Chuyên mục
Con đường của lịch sử đi qua châu Á

Con đường của lịch sử đi qua châu Á

Thứ sáu 06/01/2023 04:30 GMT + 7

Sự trỗi dậy trở lại của hai gã khổng lồ châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy con đường đi đến điểm cuối của lịch sử vẫn phải đi qua lục địa này.


Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Modi cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp thượng đỉnh của Khối BRICS. Photo: Reuters

 

Năm 1989, Francis Fukuyama xuất bản bài báo được trích dẫn rộng rãi có tên “Sự kết thúc của lịch sử?”. Fukuyama lập luận rằng sự tan rã của Liên Xô (cũ) là sự kết thúc của lịch sử hệ tư tưởng. Phần còn lại của thế giới chắc chắn sẽ đi theo con đường duy nhất còn lại: nền dân chủ tự do phương Tây.

Và để thúc đẩy các chế độ khác đi theo con đường của mình, phương Tây đã mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía biên giới Nga, tiến hành các cuộc chiến tranh lựa chọn trong thế giới Hồi giáo và làm suy yếu tinh thần của chính sách một Trung Quốc bằng cách tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc).

Chỉ riêng về mặt kinh tế, giới chính trị phương Tây đã chọn nhầm cuộc chiến. Nga là một trong những nhà sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới và Trung Quốc là nhà sản xuất công nghiệp lớn nhất và chủ nợ lớn nhất thế giới. Những người hưởng lợi từ việc tẩy chay Nga và chống lại Trung Quốc rất ít và hầu hết chỉ giới hạn ở các nhà sản xuất vũ khí.

Thay vì đạt được mục tiêu của mình là làm sụp đổ các chế độ của Nga và Trung Quốc, phương Tây chỉ thu về điều ngược lại: củng cố vị thế của Nga ở Nam bán cầu, dẫn đến việc chuyển hướng năng lượng giá rẻ của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ, tạo cơ hội cho Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chuyển sang sử dụng đồng Nhân dân tệ như một loại tiền tệ giao dịch quốc tế. Tất cả những điều này có nguy cơ dẫn đến xu hướng phi công nghiệp hóa một phần của châu Âu, chưa kể đến sự bất ổn xã hội và chính trị. Chỉ 25 năm trước, kịch bản này là không thể tưởng tượng được đối với những người tự cho mình là dân chủ nhất thế giới.

Xã hội hậu công nghiệp và xu thế tự lực

Daniel Bell, tác giả của cuốn sách mang tính bước ngoặt Sự xuất hiện của xã hội hậu công nghiệp (1976), đã dự đoán một xã hội sẽ dựa vào “kinh tế thông tin” hơn là “kinh tế hàng hóa”. Daniel Bell đã đoán trước được “nền kinh tế dịch vụ”, nhưng ông không thể lường trước được một hiện tượng mới: quay về nội địa.

Bell lập luận trong cuốn sách của mình rằng xã hội hậu công nghiệp sẽ chứng kiến sự lan rộng của “tầng lớp tri thức”. Những người lao động tri thức sẽ phụ thuộc vào việc mở rộng các dịch vụ trong lĩnh vực kinh tế và vào “một xã hội ngày càng phụ thuộc vào khoa học như một phương tiện để đổi mới và hiện đại công nghệ”.

Từ quan điểm của những năm 1970, lập luận của Bell có lý. Các công cụ điện và điện tử giúp chúng ta giảm bớt phần lớn lao động chân tay và công nghệ thông tin (CNTT) giảm bớt nhu cầu lao động trí óc. Con người làm việc hiệu quả hơn, tạo ra nhiều của cải hơn và có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, điều này sẽ thúc đẩy ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ và thông tin chỉ là một phần của câu chuyện. Trong nền kinh tế dịch vụ, con người vẫn cần ô tô, quần áo, TV, máy tính, điện thoại di động, tấm pin mặt trời và hàng loạt sản phẩm khác.

Và câu trả lời là toàn cầu hóa. Các công ty Bắc Mỹ và châu Âu, chỉ chịu trách nhiệm trước các cổ đông của họ, đã chuyển bộ máy sản xuất hàng nghìn sản phẩm sang châu Á để giảm chi phí. Hàng nghìn tỷ đô la chảy vào châu Á, dẫn đến thâm hụt thương mại ngày càng tăng trong khi làm suy yếu cơ sở công nghiệp của phương Tây. Ở đỉnh cao của làn sóng toàn cầu hóa, khoảng 80% sản phẩm được bán bởi các nhà bán lẻ như Amazon và Walmart được sản xuất ở châu Á, và phần lớn là Trung Quốc.

Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến xu hướng đảo ngược. Phương Tây đã xác định Trung Quốc là một đối thủ chiến lược, đồng thời những đứt gãy của chuỗi cung ứng gây ra bởi đại dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc quá lớn vào các “công xưởng” như Trung Quốc hay Ấn Độ là một rủi ro quá lớn. Và câu thần chú “toàn cầu hóa” của những năm trước đang được thay thế bằng xu hướng “tách rời”, “tập trung vào nội địa”, một phần của cuộc chiến kinh tế và ý thức hệ đang nổi lên giữa Đông và Tây.

