Chuyên mục
'Công nhân may VN thường đối mặt tình trạng quấy rối tình dục'
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

'Công nhân may VN thường đối mặt tình trạng quấy rối tình dục'

Chủ nhật 07/04/2019 17:08 GMT + 7
Nghiên cứu của Fair Wear Foundation và Care International cho thấy nữ công nhân may Việt Nam trong các nhà máy thường đối mặt với tình trạng quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Báo Observer, phụ san của tờ Guardian, đã công bố kết quả nghiên cứu thực hiện bởi hai tổ chức Fair Wear Foundation và Care International, cho thấy nữ công nhân ngành may mặc Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng quấy rối tình dục có hệ thống tại các nhà máy sản xuất quần áo cho những thương hiệu Mỹ và châu Âu.

Fair Wear Foundation có mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân may mặc, trong khi Care International là tổ chức nhân đạo quốc tế. Trong nghiên cứu này, gần một nửa trong số 763 phụ nữ được hỏi cho biết họ đã ít nhất một lần là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục và bạo hành tại nơi làm việc trong năm vừa qua.

Các hành vi quấy rối bao gồm sờ soạng, tát, cưỡng hiếp cho đến đe dọa hủy hợp đồng lao động - hé lộ phần nào về điều kiện lao động mà các nữ công nhân may mặc Việt Nam đang phải chịu đựng, ở các nhà máy có tới 20.000 nhân công.

Nữ công nhân may mặc Việt Nam thường xuyên phải làm việc thêm giờ trong tình trạng áp lực, cũng như phải đối mặt với các hành vi quấy rối, theo Fair Wear Foundation. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Kết quả gây sốc

"Tôi thật sự bị sốc vì có tới gần 50% người được phỏng vấn đã từng bị quấy rối trong năm vừa qua, và tôi đã nghiên cứu trong lĩnh vực này được 30 năm rồi", tiến sĩ Jane Pillinger, tác giả nghiên cứu, nhận định.

"Điều đáng nói là có một thứ văn hóa im lặng xung quanh vấn đề này và vì vậy, nhiều khả năng số lượng người bị quấy rối còn có thể cao hơn, chúng tôi phát hiện rằng một số phụ nữ sẽ không trả lời những câu được hỏi, vì sợ rằng câu trả lời của họ sẽ đến tai người chủ hoặc chồng mình", bà Pillinger cho biết.

Đây là nghiên cứu đầu tiên về đề tài bạo lực và quấy rối tình dục trong các nhà máy may mặc có yếu tố liên quan đến ngành công nghiệp "thời trang ăn liền". Các vấn đề khác bao gồm tình trạng làm thêm giờ quá mức, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài và các mục tiêu không thực tế, thường bị áp đặt bởi các khách hàng là những thương hiệu nổi tiếng, theo bà Annabel Meurs, người đứng đầu Fair Wear Foundation tại Việt Nam.

Độ tuổi, giáo dục và quê quán của người lao động cũng như dạng hợp đồng lao động của họ sẽ ảnh hưởng tới mức độ bị quấy rối. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ trẻ hơn, học vấn cao hơn hoặc đến từ nơi khác sẽ bị quấy rối nhiều hơn.

Bà Meurs nhận định: "Chúng tôi bị sốc vì những tác động bất lợi của nó. Bạo lực và quấy rối ảnh hưởng đến năng suất lao động, sức cạnh tranh và danh tiếng công ty, cũng như lòng tự trọng của người phụ nữ, sức khỏe và tinh thần họ. Nghe thì đơn giản, nhưng hầu hết thương hiệu thời trang không nhận thức được họ có tầm ảnh hưởng lớn thế nào đến điều kiện làm việc tại nhà máy".

Danh sách cụ thể các nhà máy và thương hiệu liên quan trong nghiên cứu được giữ bí mật để bảo vệ danh tính của những người được phỏng vấn trong nghiên cứu, nhưng "nhiều khả năng" nó bao gồm các thương hiệu châu Âu và Mỹ, theo bà Pillinger.

Công nhân Việt Nam trong một nhà máy may tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Reuters.

"Chính phủ Việt Nam có chính sách thu hút ngành dệt may quốc tế, và có nhiều nhà máy khổng lồ đang sản xuất quần áo, giày dép và đồ mặc ngoài trời cho thị trường Mỹ và châu Âu. Có nhiều khả năng những nhà máy này có liên quan vì họ là nhà những nhà sản xuất lớn ở Việt Nam, nhưng chúng tôi không thể nói chính xác họ là ai. Dù sao thì, họ có liên quan đến các thương hiệu trong bối cảnh nhất định", tiến sĩ Pillinger cho biết.

Nạn nhân thường cam chịu

Khoảng 2 triệu người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực may mặc, và 80% trong số họ là nữ giới. Mặc dù vậy nghiên cứu cho thấy phụ nữ mới là người phải chịu nhiều tổn thương hơn - 87,7% số phụ nữ được hỏi cho biết họ đã bị bạo hành bằng lời nói hoặc quấy rối trong năm vừa qua. Điều này được định nghĩa là các bình luận không phù hợp hoặc mang tính xúc phạm với nạn nhân hoặc về cơ thể họ.

49,5% cho biết họ bị quấy rối hoặc bạo hành trên đường đi làm hoặc về nhà, 34,3% chia sẻ họ từng bị quấy rối bằng hành động, như cưỡng hôn hoặc đụng chạm, đánh đập hoặc cọ sát. 28,9% từng bị quấy rối từ xa bằng các cử chỉ, âm thanh hoặc ánh mắt, thậm chí là email, tin nhắn phản cảm hoặc các hành động gây nguy hại đến sự an toàn của họ, như đi theo họ về nhà.

