Chuyên mục
Du lịch đến nơi có đánh bom: Kinh nghiệm của các blogger nổi tiếng
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Du lịch đến nơi có đánh bom: Kinh nghiệm của các blogger nổi tiếng

Chủ nhật 04/08/2019 15:18 GMT + 7
Vừa qua, nhiều vụ nổ bom diễn ra ở thủ đô Bangkok, Thái Lan khiến cộng đồng mạng lo ngại về việc đi du lịch nước ngoài đến các quốc gia có tình huống nguy hiểm tương tự.

Trên group chia sẻ kinh nghiệm du lịch Thái Lan, một khảo sát đã được đặt ra cho những người theo dõi du lịch ở nhóm này, hỏi rằng “Bangkok vừa có 6 vụ nổ nhỏ thì sắp tới bạn có đi du lịch Thái Lan không”? Đa phần ý kiến trả lời sẽ đi vì đã lỡ mua vé, vì không sợ, vì đang đi du lịch bên Thái ở thời điểm Bangkok bị nổ bom nhưng không thấy sao cả. Một số ý kiến khác cho rằng nên tránh đi vào thời điểm này để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Khi đi du lịch, an toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu.

Du lịch an toàn là điều quan trọng đầu tiên

Chia sẻ với Thanh Niên, blogger Linh Trần (họa sĩ Trần Thùy Linh), người đã đi qua hàng chục quốc gia, tác giả của cuốn sách “Đi như tờ giấy trắng” vừa xuất bản gần đây cho biết: Khi đi du lịch, an toàn là điều đầu tiên cần phải cân nhắc. Vì thế, với những khu vực đang xảy ra nguy hiểm như đánh bom, động đất, sóng thần… thì nên cân nhắc đi vào dịp khác, thế giới này rộng lớn và có nhiều nơi rất đáng để đi. Đừng nên có tâm lý “chắc rủi ro nó chừa mình ra”. Với chị Linh, nếu như Bangkok đang có bất ổn thì chị sẽ chọn đi vào dịp khác.

Blogger Linh Trần, tác giả cuốn sách du lịch "Đi như tờ giấy trắng".

Theo chị Linh, nhiều du khách Việt Nam không có thói quen tìm hiểu kỹ thông tin về nơi mình sẽ đi du lịch, họ đều trông chờ vào công ty dẫn tour. Tất nhiên, công ty du lịch nào cũng muốn bảo vệ an toàn tối đa cho khách, nhưng nếu bạn không biết tự bảo vệ cho bản thân trước thì khi xảy ra sự cố, bạn sẽ bị thiệt thòi đầu tiên. Chẳng hạn khi đi đến vùng đất nguy hiểm Pakistan, chị Linh mới vỡ lẽ rằng các công ty du lịch châu Âu không tổ chức tour cho du khách đến đây, trong khi đó, một số công ty của Việt Nam vẫn tổ chức tour này.

Nếu vẫn muốn đi ở những địa điểm mà nguy hiểm có thể xảy ra thì làm thế nào?

Chị Linh cho biết: Người đi du lịch phải tự học những kiến thức về cách xử lý tình huống nếu có thiên tai hay đánh bom xảy ra. Luôn luôn theo dõi thông tin ở thành phố mình muốn đến lúc trước khi đi, sắp đi và đang đi. Muốn như vậy thì phải giỏi ít nhất một ngôn ngữ là tiếng Anh.

Phải có số điện thoại của đại sứ quán Việt Nam ở quốc gia mình sắp đi du lịch. Nên phô tô hộ chiếu của mình làm nhiều bản, để ở nhiều nơi. Trong ví nên có tấm ảnh của mình, mặt sau có ghi tên, tuổi, số điện thoại của người thân ở Việt Nam. Đặc biệt, nên có bảng xác nhận nhóm máu của mình do bệnh viện cấp (bằng tiếng Anh) để cùng với hộ chiếu trong người, phòng khi xảy ra sự cố, phải vào bệnh viện cấp cứu thì có thông tin cho bệnh viện xử lý. Bên cạnh đó, luôn luôn mua bảo hiểm du lịch, đừng tiếc số tiền mua bảo hiểm du lịch vài trăm ngàn.

Nên tránh xa khu vực nhạy cảm

Nhà báo Đức Liên, người đã tự đi một mình tới hàng chục quốc gia trên thế giới và thường xuyên cập nhật về hành trình du lịch trên Facebook cá nhân cho biết, người đi du lịch cần phải chú ý nhiều hơn khi đến các nơi có sự nhạy cảm về chính trị. Muốn vậy, người đi du lịch nên theo dõi tin tức quốc tế thường xuyên trước khi đi.

Nhà báo Đức Liên.

Anh chia sẻ: Luôn luôn giữ hộ chiếu bên người, tuyệt đối không được để mất. Phải ghi ra giấy số điện thoại của người thân ở Việt Nam, tốt nhất là nên có số điện thoại của người quen ở tại nước mình đi du lịch. Luôn có sim điện thoại 3G để kết nối Facebook, viber, Zalo với người thân, bạn bè từ xa, cũng như có số điện thoại của khách sạn nơi mình ở.

Nhà báo Đức Liên cũng nhấn mạnh cần phải mua bảo hiểm du lịch để đề phòng tai nạn, sự cố hay trễ chuyến bay.

Trên nhiều diễn đàn du lịch, những người từng đi du lịch nước ngoài chia sẻ thêm một số điều cần lưu ý như hạn chế đến chỗ tụ tập đông người trong thời gian quá lâu, không cầm đồ giúp người lạ, tránh xa những nơi diễn ra sự cố như bạo động hay địa điểm tôn giáo.

Giang Vũ
Nguồn: thanhnien.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.