Chuyên mục
Sân bay Tân Sơn Nhất bên ngoài kẹt xe, bên trong kẹt máy bay
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Sân bay Tân Sơn Nhất bên ngoài kẹt xe, bên trong kẹt máy bay

Thứ ba 03/09/2019 04:18 GMT + 7
Nhiều năm nay, đường băng, nhà ga và sân đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất chật cứng, chen chúc. Nhiều phương án giải cứu sân bay này được bàn nhưng vẫn nằm trên giấy.

\
Vào giờ cao điểm, máy bay của các hãng hàng không cất, hạ cánh liên tục, xếp hàng dài chờ tới lượt. Tân Sơn Nhất là cảng hàng không nhộn nhịp nhất Việt Nam với hơn 38 triệu lượt khách năm 2018, vượt xa công suất thiết kế chỉ 25 triệu lượt/năm.

Theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn, trên đường dẫn luôn có từ 5 đến 10 chiếc máy bay nối đuôi nhau chờ ra đường băng. Tổng số chuyến cất, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất đạt hơn 700 chuyến/ngày.

Điểm hạn chế lớn nhất của sân bay này là có hai đường cất hạ cánh song song, nhưng chỉ cho phép duy nhất một máy bay được cất cánh hoặc hạ cánh trong cùng một thời điểm. Lý do là khoảng cách giữa trục tim hai đường băng quá gần nhau không đáp ứng tiêu chuẩn khai thác cất, hạ cánh độc lập theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Do vậy, một máy bay hạ cánh ở sân bay này phải chạy vào bãi đỗ hoặc rời khỏi đường băng chính đi vào đường dẫn thì máy bay khác mới có thể cất cánh.

Với lý do trên, nhiều máy bay phải lượn lòng vòng trên trời chờ tới lượt hạ cánh, gây ra tình trạng "ùn ứ" ngay trên không.

Nguyên nhân tiếp theo khiến tình trạng quá tải của Tân Sơn Nhất ngày càng trầm trọng là cấu trúc của hệ thống đường lăn, sân đỗ. Phần lớn các bến đỗ nằm sát nhau theo dạng xương cá về hai bên của đường lăn và các đường lăn chính chủ yếu là đường lăn "độc đạo".

Các đường lăn thoát ly của sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế khá nhỏ hiện không còn phù hợp với các loại máy bay có kích thước và tải trọng lớn.

Vị trí dự kiến xây dựng nhà ga T3 với công suất 20 triệu khách/năm của sân bay Tân Sơn Nhất hiện vẫn là bãi đỗ máy bay quân sự. Nhà ga này dự kiến xây dựng trong 3 năm nếu thủ tục suôn sẻ và có nhà đầu tư triển khai ngay. Tuy nhiên, với Luật đầu tư, thủ tục giao đất quốc phòng mới thì nhà ga này vẫn chưa biết bao giờ khởi công.

Phía trong sân bay, tại khu vực đón trả khách trước ga quốc nội Tân Sơn Nhất cũng thường xuyên kẹt cứng.

Anh Trần Đình Tiệp (nhân viên an ninh sân bay) cho biết do lượng ôtô cá nhân và taxi liên tục đổ dồn đón trả khách khiến đường dẫn phía trước ga quốc nội luôn đông đúc. "Chúng tôi luôn phải căng mình hoạt động hết công suất để hạn chế ùn ứ. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều người thiếu ý thức dừng đỗ quá thời gian quy định 3 phút càng khiến khu vực này thêm hỗn loạn".

Lúc cao điểm, tại khu vực kiểm tra an ninh, hành khách phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới tới lượt. Ảnh: Lê Quân

Nhiều giải pháp được các chuyên gia đưa ra như xây thêm nhà ga, đường lăn và sân đỗ, mở đường vào sân bay. Tuy nhiên với hình ảnh nhà dân vây kín tới sát hàng rào sân bay như thế này thì việc mở rộng hay đơn giản hơn là mở đường vào sân bay là bài toán chưa có lời giải.

Nguyên nhân chủ yếu do quá trình đô thị hóa, diện tích sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn 1/4 đến 1/5 so với trước. Cảnh tượng máy bay hạ cánh sát đầu người đã quá quen thuộc với người dân tại các tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp.

Bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất chật chội, kẹt cứng là một sân golf với những người chơi thong dong. Cụm sân golf này có quy mô lên tới 157 ha với bốn sân A, B, C và D. Riêng một phần sân A nằm phía đường Quang Trung, quận Gò Vấp, ba sân còn lại đều tiếp giáp với sân bay.

Vào các khung giờ cao điểm, các tuyến đường chính kết nối với sân bay không lối thoát. Tuyến đường Hoàng Văn Thụ hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng tầng tầng, lớp lớp các loại xe chen chúc nhau.

Theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn, những tuyến đường quanh sân bay như Trường Sơn, Hồng Hà, Cộng Hòa, Phổ Quang, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kiệm, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Quốc Hoàn thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm.

Quỳnh Danh
Nguồn: news.zing.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.