Chuyên mục
'Công chúa' Lào và mối ân tình Việt
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

'Công chúa' Lào và mối ân tình Việt

Thứ ba 12/06/2012 09:54 GMT + 7
Ăn cơm bụi, ở ký túc xá, phóng xe máy như người Việt, hoà mình vào hoạt động tình nguyện…, nhưng Nhotkhammani Souphanouvong, 25 tuổi, vẫn toát lên thần thái, nét đẹp kiêu sa, tinh tế của một cô gái thuộc dòng dõi Hoàng tộc Lào.

Bạn bè đều gọi Nhotkhammani là Công chúa Lào, nhưng bạn luôn từ chối danh xưng đó và chỉ nhận mình như một cô gái bình thường mang hai dòng máu Lào - Việt.

Thân thiện, cởi mở và giao thiệp rộng, nhưng Nhotkhammani hiếm khi nói về gia đình mình nên ít người biết ông ngoại cô là Hoàng thân đỏ Souphanouvong, cố Chủ tịch nước CHDCND Lào, với cuộc hôn nhân lưu danh sử sách cùng thiếu nữ Việt Nam Nguyễn Thị Kỳ Nam, nữ sinh trường Đồng Khánh, quê ở Nha Trang.

Nhotkhammani tâm sự hơn 70 năm trước bà ngoại đã chấp nhận nhiều gian khổ, hy sinh để theo ông về Lào nên lớn lên bạn lại muốn trở về Việt Nam. Và năm mới 16 tuổi, Nhotkhammani rời đất nước triệu voi, trở về quê ngoại để học tập, tìm hiểu thật nhiều điều để sau này có thể góp phần cho mối quan hệ giữa hai đất nước ngày càng tốt đẹp.

Được tiếp xúc với tiếng Việt từ nhỏ lại chịu ảnh hưởng của văn hoá Việt từ bà và mẹ, nhưng những ngày đầu mới sang Việt Nam học trung học (trường Hữu nghị 80 ở Sơn Tây) để lại cho thiếu nữ Lào 16 tuổi Nhotkhammani nhiều cảm xúc khó quên. 

Nhotkhammani (trái) và anh Nguyễn Đắc Vinh (nay là Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn) tại Gala sinh viên kỷ niệm 35 năm Quốc khánh Lào (2010).

Vốn được ông bà và mẹ chăm bẵm từ nhỏ nên mọi thứ với cô ở vùng đất mới đều khó khăn từ việc đi lại, ăn uống và thời tiết. “Những ngày đó buồn đến phát khóc. Mẹ thường xuyên phải gọi điện động viên mình cố gắng để không phụ lòng những người trong gia đình”, Nhotkhammani kể.

Cuộc sống tự lập giúp Công chúa trưởng thành nhanh hơn và năm 2003, Nhotkhammani là nữ sinh Học viện Ngoại giao ngành chính trị quốc tế, rồi nhận bằng thạc sĩ loại giỏi năm 2009.

Thấm thoắt đã 10 năm Nhotkhammani sống tự lập trên đất Việt và nay sắp nhận bằng Tiến sĩ với đề tài quan hệ Lào - Việt. Với khả năng tiếng Việt vượt trội, chịu ảnh hưởng nhiều của lối sống Việt và còn có tên Việt là Nguyễn Thị Kim Nga nên khi mới tiếp xúc ít ai nghĩ Nhotkhammani là người Lào.

Dù vậy, Nhotkhammani luôn giữ được nét dung dị, vẻ đẹp đằm thắm của một thiếu nữ Lào thường xuyên mặc đồ truyền thống khi đi học cũng như đi chơi cùng bạn bè Việt Nam.

Tự nhận mình là người thích cuộc sống đơn giản, chân thật, ngay thẳng và ham học hỏi, Nhotkhammani cho rằng mình có vẻ già dặn và chín chắn hơn hơn so với bạn bè Việt - Lào cùng trang lứa bởi có cuộc sống tự lập trong nhiều năm.

Nhờ kết quả học tập tốt, Nhotkhammani luôn được nhận học bổng nên chỉ thỉnh thoảng mới phải xin tiền mẹ. Nhotkhammani đặc biệt thích các hoạt động tập thể, thường đứng ra tổ chức hoặc tham gia giao lưu thể thao, văn nghệ, tham quan, chia sẻ kinh nghiệm... giữa học sinh Lào với bạn trẻ Việt Nam.

Nổi danh từ thời trung học ở Sơn Tây bởi năng khiếu ca hát, nên bạn thường khởi xướng và tổ chức các chương trình văn nghệ Lào - Việt.

Nhotkhammani cũng tích cực tham gia các hoạt động, giao lưu với bạn bè quốc tế để mở rộng quan hệ, tăng thêm vốn hiểu biết đồng thời giới thiệu với bạn bè đất nước Lào.

Năm 2006, Nhotkhammani từng khiến nhiều trái tim của các chàng sinh viên Việt Nam và quốc tế thổn thức khi trở thành Hoa khôi hữu nghị của Học viện Ngoại giao.

Trong vai trò tổ chức, kết nối các hoạt động, Nhotkhammani hiện là Phó Chủ tịch Hội sinh viên Lào tại Hà Nội, Phó Bí thư Đoàn lưu học sinh Lào tại Việt Nam.

Công chúa Lào đặc biệt thích đi nhiều, đi xa tới các vùng đất ở Việt Nam để thấy được nhiều góc cạnh cuộc sống, mở rộng hiểu biết và quen biết thêm nhiều người.

