Chuyên mục
Vụ lao động Belarus kêu cứu: Lộ kiểu
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Vụ lao động Belarus kêu cứu: Lộ kiểu "quay tiền" khép kín của SELACO

Thứ sáu 03/04/2015 04:28 GMT + 7
Nhiều dấu hiệu cho thấy, Trung tâm Petromanning đã "thay mặt" Công ty SELACO thu nhiều khoản tiền mập mờ của người lao động...

Thu phí mập mờ

Hàng chục lao động Việt Nam vừa trở về từ Belarus có nguy cơ trắng tay sau thời gian ngắn làm việc tại nước bạn. Vào thời điểm trước khi xuất cảnh, người lao động phải đóng nhiều khoản chi phí mập mờ.

Theo đó, để hoàn tất thủ tục sang làm việc tại Belarus, ông Đặng Đình Hòa – Phó giám đốc Công ty SELACO đã thông qua đơn vị trung gian, Trung tâm xuất khẩu lao động và dịch vụ (gọi tắt là Petromanning) để tuyển lao động.

Mặt khác, để có nguồn lao động cung ứng cho Công ty SELACO, lãnh đạo Trung tâm Petromanning đã “ủy quyền” cho đội “cò” chuyên nghiệp, trực tiếp đến các địa phương (Thanh Hóa, Hà Tĩnh…) vận động người dân đi xuất khẩu lao động.

Với mỗi lần giới thiệu, đưa người đi xuất khẩu lao động thành công, theo chính người lao động tố cáo thì “cò” chuyên nghiệp thường lấy của họ số tiền từ 3-5 triệu đồng.

“Để mồi chài người lao động, T. (“cò” – PV) đưa ra mức lương hấp dẫn từ 1.000USD – 1.500USD mà lao động có thể nhận được khi làm việc tại nước bạn. Sau khi đồng ý đi xuất khẩu lao động, T. giới thiệu người lao động đến Trung tâm Petromanning, để hoàn thiện các thủ tục giấy tờ, tài chính…”, anh N.V, một lao động vừa trở về từ Belarus cho biết.

Phí xuất khẩu lao động được chuyển vào một tài khoản cá nhân của nhân viên công tác tại
trung tâm Petromaning (ảnh: ĐỨC THIỆN)

Cũng theo xác minh, hầu hết hồ sơ tuyển dụng, các khoản chi phí, tuyển chọn người lao động, đều thông qua đơn vị trung gian - Trung tâm Petromanning.

Theo tố cáo, để được đi xuất khẩu lao động, mỗi lao động phải nộp cho Trung tâm này (hoặc thông qua “cò” lao động) tổng số tiền lên tới gần 100 triệu đồng (chưa tính chi phí ăn ở, đi lại, tiền học tiếng). 

Số tiền này được thu theo hình thức chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của nhân viên Trung tâm này, hoặc người lao động nộp tiền mặt tại trung tâm nhưng không được trung tâm xuất phiếu thu.

Cũng theo phản ánh của nhiều lao động, hầu hết người lao động nộp tiền cho Trung tâm Petromanning đều không được hướng dẫn các khoản phí cụ thể khi đi xuất khẩu lao động.

“Họ nói đi xuất khẩu lao động phải mất chi phí như vậy, nhưng không hướng dẫn cụ thể số tiền thu đó bao gồm các khoản gì? Chúng tôi vì không được học hành đến nơi đến chốn nên không nắm rõ được vấn đề tiền nong mà đơn đã thu”, anh T.V.T (Thanh Hóa) cho biết”.

Hầu hết số lao động đã qua "đào tạo" tại Trung tâm này sau đó đều được chuyển sang, ký hợp đồng xuất khẩu lao động với Công ty SELACO do ông Đặng Đình Hòa làm Phó giám đốc.

Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng làm việc tại Belarus, hầu hết lao động Việt Nam đều phải viết xin về nước bởi công việc không ổn định, chế độ đãi ngộ không tương xứng với sức lao động bỏ ra…Sự việc khiến nhiều lao động lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”

Sai quy định

Trước sự việc có liên quan, trong cuộc trao đổi với phóng viên hôm 26/3, ông Đặng Đình Hòa, Giám đốc Trung tâm Petromenning (kiêm Phó giám đốc Công ty SELACO) cho rằng đã làm đúng luật và hết trách nhiệm.

