Chuyên mục
Người Australia 'giàu' lắm
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Người Australia 'giàu' lắm

Chủ nhật 17/11/2013 02:19 GMT + 7
Australia chỉ có khoảng 23 triệu dân, nhưng tấm lòng của người dân “Xứ sở Chuột túi” đối với những người kém may mắn thì cao hơn gấp nhiều lần con số đó. 

Không hô hào khẩu hiệu, không hoành tráng phô trương, nhưng một điều đáng khâm phục tại Australia là người người làm từ thiện, nhà nhà làm từ thiện, một cách thầm lặng. Cuộc sống, với người Australia, có lẽ là một chuỗi những yêu thương, hay ít ra đó cũng là những điều họ mong muốn sẻ chia nhiều nhất.


Tấm thiệp Chúc mừng Giáng sinh từ Hội từ thiện. Ảnh: Đỗ Vân (Pv TTXVN tại Australia)

Niềm vui nhân đôi

Tôi thật bất ngờ khi nhận được tấm thiệp Chúc mừng Giáng sinh từ Hội từ thiện “Xe lăn cho trẻ em” (Wheelchairs fof kids) vừa gửi tới. Tấm thiệp được thiết kế theo phong cách riêng, độc đáo và vô cùng ý nghĩa. Lời chúc gửi đến và không chờ nhận lại, chỉ có thiện ý sẵn sàng giúp tôi chuyển quà Giáng sinh tới trẻ em khuyết tật các nước thông qua một số tiền hảo tâm để họ chế tạo xe lăn cho các em. Một niềm vui nhè nhẹ, một sự cảm động xen lẫn cảm phục trước cách làm từ thiện hết sức chuyên nghiệp của những tấm lòng vô cùng nhân ái.

Người Australia làm từ thiện ở mọi lứa tuổi, từ hết sức đơn giản đến cực kỳ bài bản. Trẻ em có thể làm từ thiện bằng cách mang đồ chơi, quần áo cũ tới bỏ vào những thùng từ thiện công cộng. Lớn hơn một chút thì có thể làm từ thiện ở trường học, nhà trường quyên góp đồ từ thiện (rất đa dạng, từ quần áo, đồ chơi đến sách, truyện, trang sức hay thậm chí cả lọ sơn móng tay, bút vẽ hóa trang...) đem bán vào dịp lễ hội nào đó để gây quỹ cho trẻ em nghèo. 


Công đoạn sản xuất xe lăn. Ảnh: Võ Giang (Pv TTXVN tại Australia)

Người lớn, thanh niên có thể phối hợp với hội, câu lạc bộ nào đó tự tổ chức một buổi quyên góp dưới rất nhiều hình thức, như bán vé vào xem chương trình văn nghệ, bán vé xuất ăn giao lưu... 

Penny Bedford, một phụ nữ ở Wollongong có tình yêu dạt dạt đối với Việt Nam đã từng đứng ra tổ chức một số buổi gây quỹ cho tổ chức Phẫu thuật nụ cười Việt Nam. Cô cho biết đã hai lần tới Việt Nam và nhận thấy những món quà nhân đạo như vậy có thể giúp thay đổi cuộc đời của các em nhỏ không may bị sứt môi, hở hàm ếch. Và cô hạnh phúc khi được chứng kiến sự thay đổi đó.

Có lẽ lực lượng làm từ thiện hùng hậu nhất ở Australia là người cao tuổi. Thói quen sinh hoạt tốt cộng với không khí trong lành giúp người Australia có sức khỏe rất dẻo dai ngay cả khi tuổi đã xế chiều. Quả thực khó có thể tìm thấy bậc cao niên nào ở Australia không đi làm từ thiện. 


Những chiếc xe lăn được gửi đến Việt Nam. Ảnh: Võ Giang (Pv TTXVN tại Australia)

Tôi đã tận mắt chứng kiến cơ sở từ thiện “Xe lăn cho trẻ em” ở bang Tây Australia với hơn 140 tình nguyện viên tuổi từ 70 trở lên, thay nhau đứng máy, lắp ghép... để hoàn thiện sản phẩm xe lăn gửi đi làm từ thiện. Ngợp cả phân xưởng là những mái đầu bạc, những đôi tay run run, những đôi tai nghễnh ngãng vì tuổi già và cũng vì nửa ngày phải nghe tiếng máy sản xuất. 