Các công nhân cũng kể lại họ phải làm việc thêm tới 90 giờ mỗi tháng trong giai đoạn bận rộn, bên cạnh công việc hàng ngày kéo dài từ 12 đến 13 tiếng. Gần một nửa số phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ phải làm thêm 60 giờ mỗi tháng, nhưng thời gian này không được tính vào lương.

Nhiều phụ nữ kể lại điều kiện làm việc vô cùng áp lực và căng thẳng tới mức họ không dám nghỉ ngơi hoặc đi toilet. "Tôi không dám vào nhà vệ sinh, nếu chúng tôi làm thế quá nhiều sẽ bị ghi lại và trừ vào tiền lương của chúng tôi", một công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

"Có lúc họ hét vào mặt và mắng mỏ chúng tôi, điều đó chỉ làm mọi thứ tệ hơn. Họ la hét rất nhiều để bắt chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn", một công nhân khác đến từ Hải Dương chia sẻ.

Nghiên cứu cũng cho thấy mỗi liên hệ giữa tình trạng làm thêm giờ và bạo hành ở nơi làm việc. Bạo lực và quấy rối có khả năng diễn ra cao hơn 3,8 lần trong mùa cao điểm so với là thời gian còn lại trong năm. Con số này là 2,4 lần khi công nhân phải làm thêm nhiều hơn 30 giờ mỗi tháng, và 1,6 lần khi họ không thể từ chối làm thêm giờ. Một công nhân ở Đồng Nai chia sẻ: "Quản lý của tôi đánh tôi bằng một cây gậy. Ông ấy ném các thứ vào tôi".

Tình trạng công nhân may mặc đình công do phải làm thêm giờ quá nhiều nhưng không được nhận thêm lương xảy ra khá phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Đắc Đức.

Các hành vi bạo lực và quấy rối cũng diễn ra nhiều hơn 1,5 lần với phụ nữ dưới 25 tuổi, 1,7 lần nhiều hơn với những người đã hoàn thành trung học hoặc sau trung học. Công nhân ngoại tỉnh bị quấy rối nhiều hơn gấp đôi, cùng tỷ lệ với người mới làm việc ít hơn một năm.

Mặc dù trên mạng xã hội ở Việt Nam, những chiến dịch nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục như #metoo và #ngungimlang đã xuất hiện, hầu hết công nhân may mặc chia sẻ họ quá sợ hãi để lên tiếng, do lo ngại bị mất việc hoặc bị quấy rối nhiều hơn.

Tương lai tích cực hơn

Bạo lực và quấy rối tình dục ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất và khả năng ghi nhớ của người lao động. Một phần tư số người được hỏi trong nghiên cứu cho biết họ gặp vấn đề về sức khỏe sau khi bị bạo hành. Một nửa trong số này cảm thấy lo lắng, mệt mỏi và stress, 1 trong 10 người chia sẻ mình bị trầm cảm.

Dù Việt Nam có quy định rõ ràng chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc, rất ít các nhà máy quan tâm đến luật này hoặc tuân thủ các quy định. Tuy nhiên, với việc hiệp định thương mại với EU sắp được ký kết, chính phủ Việt Nam sẽ có điều chỉnh nhất định về luật lao động, trong đó có bước thông qua các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về thương lượng tập thể.

Các cuộc thảo luận về một công ước mới của ILO cho bạo lực và quấy rối tình dục ở nơi làm việc sẽ diễn ra vào tháng 6 này. Đây là văn bản quan trọng để cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn tại các nhà máy may mặc trên toàn thế giới.

Bạo lực và quấy rối có thể đặc biệt phổ biến trong các chuỗi sản xuất toàn cầu như ngành may mặc, nơi có nhiều phụ nữ làm việc ở vị trí tay nghề thấp, mức lương thấp. Những công nhân này có ít quyền lực hoặc tiếng nói, và cần sự bảo vệ của luật pháp quốc gia và quốc tế, chủ tịch nhóm công nhân ILO, bà Catelene Passchier cho biết.

Bà Catelene Passchier, chủ tịch nhóm công nhân ILO, cho rằng các công nhân may mặc có ít quyền lực hoặc tiếng nói, và cần sự bảo vệ của luật pháp. Ảnh: ILO.

"Một tiêu chuẩn bắt buộc với các bên sẽ gửi đi thông điệp rõ ràng rằng bạo lực và quấy rối ở nơi làm việc là không thể chấp nhận được, và các cơ quan chức năng và chủ lao động cần phải có trách nhiệm xử lý vấn đề đó", bà Passchier chia sẻ.

Ông Mark Held đến từ Tập đoàn quần áo ngoài trời châu Âu, nhóm với thành viên là những thương hiệu đồ dùng ngoài trời nổi tiếng nhất thế giới, cho rằng nhu cầu theo mùa của ngành này có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo hành được trích dẫn trong báo cáo.

"Rõ ràng là nguyên nhân chính cho hành vi bạo lực và quấy rối này là do chúng tôi gây ra - bởi thực tế là ngành công nghiệp sản xuất phụ kiện ngoài trời hoạt động theo mùa, vì vậy thay vì có một dòng đơn hàng ổn định, các nhà máy phải đối mặt với sự gia tăng đột biến, với áp lực phải làm thêm giờ để giao hàng đúng hạn", ông Held cho biết.

Quốc Thăng
Nguồn: news.zing.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.