“Mọi vấn đề từ khâu tuyển dụng, đào tạo, ký hợp đồng xuất khẩu lao động chúng tôi đều thực hiện đúng theo quy định. Các giấy tờ, văn bản liên quan đến việc xuất khẩu lao động của chúng tôi đều đã được Cục quản lý lao động ngoài nước thông qua, cho phép”, ông Hòa nói.

Ông Đặng Đình Hòa - Giám đốc Trung tâm Petromanning (ảnh: QUỐC TOẢN)

Về các khoản chi phí Trung tâm đã thu từ phía người lao động, ông Đặng Đình Hòa cho rằng, đơn vị thực hiện đúng quy định theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phía lãnh đạo Trung tâm này từ chối cung cấp chi tiết các khoản phí đã thu của người lao động: “Chúng tôi sẽ chuyển cho các anh sau”, ông Hòa nói.

Như vây, việc Trung tâm Petromanning “thay mặt” Công ty SELACO đứng ra tuyển dụng, thu phí…của người lao động, có đúng theo các quy định của pháp luật?.

"Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính với các vi phạm trong lĩnh vực lao động cũng nói rõ mức phạt 40 triệu đồng nếu phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu lao động không tuyển chọn trực tiếp...", ông Nguyễn Xuân An - Phó  chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu lao động.

Về việc này, chiều ngày 1/4, trao đổi với Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, ông Nguyễn Xuân An, Phó  chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu lao động (VAMAS) cho biết, quy định của pháp luật về lĩnh vực xuất khẩu lao động  bắt buộc các doanh nghiệp phải trực tiếp tuyển dụng lao động. 

"Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính với các vi phạm trong lĩnh vực lao động cũng nói rõ mức phạt 40 triệu đồng nếu phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu lao động không tuyển chọn trực tiếp. Trên thực tế, việc tuyển dụng thông qua “cò” lao động lại diễn ra tương đối phổ biến", ông An cho biết.

Ông An cũng cho biết thêm, nhiều cơ sở xuất khẩu lao động không hoạt động đơn lẻ mà thậm chí thông qua nhiều tầng nấc khác nhau, làm tăng thêm các loại phí đen…

Công ty SELACO mang người lao động ra nước ngoài rồi bỏ mặc

Trong đơn cầu cứu gửi tới Báo điện điện tử Giáo dục Việt Nam, một số lao động Việt Nam vừa trở về từ Cộng hòa Belarus phản ánh, Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và Dịch vụ Vận tải Thuỷ Miền Nam (gọi tắt là SELACO) có dấu hiệu lừa đảo khi đưa ra các khoản thu phí mập mờ, quyền lợi người lao động không được đảm bảo như cam kết...

Theo đó, khoảng tháng 10/2014, ông Đặng Đình Hòa - Phó giám đốc Công ty SELACO (có chi nhánh tại Hà Nội) làm thủ tục đưa 37 lao động người Việt Nam sang Cộng hòa Belarus làm việc theo hợp đồng đã ký, trong thời hạn 36 tháng.

Tuy nhiên sau khoảng 4 tháng làm việc, một số lao động Việt Nam buộc phải “ngậm đắng nuốt cay”, viết đơn xin về nước với lý do, tiền lương không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, công việc không thuận lợi...

Anh Nguyễn Hữu Trình (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), một trong số các lao động trở về nước sau hơn 4 tháng làm việc tại Belarus cho biết: “Chúng tôi được Công ty cung ứng lao động ký hợp đồng, đưa sang nước bạn làm việc nhưng lại không biết trước công việc cụ thể là gì? chưa từng biết mặt chủ sử dụng lao động như thế nào? 

Ở bên này, công việc của chúng tôi hầu hết đều tuân thủ theo sự sắp xếp của một cán bộ tên Khanh, tự xưng là người của SELACO. Đại diện công ty này đưa chúng tôi đi làm với nhiều ngành nghề khác nhau, người thợ xây, thợ sơn…Tuy nhiên, khi làm được một thời gian ngắn thì họ bảo hết việc nên nghỉ chờ”.