Bạn chỉ tiếc chưa có cơ hội để được đi nhiều vào miền Nam, về quê hương của bà ngoại và chắc chắn sẽ thực hiện trong thời gian tới. 

 

Nhotkhammani (trái) và mẹ tại Lễ nhận bằng thạc sĩ năm 2009.

Nhotkhammani có rất nhiều bạn Việt Nam lại chịu khó rong ruổi nên biết rất nhiều món ăn Việt, đặc biệt thích phở và bún đậu mắm tôm. Những lúc rảnh rỗi, Nhotkhammani lại cùng bạn bè phóng xe máy đi bát phố, ngồi trà đá, trà chanh vỉa hè, tận hưởng cuộc sống ở cả vùng đô thị và nông thôn.

Tuy nhiên, phần lớn thời gian Nhotkhammani dành để đọc sách báo, phục vụ cho đề tài nghiên cứu. “Bây giờ hầu hết bạn bè Việt Nam của mình đã ra trường, đi làm và lập gia đình, nhưng mình vẫn thường xuyên liên lạc”, Nhotkhammani kể.

Sang một đất nước không có bạn bè cũ, người thân ở bên, Nhotkhammani thấm thía sự quan trọng của những người bạn và bài học tự lực phấn đấu trong mọi hoàn cảnh.

Gia đình là động lực

Nhotkhammani chia sẻ việc sinh ra trong một gia đình danh giá không tạo áp lực mà là động lực, niềm tự hào để bạn luôn cố gắng vươn lên trong bất kỳ việc gì.

Hồi nhỏ mỗi lần cùng mẹ về thăm ông bà ngoại, Nhotkhammani thường được uống sữa ca cao do chính tay ông ngoại tự pha và được nghe kể nhiều câu chuyện lịch sử liên quan đến Việt Nam.

Nhotkhammani cũng được ông bà và mẹ hay kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cuộc gặp gỡ của gia đình Souphanouvong với Bác Hồ và mối ân tình của gia đình với Việt Nam...

Mẹ của Nhotkhammani cũng được đặt tên Việt Nam là Nguyễn Thị Kiều Nga và hiện là Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng NDCM Lào.

Nhotkhammani cho biết mẹ có ảnh hưởng đặc biệt với bạn và dù rất bận nhưng bà vẫn dành thời gian động viên, giúp đỡ con gái trong mọi hoàn cảnh.

Mỗi lần mẹ sang Việt Nam công tác, Nhotkhammani lại có dịp được cùng mẹ gặp gỡ những người bạn Việt Nam thân tình của mẹ để hiểu thêm mối ân tình Việt- Lào.

Nhotkhammani kể ngay cả việc bạn lựa chọn vào Học viện Ngoại giao cũng phần lớn là do ảnh hưởng từ mẹ. “Ngày trước mẹ mình cũng là sinh viên của trường.

Năm 1967, đế quốc Mỹ ném bom Hà Nội, trường sơ tán ở Bắc Thái. Mẹ kể ban ngày đi học, ban đêm đi làm đường để pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ, sau đó mẹ được phong là dũng sĩ diệt Mỹ.

Mẹ tốt nghiệp bằng ưu cùng con gái Tổng Bí thư Lê Duẩn. Có một lần mẹ về ăn cơm cùng gia đình, Tổng Bí thư Lê Duẩn tiếp đãi mẹ rất thân tình. Nhotkhammani kể.

Chia sẻ dự định tương lai, Nhotkhammani cho biết xong bằng tiến sĩ bạn sẽ tiếp tục nghiên cứu về quan hệ Lào - Việt và mong muốn được làm việc trong ngành ngoại giao.

Hỏi về chuyện tình duyên, Công chúa cho biết vẫn đang tìm một nửa của mình và biết đâu lại bén duyên với một chàng trai Việt Nam.

* Nhotkhammani cho biết ông ngoại là Hoàng thân Souphanouvong thường kể cho con cháu nghe về mối tình với bà ngoại là người Việt Nam. Trong lần bà được nghỉ lễ và về Nha Trang giúp bố mẹ trông nom việc kinh doanh ở khách sạn đã gặp ông, khi đó là kỹ sư cầu đường.

Tình yêu nảy nở, sau đám cưới, bà cùng ông về Lào để xây dựng cơ sở cách mạng. Ông đặt tên tiếng Lào cho bà là Viêng Khăm Souphanouvong (có nghĩa là Thành vàng).

Mẹ của bạn được ông đặt tên là Nhotkeomani Souphanouvong (Đỉnh châu báu) và tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Kiều Nga. Nhotkhammani Souphanouvong trong tiếng Lào nghĩa là Đỉnh vàng và tên tiếng Việt của bạn là Nguyễn Thị Kim Nga.

* Nhotkhammani là Phó Chủ tịch Hội sinh viên Lào tại Hà Nội, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên lưu học sinh Lào tại Việt Nam. Hàng năm Nhotkhammani đều nhận được Bằng khen LHS Lào có thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa xuất sắc của Đại sứ quán Lào, Bằng khen Thanh niên LHS Lào xuất sắc của T.Ư Đoàn Thanh niên NDCM Lào.

Với thành tích học tập tốt, bạn được nhận học bổng của Học viện Ngoại giao và Cty cổ phần kết nối Việt - Lào... Nhotkhammani đã trở thành Đảng viên Đảng NDCM Lào.

Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.