Bên cạnh một thế giới lấy phương Tây làm trung tâm

Nhà tương lai học người Mỹ, Lawrence Taub, tác giả của cuốn sách Mệnh lệnh Tâm linh (2002), tuyên bố đã xác định được những đường đứt gãy văn hóa có thể giải thích xung đột đang diễn ra giữa Đông và Tây. Lawrence Taub đã phát triển một lịch sử vĩ mô dựa trên Varna, hình thức “lập hồ sơ tâm lý” lâu đời nhất thế giới, phát triển ở Ấn Độ khoảng 3.000 năm trước. Ý tưởng về Varna là một phần của lời tiên tri cổ xưa được mô tả trong kinh Vệ đà.

Varna xác định bốn nguyên mẫu con người với thế giới quan, lý tưởng xã hội và phẩm chất riêng biệt. “Tư duy thương nhân” vượt trội về hiệu quả, tổ chức và sự khéo léo của cá nhân, nhưng có xu hướng đặt lợi nhuận lên trên con người. “Người công nhân” xuất sắc trong làm việc theo nhóm và coi trọng sự đoàn kết nhưng có xu hướng tuân thủ và kém chủ động.

Trong lịch sử vĩ mô của Lawrence Taub, nguyên mẫu thương gia chiếm ưu thế trong xã hội phương Tây từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Nó cho phép thương mại và công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Tầng lớp cầm quyền của các thương nhân là những nhà tư bản, nhà tài phiệt và nhà công nghiệp hàng đầu. Trong thế kỷ XX, người lao động khẳng định quyền của họ. Tầng lớp cầm quyền của công nhân bao gồm các tổ chức lao động, các nhà kỹ trị và các quan chức. Họ yêu cầu đối xử công bằng hơn từ các chủ thương gia và đã thành công ở một mức độ lớn. Nhưng họ không thể phá vỡ sự kìm kẹp của thương nhân đối với quyền lực chính trị và kinh tế.

Lawrence Taub lập luận rằng cơ sở chính trị vẫn còn là nơi giam cầm của các thương nhân - các nhà tài chính và các tập đoàn công nghiệp và công nghệ lớn. Đến lượt mình, các chính trị gia giữ chân cử tri bằng cách gắn kết họ với các giá trị của người lao động như bình đẳng, nhân quyền và các nguyên nhân sinh thái, ngay cả khi thúc đẩy chương trình nghị sự của thương gia làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Nhìn trong bối cảnh mô hình của Lawrence Taub, cuộc đối đầu của phương Tây với Nga và Trung Quốc là một phần trong nỗ lực kéo dài quyền lực của các thương nhân. Điều đó làm cho Đông Á trở thành một đối thủ tự nhiên. Trung Quốc, giống như Nhật Bản và Hàn Quốc - là một quốc gia công nhân. Nước này có các giá trị của người lao động và vượt trội trong tinh thần đồng đội, một thuộc tính quan trọng của tư duy người lao động. Trung Quốc được hưởng lợi rất nhiều từ quá trình toàn cầu hóa do các thương nhân thúc đẩy, nhưng lại kiểm soát các thương nhân, cả trong nước và nước ngoài.

Bước đi của lịch sử

Nếu không xuất hiện những thiên tai không lường trước được, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế ưu việt của thế giới vào năm 2030. Ấn Độ theo sát phía sau. Quốc gia này đang công nghiệp hóa nhanh chóng bằng cách áp dụng chủ nghĩa tư bản làm việc theo nhóm theo cách riêng của mình. Trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ đã vượt xa Trung Quốc.

Vào giữa thế kỷ này, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ gần như ngang nhau một lần nữa. Trong phần lớn lịch sử được ghi lại, hai quốc gia này là những nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ bị Hoa Kỳ vượt qua vào cuối thế kỷ XIX. Sự tái xuất hiện của hai gã khổng lồ châu Á thực chất là sự trở lại quy luật lịch sử: lịch sử luôn đi qua châu Á.

Khi đã nhắm đến Trung Quốc như một đối thủ chiến lược, phương Tây sẽ tìm mọi cách để tránh làm phật lòng Ấn Độ, quốc gia duy nhất có thể tạo ra đối trọng với ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Ấn Độ sẽ trở thành một nhà môi giới quyền lực quan trọng giữa Đông và Tây. Họ sẽ trở thành quốc gia không thể thiếu của thế kỷ XXI theo nhiều cách.

Như Lawrence Taub lập luận, khi nhu cầu vật chất của hầu hết nhân loại đã được đáp ứng, Ấn Độ sẽ giúp thế giới thoát khỏi tư duy công nhân và thương gia “vật chất”. Ấn Độ có một kho kiến thức “tâm linh” sâu sắc. Điều đó giải thích sự hấp dẫn toàn cầu của các bài tập như yoga và thiền định. Vào cuối thế kỷ này, nếu không muốn nói là sớm hơn, thế giới sẽ vượt ra ngoài chủ nghĩa duy vật và hệ tư tưởng, nếu không muốn nói là hoàn toàn vượt ra ngoài lịch sử.

Quốc Đạt

Nguồn: daibieunhandan.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.