Chuyên mục
Thị trường hải sản 4 tỉnh miền Trung: Ảm đạm vì dân chưa tin
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Thị trường hải sản 4 tỉnh miền Trung: Ảm đạm vì dân chưa tin

Thứ năm 01/09/2016 03:23 GMT + 7

Những con thuyền tại âu thuyền Kỳ Lợi (TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đắp chiếu sau khi xảy ra sự cố Formosa.

Mặc dù đã nỗ lực kích cầu để tăng tiêu thụ hải sản ở 4 tỉnh miền Trung sau thảm họa môi trường biển, thế nhưng việc tiêu thụ vẫn khó khăn. Đến nay, hải sản tồn kho đông lạnh đang tồn hơn 4.000 tấn. Ngay cả những điểm bán hải sản được chứng nhận “đảm bảo an toàn” cũng phải đóng cửa... Nguyên nhân, vì người dân vẫn còn tâm lý lo ngại, chưa tin tưởng hải sản an toàn. 

Hàng ngàn tấn hải sản tồn kho đông lạnh

Ngày 31.8, bà Nguyễn Thị Tứ - chủ cơ sở thu mua hải sản Toàn Tứ (thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) - cho biết, đến nay, trong kho đông lạnh của mình còn tồn gần 140 tấn hải sản. Trong đó, 65 tấn mua trước thời điểm cá chết, 74 tấn mua sau thời điểm cá chết theo kêu gọi của chính quyền, mua để hỗ trợ ngư dân, nếu khó tiêu thụ sẽ được hỗ trợ. Tổng số hải sản không tiêu thụ được này tương ứng hơn 3 tỉ đồng.

Cũng theo bà Tứ, đối với 74 tấn hải sản thu mua sau đợt hải sản chết hàng loạt, có một số loại được dán tem đảm bảo an toàn, một số không dán tem. “Dán tem cũng khó bán vì tồn kho lâu rồi, chất lượng hải sản giảm rồi” - bà Tứ nói.

Tương tự, chị Hoàng Thị Ngọc Bính, chủ cơ sở thu mua hải sản Lan Bích (xã Thạch Kim) cũng đang tồn kho lượng lớn hải sản với tổng tiền hơn 3 tỉ đồng. Nay việc tiêu thụ cũng vô cùng khó khăn, hướng xử lý cũng chỉ biết trông chờ vào thống kê thiệt hại để được bồi thường. Thống kê từ Sở Công thương Hà Tĩnh, tính sơ bộ đến nay toàn tỉnh đang tồn trong các kho đông lạnh 1.600 tấn hải sản do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển.

Tại Quảng Bình, theo bà Hoàng Thị Hương - chủ kho đông lạnh Phước Sang (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch), hiện cơ sở của bà đang tồn đọng trên 400 tấn cá, trong đó 200 tấn từ trước khi xảy ra sự cố môi trường biển, 200 tấn mua sau sự cố môi trường. Việc không bán được cá đã đành, doanh nghiệp còn phải chi trả một lượng lớn tiền để duy trì việc cấp đông. Riêng tiền điện, đã tốn trên 200 triệu đồng mỗi tháng” - bà Hương than thở.


Hải sản đông lạnh tồn kho ở Quảng Trị. Ảnh: HƯNG THƠ 

Còn bà Nguyễn Thị Nê - chủ cơ sở đông lạnh An Bình - thì than thở “cá trong kho của tôi đã được kiểm nghiệm an toàn rồi nhưng không thể tiêu thụ được, giờ ai sẽ tiêu thụ cho chúng tôi đây? Chúng tôi thấy lo và hoang mang lắm”. Theo ông Nguyễn Cẩm Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch, riêng huyện này đang tồn kho 1.000 tấn hải sản.

Tại Quảng Trị, anh Lê Ánh Minh - chủ một kho đông lạnh ở thị trấn Cửa Tùng - cho biết, hiện tại cơ sở này còn tồn kho 20 tấn hải sản được mua trước và sau thời điểm cá chết. Mặc dù đã đem đi xét nghiệm, tất cả đều an toàn nhưng vẫn không bán được.

