Chuyên mục
Cuộc giải phóng Hà Nội qua cái nhìn của nhân chứng Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cuộc giải phóng Hà Nội qua cái nhìn của nhân chứng Nga

Thứ tư 08/10/2014 03:02 GMT + 7
60 năm trước, khi Trung đoàn Thủ đô tiến về giải phóng Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp, trong số những người hân hoan đón chào đoàn quân có cả ba người Nga – những công dân Liên Xô đầu tiên trên đất Việt Nam DCCH.


Collage: Voice of Russia

 Đó là những chuyên viên điện ảnh được ban lãnh đạo Xô-viết phái tới nước Cộng hoà theo thỏa thuận với Chủ tịch Hồ Chí Minh để quay bộ phim nói về cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân Việt Nam. Cả ba người Nga này đều hiểu rõ, thế nào là chiến tranh. Trong những năm 30 của thế kỷ trước họ đã ghi hình ở Tây Ban Nha, nơi bao trùm ngọn lửa nội chiến, và ở Trung Quốc những năm tháng chiến tranh kháng Nhật, còn trong thời gian cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại cả ba đều tham gia vào trận chiến chống phát-xit Đức Quốc xã.

Hà Nội là giai đoạn cuối trong chuyến công tác của ba người Nga đến Việt Nam DCCH, kể từ sau khi họ vượt qua biên giới vào ngày 24 tháng Năm 1954, - sử gia Matxcơva Maksim Syunnerberg cho biết.

“Ba nhà điện ảnh xô-viết đã đi hàng nghìn cây số từ núi rừng chiến khu Việt Bắc vào vùng hậu địch Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Thái Bình, khi mà máy bay Pháp còn dội bom xuống đồng đất Việt Nam. Họ quay phim tại các trận địa của chiến sĩ QĐND Việt Nam, cảnh nông dân cày cấy trên cánh đồng, đến các công binh xưởng và quân y viện, trong rừng núi và những thành phố đã được giải phóng. Ống kính của những người Nga này đã ghi lại chân dung các anh hùng Điện Biên Phủ và những tù binh Pháp ở đó. Họ đã được gặp và có cuộc mạn đàm dài với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ông Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng. Các chuyên viên diện ảnh Liên Xô cũng tác nghiệp ở Hà Nội khi người Pháp rút khỏi thành phố và các đơn vị QĐND Việt Nam tiến về thủ đô”.

Với sự hỗ trợ của những thước phim đã quay, dòng sự kiện lịch sử trong những ngày tháng đó đã được tái hiện chi tiết trong bộ phim tài liệu và cuốn sách mà đạo diễn-tác giả là trưởng nhóm công tác, ông Roman Karmen.

Theo Hiệp định Genève, quân đội Pháp cần rút hoàn toàn khỏi Hà Nội vào ngày 09 tháng Mười và ngày 10 tháng Mười các đơn vị cơ bản của QĐND Việt Nam tiến vào tiếp quản thủ đô. Các chuyên viên điện ảnh xô-viết đã đề nghị cho phép họ tới Hà Nội từ mấy ngày trước đó. Trong khi chờ cấp giấy phép, họ đã được gặp vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội là ông Trần Duy Hưng. Ông đã kể cho các vị khách xô-viết những chi tiết khá buồn cười đã diễn ra trong Ủy ban hỗn hợp khi thảo luận chi tiết về thủ tục chuyển giao thành phố. Chẳng hạn, phía Pháp đã yêu cầu để các công an Việt Nam - những người vào thủ đô trước hết -, sẽ đeo trên cánh tay dải băng màu xanh da trời chứ không phải là màu đỏ. Rồi số chiến sĩ này cũng không nên đeo phù hiệu kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại diện Pháp đã rất cay đắng khi biết rằng các đơn vị quân đội Việt Nam sẽ tiến vào thành phố trên những chiếc xe hơi mang biểu ngữ "Vinh quang Điện Biên Phủ".

Sáng ngày 8 tháng Mười, sau khi nhận được sự đồng ý của ban quân quản Pháp, các chuyên viên Liên Xô và trợ lý-đồng nghiệp Việt Nam của họ đã đến Hà Nội. Họ thấy thành phố như thế nào trong những ngày đáng nhớ đó?