Vậy mà họ làm từ thiện 100%, từ khâu điều hành, quản lý cho tới sản xuất. Khi tôi ngỏ ý muốn phỏng vấn, ông Gordon Hudson, Giám đốc điều hành đã nhất trí ngay, nhưng nói được vài câu, ông xin phép giới thiệu nhân vật khác trong ban giám đốc phát biểu vì ông không phát âm rõ được khi chưa mang răng giả cho vài cái răng vừa rụng. Mắt tôi đã ngấn nước...

Nỗi buồn vơi nửa


Tác giả (trái) cùng cụ bà làm tình nguyện tại cơ sở sản xuất xe lăn. Ảnh: Võ Giang (Pv TTXVN tại Australia)

Tinh thần làm từ thiện của người Australia cao là vậy, nhưng mấy ai hiểu rằng những tấm lòng nhân ái đó cũng khao khát sự sẻ chia và tình yêu thương. Chúng tôi đã may mắn được hòa mình trong một buổi nghỉ ngắn giữa giờ làm của các cụ ở tổ chức từ thiện “Xe lăn cho trẻ em”. 

Đây là khoảng thời gian để các cụ ăn miếng bánh, uống ly trà và hàn huyên chuyện đời. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng các cụ bảo vui lắm khi thấy một vài sinh viên thường xuyên đến làm từ thiện cùng các cụ. Các bạn trẻ cũng xắn tay vào đứng máy, làm các khâu nặng như kéo, vác..., rồi nghỉ ngơi, chuyện trò cùng các cụ. 

Đây cũng là khoảng thời gian để các tổ chức, cá nhân đến đóng góp, hỗ trợ tiền hay vật chất để tiếp sức cho hoạt động từ thiện. Các cụ thấy vui, còn những người đóng góp tiền hay vật chất như chúng tôi sẽ thấy hạnh phúc.

Tôi gặp bà lão có mái tóc bạc như tiên trên bãi biển gần nhà vào một ngày mát trời. Như lâu không có người để nói chuyện, bà trút bầu tâm sự với người mới gặp lần đầu là tôi về nỗi buồn của người già ở Australia. Bà không sống cùng chồng con mà chỉ ở một mình. Gần đây bà phải phẫu thuật xương hông do bị ngã. Bà kể nhiều lắm về những mâu thuẫn gia đình, rằng con trai, con gái thương bà lắm, muốn đón bà về ở cùng nhưng bà ngại con dâu, con rể, làm phiền con cháu nên bà cứ ở vậy. Khi nằm bẹp trên giường, các con bà thuê người giúp việc đến hỗ trợ. Hiện bà đang luyện tập để đi lại bình thường và... tiếp tục tới thư viện để làm từ thiện.

Tôi cũng gặp nhiều lắm những ông già bà cả khệ nệ bưng từng thùng sách để bán và lấy tiền làm từ thiện trong một hội chợ sách. Họ tổ chức cả một hội chợ để làm từ thiện và cũng để tôn vinh văn hóa đọc, bao quát mọi khâu, từ dọn dẹp, bài trí, giới thiệu cho đến thu ngân. 

Tôi cũng gặp những mái đầu bạc cùng hát múa rồi phát phần thưởng cho trẻ em, có khi chỉ là một hình vẽ dán lên tay, tại những điểm vui chơi cho trẻ em hàng tuần. Tại những buổi chơi này, trẻ em chưa đi học có thể chơi thỏa thích cùng bố mẹ, được phục vụ ăn nhẹ, rồi có buổi liên hoan kết thúc “học kỳ”, được giao lưu để rồi học kỳ sau lại muốn tới. Chi phí đóng góp mỗi buổi cho mỗi trẻ là rất rất ít và ban tổ chức hoàn toàn là các cụ tình nguyện viên.

Giữa bộn bề cuộc sống, điều con người cần nhất có lẽ là sự yêu thương. Ở Australia tôi thấy nhiều nụ cười, vì ở biết bao nhiêu người làm từ thiện ấy, nỗi buồn đã vơi đi phân nửa. Nhà thơ Áo nổi tiếng Rainer Maria Rilke từng nói: Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều. Nếu là vậy, tôi nghĩ người Australia giàu lắm….!

Đỗ Vân(Pv TTXVN tại Australia)
Nguồn: baotintuc.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.