Anh Trịnh Văn Thúy về nước với 2 bàn tay trắng sau thời gian làm việc tại Belarus
(ảnh: Đức Thiện)

Cũng theo anh Nguyễn Hữu Trình, do công việc được giao không đều, nên người lao động chỉ được tính công khá bèo bọt: “Có tháng chúng tôi chỉ làm việc được khoảng 15 ngày, còn lại là nghỉ vì không có việc. Khi lao động thắc mắc thì chủ nói chưa tìm được việc làm ổn định”.

Trước đó, người lao động để được đi làm việc tại nước bạn với mức lương như thỏa thuận là 300USD/tháng đối với lao động thử việc, 500USD/tháng đối với lao động chính thức, mỗi người phải đóng cho Công ty SELACO các khoản phí lên tới gần 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền mà người lao động nhận được từ chủ sử dụng lại không đúng như hợp đồng đã ký kết: " Mỗi tháng chúng tôi chỉ nhận được 60 – 70 USD/tháng, kể cả phải làm việc thứ 7, chủ nhật", anh Trịnh Văn Thúy (Thanh Hóa), bức xúc.

Anh Thúy cho biết thêm, do tiền ăn, sinh hoạt không đáp ứng, nên nhiều lao động phải ra chợ của người Việt Nam tại Belarus để mua chịu thực phẩm sống qua ngày.

Đây là hai trong số nhiều trường hợp lao động người Việt Nam tại Belarus "sống dở, chết dở", phải xin về nước trước thời hạn bởi sự đối đãi được cho là thiếu công bằng của chủ sử dụng lao động.

“Về nước thì không được kiện” 

Cũng theo phản ánh của người lao động, để được chấp thuận về nước, họ buộc phải tự nguyện viết đơn với điều kiện không được kiện đơn vị cung ứng lao động: “Họ nói, nếu không viết giấy cam kết theo nội dung trên thì không được về nước”, anh Trần Văn Thúy bức xúc.

Nhiều lao động sau khi về nước với lý do không có việc làm, công việc không ổn định, thu nhập thấp, đã tìm đến Công ty xin rút hồ sơ và tiền đặt cọc, nhưng chưa được lãnh Công ty đáp ứng.

“Khi đến trụ sở làm thủ tục, đại diện Công ty SELACO nói lãnh đạo Công ty sẽ xem xét. Tuy nhiên đã 2 tháng trôi qua, kể từ khi về nước, người lao động vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía đơn vị này”, anh Nguyễn Hữu Trình bức xúc.

Hôm 26/3, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về trách nhiệm của Công ty SELACO trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đại diện Công ty cung ứng lao động cho rằng họ làm đúng luật và hết trách nhiệm. 

“Hợp đồng đơn vị ký với người lao động đã được cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ. Còn việc lao động xin về nước là do họ tự nguyện chứ chúng tôi không ép buộc. Một số lao động khác về nước trước thời hạn là do người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc nên bị chủ sử dụng lao động thanh lý hợp đồng sau thời gian thử việc”, ông Đặng Đình Hòa làm Phó giám đốc Công ty SELACO lý giải.

Tuy nhiên, một trong số các điều khoản của hợp đồng xuất khẩu lao động quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động nêu rõ; Người lao động được tham gia đầy đủ khóa đào tạo nghề theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…

Thực tế khi người lao động ký kết hợp đồng với đơn vị cung ứng lao động, không ghi rõ ngành nghề cụ thể, cũng không được đào tạo nghề theo quy định. Như vậy việc người lao động bị thanh lý hợp đồng thuộc trách nhiệm của ai?

Hợp đồng không số, không ghi rõ ngành nghề từ phía đơn vị cung ứng lao động
(ảnh: Đức Thiện)

Lý giải về việc, mức lương chủ sử dụng lao động chi trả cho người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của họ, lãnh đạo Công ty SELACO cho rằng: “Mức thù lao chưa xứng đáng với công sức bỏ ra, thì chúng tôi tìm việc khác cho người lao động, nhưng người lao động dứt khoát vẫn không nghe và xin về nước…”, ông Đặng Đình Hòa cho hay.

Cũng theo ông Đặng Đình Hòa, trường hợp người lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng với chủ sử dụng lao động vì lý do không chính đáng, thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động, hoặc bên đưa đi về những thiệt hại theo quy định.

Thực tế trên khiến hàng chục lao động người Việt Nam có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay sau một thời gian làm việc tại Belarus…

ĐỨC THIỆN - XUÂN QUANG
Nguồn: giaoducvietnam.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.