Chuyên mục
Cuộc chiến làm thay đổi thế giới

Cuộc chiến làm thay đổi thế giới

Thứ ba 10/01/2023 10:23 GMT + 7

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh đời sống quốc tế năm 2022, không nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến tranh nổ ra ở Ukraine đã là một cơn địa chấn địa chính trị làm rung chuyển toàn bộ thế giới. Nói cách khác, khi cuộc xung đột này nổ ra và chưa biết bao giờ kết thúc, thế giới đã không thể như trước nữa…


Trật tự thế giới đơn cực liệu đã kết thúc?

4 tháng sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, vào trung tuần tháng 6/2022, từ thành St. Petersburg của nước Nga, Tổng thống V.Putin tuyên bố: “Trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc!”.

Đấy chính là cái trật tự thế giới đã được định dạng sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt với Mỹ được coi là cực còn lại duy nhất sau cuộc đối đầu gay cấn kéo dài suốt gần nửa thế kỷ với Liên Xô. Trong gần nửa thế kỷ ấy, có không ít những thời điểm thế giới đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10/1962, hay cuộc tập trận Able Archer của NATO năm 1983...

Sau cuộc chính biến tháng 8/1991 dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, phương Tây “nghĩ rằng họ đã chiến thắng và sau đó mọi thứ khác chỉ là thuộc địa, sân sau, còn những người sống ở những nơi đó là các công dân hạng hai” - như phát biểu của Tổng thống Nga tại một diễn đàn kinh tế quốc tế ở St. Petersburg.

Nước Nga đã mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine với tư cách là một "quốc gia hùng mạnh và hiện đại", theo lời khẳng định của ông V.Putin. Bằng chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga muốn hướng tới việc các quy tắc của trật tự toàn cầu mới được thiết lập bởi "các quốc gia mạnh và có chủ quyền".

Nói cách khác, nước Nga không cam chịu vị thế “thuộc địa, sân sau” và muốn hình thành một trật tự thế giới đa cực, khởi đầu bằng việc đương đầu trực diện với phương Tây thông qua cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine. Theo quan điểm của Nga, cuộc xung đột này đã phá tan “trò chơi địa chính trị của phương Tây”, muốn biến Ukraine thành mối đe dọa dài hạn với Nga

Mỹ và phương Tây không chấp nhận thông điệp thách thức gửi đi từ Moscow, tận dụng toàn bộ những ưu thế về kinh tế, công nghệ để đàn áp nền kinh tế Nga. “Ý định của họ rõ ràng là bóp chết nền kinh tế Nga bằng cách phá vỡ chuỗi hậu cần, đóng băng các tài sản quốc gia và tấn công vào mức sống, nhưng họ đã không thành công” - Tổng thống Nga kết luận về những gì mà nước Nga gặp phải khi cố gắng phá vỡ định dạng đơn cực đã tồn tại trên thế giới nhiều năm qua.

 

Trung Quốc và Nga tuyên bố sẽ nỗ lực chung để xây dựng trật tự thế giới đa cực.

 

Sự cứu rỗi cho Mỹ và phương Tây

Không biết những gì mà Tổng thống Nga nói về một trật tự đa cực mới có thể hình thành từ cuộc chiến ở Ukraine có trở thành hiện thực hay không, nhưng ông V.Putin đã đúng ở một điều khi nói rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã trở thành “một thứ cứu rỗi để phương Tây đổ lỗi mọi vấn đề cho Nga”.

Mà không chỉ là cái cớ để đổ lỗi cho Nga, “chiến dịch quân sự đặc biệt” còn thực sự cứu rỗi Mỹ và phương Tây trên nhiều phương diện.

Đêm 30/8/2021, chuyến bay cuối cùng do một chiếc vận tải cơ quân sự C-17 thực hiện đã cất cánh rời sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan, đánh dấu sự kết thúc sứ mệnh vô cùng tốn kém cả về nhân lực và vật lực kéo dài 20 năm của Mỹ tại Afghanistan.

Đấy là cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của 2.448 binh lính Mỹ, khiến 20.722 người Mỹ khác bị thương, tiêu tốn của Mỹ hơn 2.000 tỷ USD. Cuộc rút quân vội vã không khác gì một cuộc trốn chạy đó làm Mỹ bẽ mặt với chính quyền Afghanistan do Mỹ dựng lên, một chính quyền cùng Mỹ chiến đấu suốt 20 năm trời với hơn 66.000 binh lính và cảnh sát Afghanistan thiệt mạng.

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga tiến hành ở Ukraine vài tháng sau cuộc rút quân của Mỹ đã làm thế giới nhanh chóng quên đi kết cục thảm hại của cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, kéo dài suốt 20 năm ở Afghanistan. Không mấy ai còn nhớ đến cuộc rút chạy vội vã khỏi Kabul mấy tháng trước đó của Mỹ và nó sẽ chỉ còn lại trong những trang sách lịch sử.

Nhưng, hơn hết, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã cứu rỗi NATO khỏi tình trạng “chết não”, như nhận định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 11/2019. Đấy là một NATO đầy rẫy những vấn đề xung đột nội bộ và cả với Mỹ, khi ấy còn dưới thời Tổng thống Trump, một ông chủ Nhà Trắng tính tình khó đoán định và không ngừng bài xích vai trò của NATO. Do thái độ lạnh nhạt của ông Trump, NATO phải vật lộn với tham vọng tự định vị mình là một thế lực có chủ quyền và quyền tự quyết, trong khi vẫn cố gắng giữ Mỹ ở gần châu Âu nhất có thể.

Cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi tất cả!


Chẳng phải nhọc công, NATO đẩy đường biên của liên minh này đến sát nước Nga với việc bất ngờ đón nhận thêm hai thành viên Phần Lan, Thụy Điển có tiềm lực kinh tế-quốc phòng hùng hậu, có vị trí chiến lược về địa lý hết sức lợi hại. Trong khi Nga còn chưa đạt được mục tiêu ngăn không cho NATO đặt các hệ thống vũ khí tiến công trên lãnh thổ Ukraine (nếu nước này trở thành thành viên NATO) thì giờ đây, NATO đã có quyền thực hiện điều đó ở ngay cửa ngõ của nước Nga, trên lãnh thổ hai thành viên tương lai của mình.

Cuộc xung đột Ukraine cũng đã một lần nữa tập hợp các nước phương Tây lại dưới sự lãnh đạo của Mỹ, như đã từng xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thế giới chứng kiến sự thống nhất đáng ngạc nhiên của các nước EU, trước những tác động từ Mỹ sẵn sàng từ bỏ mọi hình thức của “quyền tự chủ chiến lược”, liên tục tiến hành các gói trừng phạt nhằm vào Nga cũng như đổ cả núi vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Kiev. Nhờ sự hỗ trợ liên tục và cực kỳ quan trọng đó từ Mỹ và các nước phương Tây, Kiev đã có thể đứng vững sau gần một năm chiến tranh không cân sức với Nga.

Chiến tranh càng kéo dài, không gian giao tranh càng mở rộng, mức độ ác liệt càng tăng lên thì cũng là lúc các tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ có thêm những thị trường màu mỡ, không chỉ ở châu Âu mà còn trên khắp thế giới. Có thể nói, cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại cho ngành công nghiệp quân sự của Mỹ một sức sống mới, với những khách hàng mới có tiềm năng vô cùng to lớn. Những đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, vô hình trung biến các nước châu Âu thành những khách hàng sộp bắt buộc phải mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ với giá cao, thay cho khí đốt giá rẻ của Nga. Nói không ngoa, cuộc chiến Ukraine đã mang lại nhiều việc làm và thu nhập cho ngành công nghiệp khí đốt của Mỹ...

Có thể nói rằng, cuộc chiến Ukraine đã làm lợi cho Mỹ đủ đường.

Những trung tâm quyền lực mới

Vậy, phải chăng, cuộc chiến Ukraine, do những tác động của nó, đã chính thức thiết lập một thế giới đơn cực?

“Những nỗ lực hiện tại nhằm thúc đẩy một thế giới đơn cực là điều “không thể chấp nhận” - đấy là tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin hồi tháng 9/2022. Đáng chú ý là ông V.Putin đưa ra tuyên bố này trong cuộc gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan.

“Nga và Trung Quốc sẽ sát cánh cùng nhau vì một trật tự thế giới công bằng, dân chủ, đa cực dựa trên luật pháp quốc tế và vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, không phải dựa trên một số quy tắc mà một nước nào đó đặt ra và cố gắng áp đặt lên quốc gia khác”, ông V.Putin làm rõ thêm.

Ở đây, ông chỉ ra một nhân tố khiến cho trật tự thế giới đơn cực theo định dạng sau Chiến tranh Lạnh khó có thể hình thành: Trung Quốc.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm biến dạng các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Giờ đây, Mỹ phải tập trung toàn bộ sức lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở châu Âu, không đủ lực để hướng vào một nhiệm vụ chiến lược cực kỳ quan trọng là kiềm chế sức mạnh kinh tế và quân sự đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Nga đều tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, sẽ phối hợp nỗ lực chung để xây dựng trật tự thế giới đa cực. Nói cách khác, ít nhất là thế giới có một cực là Mỹ, còn cực kia là mối liên kết giữa Nga với Trung Quốc chung lập trường đối lập với Mỹ trong việc hình thành trật tự an ninh quốc tế.

Hóa ra, cuộc chiến ở Ukraine không chỉ cố kết phương Tây lại với nhau mà còn thúc đẩy hình thành trục địa chính trị Moscow-Bắc Kinh, không nghi ngờ gì nữa, cũng sẽ có những tác động sâu sắc đến một trật tự thế giới mới.

Ấy là chưa kể hàng loạt trung tâm mới của một trật tự thế giới đa cực đang tiếp tục nổi lên: Các quốc gia đơn lẻ như Ấn Độ, Nhật Bản; các tổ chức khu vực như ASEAN, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)... Các trung tâm quyền lực mới này ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ lợi ích và đảm bảo chủ quyền quốc gia của họ (hoặc các thành viên).

Chính sự hình thành mối quan hệ Nga-Trung cùng sự hình thành những trung tâm quyền lực mới trên bản đồ địa chính trị thế giới sẽ khiến cho viễn cảnh về một thế giới đơn cực ngày càng trở nên xa vời, gần với hình bóng của một ảo ảnh. Không sớm thì muộn, các trung tâm mới của trật tự thế giới đa cực và phương Tây sẽ phải bắt đầu một cuộc trò chuyện bình đẳng về một tương lai chung, mà mấu chốt là phải loại bỏ nguy cơ nảy sinh những lò lửa khủng hoảng như đang xảy ra ở Ukraine.

 

Yên Ba

Nguồn: antgct.cand.com.vn
29 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.