Trên các đường phố đôi lúc lại có những chiếc xe jeep và xe tải của người Pháp lao qua với tốc độ điên rồ, từng nhóm lính súng ống lăm lăm đi tuần tra. Nhưng những đường phố lớn ở trung tâm hầu như vắng vẻ không một bóng người. Nhộn nhịp hơn cả là vùng ngoại ô, nơi tập trung cư dân thợ thủ công. Ở đây ngày hội mừng giải phóng đã bắt đầu. Khắp nơi vang tiếng nói cười vui vẻ. Có bóng dáng một người lính Pháp bơ phờ đứng trên trạm canh, còn ngay đối diện với bốt gác là hiệu may nhỏ với mấy chiếc máy chạy xành xạch không ngừng - ông chủ hiệu và thợ làm việc luôn tay mà không đáp ứng xuể nhu cầu của khách hàng chờ nhận những lá cờ biểu tượng chiến thắng của đất nước. Từ cổng ngôi nhà có người Pháp sinh sống, vài chiếc xe tải chạy ra xếp đầy tủ gương, giường, máy lạnh, bồn rửa, những chiếc vali chồng chất ...

Hôm 9 tháng Mười, ngày rút lui của các vị thực dân cai trị để những nhóm đầu tiên của QĐND Việt Nam vào tiếp quản thành phố, người Pháp cấm cư dân Hà Nội không được ra khỏi cửa, cấm lưu thông tất cả các loại xe cộ. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng với chiếc xe chở các nhà điện ảnh Matxcơva, họ chạy xe trong sự bảo trợ của Ủy ban Kiểm soát Quốc tế. Sớm tinh mơ hôm ấy, họ đến trạm đầu tiên gặp các sĩ quan của cả hai bên ở phía nam thành phố. Giữa đường là những chiếc xe cắm cờ Việt Nam và cờ Pháp. Các sĩ quan thảo luận những chi tiết cuối cùng của khâu chuyển giao những khu vực đầu tiên là cửa ô thành phố. Và viên chỉ huy đoàn xe Pháp ra lệnh. Đoàn xe khởi động và tăng tốc chạy lên phía Bắc. Những cỗ xe chở bộ đội Việt Nam vượt qua giao lộ và di chuyển phía sau.

"Và ở đây đã diễn ra phép lạ, - Roman Karmen ghi nhận. - Con đường vắng vẻ phút chốc trở nên sống động. Còn chưa ngớt tiếng ồn của những cỗ xe thiết giáp đang lùi xa, thì đã mọc lên hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay lên những ngôi nhà. Và lập tức đường phố bỗng chật chội bởi đông đúc những người dân từ đâu ùa ra cổ vũ, la hét, vẫy tay, công kênh những đứa trẻ trên vai, người ta khóc, cười, hát vang vì vui mừng. Cùng với các quân nhân Việt Nam, xe chúng tôi đã thật khó khăn khi chậm chạp lách qua đám đông quần chúng hân hoan này”.

Đoàn quân Việt Nam cần qua ranh giới khu vực tiếp theo vào lúc 8 giờ sáng. Những nhà quay phim Matxcơva đã tới từ nửa giờ trước. Và một lần nữa, họ rơi vào khu phố hoang vắng. Rồi nửa tiếng sau, lại là cảnh phấn khởi tưng bừng! Đội tuần tra Việt Nam bố trí canh gác bảo vệ các cơ sở bưu điện, ngân hàng, dinh Toàn quyền, nhà máy điện và tòa thành cổ. Và rồi đến khu vực cuối cùng, tới đầu cầu Long Biên. Theo cây cầu này, từ chỗ chiến sĩ Việt Nam đầu tiên đến người lính Pháp cuối cùng chỉ cách một bước chân. Hà Nội hoàn toàn tự do!

Buổi sáng của ngày 10 tháng Mười thủ đô Hà Nội long trọng đón chào lực lượng chính của QĐND là Trung đoàn Thủ đô huyền thoại. Đoàn chiến sĩ vừa chớm vượt ranh giới vào thành phố đã chìm trong trận mưa hoa chào mừng không ngớt trong suốt cuộc diễu hành qua thành phố. Người Hà Nội hát vang, hô khẩu hiệu và vỗ tay rộn ràng chào đón đoàn quân giải phóng. "Nhân dân Việt Nam đã thắng chiến tranh bởi vì căm ghét nó", - tác giả Roman Karmen nhận định trong cuốn sách của mình.

Ngày 10 tháng Mười có thêm hai người Nga nữa đến Hà Nội, đó là các phóng viên từ Matxcơva của báo "Pravda" và "Komsomolskaya Pravda". Đến ngày 27 tháng Mười, Hà Nội tổ chức nghi lễ trọng thể đón vị Đại sứ đầu tiên của Liên bang Xô-viết tại Việt Nam DCCH.
Nguồn: vietnamese.ruvr.ru
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.