Chuyên mục
Đồi Chim sẻ thơ mộng trong trái tim người Việt ở Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đồi Chim sẻ thơ mộng trong trái tim người Việt ở Nga

Thứ bảy 08/07/2017 08:05 GMT + 7
Đồi Chim sẻ là đỉnh cao nhất trong số 7 đỉnh cao của Moscow. Từ độ cao 220m so với mặt nước biển ta có thể bao quát toàn bộ thành phố. Với người Việt nói riêng và du khách nước ngoài nói chung, Đồi Chim sẻ là điểm muốn đến và cần đến thứ hai ở Moscow, sau Quảng trường Đỏ, Điện Kremlin.


Ngọn đồi trải dài theo bờ sông, thuộc quận Tây-Nam, cách Hồng Trường chừng dăm cây số theo đường chim bay. Cảnh ở đây đẹp đủ bốn mùa: Xuân hoa táo, hoa tử đinh hương, hoa bồ công anh nở tưng bừng; Hè rừng sồi, bạch dương xanh ngắt; Mùa thu lá phong vàng rực; Mùa đông tuyết trắng xóa, trở thành “dãy núi Alps” cực kỳ hấp dẫn đối với dân ưa trượt tuyết.

Thích hợp với người Việt hơn cả là mùa hè và mùa thu. Đồi Chim Sẻ thật lý tưởng để xây đài vọng cảnh. Từ đây vào những ngày đẹp trời chúng ta có thể nhìn thấy gần như toàn cảnh Mátxcơva.

Cánh rừng thiên tạo thơ mộng chạy theo bờ dốc hữu ngạn sông Matxcơva, đối diện với tổ hợp thể thao Olympic Luzhniki hoành tráng. Con sông Matxcơva tạo ra khúc gấp lớn ngay tại đây, đổi từ hướng Đông Nam sang hướng Đông rồi Đông Bắc.

Năm 1911, dưới thời Nga hoàng, khu rừng rậm rạp bắt đầu được cải tạo thành công viên sinh thái rộng 100 hecta và tới năm 1914 thì hoàn thành cơ bản. Ngày nay có rất nhiều con đường len lỏi dưới tán cây từ bờ cao dẫn xuống sông. Có đường dành cho người đi xe đạp, có đường dành cho người đi bộ. Có con đường thoai thoải, có những con đường rất dốc. Lại có những đoạn cầu thang dài bằng gỗ thông rất đẹp.


Khách du lịch có hành trình và con đường riêng để vừa tham quan vừa tìm hiểu thế giới thực vật và động vật quý hiếm ở đây. Đi trên những con đường đó, ta cảm giác lạc vào rừng sâu, ở một nơi rất xa đô thị mặc dù chỉ cách dòng xe cộ nườm nượp có khi chỉ vài trăm mét. Trong rừng có những chiếc hồ nhỏ nuôi vịt và thiên nga. Trên đường, ta thỉnh thoảng gặp những tấm biển nhỏ giải nghĩa về các loại cây, hoa và chim thú. Xen kẽ với các khu rừng rậm rạp là những bãi cỏ thoáng đãng mọc đầy hoa dại. Hiện tại xe hơi bị hạn chế khắt khe tại khu rừng – công viên và sắp tới sẽ bị cấm hẳn.

Các con đường đôi chạy dọc bờ sông gây ấn tượng với một bên là cây lá um tùm và một bên là dòng nước trôi lững lờ. Bản thân kè đá hai bên bờ sông Matxcơva cũng là một công trình vĩ đại. Cách một quãng kè đá lại hạ thấp xuống với những bậc thang dẫn tới sát mép nước. Đó là bến đỗ của những con tàu trắng chở khách dạo trên sông. Chủ nhật, thứ bảy có nhiều đám cưới tổ chức ngay trên tàu. Cảnh tượng chú rể bế cô dâu chụp ảnh bên kè đá thật đẹp.

Những cây cầu vắt ngang sông tạo nên nét chấm phá cho bức tranh thủy mặc. Kỳ vĩ nhất là cây cầu đồng thời là ga tàu điện ngầm cũng mang tên “Đồi Chim Sẻ”. Đây là ga tàu điện ngầm duy nhất nằm lơ lửng trên mặt nước. Ga dài 270 mét, hai bên được ốp kính trong suốt để hành khách có thể ngắm nhìn dòng sông.


Du khách Việt thích đến Đồi Chim Sẻ vì ngoài vẻ đẹp tự thân của nó còn có công trình kiến trúc độc đáo – khu nhà mới của Trường đại học tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lomonosov (MGU) được xây dựng trong các năm 1949 – 1953. Tòa nhà chính tuyệt đẹp cao 240 mét với tháp nhọn 57 mét nằm chính giữa khuôn viên rộng 160 hecta trồng rất nhiều hoa và cây xanh. Trên quảng trường trước MGU du khách nước ngoài và người dân Matxcơva thường tụ tập để ngắm toàn cảnh thành phố.

Người Việt chúng ta vẫn quen hơn với tên gọi Đồi Lênin (trong tiếng Nga không phải là “đồi” mà là “núi”) bởi vì từ năm 1935 đến năm 1999 Đồi Chim Sẻ được đổi tên để tưởng nhớ với vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới. Góc đẹp nhất của Matxcơva mang tên Đồi Chim Sẻ là vì xa xưa ở đây có một ngôi làng được gọi như vậy. Không phải do có nhiều chim sẻ mà là vì ở ngôi nhà thờ cạnh làng có một vị cha cố người nhỏ thó, lưng lại hơi gù. Dân trong vùng trìu mến gọi trộm ông là “Cha cố chim sẻ”…

Nguyễn Anh Tú
Nguồn: Bamboo. Travel
32 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.