo ra sâu máy tính đầu tiên trên thế giới.

Năm 1988, Morris tạo ra Morris Worm (sâu Morris) khi đang là sinh viên Đại học Cornell. Chương trình máy tính này được tạo ra nhằm đo kích thước của internet nhưng nó có một lỗi nghiêm trọng. Máy tính bị nhiễm sâu nhiều lần, mỗi lần nhiễm lại khiến máy chạy chậm hơn. Hậu quả là Morris Worm làm tê liệt hơn 6.000 máy tính.

Năm 1989, Morris bị kết tội vi phạm Đạo luật Lạm dụng và lừa đảo máy tính. Tòa phạt bị cáo Morris 3 năm tù treo, 400 giờ lao động công ích và phải nộp phạt 10.050 USD.

Cuối cùng, Morris sáng lập vườn ươm công nghệ Y Combinator và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).

Robert Tappan Morris. Ảnh: Montreal Gazzette.

7. Loyd Blankenship

Loyd Blankenship (SN 1965, bí danh The Mentor – Người cố vấn) tham gia các hoạt động hack từ những năm 70 của thế kỷ trước, từng là thành viên của các nhóm tin tặc khét tiếng, trong đó có Legion of Doom (LOD).

Blankenship là tác giả của bài viết “Mentor’s Last Words” (Lời cuối của Người cố vấn), còn được gọi là “Conscience of a Hacker and Hacker Manifesto” (Lương tâm của một hacker và Tuyên ngôn Hacker), hoặc đơn giản là “Hacker Manifesto” Blankenship viết “Hacker Manifesto” (Tuyên ngôn Hacker/Lời trần tình của một tin tặc) sau khi bị bắt năm 1986.

Đề cập tâm lý, động cơ, thế giới quan của hacker, bài viết này được coi là nền tảng của văn hóa hack. Nhiều tin tặc ra tay là để học hỏi sau khi thất vọng với những hạn chế của xã hội tiêu chuẩn. “Hacker Manifesto” đưa ra nền tảng đạo đức cho hacker, khẳng định mục đích của họ là giúp đem lại tự do thông tin, chứ không phải là phá phách, toại nguyện những ham muốn ích kỷ của bản thân.

Nhăm 1989, Blankenship được công ty trò chơi Steve Jackson Games tuyển dụng để phát triển GURPS Cyberpunk - bộ công cụ, quy tắc dành cho game nhập vai.

Năm 1990, Sở Mật vụ Mỹ lục soát nhà riêng của Blankenship, tịch thu bộ quy tắc với lý do đó là “cẩm nang hướng dẫn phạm tội máy tính”. Kể từ đó, Blankenship ngừng các hoạt động tin tặc và trở thành trưởng bộ phận nghiên cứu, thiết kế sản phẩm của hãng phần mềm bảo mật McAfee.

Loyd Blankenship. Ảnh: Soldier X.

8. Julian Assange

Julian Assange (SN 1971, chào đời ở Úc, sáng lập WikiLeaks) bắt đầu “sự nghiệp” hack ở tuổi 16 với ngoại hiệu “Mendax”. Trong bốn năm, Assange đột nhập hệ thống của nhiều cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục của Mỹ, bao gồm Lầu Năm Góc, NASA, Lockheed Martin, Citibank, Đại học Stanford.

Năm 2006, Assange tạo ra nền tảng trực tuyến WikiLeaks để công bố các tài liệu mật, thông tin rò rỉ từ các nguồn ẩn danh. Năm 2010, Mỹ mở cuộc điều tra chống lại Assange theo Đạo luật Gián điệp năm 1917, muốn dẫn độ ông về Mỹ để xét xử.

Ngày 11/4/2019, Ecuador rút quy chế tị nạn cho Assange (sống tại Đại sứ quán Ecuardor ở Anh trong thời gian dài) với lý do ông này vi phạm luật quốc tế và thỏa thuận cư trú trong đại sứ quán. Sau khi có được văn bản từ chính phủ Anh rằng, Assange “sẽ không bị dẫn độ tới nước mà ông có thể bị tra tấn hoặc bị kết án tử hình”, tổng thống Ecuador cho phép cảnh sát Anh bước vào Đại sứ quán Ecuador ở London để bắt Assange.

Julian Assange giai đoạn 2010-2019. Ảnh: The Australian.

9. Guccifer 2.0

Guccifer 2.0 là ai vậy? Không ai biết chắc. Có thể là một cá nhân, cũng có thể là một nhóm hacker giả là một cá nhân. Cái tên Guccifer 2.0 là để tỏ lòng với một tin tặc người Romania có biệt hiệu “Guccifer” – người thường nhằm vào quan chức chính phủ Mỹ và những người khác có tầm ảnh hưởng về chính trị.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, mạng máy tính của Democratic National Convention (Hội nghị Quốc gia Dân chủ). Hàng nghìn tài liệu bị tung lên WikiLeaks và nhiều website khác. Nhiều người cho rằng, Guccifer 2.0 là một nhân viên chìm của tình báo Nga. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Vice, Guccifer 2.0 nói rằng anh là người Romania, không phải người Nga.

Guccifer 2.0 biến mất ngay trước bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và tái xuất một lần vào tháng 1/2017 để khẳng định anh không có mối quan hệ gì với tình báo Nga.

Guccifer 2.0 nói rằng mình là người Romania. Ảnh: World in War.

10. Anonymous

Anonymous (Vô danh) không phải là một cá nhân mà là một nhóm hacker phi tập trung, không có thành viên, cấp bậc thực sự. Ai cũng có thể hành động nhân danh Anonymous.

Kể từ khi xuất hiện năm 2003, Anonymous được ghi nhận là tấn công nhiều mục tiêu nổi tiếng, bao gồm Amazon, PayPal, Sony, giáo phái Khoa luận giáo, chính phủ Úc, Ấn Độ, Syria, Mỹ…

Anonymous tiếp tục hoạt động xâm nhập mạng đến ngày này. Kể từ năm 2011, hai nhóm hacker liên quan nhau được hình thành từ Anonymous. Đó là LulzSec và AntiSec.

Anonymous là nhóm hacker phi tập trung. Nguồn: Kaspersky.

TÙNG GIA
Nguồn: tienphong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.