“Chết” dần những điểm bán “hải sản đảm bảo an toàn”

Tại Hà Tĩnh, sau khi xảy ra tình trạng cá chết, để kích cầu, từ ngày 12.5, Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở NNPTNT, Sở Y tế, các huyện, thị xã, thành phố mở 25 điểm bán hải sản đảm bảo an toàn, được lấy mẫu phân tích và dán tem chứng nhận. Thế nhưng, theo Sở Công thương Hà Tĩnh, do việc tiêu thụ khó khăn nên các điểm bán hải sản đóng cửa dần theo thời gian. Hiện chỉ còn lại 18 điểm đang hoạt động nhưng đã rơi vào tình trạng mỗi ngày, một điểm chỉ bán được vài ba cân cá.

Cũng theo báo cáo từ Sở Công thương Hà Tĩnh, tính đến nay, sau gần 4 tháng mở các điểm bán hải sản đảm bảo an toàn nhưng cũng mới chỉ bán được 18,7 tấn hải sản, tương ứng với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng. Việc bán hải sản giai đoạn đầu tiêu thụ tương đối, nhưng từ thời điểm công bố Formosa xả thải đầu độc biển và công bố một số mẫu cá nhiễm độc thì việc tiêu thụ rơi vào bế tắc, ngay cả các điểm bán hải sản đảm bảo an toàn cũng đóng cửa và “chết” dần.

Dân không tin nên ế ẩm

Ngày 31.8, ông Phan Văn Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở Nông nghiệp) Hà Tĩnh - cho biết, sau thảm họa cá chết hàng loạt, chi cục duy trì việc dán tem chứng nhận hải sản đảm bảo an toàn trong vòng khoảng một tháng rưỡi, sau đó do thị trường không tiêu thụ được nên cũng ngừng luôn việc dán tem.

“Ban đầu hy vọng người tiêu dùng tin tưởng, nhưng sau đó ai cũng quay lưng lại, nhất là sau thông tin cá nhiễm phenol ở Quảng Trị rồi công bố Formosa xả thải đầu độc biển nên thị trường tịt ngỏm luôn, nên cũng dừng việc dán tem luôn” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Trường Sinh - Phó Chi cục VSATTP Hà Tĩnh - cho biết, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, tính từ ngày 27.4 đến nay, chi cục đã lấy toàn bộ 580 mẫu hải sản gửi ra Viện Kiểm nghiệm ATVSTP để phân tích. Tuy nhiên, việc công bố kết quả sau phân tích, theo ông Sinh, hiện chi cục không được thông báo kết quả. Bởi giai đoạn đầu, khi trả kết quả về các địa phương xảy ra việc công bố không thống nhất. Do đó, sau này khi lấy mẫu gửi ra viện, khi có kết quả, viện báo cáo Bộ Y tế, sau đó Bộ Y tế phân công Cục VSATTP công bố kết quả mà không gửi về địa phương nữa.

Nói về nguyên nhân hải sản khó tiêu thụ, dù các ngành các cấp đã phối hợp lấy mẫu phân tích, dán tem chứng nhận hải sản an toàn, ông Sinh cho rằng, do tâm lý người tiêu dùng chưa tin tưởng, chưa yên tâm khi ăn hải sản. Có thể họ không tin luôn cả việc được dán tem, thậm chí họ nghĩ đó là tem giả. Nên thà không ăn còn hơn ăn mà hoang mang. Ông Hoàng Văn Quảng - GĐ Sở Công thương Hà Tĩnh cũng cho rằng, thị trường hải sản vẫn ảm đạm dù đã được lấy mẫu, dán tem an toàn vì tâm lý người tiêu dùng vẫn còn lo ngại hải sản chưa an toàn.

NHÓM PV BẮC TRUNG BỘ
Nguồn: laodong.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.